Chủ Nhật, 2024-12-22, 2:19 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 14 » Sông Mê Kông hấp hối, người nghèo lâm nguy
1:35 PM
Sông Mê Kông hấp hối, người nghèo lâm nguy

Kiếm sống trên một nhánh nhỏ của sông Mê Kông ở khu vực thuộc huyện Tam Nông, Ðồng Tháp.

ÐBSCL (NV) - Việc xây dựng hàng loạt đập thủy điện trên dòng chính của sông Mê Kông (một trong những con sông lớn nhất trên thế giới, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Lào, Miến Ðiện, Thái Lan, Cambodia và đổ ra Biển Ðông ở Việt Nam), đang tác động tiêu cực đến cuộc sống của 60 triệu cư dân và môi trường sinh thái của bốn quốc gia (Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam) nằm trên hạ lưu của con sông này. Trong đó, Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Khai thác sông Mê Kông là vấn đề đã và đang gây tranh cãi gay gắt đối với các quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông.

Hàng trăm đập thủy điện đã, đang và sẽ được xây dựng trên các nhánh phụ của dòng sông này. Mới đây, khi Lào và Cambodia khởi động lại chương trình phát triển các dự án thủy điện trên dòng chính tại khu vực hạ lưu, cộng đồng quốc tế đã liên tục cảnh báo hai quốc gia này và chủ đề này tiếp tục được tranh luận sôi nổi tại hội nghị tư vấn vùng về phát triển thủy điện Mê Kông do Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua tại Vientiane (Lào).

Các thống kê được công bố tại hội nghị kể trên cho biết, việc xây dựng các đập thủy lợi trên dòng chính sông Mê Kông đang đe dọa nghiêm trọng đối với cá và nghề đánh cá ở lưu vực sông Mê Kông - con sông có sản lượng cá lớn nhất thế giới với 2.5 triệu tấn/năm, tổng giá trị tương đương 3 tỉ USD.

Tiến Sĩ Chris Barlow, quản lý chương trình thủy sản thuộc MRC, nhận xét, đập và hồ chứa là những chướng ngại vật đối với sự di cư của các loài cá trong tự nhiên. Ðặc biệt, một số loài có giá trị kinh tế cao như: cá lăng sợi, cá tra, cá ba sa,... Những loại cá này thường di chuyển lên thượng nguồn để đẻ trứng, sau đó cá con bơi xuống cuối nguồn kiếm thức ăn và sinh trưởng trong những vùng đồng bằng ngập lũ. Khi dòng chính bị chắn ngang bởi các đập thủy điện, hành trình di trú của cá buộc phải thay đổi. Chúng phải bơi xuyên qua các động cơ (turbine) và chết hàng loạt. Vì thế, việc xây đập đã làm giảm khả năng sinh sôi của các loài cá, khiến sản lượng thủy sản giảm đáng kể.

Ông Nguyễn Văn Trọng, viện phó Viện Nghiên Cứu Nuôi Trồng Thủy Sản 2, cho biết: Những con đập lớn còn tác động tới thủy văn, nghĩa là tạo ra những thay đổi về quy mô, thời gian và thời điểm của mức lũ xuất hiện tự nhiên vào giữa tháng 5 và 11 hàng năm ở vùng hạ lưu. Lũ vốn được xem là “tài nguyên” cho ngành nuôi trồng thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Nếu mức lũ thấp, thời gian ngập lụt ngắn sẽ làm thay đổi tập tính đẻ trứng của cá, có thể phá vỡ quy trình di cư và sinh sản của các loài thủy sinh, ảnh hưởng tới sản lượng cá.

Ðến nay, sau nhiều hội nghị, vẫn chưa có biện pháp nào thật sự hiệu quả để hóa giải tận gốc tác động tiêu cực của các đập thủy điện đối với nghề cá.

