Những biến cố liên quan tới Khu đất ở 42 Phố Nhà Chung và 178 Nguyễn Lương Bằng,
nhất là việc thông tin của các Báo Đài trong thời gian qua đã làm cho tôi, một
người dân “thấp cổ bé miệng”, có nhiều bức xúc. Nay, tôi xin tỏ bày những bức
xúc đó trong bức tâm thư này:
1. BỨC XÚC THỨ NHẤT: ĐẤT ĐAI – SỞ HỮU
TOÀN DÂN VÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Tôi nhìn nhận đất đai thuộc sở hữu tòan
dân, nhưng Nhà Nước cũng cấp cho cá nhân hay tổ chức Quyền xử dụng đất. Mặc dù
vậy, nhiều khi qua một Nghị Quyết của Quốc Hội (xem Nghị Quyết số 23 ngày
26.11.2003) hay qua một Quyết định của Chính Quyền, đất đai đang thuộc cá nhân
hay tổ chức này có thể thuộc về cá nhân hoặc tổ chức khác. Vi dụ, qua hai Quyết
định của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội, Khu đất ở 42 Phố Nhà Chung và Khu đất
ở 178 Nguyễn Lương Bằng trở thành hai Công Viên (xem Quyết Định số 856/QĐ-UBND
của UBND TP. Hà Nộ). Tại sao trước đây không có hai Quyết Định đó? Tại sao lại
phải vội vàng như vậy? Có phải vì có sự tranh chấp? Hay có phải vì trước đó có
sự mờ ám? Có phải qua Nghị Quyết của Quốc Hội và qua Quyết Định của Ủy Ban Nhân
Dân Tỉnh/Thành Phố, Đảng và Nhà Nước muốn hợp thức hóa đất đai mình đã lấy, đã
cướp của nhân dân, của tổ chức xã hội và tôn giáo? Tôi xin Ngài Thủ Tướng hiểu
cho tôi về bức xúc này, vì trong những năm đầu sau Giải phóng, có lẽ cho đến
thập niên 80 hoặc 90, khi tham dự các buổi học tập chính trị, tôi đã nghe nhiều
Cán Bộ Đảng và Nhà Nước, khi nói đến Cách Mạng Tháng 8, đã dùng tới chữ “cướp”
trong câu nói: “giành Chính Quyền” hay “cướp Chính Quyền về tay nhân dân”. Còn
khi đọc báo hay xem truyền hình trong những năm đó, tôi cũng nghe điều tương tự.
Có lẽ vì đã nhận ra sự sai lầm tai hại của mình, hiện nay, không rõ từ khi nào,
Đảng và Nhà Nước đã sửa sai. Mong sao Đảng và Nhà Nước tiếp tục sửa sai, can
đảm và quyết liệt hơn, thực sự vì sự Độc Lập, Tự Do và Hạnh Phúc của Đất Nước và
Dân Tộc.
2. BỨC XÚC THỨ HAI: SỰ THẬT VÀ CÔNG LÝ
Khi
học tập chính trị, tôi được dạy rằng Đảng Cộng Sản là Trí Tuệ của Loài Người,
còn Đảng Công Sản Việt Nam là Vinh Quang của Dân Tộc.
Tuy nhiên trong
cuộc gặp gỡ giữa Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội và Phái đòan của Tòa Giám mục
Hà Nội, ngày 20-09-2008, Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt đã phát biểu khá dài, kể
cả đọan cuối: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã
khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam. Đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ,
chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái
hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ
cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và
làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu
chúng ta cũng được kính trọng. Thế nhưng chúng ta không phải chỉ có tình cảm
mong muốn là được mà phải có lý luận xây dựng thật là vững chắc trền nền tảng
pháp lý. Một lần nữa chúng tôi xin hết sức cám ơn ông chủ tịch và Ủy Ban Nhân
Dân Thành Phố Hà Nội dã dành cho chúng tôi một buổi tiếp đón thật là trân trọng
và thân tình và hứa hẹn những trao đổi khác thì chúng tôi thấy hy vọng như thế
chúng ta hiểu nhau hơn và mới có thể làm cho Thành Phố Hà Nội chúng ta nói
riêng, tiến đến kỷ niệm ngàn năm Thăng Long được vui vẻ, xứng đáng là một thành
phố hòa bình và trong hòa bình thì có công lý và làm cho đất nước chúng ta càng
ngày càng phát triển” .
