|
|
Luật sư bào chữa nói các quyết định tại tòa mới có giá trị cuối cùng |
Hai nhà báo Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ) và Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên) sẽ bị đưa ra xét xử ngày mai (14/10) giữa
lúc thân nhân của họ nói đang 'chuẩn bị tâm lý chờ phán quyết của tòa'.
Ông Phạm Hồng Hải, luật sư bào chữa cho nhà báo Nguyễn Văn Hải, cho hay việc tiếp cận hồ sơ vụ án “cũng bình thường như các
vụ khác”.
Ông nhấn mạnh rằng “theo cải cách tư pháp, các kết quả tranh luận và chứng cứ tại phiên tòa mới được coi là có giá trị nhất”.
Phóng viên Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến cùng hai cựu quan chức công an sẽ bị đưa ra “xử công khai” tại Tòa án Nhân
dân thành phố Hà Nội trong hai ngày 14 - 15/10.
Quanh phiên xử này, anh Nguyễn Tuấn, con trai nhà báo Chiến, cho BBC hay: “Gia đình không nắm được nhiều thông tin về quá
trình tố tụng nên chỉ biết chuẩn bị về mặt tâm lý. Chúng tôi chỉ biết chờ đợi thôi”.
“Luật sư nhiều lần tiếp xúc với gia đình, nhưng không thể nói được gì nhiều. Hy vọng mọi việc sẽ sớm kết thúc và bố tôi sớm
được trả tự do”.
'Lợi dụng quyền dân chủ'
Hai nhà báo bị bắt hồi tháng Năm và tội danh của họ vừa được chuyển thành “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm
phạm lợi ích của nhà nước” theo điều 258 Bộ luật Hình sự.
Nếu bị kết tội, hai nhà báo có thể phải nhận mức án từ hai đến bảy năm tù giam.
|
Các kết quả tranh luận và chứng cứ tại phiên tòa mới được coi là có giá trị nhất.
Luật sư Phạm Hồng Hải
|
Về kết quả vụ xử, luật sư bào chữa Phạm Hồng Hải nói: “Có rất nhiều vụ công tố viên đề nghị chung thân hay mấy chục năm
tù".
"Nhưng ra tòa, qua đối chất lại thấy không có tội, và tòa tuyên đã tuyên vô tội”.
Dù gia đình nhà báo Việt Chiến đã được đồng ý cho phép tham dự phiên xử, ông Nguyễn Văn Mạc, bố nhà báo Nguyễn Văn Hải, cho
biết gia đình vẫn đang chờ giấy mời của tòa án.
“Chưa biết là khi nào họ sẽ mời thân nhân đến tham dự. Vợ Hải đến văn phòng tòa án hỏi han tình hình còn bị quát. Chúng tôi
chỉ biết chờ đợi vào sự công minh của pháp luật thôi”.
Theo cáo trạng, ít nhất 25 phóng viên của các báo được yêu cầu ra làm chứng, trong đó có ký giả của các nhật báo lớn như Tuổi
Trẻ, Thanh Niên hay Lao Động.
Khi
được hỏi cảm thấy vui hay buồn khi cuối cùng hai nhà báo cũng được đưa
ra xử, nhà văn – nhà báo Võ Thị Hảo cho hay: “Tôi buồn vì đã xảy ra
chuyện. Nhưng tôi hy vọng vụ này được xét xử công khai nên mọi người có
thể nhìn thấy hai phóng viên sau rất nhiều tháng bị giam. Tôi tin là họ
vô tội”.
Báo chí im lặng
Bà Võ Thị Hảo, một trong những người mạnh mẽ bảo vệ hai nhà báo, nói vụ bắt giữ và truy tố họ đã khiến “báo chí chống tham
nhũng lâu nay im lặng rồi, không phải đợi cho tới khi hai nhà báo được đưa ra xét xử”.
|
Các phóng viên cũng phải rút ra cho mình một bài học nào đó để tránh đối mặt với những tình trạng tương tự.
Một nhà báo không nêu tên
|
Trong khi đó, một phóng viên không muốn nêu tên cho BBC biết cộng đồng báo chí trong nước đang quan tâm chờ đợi xem vụ án
được xét xử ra sao, và các cáo buộc được cân nhắc như thế nào.
Ký giả này nói: “Việc gọi các phóng viên theo dõi mảng nội chính lên thẩm vấn thời gian qua ảnh hưởng tới hoạt động nghề nghiệp
vì họ thường va chạm các vấn đề xã hội nhạy cảm”.
“Nhưng các phóng viên cũng phải rút ra cho mình một bài học nào đó để tránh đối mặt với những tình trạng tương tự.”
Một số tổ chức quốc tế, trong đó có Phóng viên Không biên giới, đã kêu gọi các thẩm phán hủy phiên tòa và thả hai nhà báo.
Tổ chức này nói: “Với việc đưa nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải ra xử, chính quyền đã chọn cách trả thù các nhà
báo đã đưa ra ánh sáng các vụ việc làm bẽ mặt cũng như mang lại tự do nhiều hơn đối với báo chí Việt Nam”.
Ngoài hai nhà báo, hai cựu quan chức công an cũng bị đưa ra xử đợt này.
Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc (nguyên Cục trưởng C14) và Thượng tá Đinh Văn Huynh (Điều tra viên cao cấp, Trưởng phòng 9 của
C14) bị khởi tố tội “cố ý làm lộ bí mật công tác”.
|