Trần Thị Hồng Sương Từ câu chuyện sữa nhiễm melamine
Tin tức thế giới mấy ngày qua bị dao động mạnh với
tin các loại sữa chế tạo tại Trung Quốc có chứa độc tố làm cho trẻ em
tiêu dùng bị mắc bệnh và tử vong. Các loại sữa này được xuất cảng sang
nhiều nước, trong đó có cả Việt Nam.
Cục ATVSTP Việt Nam sau khi vội vã tuyên bố chưa
cấp phép lưu hành cho sản phẩm sữa Trung Quốc tại VN, nhưng ngày
23.9.2008 đã phải chính thức công bố đã có 11 sản phẩm có nguồn gốc từ
Trung Quốc đã được cục cấp phép lưu hành. Melamine là tạp chất gây hại
được xác định và công bố từ đầu năm 2007, FDA Mỹ và cơ quan kiểm định
thực phẩm các nước lên tiếng thúc đẩy, khiến Trung Quốc phải thừa nhận.
Vấn đề melamine ngày càng bộc lộ tác hại trầm trọng khi có quá nhiều
bệnh nhi ăn phải chất phụ gia chỉ được dùng cho thực phẩm dành cho súc
vật này.
Đáng nói hơn nữa, khi thế giới đã phát hiện, đã
hội thảo về tính độc của melamine gây chết, gây bệnh cho thú cưng (pet)
từ đầu năm 2007 mà các nhà chuyên môn về sữa của Trung Quốc và Việt Nam
không hề quan tâm. Nhà sản xuất Trung Quốc lén trộn melamine vào sữa mà
không ghi trên nhãn mác là vi phạm pháp luật ở các nước, kể cả Việt
Nam, nhưng VN không có hệ thống cảnh báo, không giám sát chặt chẻ nguồn
nguyên liệu nhập và không phát hiện. Nhà sản xuất Trung Quốc không đủ
trách nhiệm với người tiêu dùng trong nước, không có đủ lương tâm chức
nghiệp. Kinh doanh lừa dối giảo hoạt chỉ có lợi nhuận là tinh thần
"money talk" đáng tẩy chay... Còn có lẽ nào khi Trung Quốc phải chịu
thừa nhận, chịu làm thì Việt Nam mới dám làm theo, hành xử không như
một quốc gia độc lập mà như một tỉnh lẻ của Trung Quốc?
Dù sao thì các viện và phòng kiểm nghiệm Việt Nam
đã triển khai ngay kỹ thuật xét nghiệm melamine trong sữa và đang thử
nhiều mẫu sữa bánh cà phê có pha sữa Trung Quốc!
Ngày 25.9.2008 cho kết quả chỉ có sữa Yili nhập
khẩu từ Trung Quốc là có melamine! Còn rất nhiều sản phẩm dùng nguyên
liệu sữa Trung Quốc có melamine trong thực phẩm cho người và vật cần
phải tiếp tục truy tìm.
FDA (ỤS. Food and Drug Administration) của Mỹ ngày
25.9.2008 cũng đã tiếp tục công bố cho người tiêu dùng không dùng bảy
nhãn hiệu cà phê và trà sữa Mr. Brown có melamine, các quầy bán lẻ phải
loại bỏ mặt hàng này. FDA công bố sữa nhập từ Trung Quốc vào Mỹ không
chứa melamine và công bố cảnh báo thịt heo nuôi bằng thực phẩm nhiễm
melamine đã hiện diện trong nguồn cung thực phẩm vào Mỹ.
FDA đã có liên thông các trao đổi thông tin quốc
tế. Theo tin Cơ quan an toàn thực phẩm New Zealand báo cáo, kẹo White
Rabbit Creamy Candies có hàm lượng melamine cao nên FDA Mỹ cấm lưu hành
kẹo này và khuyến cáo người tiêu dùng cần cảnh giác đến ngay cơ quan y
tế khi có các triệu chứng. Bangladesh, một trong những nước nhập khẩu
sữa Trung Quốc, đang cho xét nghiệm sữa. Singapore tìm thấy melamine
trong kẹo. Hàn Quốc cũng đã tăng cường kiểm tra sữa bột từ Trung Quốc
và thông báo đã phát hiện chất độc melamine trong thức ăn nuôi cá!