Nhưng tại sao, khi trích dẫn bài phát biểu
của Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, các Báo Đài chỉ trích dẫn một câu trong đọan
cuối: “Tôi đi nước ngòai rất nhiều, tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu
Việt Nam” (xem ww.hanoimoi.com.vn, ngày 21/09/2008 00:21, Bài “Mặt thật
tự bộc lộ” ; xem Báo Thanh Niên, Số 265 (4656), Chủ nhật 21.9.2008, trang 5,
cột số 4).
Chiều Chủ nhật, ngày 21-09-2008 vừa qua, trong phần Thời sự
bắt đầu từ lúc 19g00, VTV1 đã chiếu lại cảnh Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt phát
biểu. Như đã nói ở trên, bài phát biểu của ngài khá dài, kể cả đoạn cuối cùng.
Tuy nhiên, Đài Truyền hình VTV1 chỉ chiếu cảnh ngài phát biểu câu đầu của đọan
cuối và ngưng ngay sau câu đầu đó, không khác gì: người ta đang nói, thì bị
Báo Đài bịt miệng lại.
Theo tôi nghĩ, đáng lẽ để trung thực, Đài
Truyền hình VTV1 phải chiếu cảnh ngài phát biểu tất cả đoạn đó. Tuy nhiên Đài
Truyền Hình VTV1 ngưng ngay sau câu đầu đó, chắc chắn là có ý đồ (theo người
Miền Bắc, chữ “ý đồ” có thể có nghĩa tốt; nhưng theo người Miền Nam, chữ “ý đồ”
có nghĩa xấu). Và thực sự đã có ý đồ. Chính vì thế nhiều báo đài cũng chỉ trích
dẫn câu đó. Nhất thời, ý đồ này đã thành công trong việc tạo nên dư luận hay làn
sóng kết tội Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt. Một sự kết tội trước khi có phán
quyết của Tòa Án, Đảng và Nhà Nước ta có chấp nhận không?
Có phải
đây là điều mà Ông Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn, Phó Tổng Giám Đốc Thường trực của Đài
Truyền Hình Việt Nam đã viết trong Bài “BÁO CHÍ CÓ ĐỦ NỘI LỰC ĐỂ VƯỢT QUA THÁCH
THỨC”: “Nhưng nhiều hơn là các bài viết mà khi đọc, người ta có cảm giác nhà báo
đang viết, đang đưa ra các phán xét, ước đóan về những điều mà bản thân mình
cũng không tường tận… “Thay vì ít nhiều vẫn chủ quan về quyền lực “thiên phú”
của nghề; thay vì ít nhiều vẫn có thói quen nghĩ cái mình viết và đăng phát là
“chân lý cuối cùng” …, chúng ta phải hết sức cảnh giác với sự thiếu hụt về thông
tin và về kiến thức của chính chúng ta – những người được công chúng kỳ vọng sẽ
đem lại cho họ thông tin và hiểu biết xác thực. Hơn lúc nào hết, giờ đây báo chí
là nghề của nhiệt huyết, lương tâm, và của cả trí tuệ. Nếu không phải thế, báo
chí có nguy cơ giống như sân chơi ồn ào, huyên náo của các dự đóan, phán xét vội
vàng.” (xem, Báo Điện tử VietnamNet, cập nhật ngày 18/06/2008,
10:30)?
