Thứ Ba, 2024-11-05, 8:36 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 12 » Cần những con người "phản nghịch" đích thực
7:39 AM
Cần những con người "phản nghịch" đích thực

 http://hoilatraloi.blogspot.com/2008/10/cn-nhng-con-ngi-phn-nghch-ch-thc.html

 

Trong một hội nghị văn học các tỉnh miền Trung tại Quảng Nam, Việt Nam, dưới sự chủ trì của Hữu Thỉnh – nhà thơ quan chức cấp cao của hội nhà văn Việt Nam – cùng một số "quan chức nhà văn" khác như Thanh Quế (hội Văn Học Nghệ Thuật Đà Nẵng), Nguyễn Tấn Sĩ, Tiêu Đình… (hội VHNT Quảng Nam)… Và một số nhà thơ, nhà văn thuộc các hội của các tỉnh khu vực miền Trung – Tây nguyên. Hữu Thỉnh, sau khi phát biểu một bài tham luận dài lòng thòng không đâu vào đâu, dẫn toàn chuyện trên trời dưới đất (không ngoại trừ Đạo Đức kinh của Lão Tử và một số vấn đề về "trách nhiệm của một nguời cầm bút với chế độ xã hội chủ nghĩa"…). Gần cuối câu chuyện, Hữu Thỉnh chuyển sang chuyện Hậu Hiện đại và giải Đại tự sự. Và vấn đề được nêu ra cũng dài lê thê, lộn xộn, chung qui ý Hữu Thỉnh muốn nhấn mạnh là không nên giải Đại tự sự vô sản, không nên theo Hậu hiện đại… Vì theo Hữu Thỉnh thì Hậu Hiện đại là "…Tiểu tự sự, là đau khổ, là nhấn mạnh vấn đề cá nhân, chủ nghĩa cá nhân, là tuyệt vọng… Các anh chị phải thừa biết một điều là cái hội nhà văn này ra đời là do đại tự sự xã hội chủ nghĩa tạo nên… các anh chị phải phục vụ xã hội chủ nghĩa…"

Tôi nhìn ra chung quanh cử tọa, thật sự là có nhiều gương mặt cũng sáng sủa ra phết, thậm chí có người còn có được cả bằng tốt nghiệp phổ thông trung học (đương nhiên là tuổi hơi cao, thuộc nhóm cán bộ hưu trí), bằng cử nhân (lớp này có trẻ hơn tí chút), và một số người có chính kiến hơn như Phạm Thông – ủy viên thường vụ tỉnh ủy Quảng Nam… Nhưng phần lớn thì ngồi nghe như vịt nghe sấm, không dám nói, nói nhỏ với nhau vừa đủ nghe hoặc không biết gì để phát biểu… Kể cả Phạm Thông, cũng phản đối những câu mà anh ta cho rằng Hữu Thỉnh "nói ngu" bằng cách giả bộ say rượu (và nếu có say rượu thật thì có khi lại tốt hơn cho Thông!), lè nhè nói năng, huơ tay múa chân, hết sức mất trật tự và không có gì để nói rằng anh ta đang dự hội nghị nhà văn…

Ngay trong vấn đề Hữu Thỉnh nêu ra (và có vẻ như định nghĩa) về chủ nghĩa Hậu hiện đại một cách hoàn toàn mù tịt, không có chút học thuật nào, nói như cha xứ đang giảng đạo trước bầy con chiên ngoan ngoãn vậy mà những con người được mệnh danh là nhà văn, nhà thơ kia lại ngồi im, câm như hến! Một vấn đề nhục nhã và mất nhân cách! (Sở dĩ tôi gọi đây là một sự mất nhân cách vì họ mang danh nhà văn, nhà thơ – kẻ đại diện cho tiếng nói dân tộc, kẻ phát biểu nhân danh con người…).