Tiến Sĩ Patrick Dugan, chuyên viên của Trung Tâm Cá Thế Giới, cho rằng, không thể đem mô hình “cầu vượt” cho cá (fish ladder) ở Châu Âu và Mỹ áp dụng cho các nước tiểu vùng sông Mê Kông vì chủng loại cá trên dòng sông này quá đa dạng. Những ý kiến cho rằng việc xây các đập sẽ tạo ra những hồ chứa phục vụ nuôi trồng thủy sản là không đúng đắn. Các số liệu kỹ thuật cho thấy hồ chứa hình thành từ những đập dự kiến được xây trên dòng chính hạ lưu sông Mê Kông là những hồ chứa nhỏ. Do đó, có thể thấy trước rằng nghề cá ở đây sẽ khó phát triển và không thể nào sánh bằng sản lượng đánh bắt từ nguồn cá sông truyền thống.

Mới đây, tờ Người Lao Ðộng đã cử phóng viên đi dọc hạ lưu sông Mê Kông để thực hiện một phóng sự về khu vực hạ lưu của con sông này. Ông Luern Phong Saly, một ngư dân 61 tuổi, ngụ ở thác Khone, thuộc tỉnh Champasak (Lào), kể: “Kênh Houa Sahong là điểm tập trung luồng cá di cư lớn nhất trên sông Mê Kông vì nó là ‘độc đạo’ cho các loài cá di trú từ hạ lưu vượt qua thác Khone để lên thượng nguồn song nguồn lợi tự nhiên này sẽ biến mất vì nó sẽ bị ngăn lại để xây dựng thủy điện Don Sahong (công suất 360 MW)”. Năm ngoái, khoảng 30 nhà khoa học đã cùng kỳ tên trong một lá thư kêu gọi MRC và các quốc gia ở lưu vực sông Mê Kông lưu tâm đến các bằng chứng khoa học về tác động tiêu cực của đập Don Sahong đối với cuộc sống của ngư dân nhưng điều đó không hiệu quả.

Tại Cambodia, đập Sambor sắp xây dựng ở tỉnh Kratie sẽ chặn đứng đường di trú của luồng cá từ Tonle Sap (Biển Hồ) ngược lên thượng nguồn sông Mê Kông, đe dọa hủy diệt ngư nghiệp, ngành đóng góp tới 12% GDP của quốc gia này.

Khi các dự án thủy điện trên dòng chính của sông Mê Kông trở thành một sự hứa hẹn hấp dẫn về tài chính đối với chủ đầu tư, “cuộc chiến” giữa một bên là phát triển nghề cá có tính ổn định, lâu dài, giúp bảo vệ và đa dạng hóa sinh thái với bên kia là những lợi ích tức thời (như thủy điện) càng ngày càng gay gắt. Trong cuộc chiến ấy, sự bất lợi luôn thuộc về người nghèo, kiếm sống trên toàn lưu vực sông Mê Kông.

Ðáng lo là vào lúc này, ở thượng nguồn sông Mê Kông đã có ba đập thủy điện chắn ngang dòng chính thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Còn tại dòng chính ở khu vực hạ lưu đang có tới 11 dự án sắp được thực hiện, trong đó có 9 đập nước tại Lào và 2 đập nước tại Cambodia.

Ông Ðào Trọng Tứ, phó tổng thư ký Ủy Ban Sông Mê Kông của Việt Nam, lo ngại: Việc phát triển thủy điện quá mức trên dòng chính sông Mê Kông sẽ tạo ra nhiều tác động xấu đối với khu vực hạ lưu. Các hồ chứa sẽ làm chậm tốc độ dòng chảy thiên nhiên của sông, làm bồi lắng một lượng phù sa lớn tại hồ, thay đổi động lực dòng chảy gây xói lở các đoạn sông ở hạ lưu. Chưa kể những hồ chứa với dung tích lên tới hàng chục tỉ mét khối nước là tác nhân gây địa chấn, đồng thời chúng sẽ tạo những tác động tiêu cực cho cả vùng thượng nguồn như: ngập đất, ngập rừng, ngập các di sản, phải di dân và xóa sổ môi trường sống của các loài động vật hoang dã... (G.Ð)

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 944 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 9
Khách: 9
Thành Viên: 0