Thật ra thực phẩm cho chó mèo, gia súc, tôm cá có
melamine từ lâu. Trước 2007 melamine được cho là chất trơ, ít có hại,
dựa vào một kết quả thí nghiệm sơ sài ngắn hạn trên chuột, qua đó nhận
xét melamine ăn vào sẽ thải ra nguyên vẹn nên vô hại. Melamine trở
thành đề tài thảo luận vào đầu năm 2007, khi các bác sĩ thú y xác định
melamine là nguyên nhân nhiều cái chết của thú vật cưng. Vật nuôi ăn
thức ăn có melamine có biểu hiện suy thận do thải ammonia cao từ
melamine trong gluten của lúa mì dùng làm thức ăn cho thú vật.
Với trẻ sơ sinh, chức năng gan thận chưa hoàn toàn
phát triển nên không phân huỷ và đào thải được melamine, gây ra bệnh
sỏi thận. Nguyên do là vì melamine kết hợp với cyanuric acid do tạo ra
melamine cyanurate là chất không tan, tích tụ lại thành sỏi thận có thể
gây tử vong. Xét tính năng thì melamine hoàn toàn không thể cho phép
đưa vào thực phẩm cho người cũng như thức ăn gia súc. Melamine không
trợ giúp để có tính ổn định hay diệt khuẩn, tạo ra mùi, màu...như các
phụ gia khác. Melamine được dùng do chứa đến 66% nitơ, chỉ có tác dụng
tai hại là làm sai lạc phản ứng kiểm nghiệm hàm lượng protein.
Chất lượng sản phẩm sữa, thức ăn gia súc tùy thuộc
vào hàm lượng đạm (protein). Hàm lượng đạm (protein) trong sữa và nhiều
lại thực phẩm là nguồn dinh dưỡng quý. Phòng thí nghiệm dùng phương
pháp Kjeldahl đo lượng nitơ trong sữa và thực phẩm. Khi sữa tươi bị pha
loãng bằng nước, bằng bột đậu nành hay các thành phần khác rẻ hơn,
lượng protein chắc chắn sẽ giảm. Melamine là một chất bột màu trắng
không có mùi vị lại chứa hàm lượng ammonia rất lớn. Sai lầm xảy ra khi
nhà sản xuất không khai báo lượng melamine nên cho kết quả kiểm nghiệm
cho toàn bộ lượng nitơ là từ protein làm tăng giá trị sản phẩm.
Nhà sản xuất giấu công đoạn trộn melamine vào sữa
loãng có hàm lượng protein thấp là để đánh lừa phản ứng Kjeldahl.
Melamine làm hiển thị giả hàm lượng nitơ cao để suy ra hàm lượng
protein cao! Vậy việc trộn melamine vào sữa chỉ có một mục đích duy
nhất là đánh lừa phương pháp kiểm tra Kjeldahl bằng cách hiển thị giả
hàm lượng nitơ cao, suy ra protein trong sữa cao. Kết quả là đánh lừa
người tiêu dùng thu lợi nhuận! Vì tham lợi mà một chất dùng để sản xuất
nhựa thậm chí gây hại cho lợn và gia cầm lại có mặt trong thực phẩm cho
người.
Người tiêu dùng bối rối, không biết dựa vào đâu,
tin cậy vào ai tạo ra cảm giác bất an và đôi lúc là phẫn nộ luôn bàng
bạc trong đời sống hôm nay. Không có lương tâm hay do dốt nát mà gây
hại cho người khác thì cũng là kết quả của một nhà nước kém cỏi trong
quản lý khoa học...
Ai cũng thấy chối bỏ trách nhiệm đã thể hiện là
một dấu ấn trong tâm thức, hình thành phản xạ phủ nhận, của hầu hết
quan chức Việt Nam. Các quan chức thường khẳng định hay bác bỏ các sự
kiện không cần một chút dè dặt. Một nửa phần sai rất đáng trách là ý
nghĩ nói dối để... bảo vệ Đảng, bảo vệ cái gọi là chủ nghĩa xã hội,
song có phần đáng thương vì là do sợ hãi và do không tự tin vào khả
năng chuyên môn.
