Sài
Gòn (NV) - Trong cuộc tiếp xúc với “cử tri” tại Sài Gòn, Nguyễn Minh
Triết, chủ tịch nhà nước CSVN tuyên bố: “Tham nhũng là vấn đề sinh tử
của chế độ và Ðảng. Vì vậy phải tăng cường quản lý, tăng cường giám sát
để công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả cao hơn”. Kể về cuộc
tiếp xúc này giữa Nguyễn Minh Triết với tư cách đại biểu quốc hội CSVN
với các “cử tri”, tờ Tuổi Trẻ cho biết: “Cùng với hai đại biểu quốc hội
khác là Trần Du Lịch và Nguyễn Ðăng Trừng, Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết
khẳng định, nếu không thành công trong công cuộc chống tham nhũng thì
đừng nói đến phát triển và tồn tại”.
Theo
thông lệ, những “cử tri” có cơ hội tiếp xúc “đại biểu quốc hội” cỡ chủ
tịch nước, tổng bí thư đảng, thủ tướng đều là “cốt cán” như cán bộ nghỉ
hưu, đảng viên chứ không phải dân thường.
Cuộc
tiếp xúc cử tri của chủ tịch nhà nước CSVN diễn ra một ngày sau khi
quốc hội CSVN than phiền về chống tham nhũng và lo ngại về sự bất bình
ngày một cao trong dân chúng. Báo điện tử VietNamNet tường thuật, từ
đầu năm đến nay, thanh tra chính phủ tiếp nhận 35,162 đơn thư khiếu
nại, tố cáo và xử lý được 34,382 đơn. Trong đó, 32% đơn đủ điều kiện,
66% đơn trùng lắp, còn lại là đơn không rõ địa chỉ, không rõ nội dung.
Các tỉnh, thành phố và ngành có nhiều công dân gửi đơn thư khiếu nại,
tố cáo là Sài Gòn (5,007 đơn thư), Bộ Tài Chính (7,073 đơn thư), Bộ Tài
Nguyên và Môi Trường (5,650 đơn thư...). Dựa trên những con số này,
Thanh Tra Chính Phủ CSVN nhận xét khiếu kiện đã “giảm” so với năm
ngoái. Tuy nhiên ông Lê Tiến Hào, phó tổng Thanh Tra Chính Phủ dự đoán: “Số lượng nhiều hay ít không thành vấn đề. Ðáng quan tâm hiện nay là khiếu nại kéo dài, bức xúc, vượt cấp, tiềm ẩn nhiều vấn đề trong thời gian tới”.
Ông
Nguyễn Văn Thuận, chủ nhiệm Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội CSVN lo âu vì
“số đơn thư khiếu nại tố cáo giảm không rõ nhờ xử lý tốt hay do người
dân không còn tin tưởng vào việc giải quyết của các cấp có thẩm quyền”.
Ông Lê Tiến Hào thừa nhận: “Tình trạng cán bộ, công chức lợi dụng chức
vụ quyền hạn, thiếu trách nhiệm trong công tác diễn ra nhiều nơi. Việc
thanh tra, phát hiện và xử lý chưa nghiêm minh, kịp thời”. Ông Hào giải
thích: “Cơ chế pháp luật của chúng ta có rất nhiều vấn đề. Cùng
một vụ, nơi này vận dụng luật này, nơi khác vận dụng luật khác, mỗi một
thời kỳ lại thay đổi nên ai cũng có lý. Cùng một dự án, năm ngoái, thu
hồi đất của tôi anh trả 10 nghìn, năm nay anh trả 20 nghìn”.
Trong
chống tham nhũng, năm ngoái, ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN, cam
kết sẽ điều tra, xét xử xong 8 vụ tham nhũng “nổi cộm” nhất nhưng đến
nay vẫn còn 2 vụ chưa đâu vào đâu.
Năm
2005, chính quyền CSVN ban hành “luật phòng chống tham nhũng”, trong đó
buộc cán bộ đảng viên từ trung ương tới địa phương phải kê khai tài sản
nhưng ngày 8 tháng, tờ Tuổi Trẻ dẫn báo cáo của Ủy Ban Tư Pháp Thuộc
Quốc Hội CSVN cho biết: “Ðến nay còn 26/43 bộ ngành trung ương và 56/63
địa phương chưa thực hiện xong việc kê khai tài sản, thu nhập. Việc kê
khai mới chỉ là cá nhân tự kê khai, chưa có các cơ chế xác minh, kiểm
tra, chưa có chế tài đủ nghiêm khắc xử lý những người có hành vi kê
khai gian dối, nhất là trong trường hợp tài sản tăng lên một cách bất
thường so với thu nhập mà họ không chứng minh được nguồn gốc.”