Tôi thử phân tích đôi chút về những phát biểu của Hữu Thỉnh, thứ nhất: giải đại tự sự nghĩa là đi vào tiểu tự sự, là đau khổ, là chủ nghĩa cá nhân, là tuyệt vọng… Ở đây, dường như Hữu Thỉnh không biết gì về Hậu hiện đại, vì nếu bảo Hậu hiện đại là đi vào chủ nghĩa cá nhân, đau khổ, tuyệt vọng thì dường như những thứ tâm lý ấy đã có ở hầu hết các chủ nghĩa, trào lưu nghệ thuật khác như Phục Hưng, Khai Sáng, Hiện Đại, Vị Lai… Lập Thể, Đa Đa, Trừu Tượng, Siêu Thực… Nói chung, đó là một thứ tâm lý – nằm trong tổng thể những tâm lý của con người mà người nghệ sĩ tùy vào cơ địa, tạng nghệ thuật của mình để sáng tạo, khai thác, quảng diễn… Đó không phải là đặc trưng của một chủ nghĩa, trường phái nghệ thuật.

Và trên hết, đặc trưng của nghệ thuật Hậu hiện đại không phải là những vấn đề Hữu Thỉnh nêu ra trước cử tọa. Vì sao? Thứ hai: Hữu Thỉnh "cho rằng" hội nhà văn là do đại tự sự xã hội chủ nghĩa tạo ra, phải phục vụ con người trên tinh thần xã hội chủ nghĩa… Đây không phải là một quan điểm học thuật (vì không có thứ học thuật nào lại mù mờ, ngốc nghếch như thế cả!) mà là một kiểu hù dọa chính trị, rằng ông phải ăn quả nhớ kẻ trồng cây (mà "đạo lý" ăn quả nhớ kẻ trồng cây vốn là sản phẩm của tư tưởng phong kiến, ngu dân, lẽ ra anh trồng cây phải nhớ đến kẻ ăn quả, anh phải tính đến khả năng tiêu thụ sản phẩm, sự linh hoạt của thị trường, giá trị của sản phẩm… Và không bao giờ được phép bắt người tiêu thụ phải thụ động, dựa dẫm vào sự ban phát, điều phối của anh theo kiểu bao cấp (một hành động phản lại loài người, cướp đi lòng tự trọng, cái tôi cá nhân…), càng không có nghĩa kẻ ăn quả phải nhớ ơn anh mà ngược lại anh phải biết nhớ ơn người đã ăn quả, nếu không có người tiêu thụ, anh trồng cây, lấy quả để làm gì? Vô nghĩa!), anh ăn cơm của nhà nước anh phải có trách nhiệm phục vụ nhà nước bằng tất cả khả năng anh có được…(?!).

Về vấn đề thứ nhất, Hữu Thỉnh đã không biết gì hoặc có biết nhưng lại đánh lừa những cử tọa vì lý do nhạy cảm nào đó như phục vụ chế độ, ăn nhiều "quả" rồi, không làm khác được…

Hữu Thỉnh đã không hề nêu ra hai chữ PHẢN TƯ, vấn đề mấu chốt của chủ nghĩa Hậu hiện đại, và có thể xem đó là trạng thái có tính phổ quát trong sinh quyển Hậu hiện đại. Một khi con người (không riêng gì nghệ sĩ) biết phản tư, biết suy tư về thân phận, ý nghĩa tồn tại và tự do thì mọi chuyện sẽ khác đi nhiều. Họ sẽ biết đặt ngược vấn đề về niềm tin của họ vào thứ đại tự sự đang chi phối niềm tin và số phận họ.

Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, nếu anh chỉ cần suy tư về tự do một chút thôi, anh sẽ thấy tởm lợm chế độ cộng sản độc tài, anh sẽ thấy mình chưa bao giờ được sống đúng nghĩa một con người, anh không có được cái quyền nào cả ngoài thứ quyền do nhà nước qui định (hoặc cái quyền anh không làm trái với những qui định của nhà nước…), anh sẽ thấy số phận con người dưới chế độ cộng sản chẳng khác nào thần dân phong kiến (chí ít là quyền sở hữu cái nơi chốn sinh sống tự nhiên của anh – quyền sở hữu – anh chưa có. Anh chỉ có quyền sử dụng đất lâu dài, nếu khi nào nhà nước cần trưng thu vào mục đích quốc phòng hoặc "phúc lợi xã hội" thì anh chỉ được phép đồng ý và nhận một khoản đền bù theo qui định của nhà nước, anh không được quyền thắc mắc hoặc phản đối nếu cảm thấy vô lý, bất công). Vì sao? Vì anh không có quyền sở hữu (cho dù đất đó là của cha mẹ anh để lại cho anh hoặc anh phải bỏ tiền ra mua lấy), anh chỉ có quyền sử dụng – một phần ba của quyền sở hữu – trong khả năng pháp luật cho phép! Quyền sở hữu, ít nhất cũng có ba thuộc tính căn bản như: quyền chiếm dụng, quyền sử dụng, quyền định đoạt. Nhưng ở đây, hai quyền còn lại nằm trong tay kẻ khác – nhà nước. Ngày xưa, mọi thứ của quí, đất đai là của vua, bây giờ là của toàn dân, do nhà nước quản lý. Không có chiêu lừa bịp, mỵ dân nào tinh vi như thế! Hữu Thỉnh đánh lừa con đen trong vấn đề Hậu hiện đại cũng có nguyên nhân, lý do của nó. Không biết có nên thông cảm cho một con người đánh mất lòng tự trọng như vậy hay không?!

Vấn đề thứ hai có tính nhân quả vấn đề thứ nhất. Vì anh đã ăn cơm của chế độ cộng sản, sống theo tôn chỉ của chủ nghĩa xã hội thì anh phải thực hiện đầy đủ những qui định, qui chế của nó… Đúng là hết chỗ nói, không có một con người nào dám đứng lên phản đối hoặc đặt câu hỏi phản biện. Vì sao? Vì sợ sệt, vì nghĩ rằng mình đã ăn bổng lộc từ nhà nước? Vì nghĩ rằng mình cần được yên thân? Không có thứ tư duy nào hổ lốn đến như vậy!

Ở đây, cần phải hiểu rằng nhà nước là một bộ máy do nhân dân lập ra nhằm phục vụ nhân dân trên mọi nghĩa. Và nhà nước tồn tại được hay không là nhờ vào niềm tin cùng với khoản tiền mà mỗi người dân phải đóng thuế hằng ngày để duy trì sự tồn tại của nhà nước, phải hiểu rằng nhân dân đẻ ra nhà nước và nuôi dưỡng nhà nước. Nhà nước tồn tại đệ bảo vệ bà mẹ (hay ông cha, ông chủ cũng không sai) Nhân dân – kẻ đã sinh ra, cưu mang mình… Không có ý nghĩa nào khác. Một khi nhà nước làm những việc trái ý, trái lòng nhân dân thì đó là hành vi của đứa con phản bội, đứa con phản lại loài người. Và tất cả những con người, những bộ phận hoạt động theo cơ chế của nó cũng là một thứ phản bội nhân loại. Ở đây, Hữu Thỉnh đã có hành vi, thái độ hù dọa, răn đe những người cầm bút, hướng họ đến mục tiêu phục vụ chính quyền cộng sản, đến chế độ toàn trị của nhà nước cộng sản Việt Nam, gieo vào họ thứ ý thức công thần, ăn quả nhớ kẻ trồng cây… Đáng tiếc là không có ai dám đứng lên phản đối và thể hiện sự hiểu biết cho dù ít nhất cũng là tôi không hề ăn cơm của nhà nước, đó là mồ hôi xương máu của nhân dân, nhà nước cũng đang sống trên mồ hôi xương máu của nhân dân giống như tôi, và hơn hết tôi cũng là nhân dân, một con người cần có tự do, muốn sống tự do và cần hiểu biết một cách khoa học, có nhân tính về hai chữ này!

Không có ai đứng dậy phản đối cả!