Ông Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn đã viết thật hay, đã dạy những người
làm báo đài thật đúng. Nhưng tại sao trong những ngày qua, các báo đài, cách
riêng, Đài Truyền hình VTV “đã đưa ra các phán xét”, “đã cho điều mình viết và
đăng phát là “chân lý cuối cùng” , đã đưa ra “phán xét vội vàng” ,
mà tại sao Ông, với tư cách là Tiến sĩ và Phó Tổng Giám đốc Thường trực của Đài
Truyền Hình Việt Nam, đã không góp ý cho các Báo Đài, hay là Ông và các Báo Đài
đã phải làm theo chỉ đạo?
“Bịt miệng” , đúng hơn, “cắt ngang”
những hình ảnh của một người đang phát biểu như thế, Đảng và Nhà Nước ta có
chủ trương như vậy không? “Bịt miệng”, đúng hơn, “cắt ngang” những hình ảnh của
một người đang phát biểu như thế có phải là lời dạy dỗ của Bác Hồ
không?
Hơn nữa, theo tôi nghĩ, Ông Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà
Nội và những người hiện diện trong cuộc họp đã nghe tòan thể bài Phát biểu của
Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt. Nhưng, theo Báo Điện tử Hà Nội Mới, Ông Chủ tịch
chỉ dừng lại ở câu đầu tiên của đọan cuối, cho nên Ông đã nói: “Ông Tổng Giám
mục khi phát biểu nên thận trọng. Dù là Tổng Giám mục Hà Nội nhưng ông Ngô Quang
Kiệt cũng là công dân Việt Nam. Là công dân Việt Nam mà cảm thấy nhục nhã khi
cầm hộ chiếu Việt Nam, liệu các giáo dân còn có thể đặt niềm tin vào một vị Tổng
Giám mục như ông Ngô Quang Kiệt? Những giáo dân đang bị ông Ngô Quang Kiệt kích
động, tụ tập cầu nguyện trái phép tại khu đất 42 Nhà Chung sẽ nghĩ gì về vị Chủ
chăn đã chối bỏ niềm tự hào về đất nước và quê hương Việt Nam?” (xem
www.hanoimoi.com.vn, ngày 21/09/2008 00:21, Bài “Mặt thật tự bộc lộ” ,
đọan cuối).
Theo tôi nghĩ, nếu Ông Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà
Nội đã nói như vậy, nhất là qua “Công Văn Cảnh Cáo”, thì Ông Chủ Tịch đã vô tình
hay hữu ý biến Hội Trường của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội thành Tòa Án, Ông
Chủ Tịch thành Thẩm Phán, còn Tổng Giám mục thành can phạm. Thử hỏi Đảng và Nhà
Nước có chủ trương như vậy không?.
Tiếp đến, nếu Ông Chủ Tịch không phát
biểu như vậy, thì Báo Điện Tử Hà Nội Mới đã sai. Nếu Báo Điện Tử Hà Nội Mới đã
sai, nhưng tại sao không bị khiển trách và cảnh cáo?
Tôi không hiểu tại
sao những người làm báo đài là người có ăn học, có thể có bằng tiến sĩ và vững
mạnh trong Lý luận Mác Lênin, lại chỉ dừng lại ở câu đầu tiên của đọan cuối, để
rồi có những lời cảnh cáo và kết án như vậy với Tổng Giám mục Ngô Quang
Kiệt?
Thử hỏi trích như vậy có phải là sự thật và công lý không? Theo tôi
nghĩ, đó không phải là sự thật và công lý đúng nghĩa, nhưng là sự thật và công
lý bị bóp méo, hay nói cách khác, đó là sự gian dối, bưng bít và xuyên tạc sự
thật, lừa dối dân chúng. Đảng và Nhà Nước ta có chủ trương và chấp nhận như vậy
không?
