Thứ Ba, 2024-11-05, 8:56 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 14 » Bao giờ có công bằng trong kinh doanh xăng dầu?
8:13 AM
Bao giờ có công bằng trong kinh doanh xăng dầu?

TTO - Bao giờ giá cả xăng dầu trong nước theo kịp với giá xăng dầu thế giới là câu hỏi lớn nhất đối với người tiêu dùng hiện nay?... Đã thả nổi giá xăng dầu cho các doanh nghiệp tự quyết định nhưng người tiêu dùng vẫn chưa được hưởng những quyền lợi chính đáng của một khách hàng trong cơ chế thị trường. Tại sao? Người dân đang tự hỏi, và tự trả lời...
...........................................
* Ở thời điểm tháng 7-2008 giá dầu thô thế giới 147USD/thùng thì giá xăng trong nước của chúng ta là 19.000VND/lít. Vào 12-10-2008 giá dầu thế giới giảm xuống còn 77,7USD/thùng thì giá xăng trong nước chúng ta là 16.500VND/lít.
Vậy, người dân đặt một câu hỏi lớn. Nếu đột ngột giá dầu thế giớt tăng trở lại ngưỡng 147USD/thùng thì liệu giá xăng trong nước của chúng ta có còn 19.000VND/lít không? Hay theo sự so sánh bây giờ 77,7USD/thùng = 16.500VND/lít xăng A92, nếu giá dầu thế giới tăng lên 147USD/thùng = 31.500VND/lít xăng A92 (theo tỷ lệ thuận hiện có).
Kết luận: VN vẫn còn nằm trong tình trạng lẩn quẩn. Doanh nghiệp lỗ người dân bù lỗ, còn người dân thiệt hại ai bù lỗ ?
Nguyễn Thanh Tấn

* Khi giá dầu thô thế giới lên đến đỉnh điểm 147USD/thùng thì ngay lập tức giá xăng bán lẻ trong nước được điều chỉnh lên 19.000đ/lít và lúc đó chúng ta đưa ra lý do giá cả cần phải theo kịp với thị trường thế giới. Nhưng giá dầu thô thế giới hạ thì chúng ta lại chưa thực hiện, nguyên nhân tại sao? Và đó chính cũng là điều mà dư luận rất bức xúc, trăn trở.
Có một nghịch lý hiện nay đang diễn ra là người dân ở nước có thu nhập thấp thì phải mua hàng hoá giá ngang hoặc cao hơn các nước có thu nhập cao trên thế giới. Ngoài giá dầu bán lẻ hiện nay ở thị trường nước ta cao hơn nước Mỹ, thì còn nhiều mặt hàng tiêu dùng khác giá cả ở nước ta nằm ở mức cao ngất ngưỡng.
Ngành điện hiện nay đang xây dựng phương án giá điện của nước ta ngang bằng với giá điện ở các nước trong khu vực. Túi tiền của người dân Việt Nam rất khiêm tốn nhưng chúng ta phải chi tiêu mức giá của những nước giàu trên thế giới. Điều này chắc chắn sẽ làm cho đời sống của người dân Việt Nam ngày càng tụt hậu. Đã đến lúc Chính phủ cần xem xét lại chính sách điều hành giá cả của nước ta hiện nay.
Hoành Sơn

* Tôi nghĩ không có sự bình đẳng trong điều chỉnh giá xăng dầu. Điều này xuất phát từ sự độc quyền kinh doanh xăng dầu.
Trong lúc giá xăng dầu thế giới tăng ở mức gần 140USD/thùng thì giá xăng dầu trong nước tăng chóng mặt 4000đồng/lít. Hầu như mọi thứ đều đảo lộn và việc này ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân. Cho đến hôm nay khi giá dầu thế giới giảm đến còn phân nửa xấp xỉ mốc 75-80USD/thùng thì giá xăng dầu trong nước chỉ giảm nhỏ giọt.
Qua một số bài báo, một số cơ quan có thẩm quyền viện lý do này lý do nọ đại khái như hàng tồn nhập về chưa bán hết, không thể giảm nhanh được. Những lý do đó chưa thể gọi là thuyết phục. Bởi lẽ lúc xăng dầu tăng lên hàng ngày thì lượng hàng tồn kho trước đó anh vẫn còn, tại sao anh lại điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo sát nút với dầu thế giới 140USD/thùng, khoảng chênh lệch ấy sao anh không đề cập? Hôm nay giá dầu giảm anh lại đem ra đề cập. Không ai dại gì nhập dầu nhiều khi giá dầu tăng ở mức đỉnh điểm để đến nỗi hôm nay bán không hết để tồn kho.
Người dân không nói, điều đó không có nghĩa là họ không biết, không nhận ra mà họ đang chịu đựng và chờ theo dõi xem còn lý do nào nữa khi hàng tồn kho bán hết.
Nguyễn Gia Phong