So với việc một chủ nông trại người Nhật đã tự tử
khi vô ý đưa gia cầm nhiễm H5N1 ra thị trường hay tự tử khi để lọt bán
mua gạo mốc để dùng cho người già trong trại dưỡng lão, hoặc quản lý
kém khiến dầu cám bị nhiễm melamine, ảnh hưởng sức khoẻ người tiêu
dùng. Nhìn vào ứng xử của người Nhật trước trách nhiệm xã hội, dù không
tán thành việc tự tử nhưng thật đáng kính phục tâm thức đầy trách nhiệm
và quá nể trọng sự can đảm tự trừng phạt mình bằng cái chết vốn luôn
làm con người sợ hãi. Bản án lương tâm nghiêm khắc hơn cả toà án, không
tha thứ cho mình. Nhà bình luận Jack Cafferty của CNN đã bức xúc lên
án nhà cầm quyền Trung Quốc là kẻ ác ôn và ngu đần, chỉ trích Trung
Quốc sản xuất xuất khẩu các sản phẩm "rác rưởi", từ vụ nước tương dùng
amino axít thuỷ phân từ tóc thu gom từ rác thải đến đồ chơi dùng sơn có
chì, và nay là sữa có melamine... Trước đây, Trung Quốc đã xử tử hình
Cục trưởng Cục dược phẩm thực phẩm năm 2007, nay lại tiếp tục đối mặt
với sữa chứa melamine. Không nhiều người Trung Quốc biết rõ chất lượng
hàng Trung Quốc mà chỉ bị mê hoặc bằng thứ tình tự dân tộc mù quáng do
thiếu hiểu biết. Nay chắc chắn cha mẹ có con bệnh nặng hay chết do
melamine sẽ ít nhiều cảm xúc như nhà bình luận Jack Cafferty này, và xa
lánh sữa bản địa! Do áp lực cạnh tranh về chất lượng và giá cả,
doanh nhân Trung Quốc sản xuất và bán hàng gian dối sai trái là làm
hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái... Trung Quốc không có phép
thần nào gì để làm ra sản phẩm công nghệ chất lượng cao giá thành rẻ
hơn các nước khác. Dù lương công nhân thấp thì lợi thế cũng giới hạn
trong phạm vi sản phẩm may mặc hay mỹ nghệ mà thôi.
Việt Nam từng nhập ba bốn nhà máy đường theo công
nghệ lạc hậu của Trung Quốc, kết quả đường làm ra chỉ đến tiêu chuẩn
RS, không đạt tiêu chuẩn RE cần thiết cho công nghiệp cao như Dược
phẩm, cho nên Việt Nam vẫn phải nhập đường tiêu chuẩn RẸ Tỷ lệ tách hàm
lượng đường trong mía cũng thấp, khiến giá thành đường trong nước cao,
sản sinh ra đường dây nhập lậu đường từ Thái Lan giá rẻ hơn.
Nhà kinh doanh Trung Quốc cạnh tranh bằng cách làm
giả mạo, luồn lách qua mặt hệ thống kiểm định của cả trong nước và quốc
tế. Giảm chi phí bằng cách giảm khâu kiểm định giám sát chất lượng cho
các hảng được liệt vào danh sách uy tín. (Trung Quốc vừa bãi bỏ quy
định này!)
Hiện tượng sữa nhiễm melamine chỉ là một trường
hợp điển hình mới nhất về sự thiếu phẩm chất và bất nhân của quá trình
các sản phẩm thức ăn ở Việt Nam và Trung Quốc.
Về thực phẩm dược phẩm các nước đều có hệ thống
hành chính đăng ký và phòng thí nghiệm kiểm tra. Việt Nam cũng có ban
hành tiêu chuẩn bắt buộc cho một số sản phẩm. Nhìn hình thức có vẻ
giống nhưng khi đi sâu vào nội dung mới thấy khác hoàn toàn và có
khoảng cách mênh mông về chất lượng thành phẩm.
Để một dược phẩm được lưu hành cơ quan quản lý
thực phẩm và dược phẩm các nước ngoài có các quy định thử nghiệm chặt
chẽ trên thú vật, tiếp đến là trên 2.000 người tình nguyện, ở Nhật còn
quy định cao hơn là 3.000 người, để xác định tính an toàn cho người.
Khâu thử nghiệm độc tính trên người này rất tốn kém.
Việt Nam còn nhiều tiêu chuẩn thuốc thực phẩm có
"tiêu chuẩn Việt Nam", thậm chí theo tiêu chuẩn địa phương là Tỉnh,
không đủ cao để có an toàn. Về kỹ thuật nhiều lắm là thử độc tính cấp
vài lô trên chuột hay thỏ. Không có khâu thử nghiệm lâm sàng trên người
phát hiện độc tính. Không theo dõi độc tính lâu dài. Không thể tin cậy
vào chất lượng sản phẩm như vậy, dù cho có chính thức được lưu hành.
