§ Phan Đức Vụ đòi đất của công giáo ở Hà Nội bị/được kết
thúc bằng việc xây dựng (đáng ghi vào sách kỷ lục) hai công viên, một ở
Tòa Khâm Sứ và một ở giáo xứ Thái Hà từ dự án ra đời gấp rút đến mức
không thể tưởng tượng được. Chỉ sau khi thực hiện hai công viên, giới
trí thức trong nước được đài BBC phỏng vấn. Có điều là mỗi cơ quan lên
tiếng với quan điểm cũng như giọng điệu khác nhau tùy theo vị trí và
nhu cầu. Còn một ông trí thức thiên tả VN. “nằm vùng” ở Pháp từ trước
1975 đến nay, chắc cũng có lý do thâm sâu nào đó đã nhảy vào “ăn theo”,
dù cố ý phán đoán cả hai bên cho có vẻ cân bằng nhưng thực sự, ông vẫn
để lộ ra sự thiếu công bình một cách kín đáo mà người dễ tin khó nhận
ra được.
Phải công nhận một vài trí thức XHCN cũng tỏ ra dám nói thật một cách thận trọng, tuy không phải “sĩ khí rụt rè gà phải cáo” thì cũng khá lắm rồi. Tiến sĩ Nguyễn Đức Truyến, thuộc Viện Xã Hội Học Hà Nội, phát biểu là “Thực ra, nếu người công giáo được hỏi ý kiến ngay từ đầu về việc xây vườn hoa, công viên, có lẽ họ đã đồng ý”. Ông cũng biết rõ chìa khóa giải quyết vấn đề nằm ở đâu khi viết “Tất cả chỉ là vấn đề thủ tục nhưng thủ tục lại là vấn đề dân chủ”.
Người thứ hai là Ts. Tô Duy Hợp, thuộc Viện Nghiên Cứu Truyền thống và Phát triển, đã khẳng định rõ ràng “Hai
bên đã có qúa trình chung sống lâu nay, nhưng ý thức hệ của nhà nước
cộng sản là ý thức hệ vô thần nên mâu thuẫn này là cực kỳ phức tạp”. Tuy nhiên, ông cũng biết đề ra hướng giải quyết qua câu “Có
thể có hướng trung gian hoà giải giữa chính quyền địa phương và giáo
hội công giáo. Con đường đó ở nhiều nước có thể thực hiện thông qua các
hội đoàn trong xã hội dân sự”. Nhưng ông cũng nhận ra được sự bất cập và khó khăn “Xã hội dân sự vẫn chưa phát triển ở khắp nước và đang gặp một số vấn đề về phát triển ở VN. ” Những ý kiến hiếm thấy trên đây của hai trí thức này dù sao cũng rất đáng trân trọng.
Ngược
lại, có một hai anh không theo trường phái “xoa” mà “đập” thẳng cánh,
tuy cố ý dùng chữ nghĩa để luồn lách lấp liếm hơi nhiều. Hãy đọc bài
của ông Nguyễn Minh Kiều “Chúa có cần đất không” (Đàn Chim Việt. com) để nghe giọng… thầy đời mà ông ta dùng để “giảng đạo” cho người công giáo “Đời
sống tôn giáo đích thực không bao giờ lệ thuộc vào vật chất, tài sản
bên ngoài. Cái nghèo của tin mừng không thể dừng lại ở mức từ bỏ hết
của cải thế gian mà còn đồng nghĩa với việc từ bỏ luôn cả ý niệm về
Thượng Đế”. Thật buồn cười cái cách “giảng đạo” cho người công giáo
là phủ nhận luôn Thượng Đế! Nếu ông cứ phát biểu cái suy nghĩ của cá
nhân ông thì chẳng đáng nói làm gì, đàng này nguy hiểm hơn, ông còn kéo
Phật giáo vào để tìm kiếm đồng minh hòng hậu thuẫn cho lý lẽ lỏng lẻo
(vì lạc điệu) của ông như thế này “Cái nhìn trung dung chỉ có khi
người quan sát không lệ thuộc bất kỳ một ý thức hệ nào, dù cho ý thức
hệ đó có thật sự thuộc về Thượng Đế. Nói theo nhà Phật là chỉ có cái
nhìn Như thị, cái lý trung đạo mới vén mở, khai nguồn chân tánh u tàng
ẩn mật trong lòng vạn pháp thế gian”. Đưa ra luận điệu trên xong,
lập
tức ông ta đã làm ngược lại, chẳng trung dung một mảy may nào. Trước
những ý kiến cực đoan để ngụy biện của Nguyễn Minh Kiều nào là “Ngay cả qủy dữ còn là đồng minh của công giáo thì chính quyền cộng sản làm sao tránh khỏi móng vuốt của Vatican”, nào là “Từ
sau năm 1954 cho đến nay, ít người có thể thấy được mối tương quan sống
còn giữa người công giáo và cộng sản. Có thể nói, nếu không có CS nắm
chính quyền, chưa chắc Kitô giáo phát triển như ngày hôm nay”(sic).