* Mặc dù giá dầu thế giới đã giảm mạnh tuy nhiên giá xăng dầu trong nước chưa thực sự giảm ở mức đáng kể. Việc chờ các doanh nghiệp xăng dầu tự điều tiết giảm giá đang là niềm mơ ước của những người dân có thu nhập thấp. Nhưng chờ đến bao giờ ?
Theo tôi Bộ Công nghiệp nên có những biện pháp mạnh để các doanh nghiệp nhanh chóng giảm giá trong thời gian sắp tới. Hiện nay một số cây xăng tại khu vực Tây nguyên vẫn chưa giảm so với mức giảm do các doanh nghiệp đưa ra. Ngoài ra khi giá xăng dầu giảm thì cước vận chuyển cũng phải giảm theo. Hiện tại một số doanh nghiệp vận tải hành khách và các xe vận tải không thuộc doanh nghiệp vận tải vẫn thu cước đi lại của hành khách quá cao.
Trước đây giá dầu ở mức cao thì cước vận chuyển của xe chất lượng cao tính cho một khách hàng đi từ Thị xã An Khê đến Đăk Lăk chỉ có 60.000đ nhưng bây giờ khi giá dầu đã giảm dưới mức 80USD/thùng thì giá là 100.000đ. Theo tôi khi các doanh nghiệp đã điều chỉnh giá xăng dầu giảm thì Bộ Giao Thông Vận Tải cũng có biện pháp nào đó để các doanh nghiệp vận tải phải tính lại cước cho hợp lý kể cả vận chuyển hàng hoá.
Dương Hoài Thuận

* "Các chuyên gia dự báo giá dầu quý IV có khả năng sẽ lên tới 200 USD/thùng khiến các doanh nghiệp phải tăng số lượng dự trữ tồn kho để đề phòng đứt nguồn cung cấp vào cuối năm", tôi không đồng ý với câu nói này. Cái này mới là dự báo mà tại sao phải nhập với số lượng rất lớn như vậy? Dự báo chỉ là dự báo! Chính vì sự quản lí và nắm bắt không chính xác nên người tiêu dùng bức xúc như vậy. Người tiêu dùng không có lỗi thế tại sao bắt họ phải chịu. Doanh nghiệp kinh doanh có lời, có lỗ, tại sao lỗ bắt người tiêu dùng chịu, lời thì không nói gì?
dat
* Việc Chính phủ thả nổi giá xăng dầu trong tình hình kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng là hoàn toàn hợp lý. Thế nhưng để tạo một sân chơi công bằng và để người tiêu dùng được hưởng quyền lợi khi giá xăng dầu thế giới có biến động, thiết nghĩ Chính phủ cần chỉ đạo những ban ngành liên quan chịu trách nhiệm tham gia giám sát mọi chi phí cấu thành giá xăng dầu trong nước để đưa ra một mức giá hợp lý nhất (mức trần chẳng hạn). Vì giá xăng dầu ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ mọi hoạt động sản xuất trong nước cũng như giá cả các loại nguyên vật liệu khác.
vandung_thienan@

* Chúng tôi là những công chức làm công ăn lương, vậy nên cứ mỗi khi giá dầu thế giới tăng là lòng tôi thấp thỏm lo sợ, vì chuyện mưu sinh lương bổng mấy năm mới tăng được vài trăm ngàn đồng, mà giá cả thị trường tăng vùn vụt. Năm 2007 giá một dĩa cơm chỉ 7-8.000đ, vậy mà bây giờ đã tăng lên thấp nhất là 12.000đ. Khi giá xăng dầu giảm nhỏ giọt thì giá cả thức ăn cũng không hề giảm xuống. Vì vậy nên tôi rất mong chính phủ cân nhắc thật kỹ mỗi khi quyết định tăng giá xăng dầu.
Trần Văn Thơ

* Tôi đọc, suy ngẫm và thấy bài của tiến sỹ Nguyễn Văn Nam rất sâu sắc, có lý có tình, quy rõ trách nhiệm cho Tổ giám sát liên bộ Công thương - Tài chính. An ninh năng lượng là một vấn đề, nhưng tính minh bạch trong kinh doanh liên quan đến quyền lợi của triệu triệu người tiêu dùng cũng tối quan trọng. Nhìn biểu đồ tăng, hạ của giá xăng dầu nhập khẩu và giá bán cho người tiêu dùng trong nước, người dân dù ít kiến thức kinh tế cũng thấy rất rõ sự bất hợp lý.
Ở đây cơ chế độc quyền nhà nước đã quá ưu ái các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh lĩnh vực này. Nhìn chênh lệch giá nhập và giá bán (khoảng 5000đ/lít) thấy lãi ròng của các doanh nghiệp này quá lớn, không biết họ chía sẻ thế nào với người tiêu dùng !? Cần phải công khai hoá như tiến sỹ Nam đã đặt vấn đề.
Phạm Văn Họa

