Thứ Tư, 2024-04-24, 10:43 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 12 » Tại sao báo chí Việt Nam im lặng?
10:28 AM
Tại sao báo chí Việt Nam im lặng?




Uyên My



1. Tại sao báo chí Việt Nam im lặng?




Những sự kiện lớn của xã hội thời gian gần đây đã không được các cơ quan báo chí chính thống Việt Nam phản ánh. Họ im lặng trước sự phẫn uất của hàng triệu người Việt, cả ở quốc nội lẫn hải ngoại. Trước sự chất vấn của Chứng nhân Lịch sử nhân danh tình bạn, nhiều nhà báo đã phải cúi đầu, nhưng vẫn không lên tiếng.

Cộng đồng internet Việt Nam đến hôm nay vẫn chưa quên hình ảnh cuộc biểu tình đòi lại đất đai bị chính quyền cưỡng đoạt của hơn 1500 người dân. Gần một tháng trời, những con người nhỏ nhoi ấy đã dầm mưa dãi nắng trước trụ sở Văn phòng II, Quốc hội Việt Nam (194 - Hoàng Văn Thụ - Phú Nhuận). Những người nông dân chân lấm tay bùn, những người già và em bé đã khản tiếng kêu gào trong đói khát, tuyệt vọng trước sự im lặng đáng sợ của chính quyền và của 702 tờ báo Việt Nam. Khi cuộc biểu tình đầy nước mắt ấy bị trấn áp, "thu dọn" trong bóng tối, những tờ báo lớn đồng loạt lên tiếng: "Người khiếu kiện đã tự giác trở về địa phương". Tiếp sau đó là cả một chiến dịch bôi nhọ những người dân oan, vu cáo họ là những kẻ gây rối, bị các phần tử phản động xúi giục... Trơ trẽn hơn, chính quyền đã vận dụng cả một hệ thống truyền thông dày đặt để đả phá cá nhân một tu sĩ Phật giáo, vu cho ông cái tội mua chuộc người dân biểu tình.

Những sự kiện mới

Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập cơ quan hành chính cấp huyện để quản lý vùng biển Tam Sa tức Nam Sa, Trung Sa và Tây Sa. Nam Sa và Tây Sa thực chất chính là Hoàng Sa và Trường Sa - vùng lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc Việt. Cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới nổi giận, tổ chức hàng loạt cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc. Tại Việt Nam, hàng trăm văn nghệ sĩ, trí thức đã xuống đường biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn. Người Việt ở Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đài Loan, bất chấp những khác biệt về chính kiến, đã đồng lòng đứng lên kêu đòi Trung Quốc trả lại đất, biển quê hương. Báo chí Việt Nam vẫn im lặng - một sự im lặng nhục nhã trong cảnh nguy biến của nước nhà, sự suy vong của một dân tộc.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam, ông Lê Dũng, vẫn ra rả ca bài "bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý". Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc, ông Lão Tần Cương, yêu cầu chính quyền Việt Nam nên có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn biểu tình, tránh làm tổn hại quan hệ song phương. Ngay sau lời "nhắc nhở" của Lão Tần Cương, các cuộc biểu tình của văn nghệ sĩ, trí thức Việt Nam đã bị các lực lượng công an, mật vụ, an ninh... Việt Nam trấn áp. Các văn nghệ sĩ, trí thức đã hăng hái tham gia cuộc biểu tình đòi chủ quyền dân tộc như nhà văn Trang Hạ, nhạc sĩ Tuấn Khanh, sinh viên Kim Duy, họa sĩ Trịnh Cung, nhà báo tự do Hoàng Hải, luật sư Bùi Kim Thành... đã bị chính quyền câu lưu, khủng bố dưới nhiều hình thức, kể cả chụp mũ phản động, xúi giục, cầm đầu...

Giữa đám đông những người con nước Việt đang kêu đòi công lý, lão nhạc sĩ Tô Hải đã điểm mặt những tên mật vụ, chỉ điểm Việt Nam bắt giữ người yêu nước. Cũng chính lão nhạc sĩ đã cho ta thấy một sự thực ngỡ ngàng: Cuộc trấn áp biểu tình của an ninh, công an Việt Nam được đặt dưới sự giám sát của nhân viên an ninh Trung Quốc. Trong cuộc họp bí mật của chính quyền TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM, Ủy viên Bộ chính trị, ông Lê Thanh Hải, người có nhiều quyền lợi kinh tế với Trung Quốc đã yêu cầu phải trấn áp mạnh hơn với những kẻ biểu tình và xem đó như là những cuộc tập dợt cho những đợt trấn áp lớn hơn và quy mô hơn.