Chưa nói đến việc công ty dược phẩm quốc doanh cấp tỉnh làm ra thuốc,
trạm kiểm nghiệm Tỉnh kiểm tra với kết quả ưu ái là phải được sản xuất!
Nếu quá thấp thì cho phép sản xuất theo tiêu chuẩn địa phương tức địa
phương nào làm địa phương đó tiêu thụ dẫn đến tình trạng có thuốc song
chất lượng không ai biết!
Về bào chế, không thể nào đánh cắp công thức của
các viện bào chế công bố vì quy trình sản xuất, kỹ thuật chế biến bảo
toàn hiệu quả của thuốc cực kỳ quan trọng hơn.
Năm 1995 sang Mỹ thăm một bệnh viện và xem danh
mục thuốc, tôi thấy trong danh mục thuốc tim mạch vẫn thấy sử dụng
Nitroglycerin ngậm dưới lưỡi có tác dụng dãn mạch để cấp cứu cơn co
thắt ngực. Trong khi đó ở Việt Nam đòi sử dụng thuốc thế hệ mới vì
Nitroglycerin Việt Nam không có tác dụng. Cho đến 2008 Nitrosta
(nitroglycerin) vẫn còn được FDA Mỹ chấp nhận hiệu quả và tác dụng phụ
để cho lưu hành. Lý do là ở Việt Nam cũng sản xuất viên Nitroglyserin,
tuy nhiên, do không nắm được tính năng và kỹ thuật bào chế và tồn trữ
nên thuốc Việt Nam mau chóng hút ẩm và hư không còn tác dụng. Không có
thử nghiệm lâm sàng nên thuốc làm ra không còn tác dụng vẫn không hay
biết
Khi bào chế thuốc chỉ cần không tuân thủ nhiệt độ
hay độ ẩm là thuốc bị hư. Thí dụ quy trình bào chế các chất diệt cỏ
2,4,5-T trong hỗn hợp chất khai hoang, khi nhà sản xuất không tuân thủ
việc kiểm tra nhiệt độ thì hàm lượng chất dioxin độc sản sinh nhiều hơn.
Trước 1975 ngành Dược VN chọn cách mua quy trình
sản xuất. Khi mua công thức quy trình còn được dùng viện bào chế nước
ngoài để kiểm thành phẩm nên đảm bảo chất lượng gọi chung là "sản xuất
nhượng quyền", thường là thuốc Pháp, hình thành dòng dược phẩm
"sous-licences" giảm giá thành từ 40% đến 50%. Nhưng mua sản phẩm thì
không có quyền sử dụng nghiên cứu mới cho nên có vài loại thuốc còn
nhiều tác dụng phụ bất lợi, và đang tiếp tục nghiên cứu thì chỉ cố làm
giảm giá bằng cách nhập số lớn và làm bao bì tại VN (giá thành giảm
khoảng 30%).
Ngành Dược phẩm Việt Nam cần có cân nhắc chuyên
môn này một cách rõ rệt. Tự tiện, tự ý mô phỏng công thức không có hậu
kiểm thành phẩm đầy đủ không có thử nghiệm lâm sàng trên người, là làm
hú hoạ rất nguy hiểm! Việc nhà quản lý còn cho phép "tự đăng ký" thực
phẩm với tiêu chuẩn quá thấp sẽ hình thành dòng sản phẩm kém chất
lượng. Cho nên, dù có tiêu chuẩn, dù chính thức được phép lưu hành vẫn
không an toàn! Nếu ai mừng vì có "hàng Việt Nam chất lượng cao" thì
đồng thời đừng quên còn có vô số "hàng Việt Nam chất lượng thấp!"
Trung Quốc và Việt Nam còn sản xuất chế biến tiêu
dùng nhiều thuốc đông dược và thực phẩm không có tiêu chuẩn rõ rệt.
Nhiều loại thuốc đông dược còn không có tiêu chuẩn vì còn công nhận giá
trị "gia truyền". Người sản xuất không chịu công bố thành phần, quy
trình chế biến coi là quyền giữ bí mật chủ quyền sản phẩm!