Ông Nguyễn Khoa Thái Anh đã bực mình mà viết “Nếu
chúng ta không thể chấp nhận tinh thần đa nguyên và bao dung thì có lẽ
chẳng bao giờ độc giả sẽ đọc được những triết lý trá hình, thoạt đầu
xem có vẻ chí lý nhưng thực sự chứa đựng trong nó một sự cổ vũ cho tội
ác được tồn tại và hoành hành trên đất nước nhỏ bé này”. Ông Thái Anh đã thất vọng kêu lên theo kiểu nghi vấn “Làm
thế nào chúng ta có thể đồng hóa ác qủy với đạo giáo, gian tà với thánh
thiện, không trừng phạt điều chân chính, ngay thẳng mà ban thưởng sự ác
và a tòng ?”!
Để đánh lạc hướng không cho ai chú ý đến lý
luận vừa khẳng định vừa phủ nhận kiểu “vừa la làng, vừa ăn cướp” của
chính mình, ông Minh Kiều “thanh minh thanh nga” là đứng về phe này để
chỉ trích phe kia là “trò chơi chữ nghĩa” nhưng ngay sau đó, trái lại
ông hợm mình lên lớp: “Đứng trên phương diện này thì công giáo VN
chỉ là phong trào trẻ con được ngụy trang, trá hình bằng nhiều hình
thức tinh ma xảo quyệt” (sic). Cuối cùng, ông không ngần ngại “lột mặt nạ” của mình ra bằng cách đứng hẳn về một phía “Chính
quyền giúp họ lấy (đất) đi để họ sống đúng tin mừng hơn, họ không biết
tự thẹn cám ơn chính quyền mà còn hô hào giáo dân chiếm lại bằng mọi
giá. Cái đó không là trẻ con thì còn là cái gì?”!!! Thưa ngài, Chúa
khộng cần đất, tất nhiên rồi nhưng con người thì cần. Cái lý lẽ của ông
ta, đúng như ông Thái Anh “giải mã”, là thuộc về triết lý trá hình!
Nếu
ở trong nước, trí thức buộc tự kiểm duyệt mà đi trên lề “Phải tuân
theo” (tuy người tử tế vẫn còn lương tâm để hạn chế việc hạ nhục người
khác qúa đáng nhưng cũng có kẻ hung hăng nhằm một ý đồ nào đó) thì ở
ngoài nước, ông Nguyễn Ngọc Giao cũng nhảy vào, tưởng ông làm… trọng
tài phân xử theo khuôn mẫu nước Pháp, cái nôi nhân quyền và là nơi ông
đi du học nhưng kỳ thực ông nhảy vào để…đánh hôi qua bài “Vụ Tòa Khâm: tại anh hay tại ai?” (Diễn Đàn 4-10-08). Ông viết “Bạn đọc sẽ tìm đọc 2 cách tường trình (hay đúng hơn, hai cách tuyên truyền xứng đôi vừa lứa trong sự lố bịch)…”.
Điều này có thể được hiểu là hai bên tranh chấp có tương đương lực
lượng và phương tiện, tuy nhiên ông cố tình quên là lực lượng hai bên
cực kỳ chênh lệch và phương tiện truyền thông của nhà nước CS có tính
chủ đạo, áp đảo và có khả năng chạy vào tai của 80 triệu con người
(cũng không chừng) thì bên công giáo mấy ai dễ dàng vượt được tường lửa
để vào đọc VietCatholic. Sau khi trích dẫn những lời tuyên bố thẳng
thắn của TGM Ngô Quang Kiệt trước mặt bá quan văn võ Hà Nội, trong đó
TGM Kiệt nói rằng công giáo không đòi những miếng đất đã xử dụng vào
việc công ích như Bệnh viện Xanh Pôn, trường Hoàn Kiếm, Bệnh viện Bài
lao, ông Ngọc Giao đã phê phán rằng “Lời tuyên bố này không nhất
quán với lập trường ‘Bảo vệ quyền sở hữu’ và tự nó làm mất cơ sở cho
đòi hỏi về số 42 Nhà Chung (cũng như về mảnh đất của Thái Hà)”.