Báo chí Việt Nam vẫn im lặng và tiếp tục im lặng, bịt mắt, bịt tai trước việc hơn 1500 linh mục, nữ tu, giáo dân Công giáo Việt Nam biểu tình tại Hà Nội đòi lại đất Tòa khâm sứ đã bị chính quyền cưỡng chiếm trong nhiều năm. Không một tờ báo nào đưa tin về trường hợp các văn nghệ sĩ bị câu lưu, thẩm vấn. Ngay cả một "nét son" của chính quyền Việt Nam trong cuộc tranh chấp biển Đông thông qua hành động triệu đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam đến để phản đối hành vi chiếm đoạt lãnh hải của chính quyền Trung Quốc cũng không một tờ báo nào tại Việt Nam dám nói. Cộng đồng cư dân mạng chỉ bết được điều đó qua bản tin của một tờ báo nhỏ tại Hong Kong, được BBC thông tin lại. Chính quyền Cộng sản Việt Nam xưa nay vẫn luôn rất biết cách PR cho mình vì sao lại không tung hô hành động vẻ vang và cao cả ấy? Phải chăng động tác triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối chỉ là triệu tập để năn nỉ như nhiều người hoài nghi?

Chiếc gông trên cổ

Các cơ quan ngôn luận Việt Nam gồm báo in, báo điện tử, đài phát thanh, truyền hình... từ nhiều năm nay vẫn tự sướng rằng mình đại diện cho tiếng nói của nhân dân, của dân tộc. Qua hàng loạt sự kiện, thực tế đã chứng minh đó chỉ là những lời xảo ngôn, bịp bợm. Báo Nhân Dân là tiếng nói của Đảng Cộng sản và Nhà nước bù nhìn. Báo Tuổi Trẻ là tiếng nói của Thành đoàn TP.HCM (mà ta đã biết qua việc cử người phá rối cuộc biểu tình ôn hòa của các tầng lớp dân chúng Việt Nam vừa qua). Báo Thanh Niên là tiếng nói của Hội Liên hiệp Thanh niên, cơ quan không hề có tiếng nói nào để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải. Báo Phụ Nữ là tiếng nói của Hội phụ nữ. Báo Người Lao Động là tiếng nói của Tổng liên đoàn lao động... Không có bất kỳ cơ quan truyền thông nào tại Việt Nam là tiếng nói của người dân. Chứng minh? Tiếng nói của hàng triệu trái tim Việt Nam trước cảnh nước mất, nhà tan không hề được vang lên trên báo.

Báo điện tử VietNamNet sau khi đăng tải bài viết của sử gia Dương Trung Quốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa đã phải lập tức bóc gỡ bài viết, chịu phạt 30 triệu đồng và nguy cơ Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn bị mất chức. Điều đặc biệt là hành động cử người tiến chiếm ghế tổng biên tập của ông Tuấn lại được thực hiện khi ông Tuấn đang có cuộc công du Hoa Kỳ. Báo Sài Gòn Giải Phóng cũng phải lập tức bóc gỡ bài viết nhỏ xíu của mình khỏi trang điện tử. Bài viết chỉ chứa ba chữ "bán cả biển". Những điều trên hùng hồn khẳng định một chân lý: Báo chí tại Việt Nam không hề có tự do và không phản ánh tiếng nói của dân tộc.



Trong Hội nghị tổng kết 8 năm thi hành Luật báo chí (ngày 24/12), ông Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Việt Nam cho biết sẽ thành lập thêm 3 cơ quan để "quản lý" và "giám sát" các cơ quan báo chí Việt Nam, để các cơ quan này đi đúng trên "lề đường bên phải" mà Cộng sản Việt Nam đã đề ra. Kể từ đầu năm 2008, truyền thông Việt Nam sẽ nằm trong cảnh một cổ bốn tròng mà cái tròng quan trọng nhất là Cục an toàn thông tin - nơi sẽ thẩm định độ "chính xác" (theo định hướng của Cộng sản) của mọi bài báo. Cũng trong hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó thủ tướng Việt Nam, nhấn mạnh rằng báo chí phải "Tránh việc thông tin tuy nhanh nhạy nhưng không đúng và không có lợi cho đất nước". Câu nói này giải thích nguyên nhân những cuộc bóc gỡ những bài báo đã xuất bản và những cuộc thanh trừng nội bộ trong các cơ quan báo chí khiến nhiều nhà báo phải ra dân và nhiều tờ báo không còn tính chiến đấu.

Cũng cần phải nhắc lại rằng chỉ vì đưa tin "không có lợi cho đất nước" như vụ báo chí viết về nạn tiền giả tuồng từ Trung Quốc sang, hàng hóa Trung Quốc kém chất lượng, có độc chất... mà nhiều tờ báo đã bị xử phạt từ 10 - 30 triệu đồng. Các phóng viên viết bài đã phải "giải ngũ" khỏi cơ quan báo chí. Sự kiện lớn nhất là cuộc trảm tướng tại Báo Tuổi Trẻ khiến hai phó tổng biên tập là Huỳnh Sơn Phước và Quang Vĩnh phải về vườn.

Khi báo chí Việt Nam không còn nói tiếng nói của người dân, của dân tộc, chúng ta phải là người lên tiếng.

UYÊN MY
Chứng nhân Lịch sử
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 793 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0