Qua nghiên cứu năm 2001-2003 của nhóm Bác sĩ BS
Arnold Schecter và PTS Olaf Papke với kết quả nghiên cứu 16 mẫu thực
phẩm ở Biên Hoà cho thấy 6 mẫu có dioxin và tất cả đều bị nhiễm hoá
chất trong số 12 hoá chất độc mà Liên Hiệp Quốc đã cấm sản xuất. Vấn đề
thực phẩm nhiễm hoá chất độc sau chiến tranh ở Việt Nam phải coi là
nghiêm trọng.
... Đến câu chuyện dioxin
Sự kiện melamine trên làm cho chúng ta nhớ đến câu
chuyện độc tố dioxin mà người ta tìm thấy có hàm lượng rất cao trong
một số thức ăn tại Việt Nam hay nhập cảng từ Trung Quốc.
Ngày 11/5/04, Trung tâm Kỹ thuật-Tiêu chuẩn-Đo
lường-Chất lượng đã công bố rằng tất cả trái cây nhập cảng từ Trung
Quốc và một số trái cây Việt Nam đều có chứa chất diệt cỏ da cam, vỏ
chứa 0,4 mg/Kg, và ruột trái chứa 0,04 mg/Kg. Cục Vệ sinh an toàn thực
phẩm (Bộ Y tế) đã có những giải đáp rằng, theo quy định của Bộ Y tế thì
với liều lượng phát hiện 2 chất như công bố là vẫn ở mức cho phép, tồn
dư tối đa được phép của 2 chất này trong trái cây là 0,05mg/kg với
2,4,5-T và 0,1mg/kg với 2,4-D.
Bộ Y tế ra thông cáo xác nhận rằng hàm lượng chất
diệt cỏ trên không ảnh hưởng lên sức khoẻ và không gây độc hại cho
người tiêu dùng vì sử dụng không thường xuyên.
Tâm lý thiên kiến do hiểu sai về chất độc da cam
khiến dân chúng băn khoăn và khó hiểu vấn đề. Cần hiểu chính xác về
chất diệt cỏ da cam và dioxin để phân tích kết luận này và đặt ra câu
hỏi cho bộ y tế là vì sao sao không kiểm tra dioxin tiếp theo?
Chất diệt cỏ là chất không màu được chứa trong các
thùng sơn màu da cam nên được gọi tắt là chất da cam. Chất diệt cỏ Quân
đội Mỹ dùng là hỗn hợp hai chất 2,4-dichlorophenoxyacetic acid (2,4-D)
và 2,4,5-trichlorophenoxyacetic acid (2,4,5-T). Hai chất này không phải
là Dioxin và ít độc hơn Dioxin nhiều, nhưng 2,4,5-T cũng là chất đã cấm
sử dụng.
Dioxin là tạp chất luôn có kèm theo khi sản xuất
hóa chất diệt cỏ 2,4,5-T này, và có tên khoa học của dioxin này là
2,3,7,8-TCDD. Từ năm 1970 Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ đã cấm dùng 2,4,5-T
trên hoa màu trừ lúa, và 1985 thì ngưng sử dụng hoàn toàn. Như vậy, khi
rải hoá chất này ở Việt Nam thì nông gia Mỹ cũng vẫn còn dùng các chất
diệt cỏ này.
Nếu chất diệt cỏ 2,4,5-T không kèm theo Dioxin
2,3,7,8 TCDD thì chỉ có độ độc vừa phải với LD 50 là 389 mg/kg ở chuột
nhỏ (mice) và 500 mg/kg đối với chuột lang (rats). Chất 2,4-D có LD50
639 mg/kg. Liều duy nhất 5 mg và 30 mg /kg cơ thể không gây ngộ độc cấp
trên những người tình nguyện thử nghiệm.
Nhưng vấn đề là trong quy trình sản xuất 2,4,5-T
luôn có tạp chất Dioxin 2,3,7,8 TCDD. Tùy việc kiểm soát nhiệt độ mà
lượng Dioxin 2,3,7,8 TCDD nhiều hay ít, cho nên Trung tâm Kỹ thuật-Tiêu
chuẩn-Đo lường-Chất lượng khi thấy trái cây Trung Quốc có 2,4,5-T mà
không tầm soát thêm Dioxin 2,3,7,8-TCDD trong trái cây Trung Quốc thì
Bộ y tế đã có ứng xử khác hơn thái độ cực lực lên án Dioxin có trong
chất khai quang của Mỹ.
