Vụ
sữa độc bị cho thêm hóa chất melamine đã trở thành điển hình cho cái
tật gian dối này. Melamine là một hóa chất kỹ nghệ mà đặc tính cần
thiết đối với những nhà sản xuất sữa ở Trung Quốc là có nhiều chất
nitrogen khiến cho khi thử sữa xem có đủ đạm chất của các loại sữa đúng
tiêu chuẩn thì lượng melamine sẽ giúp cho sữa đã bị pha loãng có đủ đạm
chất. Khổ một nỗi melamine là một hóa chất cơ thể con người không tiêu
hóa được thành ra khi ăn vào chúng tích tụ lại ở thận và bàng quang trở
thành sạn. Đối với người lớn sự việc này không đến nỗi nguy hiểm ngay
lập tức mặc dầu về lâu về dài có thể gây bệnh tật kể cả gây nên ung thư
bàng quang. Nhưng đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, việc này có
thể dẫn đến tử vong. Điều đau lòng hơn nữa là các nhà sản xuất như công
ty Tam Lộc (Sanlu) đã cho melamine vào loại baby formula cho trẻ em
dưới sáu tháng. Vì chỉ ăn sữa và vì trọng lượng còn quá ít, melamine
vào cơ thể sẽ dẫn đến nguy cơ suy yếu nhanh chóng của các em còn quá
nhỏ.
Tuần
rồi các viên chức y tế Thượng Hải loan tin là năm phần trăm trẻ em ở
thành phố đã bị bệnh vì uống sữa độc và có đến 10,000 em bé dưới ba
tuổi có dấu hiệu bị sạn thận. Tin này loan ra cùng lúc với việc Tổ Chức
Y Tế Thế Giới WHO cáo buộc Trung Quốc là cố tình che dấu cuộc khủng
hoảng này. Phát ngôn nhân của WHO ở Bắc Kinh tuyên bố “Vụ này đã bị làm
cho thêm trầm trọng vì những trì hoãn loan báo từ nhiều nguồn tin.
Những sự chậm trễ này có thể là một tập hợp của sự thiếu hiểu biết và
những cố gắng cố tình không loan báo.”
Ngay
chính báo chí nhà nước cũng loan tin là công ty Tam Lộc, một trong
những đại công ty của Trung Quốc được tín nhiệm đến nỗi sản phẩm của họ
không bị kiểm tra chất lượng, đã biết là trong sữa có chất melamine từ
tháng sáu năm nay. Nhưng mãi đến mùng 2 tháng 8 thì họ mới loan báo cho
chính quyền địa phương ở Thạch Gia Trang nơi họ đặt trụ sở chính.
Vì
lúc đó sắp đến ngày khai mạc, mặc dầu chính quyền địa phương có loan
báo về nhưng Bắc Kinh quyết định ếm chuyện này đi để chờ sau Thế Vận
Hội mới loan báo. Thành ra đến tuần lễ thứ nhì của tháng 9, sau khi
chính phủ Tân Tây Lan, mà Công ty Fonterra, hợp tác xã sản xuất sữa lớn
nhất có đến 43 phần trăm cổ phần trong công ty Tam Lộc, làm ồn lên, Bắc
Kinh mới công nhận. Giám đốc về an toàn thực phẩm của WHO, Jorgen
Schlundt, cho biết là Tam Lộc đã bán sữa bột với 100 phần trăm lần
melamine đậm đặc mà một em bé 11 lb có thể chịu đựng được.
Đến
đầu tháng 10 này, Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan thông tin chính thức của
đảng cộng sản Trung Quốc lại loan tin là phát ngôn nhân của chính quyền
Thạch Gia Trang nói là Đại công ty Tam Lộc đã yêu cầu giúp đỡ “lèo lái”
phản ứng của báo chí đối với vụ này khi báo tin vào ngày 2 tháng 8, chỉ
sáu ngày trước khi Thế vận hội khai mạc. Bức thư của Tam Lộc gửi cho
các viên chức ở Thạch Gia Trang có đoạn viết “Xin chính quyền làm ơn
gia tăng kiểm soát và điều phối báo chí để tạo một hoàn cảnh tốt cho
việc thâu hồi những sản phẩm có vấn đề của công ty. Việc này là để
tránh quấy động vấn đề tạo ra ảnh hưởng tiêu cực trong xã hội.”