Tờ
Tuổi Trẻ còn dẫn nhận xét của chủ tịch Hội Ðồng Dân Tộc của Quốc Hội
CSVN là ông K'sor Phước để chứng minh việc chống tham nhũng chỉ ngừng
lại ở các tuyên bố: “Tôi thấy có hiện tượng nhiều giám đốc các sở,
ngành, lãnh đạo địa phương thi nhau mua nhà, đất ở Hà Nội, Sài Gòn. Có
những người không chỉ mua nhà vài tỉ đồng mà còn mua những căn nhà lên
tới vài chục tỉ đồng. Vậy chúng ta có dám khoanh vùng vấn đề này để tìm
hiểu, xử lý không?”
Ông
Lê Tiến Hào thú nhận, “đến nay mới có 34 cán bộ, công chức nộp lại quà
tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị với tổng giá trị trên 1,25 tỉ đồng”.
Không thấy những nhân vật như Nông Ðức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn
Tấn Dũng và các quan chức cao cấp khác của Ðảng và chính quyền CSVN nộp
lại quà tặng. Sau khi thôi làm tổng bí thư đảng CSVN, ông Lê Khả Phiêu
kể với báo chí rằng ông ta đã nhận rất nhiều “lẵng hoa” bên trong có
“giắt” hàng chục ngàn đô la. Còn những quan chức đương nhiệm, không bao
giờ họ được tặng quà (?)
Trên
số ra ngày 10 tháng 10, tờ Tiền Phong xác nhận: “Tâm lý phải hối lộ mới
được việc còn phổ biến”. Hồi Tháng Sáu, dư luận thế giới từng xôn xao
khi báo chí Nhật loan tin một số viên chức của công ty tham vấn dự án
xây dựng cầu đường PCI (Pacific Consultants International) bị chính phủ
Nhật tống giam vì hối lộ cho viên chức CSVN nhằm được giao thầu tham
vấn cho dự án xây dựng Ðại lộ Ðông Tây ở Sài Gòn. Những viên chức bị
bắt khai đã hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ, phó giám đốc Sở Giao Thông Công
Chánh Sài Gòn, số tiền $820,000. Họ cũng khai bị ép phải hối lộ 15%
trên tổng trị giá dự án và đã “điều đình” để được giảm còn 10%. Tuy
nhiên Huỳnh Ngọc Sĩ vẫn còn tại chức và chính quyền CSVN thì vẫn thản
nhiên tuyên bố: “Việt Nam đặc biệt coi trọng chống thất thoát, chống
tham nhũng trong sử dụng vốn ODA”.
Vào
dịp đó, ông Hồ Xuân Sơn, thứ trưởng Ngoại Giao CSVN còn khẳng định,
Việt Nam xem việc “chống tham nhũng là quốc sách và là một trong những
nhiệm vụ hàng đầu của đất nước”, theo đó, “mọi hành vi tham nhũng, đưa
hối lộ cũng như nhận hối lộ đều sẽ bị xử lý nghiêm minh theo đúng qui
định của pháp luật, không loại trừ bất cứ ai”.
Cũng
ông thứ trưởng này vừa khoe vừa trách chính phủ Nhật không bịt miệng
báo chí Nhật vì việc báo chí Nhật tự do loan tin về vụ tham nhũng này
là “không có lợi cho mối quan hệ hai nước”.
Một
viên chức của Quốc Hội CSVN là bà Lê Thị Thu Ba đã tuyên bố ngược lại.
Hôm 8 tháng 10, tại diễn đàn quốc hội CSVN, bà Ba nhận xét: “Việc xử lý
người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng còn nhiều lúng túng và có biểu
hiện nương nhẹ”. Theo báo cáo của Thanh Tra Chính Phủ CSVN, trong khi
tham nhũng xảy ra khắp nơi, chỉ có 40 trường hợp người đứng đầu bị xử
lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (xử lý hình sự 9 trường
hợp, xử lý hành chính đến 31 trường hợp). Bà đại biểu quốc hội này công
khai bày tỏ sự không hài lòng: “Vẫn còn tình trạng một số vụ việc đáng
lẽ phải được xem xét, kết luận rõ trách nhiệm của người đứng đầu nhưng
chưa được thực hiện hoặc việc xem xét, xử lý còn chậm, không triệt để”.