Thật đúng là nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong! Khi chỉ đòi miếng
đất không được xử dụng vào việc chung, giáo hội công giáo đã có thiện
chí là muốn hạn chế sự đòi hỏi của mình thì ông Ngọc Giao lại dựa vào
đó để chê trách là Toà giám mục đã phản lại “lập trường ‘Bảo vệ quyền
sở hữu’ và tự nó làm mất cơ sở cho đòi hỏi về số 42 Nhà Chung” (?) Xin
đọc tiếp đoạn sau để biết ông ta nghiêng về ý hướng muốn đổ tội cho
phía công giáo ở Hà Nội hơn là nhà nước có đủ quyền lực toàn trị “Trong
vụ Tòa Khâm, có lẽ TGM Kiệt đã muốn lợi dụng sự sơ hở (hay vô văn hóa)
của quận Hoàn Kiếm, biến ngôi nhà này thành quán Karaoke và có những dự
định kinh doanh lố lăng để nhân danh “tự do tôn giáo” đòi lại nhà đất…”.
Trong thực tế, nơi này đã trở thành tụ điểm vui chơi hát hỏng làm huyên
náo cả không khí trang nghiêm của Toà giám mục từ lâu rồi nên TGM Kiệt
lên tiếng đòi đất chẳng lẽ không hợp lý hay sao mà ông phán là “muốn
lợi dụng” với lại “tự do tôn giáo”(vẫn chưa thực sự có ở VN).
Trước khi mỉa mai lần chót, ông Giao cũng cố tỏ ra mình cũng công bình như ai với yêu cầu cả hai phiá là “Cần
hơn cả thời gian là sự tỉnh táo để chính quyền từ bỏ thói quen áp đặt
và Tòa Giám mục chấm dứt sự lẫn lộn giữa tự do tôn giáo và phương pháp
Chí Phèo”!!! Chao ôi! Đúng là ngôn ngữ châm biếm của một nhà trí
thức thiên tả vừa … thâm niên vừa… thâm độc! Tôi gắng hiểu… thâm ý của
ông rằng phương pháp của Tòa giám mục là “nằm vạ”như Chí Phèo. Dĩ
nhiên, trước nhà nước toàn trị sẵn sàng dùng bạo lực chuyên chính thì
ai cô thế hay yếu thế cũng phải nằm vạ như Chí Phèo thôi, chứ không thể
làm gì khác được! Tôi thắc mắc tự hỏi sao ông ở… mẫu quốc Phú Lang Sa
mà không đề nghị nhà nước CSVN hành xử thế nào cho phù hợp với việc hội
nhập quốc tế giữa thế kỷ 21, chứ vẫn còn giữ cái thói “thượng cẳng tay,
hạ cẳng chân” với nhân dân như thế này thì nhục nhã qúa, đừng nên ngẩng
mặt nhìn thiên hạ!
Vụ đòi đất Tòa Khâm Sứ nổ ra vào cuối tháng
chạp năm ngoái sau 12 năm Tòa Giám mục làm đơn xin trả và ngừng hẳn sau
khi nhà nước hứa… miệng sẽ trả. Vấn đề không phải là TGM Kiệt “hớ hênh”
hay “nói khích không phải chổ” như ông Ngọc Giao suy diễn mà là niềm
tin bị phản bội, chính quyền nói một đằng làm một ngả nên “con giun xéo
lắm cũng quằn”. Tại sao như thế? Theo thiển ý của người viết, miếng đất
béo bở này đã được quan chức… chấm mút, do đó mà vụ đòi đất cứ nhùng
nhằng mãi, bên có quyền ỷ vào sức mạnh không chịu nhả ra để bên kia nãn
lòng mà bỏ cuộc. Hơn nữa, nếu trả đất cho công giáo thì nhà nước sợ sẽ
phải trả đất cho dân và cho cả tôn giáo khác. Nếu đất là sở hữu của
toàn dân, theo nhà nước cộng sản, thì tất cả mọi công dân phải nghiêm
chỉnh tuân hành chứ không thể chỉ cho cán bộ quyền sở hữu còn nhân dân
và tập thể (tôn giáo) không có quyền đó. Chính vì Pháp luật thiếu minh
bạch và công bình mà người công giáo buộc phải đứng lên đòi công lý, dù
họ chỉ là thiếu số! Giáo luật không phải là vấn đề tranh chấp ở đây để
thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên lớp Hội đồng giám mục VN nhằm đánh lạc
hướng sự chú ý của công luận!
(Tháng 10 năm 2008)
Phan Đức
|