Nếu đúng như vậy, thì thật là rất tệ hại cho Nền Giáo dục Việt Nam
ngày nay, vì người ta đang hữu ý dạy cho dân tộc Việt Nam nói chung, giới trẻ
Việt Nam nói riêng, cách suy nghĩ, cách lý luận và cách sống gian dối. Chính vì
thế khi đọc "Câu chuyện thứ tư với nhan đề "ÔNG ẤY CÓ CÒN XỨNG ĐÁNG?" của Báo
Thiếu Niên Tiền Phong, số 79 (9-2008), trang 3, tôi thực sự lo lắng cho tiền đồ
của Quê Hương Đất Nước Việt Nam, vì Báo Thiếu Niên Tiền Phong đã chủ ý dạy cho
thiếu niên suy nghĩ và sống gian dối, xuyên tạc, bóp méo sự thật. .. Tệ hại hơn,
Báo Thiếu Niên Tiền Phong đã tìm cách lôi kéo thiếu niên Công giáo vào cách suy
nghĩ gian dối, xuyên tạc và bóp méo sự thật của mình. TỆ HẠI THAY! NGUY HIỂM
THAY! Đảng và Nhà Nước ta có chủ trương và chấp nhận như vậy không?
3.
BỨC XÚC THỨ BA: LÒNG TỰ TRỌNG VÀ SỰ NHỤC NHÃ
Khi phát biểu, Tổng Giám
mục Ngô Quang Kiệt đã nói có trước có sau, câu sau quảng diễn ý của câu trước.
Thực vậy, khi nói tới sự nhục nhã, ngài đã nêu lên lý do, đó là “bị soi xét”
: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm
cái hộ chiếu Việt Nam. Đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ”
.
Vì thế, tôi xin hỏi: Nếu có dịp tới Tòa Lãnh sự Mỹ ở Thành Phố Hồ
Chí Minh, người ta sẽ cảm nhận được một phần nào sự nhục nhã, khi chứng kiến
nhiều Ông già Bà cả bị từ chối khi xin visa đi Mỹ để thăm con cháu. Nếu có dịp
tới các cửa khẩu ngọai quốc, người ta sẽ cảm nhận được một phần nào sự nhục nhã,
khi thấy hành lý của mình bị kiểm sóat. Nếu có dịp đi trong nước Mỹ, từ bang này
sang bang khác, người ta sẽ cảm nhận được một phần nào sự nhục nhã, khi mình
phải xếp vào hàng riêng để bị kiểm sóat kỹ hơn …
Nếu ai đó không cảm thấy
buồn, không cảm thấy nhục nhã khi gặp những hòan cảnh như vậy, thì theo tôi
nghĩ, họ đã “chai mặt” và không còn lòng tự trọng dân tộc, cho nên chẳng cảm
thấy gì hết. Trái lại, đứng trước tình trạng đó, Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt đã
mong muốn nước Việt Nam chúng ta cũng được nể trọng như người Nhật, như người
Hàn Quốc, khi cầm hộ chiếu của họ đi tới đâu, họ có thể đi qua tất cả mọi nơi,
không ai xem xét gì cả. Để được như vậy: “Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi
cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để
cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng.”
4. BỨC XÚC THỨ TƯ: VIỆC XÂY DỰNG HAI CÔNG VIÊN
Trong
những ngày qua, theo Quyết định của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội, người ta
đã tiến hành xây dựng hai công viên, một ở 42 Phố Nhà Chung và một ở 178 Nguyễn
Lương Bằng.
Từ việc xây dựng hai Công viên đó, tôi chỉ xin nêu lên một
mong muốn: MONG SAO TẤT CẢ CÁC CỘNG TRÌNH XÂY DỰNG KHÁC TRÊN QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC
VIỆT NAM CHÚNG TA CŨNG ĐƯỢC TIẾN HÀNH ĐÚNG YÊU CẦU KỸ THUẬT VÀ MAU LẸ NHƯ THẾ ĐỂ
NGƯỜI DÂN ĐỠ BỊ KHỔ.
