Thứ Ba, 2024-11-05, 8:35 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 13 » Giữa tháng 10, Sài Gòn sẽ ngập nặng vì thủy triều dâng cao tới 1.46m
3:28 PM
Giữa tháng 10, Sài Gòn sẽ ngập nặng vì thủy triều dâng cao tới 1.46m
Sài Gòn (NV) - Ðài Khí Tượng Thủy Văn khu vực Nam Bộ vừa cảnh báo, đỉnh triều ở khu vực hạ lưu các sông Sài Gòn và Ðồng Nai sẽ lên tới 1.46m trong các ngày từ 14 tháng 10 đến 17 tháng 10.

Sau cảnh báo này Ban Chỉ Huy Phòng Chống Lụt Bão Sài Gòn đã gửi công điện yêu cầu UBND các quận, huyện tổ chức ứng phó, xử lý những rủi ro có thể xảy ra do triều cường (thủy triều dâng cao và sức nước mạnh bất thường). Nhiều khu vực tại Sài Gòn được xếp vào nhóm có rủi ro cao do triều cường là các quận: 12, Thủ Ðức, Gò Vấp, Bình Thạnh, huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn. Ngoài những khu vực này, các quận: 5, 6, 8, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân cũng là những nơi thường xuyên bị ngập nặng khi có triều cường và mưa lớn.

Hồi đầu tháng 10, Ban Chỉ Huy Phòng Chống Lụt Bão Sài Gòn đã công bố một thống kê, theo đó, trong mười năm qua, toàn Sài Gòn có 10,062 căn nhà thường xuyên bị ngập khi có triều cường và mưa lớn.

Tính từ năm 1997 đến 2007, thiên tai (mưa, bão, ngập lụt) ở Sài Gòn đã làm 13 người chết và mất tích, 3,965 căn nhà bị sụp, 7,619m bờ bao bị lở... Tổng thiệt hại khoảng 202 tỉ đồng.

Ðáng chú ý là theo Ban Chỉ Huy Phòng Chống Lụt Bão Sài Gòn, thiên tai ở Sài Gòn đang xảy ra với tần suất ngày một cao, đặc biệt tình trạng triều cường, mưa, bão kéo dài đã gây ngập úng, sạt lở trên diện rất rộng.

Trong ba tháng vừa qua, dân chúng Sài Gòn phải đối diện với tình trạng ngập lụt được báo chí mô tả là “ngoài sức tưởng tượng”. Trong đó có những đợt ngập lụt nghiêm trọng tới mức, gần như toàn bộ hệ thống giao thông ở Sài Gòn bị tê liệt (chiều ngày 1 tháng 8). Hồi đầu tháng 10, tờ Tuổi Trẻ dẫn một thống kê của Sở Giao Thông Vận Tải Sài Gòn, cho biết, thành phố này đang có 100 điểm ngập lụt và những hy vọng về viễn cảnh Sài Gòn sẽ thoát ra khỏi tình trạng ngập lụt được xem như đã tắt ngúm, bởi bây giờ, số người phải “bơi” ngay tại nơi mình cư ngụ như cư dân sống dọc đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh đang tăng đáng kể.

Dù chính quyền thành phố Sài Gòn đã thực hiện hàng chục dự án chống ngập nhưng tờ Tuổi Trẻ mô tả: “Cứ sau mỗi trận mưa kéo dài chừng 30 phút là Sài Gòn ngập nặng”. Tờ báo này cho rằng, không ai tin, trên thực tế, số lượng điểm ngập lụt chỉ tròn 100 như Sở Giao Thông Vận Tải Sài Gòn công bố.

Một loạt bài điều tra đăng vào đầu tháng 10 cho thấy, hàng ngàn tỉ đồng đã chi để hạn chế ngập lụt đã trở thành giấy lộn.

Khi bị chất vấn về việc tại sao đã chi quá nhiều tiền để chống ngập mà càng ngày Sài Gòn ngập lụt càng nặng nề, những viên chức có trách nhiệm đã thản nhiên giải thích, ngập lụt là vì... nước. Trước sau, những viên chức này vẫn nhất mực khẳng định hệt như ông Trần Quang Phượng, giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải rằng: Thực trạng ngập lụt tại Sài Gòn là vì mưa, triều cường và mưa kết hợp với triều cường.

Tuy nhiên theo giới chuyên môn, từ năm 2003 đến 2007, Sài Gòn rất dễ ngập, kể cả khi lượng mưa trung bình chỉ từ 30mm đến 40mm.

Những nhà khoa học từng khảo sát, nghiên cứu về tình trạng ngập lụt tại Sài Gòn khẳng định rằng: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập lụt càng ngày càng trầm trọng là vì quản lý yếu kém, thiếu viễn kiến và phản khoa học.

Giới khoa học nhận xét, bảo rằng ngập do mưa, do triều cường hay do mưa kết hợp với triều cường là né tránh “gốc” của vấn đề.

Một giảng viên Ðại Học Bách Khoa Sài Gòn tên là Hồ Long Phi, giải thích: “Hệ thống cống thoát nước của Sài Gòn vừa cũ, vừa xuống cấp, trong khi các dự án cải tạo không đáp ứng kịp nhu cầu thoát nước ngày một lớn vì dân số Sài Gòn tăng quá nhanh, đặc biệt là trong vòng mười năm qua. Ðiều này khiến lượng nước thải từ sinh hoạt, sản xuất tăng theo. Chủ trương đô thị hóa đã bê tông hóa bề mặt đô thị làm giảm khả năng thẩm thấu nước mưa qua đất. Chưa kể hàng ngàn héc ta đất nông nghiệp, kênh rạch bị san lấp để làm các khu công nghiệp, khu dân cư đã cắt đường thoát nước tự nhiên. Rồi những cao ốc mọc lên mỗi ngày một dày và tình trạng khai thác nước ngầm quá mức đã tạo ra hiện tượng bề mặt Sài Gòn bị lún khiến tình trạng cứ thủy triều lên là ngập càng ngày càng phổ biến. Chủ trương ‘công nghiệp hóa’ đã biến Sài Gòn thành một cái lò sinh nhiệt, khiến mưa ở thành phố này càng ngày càng bất thường”. Ông Hồ Long Phi khẳng định: “Xâu tất cả những nguyên nhân vừa kể lại, có thể khẳng định thủ phạm gây ngập trầm trọng ở Sài Gòn hiện nay chính là chủ trương đô thị hóa”.

Một tiến sĩ tên Lê Huy Bá, là viện trưởng Viện Khoa Học Công Nghệ và Môi Trường của Ðại Học Công Nghiệp Sài Gòn, cho biết: “Ngập lụt ở Sài Gòn là một vấn nạn nan giải. Càng chống, càng ngập. Phân tích kỹ thì nguyên nhân là do quản lý yếu kém, thiếu viễn kiến và phản khoa học”. Tiến Sĩ Bá phê phán: “Người ta say sưa với việc ‘đô thị hóa’ tới mức mất kiểm soát. Không phủ nhận Phú Mỹ Hưng là một điểm sáng về thiết kế đô thị nhưng việc ‘ăn theo’ khu đô thị này để ‘thừa thắng xông lên’, biến một vùng đầm lầy chứa nước rộng lớn phía Nam Sài Gòn thành một thành phố cao cấp, hiện đại là một quyết định chứa nhiều hệ quả khó lường”. (G.Ð)
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 979 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 156
Khách: 156
Thành Viên: 0