Nhưng
trong khi báo Nhân Dân đăng tin này thì Tổ chức Phóng Viên Không Biên
giới- RSF cho biết chính Bắc Kinh đã ra lệnh cho báo chí không được
loan tin vì sợ ảnh hưởng đến Thế vận hội. “Nhiều nhà báo Trung Quốc cho
biết là ngày càng rõ chính quyền hồi tháng 7 đã ngăn cản việc loan báo
điều tra về sữa độc để nhằm tránh làm hoen ố hình ảnh của Trung Quốc
trước Thế vận hội,” một thông báo của RSF cho biết.
Hơn
thế, sau khi chấp nhận loan tin cho thế giới vì không giữ nổi bí mật
nữa, chính quyền nay bắt đầu làm một chiến dịch mới, ngưng không cho
bàn luận về vấn đề này trên internet, cấm báo chí làm ồn thêm nữa về vụ
sữa độc, và cấm các luật sư đại diện cho các phụ huynh đi kiện các công
ty sữa. Hơn thế, để lại một lần nữa che dấu sự thật, Tân Hoa Xã hôm thứ
tư vừa qua loan tin là một cuộc thăm dò dư luận cho thấy trên 60 phần
trăm dân chúng Trung Quốc vẫn tín nhiệm sữa Trung Quốc!
Bắc
Kinh đã vậy, Hà Nội cũng không khác. Chúng ta đã thấy trong vụ Tòa Khâm
Sứ và Giáo Xứ Thái Hà, chính quyền đã sử dụng báo chí để loan những tin
tức dối trá về việc Giáo Hội Công Giáo đòi trả lại đất cũng như xuyên
tạc lời tuyên bố của Đức tổng giám mục Hà Nội.
Mà
ăn gian nói dối quả đã thành tật. Hôm thứ tư vừa qua, báo Dân Trí ở
trong nước đăng một bài mang tựa đề “Ngoại hối nhà nước gửi ở nước
ngoài vẫn an toàn”, hẳn là có ý trấn an dư luận trong tình trạng khủng
hoảng tài chánh hiện nay. Theo bài báo, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Giàu trong một cuộc họp báo đã cho biết “dự
trữ ngoại hối nhà nước của ta chủ yếu gửi vào các ngân hàng quốc gia
của các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức và các tổ chức tài chính quốc tế (chiếm
82%).”
Đọc
đến đây hẳn ai có biết chút gì về hệ thống tài chánh thế giới đều không
khỏi bật cười. Các ngân hàng quốc gia của các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức,
nếu quả là ngân hàng quốc gia ,thì không nhận ký gửi dầu là của cá nhân
hay quốc gia. Còn các tổ chức tài chánh quốc tế thì lại càng không nhận
tiền gửi của ai cả.
Nhưng
vì quen tật gian dối, ông thống đốc ngân hàng nhà nước của Hà Nội hẳn
nghĩ là nếu ta nói là gửi vào ngân hàng tư nhân thì không ai tin tưởng
bèn nói là gửi vào các ngân hàng quốc gia, nghe rất chắc ăn.
Khổ
một nỗi vì gian dối thường quá nên không ai tin cả. Một nhà bình luận
trong nước khi đọc tin này bèn phê bình “Thôi chết rồi, chắc là cha con
đem tiền đi gửi lung tung mất nhiều lắm nên mới phải họp báo tuyên bố
lăng nhăng như vây.”
Thế mới biết ở đời gian dối thì dễ chứ giữ niềm tin khó lắm thay.
Toàn Chân