5. BỨC XÚC THỨ NĂM:
“THỦ TƯỚNG NGUYỄN
TẤN DŨNG TIẾP ĐÒAN ĐẠI DIỆN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VN”
Như các Báo Đài đã đưa
tin, chiều ngày 01-10 vừa qua, Thủ Tưởng đã gặp Đại diện các Giám mục. Ngay sau
đó các Báo Đài đã mau chóng đưa tin về buổi găp gỡ. Cụ thể Báo Thanh Niên, số
276, Thứ Năm, ngày 2.10.2008, đã đăng bài với nhan đề “THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG
TIẾP ĐÒAN ĐẠI DIỆN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VN” (xem trang 1 của Báo Thanh Niên nói
trên).
Tôi đã nghe và đã đọc bài tường thuật của các Báo Đài. Sau khi
đọc, tôi có cảm tưởng: trong buổi gặp gỡ đó, hình như chỉ có Thủ Tướng nói, còn
các Giám mục chỉ ngồi im lặng lắng nghe và cám ơn. Có đúng như vậy
không?
Theo Báo Thanh Niên, số 276, Thứ Năm, ngày 2.10.2008, trang 1 và
4: “Thủ tướng đã bày tỏ sự vui mừng … Thủ tướng hoan nghênh tinh thần chung
sức, chung lòng … Thủ tướng thể hiện sự hài lòng … Thủ tướng khẳng định quyết
tâm xây dựng và củng cố … Thủ tướng cũng khẳng định chính sách tôn trọng tự do
tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam … Nhân cuộc gặp này, Thủ tướng cũng
đề cập tới quan điểm của Nhà nước Việt Nam … Thủ tướng cũng tỏ thái độ nghiêm
khắc phê phán … Thủ tướng tỏ ý lấy làm tiếc và thực sự không hài lòng … Thủ
tướng cho rằng … Thủ tướng yêu cầu Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt … Thủ tướng cũng
giải thích thêm với các giám mục … Thủ tướng cho rằng việc chuyển tải thông tin
…”.
Về phía các Giám mục, Báo Thanh Niên, số 276, ngày 2.10.2008,
trang 4 và cột 5 đã viết: “Các vị đại diện HĐGMVN đã cảm ơn Thủ tướng dành
thời gian tiếp đòan và bày tỏ nguyện vọng của đồng bào Công giáo tiếp tục thực
hiện đường hướng đồng hành cùng dân tộc để xây dựng đất nước phát triển.”
Do đó tôi có bức xúc: Đảng và Nhà Nước ta đề cao và tự hào về sự TỰ
DO, nhưng tại sao chỉ có Đảng và Nhà Nước có quyền nói và nhân dân phải lắng
nghe? Phải chăng Đảng và Nhà Nước nói trắng, thì phải trắng? Phải chăng Đảng và
Nhà Nước nói đen, thì phải đen? Người dân không được phép có ý kiến khác? Nếu
nói khác, thì sẽ bị quy kết là phản động. Cám cảnh và tội nghiệp thay cho các
Giám mục, đã 70-80 tuổi rồi, còn bị “lên lớp”, mà vẫn còn phải mở miệng cười và
nói lời cám ơn !!!
6. BỨC XÚC CUỐI CÙNG: “MẶT THẬT TỰ BỘC
LỘ”
Trong Báo điện tử Hà Nội Mới, tôi đã đọc bài “MẶT THẬT TỰ BỘC
LỘ” (xem www.hanoimoi.com.vn, ngày 21/09/2008 00:21). Tôi xin mượn đầu đề
của Bài Báo đó để nêu lên bức xúc cuối cùng của tôi:
CÓ PHẢI QUA CÁCH
HÀNH XỬ CỦA CÁC BÁO ĐÀI, BỘ MẶT GIAN DỐI, XUYÊN TẠC VÀ BƯNG BÍT SỰ THẬT ĐÃ ĐƯỢC
PHƠI BẦY? NẾU ĐÚNG NHƯ VẬY, THÌ AI ĐANG LÀM NHỤC CHO ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM ANH HÙNG
VÀ AI ĐANG LÀM NHỤC CHO ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM QUANG VINH?
Ngày
13-10-2008