Qua một hội nghị ngắn ngủi nhưng lại có quá nhiều vấn đề nổi cộm, vấn đề trái khoáy như vậy, tôi mới hiểu ra rằng không nên hy vọng gì về những con người được gọi là đại diện tiếng nói của nhân dân kia. Họ không hề có khả năng cho thiên chức này. Và có lẽ do sống trong một nước nghèo, hoàn cảnh hậu thuộc địa, trải qua nhiều khốn khó, chiến tranh… Và trên hết là mới mon men bước đến đời sống hiện đại (trong khi những người dân các nước khu vực lân cận đã tiến bộ vượt bật từ lâu) nên chi họ thấy đây là thiên đường? Hoặc là đang được hưởng những thứ bổng lộc không thể đánh mất và không được phép đánh mất nên họ đâm ra làm ngơ trước mọi thứ mị lừa, bất công, phản bội nhân dân?

Tất cả những gì tôi nghe thấy thông qua hội nghị nhà văn các tỉnh Nam miền Trung (nằm trong chuỗi các hội nghị khu vực của hội nhà văn Việt Nam) và thông qua những trải nghiệm của một người dân dưới chế độ cộng sản Việt Nam làm tôi nhớ đến những niềm tin ngu xuẩn của giới võ sĩ (Samurai) dưới thời Thiên Hoàng Nhật Bản trước 1886. Con người không có ý niệm cá nhân, sự tồn tại và "hạnh phúc" của anh phụ thuộc vào chủ nhân… sống chết do lãnh chúa, tướng quân quyết định, vì những thứ y tôn thờ, y đã gây đổ máu, giết hại không biết bao nhiêu đồng loại, đồng tộc, nồi da xáo thịt. Và tôi cũng nhớ đến Khổng Tử với Tam Cương Ngũ Thường, Nhà vua bảo chết thì phải chết… Chỉ có những con người được sinh ra trong mông muội mới đủ khả năng làm điều đó. Chúng ta, những con người Việt Nam máu đỏ da vàng tóc đen mũi tẹt (đã có nhiều pha tạp, lai giống thông qua những cuộc xâm lược của thực dân, đế quốc…) sinh ra, lớn lên, và sống trong những năm đầu thế kỉ 21 nhưng lại có cách cam chịu, chấp nhận một "ý thức hệ tập thể" rất giống người xưa!

Và trên hết là chúng ta đang thiếu trầm trọng những con người phản nghịch đích thực, con người biết phản tỉnh, suy tư về thân phận và tự do, thấu hiểu về ý nghĩa tồn tại của một hữu thể - con người - trước thời gian và dám đứng lên nói tiếng nói của tự do, của con người theo đúng nhân tính của nó. Tôi vẫn tin rằng trên đất nước này vẫn còn những con người phản nghịch đích thực đang âm thầm làm nên vận mệnh của mình, của dân tộc mình. Một chế độ độc tài có thể bóp chết nhiều cá nhân, nhiều tập thể, nhiều thế hệ… Nhưng nó không thể bóp chết bản năng tự do, lòng tự trọng và lý trí nhận định đâu là ý nghĩa tự do của con người được. Mãi mãi…

Văn học Việt nam nói riêng và nghệ thuật Việt Nam nói chung sẽ chẳng bao giờ phát triển được, sẽ mãi mãi nằm quanh quẩn trong "vũng nước trâu chủ nghĩa" nếu như trách nhiệm, quyền điều phối hoạt động còn nằm trong tay những con người vừa nói trên đây. Cũng may là còn có những nhóm văn học hải ngoại và những nhóm văn học tiến bộ, dám đương đầu với những nguy hiểm từ phía nhà nước để nói lên tiếng nói tự do của mình… Nhưng những con người như vậy còn quá ít, quá mỏng trên nhiều nghĩa… Cần phải có một hành động giải trừ cụ thể, vượt qua những trì trệ lịch sử, vượt qua mặc cảm, vượt qua biên giới ngôn ngữ, ý thức hệ và quốc gia. Như vậy mới có thể hy vọng vào một nền văn học nghệ thuật Việt trong tương lai, một nền văn nghệ dân chủ đích thực!

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 723 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 262
Khách: 262
Thành Viên: 0