* Để DN tự quyết định giá xăng theo cơ chế thị trường là điều tất yếu, nhưng với những gì mà DN thực hiện vừa qua làm cho người tiêu dùng không khỏi bất bình và nghi ngờ cái quyền mà Nhà nước vừa ban cho họ. Nếu tôi nhớ không lầm thì chỉ sau vài ba ngày khi xăng thế giới lên giá là ta... nhanh chóng lên theo (dù rằng ngân sách cũng còn đang bù lỗ). Nhưng nay xăng dầu trên thế giới đã liên tục giảm mà sao các DN vẫn im re, có chăng chỉ là cách giải thích luôn có lợi cho DN. Có phải do DN luôn nắm đằng cán, nên muốn lên thì lên, muốn xuống thì xuống?
Đã vận hành theo cơ chế thị trường thì đương nhiên đòi hỏi ở DN trình độ quản lý, nắm bắt và tiên đoán tình hình thị trường thế giới, lời ăn lỗ chịu, chứ không thể hễ lỗ là bắt người tiêu dùng chịu, còn lời là hưởng, Theo như nhiều tính toán, mỗi lít xăng hiện nay DN đã lời ngót nghét 2000 đồng, đây là một món lời khổng lồ mà DN đang bỏ túi, lẽ nào Nhà nước làm ngơ để người tiêu dùng phải chịu thiệt còn DN thì cứ phởn phơ? Thiết nghĩ nhà nước phải ra tay điều chỉnh, tôi có cảm giác nhà nước trao quyền này hơi sớm, và không có ràng buộc nào chặt chẽ.
Nguyễn Toàn

* Khi tăng giá từ 14.500 đồng lên 19.000 đồng, người ta cũng đưa ra lý do hợp lý, sau đó lại giảm nhỏ giọt bất chấp trên thị trường dầu thô đã giảm mạnh cũng đưa ra lý do hợp lý. Rồi bây giờ khi đã theo cơ chế thị trường, giá dầu thô giảm xuống mốc 90 USD/thùng rồi người ta vẫn có lý do hợp lý để không giảm giá xăng trong nước.
Sở dĩ nó hợp lý bởi vì Việt Nam thường lựa chỗ nhập giá thành phẩm xăng dầu cao hơn giá bình thường để nước ngoài giàu mà dân mình chịu thiệt. Hợp lý bởi vì chỉ có khoảng 10 công ty (hầu như của nhà nước) là được quyền nhập và phân phối xăng dầu. Hợp lý vì xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, có vị thế độc quyền không giảm cũng không mất khách hàng, không giảm cũng không lo bán không được hàng.
Tự định giá theo cơ chế thị trường, nhưng với vị thế độc quyền doanh nghiệp dại gì mà giảm nhiều. Theo cơ chế thị trường để cạnh tranh nhưng chỉ có 10 doanh nghiệp, ai cạnh tranh với ai, chưa nói phần lớn là sở hữu nhà nước? Mà nếu có doanh nghiệp nào giảm giá thì chắc gì người tiêu dùng đã tiếp cận được. Ví dụ các cây xăng thuộc công ty ở Gò Vấp giảm thì người dân ở Q7 không thể chạy qua đó đổ xăng rồi chạy về?
Cách lý giải của nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện nay là do họ đang bán lượng xăng đã nhập từ 15-20 ngày trước, lúc đó giá cao nên giờ bán không lời nhiều. Nên không thể giảm. Tôi đồng ý. Nhưng xin hỏi ngược lại các vị là nếu 15-20 sau giá dầu thô lại tăng lên thì các vị có giảm giá xăng bán vì hàng còn tồn kho không? Bởi vì lượng xăng dầu đang bán lúc đó là giá nhập về của ngày hôm nay (đang giá thấp). Và dĩ nhiên các vị nói là không. Lúc đó các vị lại nói giá dầu đang tăng lại, nên không thể giảm giá. Và hàng ngàn lý do chính đáng khác nữa như tăng mức chiết khấu cho các đại lý...
Ngoài ra, có một điều khiến nhiều người dân bức xúc là dầu khí tài nguyên của quốc gia của nhân dân đang được khai thác bán giá cao, doanh thu tăng vọt, nhà nước thu hết về ngân sách. Đáng lý nguồn thu từ tài nguyên này phải lấy bù lỗ một phần giá xăng cho dân là hợp lý. Bởi vì giá xăng dầu thành phẩm tăng thì doanh thu dầu thô của Việt Nam cũng tăng gần tương ứng. Sao lại có việc ngân sách bù lỗ không nổi? Nay đã không bù lỗ lại nâng thuế nhập khẩu xăng?
Nguyễn Đình Duy
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1019 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 544
Khách: 544
Thành Viên: 0