Nên biết công ước Stockholm về các chất ô nhiễm
hữu cơ khó phân huỷ hay chất ô nhiễm hữu cơ bền vững (POPs) được các
nước ký ngày 22 tháng 5 năm 2001 tại Stockholm, và Việt Nam đã phê
chuẩn Công ước Stockholm vào ngày 22 tháng 7 năm 2002. Công ước hướng
tới việc giảm thiểu và cuối cùng là loại trừ 12 hoá chất đầu tiên
(Aldrin, Chlordane, DDT, Dieldrin, Dioxin, Furan, Endrin, Heptachlor,
HCB, Mirex, PCB, và Toxaphene).
Dioxin được đo lường bằng ppt (parts per
trillion). Để có khái niệm về lượng này có thể hình dung là một giọt
mực pha vào một hồ bơi có độ lớn theo chuẩn hồ bơi Olympic. Dioxin
ngoài vỏ trái cây có thể làm sạch bằng cách rửa. Lorber (2002) nghiên
cứu 2,3,7,8-TCDD (tức dạng dioxin có trong thuốc diệt cỏ quân đội Mỹ
từng dùng ở VN) và 26 hợp chất "dioxin-like". Lorber dùng chỉ số Toxic
Equivalents (TEQs). Lorber kết luận TEQ trong cơ thể giảm xuống từ thập
niên 1970 (50-80 ppt) thập niên 1980 còn (30-50 ppt) và thập niên 1990s
giảm còn (10-20 ppt). Kết quả trên cư dân United States (Mỹ) , Canada,
Đức và Pháp trong ba mươi năm qua giảm 10 lần. Hiện còn 2 ppt so với 20
ppt vào đầu thập niên 1970s.
Lorber cũng thấy dioxin thực phẩm là 0.5
picograms/kg cân nặng /ngày (0.5pg-TEQ/kg- body weight/day) vào đầu thế
kỹ 20, dư lượng dioxin này tăng lên 6 pg-TEQ/kg- body weight/day vào
giửa thế kỷ 20, và đang quay về con số 0.5 pg-TEQ/kg- body weight/day.
Lorber dự đoán là nếu con số là 0.50 pg-TEQ/kg-body weight/day, thì
lượng 20 ppt-TEQ sẽ giảm còn 10 ppt-TEQ vào năm 2020. Chất diệt cỏ dùng
khai quang rừng VN trong chiến tranh là hỗn hợp hai chất
2,4-dichlorophenoxyacetic acid (2,4-D) và 2,4,5-trichlorophenoxyacetic
acid (2,4,5-T) không có tính độc cao.
Dioxin có nhiều loại có tính gây ung thư và
2,3,7,8- tetrachloro-dibenzo dioxin hay 2,3,7,8-TCDD là chất có tính
độc cao nhất trong nhóm dioxin (gấp 10 lần các dioxin khác). Theo WHO
2002 thì mức phơi nhiễm dioxin cho phép qua thức ăn của mỗi người là
1-10 pg đương lượng độc (TEQ)/ngày pg là picogram, picogram =
0.000000000001g (viết theo cách VN là 0,000 000 000 001g). Thử nghiệm
của Đại học tổng hợp Texas (Mỹ) trên 20 mẫu cá nhập từ Việt Nam vào
Texas và California cho thấy, lượng dioxin trong đó thấp hơn ở các thực
phẩm đồng loại sản xuất tại Mỹ. Thậm chí, một mẫu catfish Việt Nam chỉ
chứa 0,01 ppt dioxin - một hàm lượng rất thấp.
Catfish VN được nuôi bè hay ao có khai kinh thông
với sông rạch ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Hàng năm vùng này
ngập lũ rửa phèn tẩy chất độc nên dioxin không thể tồn lưu. Catfish và
tôm ở Việt Nam có hàm lượng dioxin thấp là đúng do điều kiện thổ nhưỡng
khác hơn Biên Hoà nơi đang phát triển công nghiệp và chất thải độc hại
chưa được quản lý tốt. Catfish nuôi trong hồ nước tù đọng hàm lượng
dioxin cao hơn.
Cho đến năm 2000, vẫn chưa có kiểm định nồng độ
dioxin trong thực phẩm Việt Nam. Trong hội nghị Boston, Dioxin 2003, BS
Arnold Schecter và PTS Olaf Papke phân tích nồng độ dioxin trong các
loại thực phẩm ở Biên Hòa. Trên 16 mẫu thực phẩm lấy từ Biên Hòa,
Dioxin chỉ hiện diện trong 6 mẫu mà thôi. Trong khi đó Furans, PCBs,
DDT, HCH, HCB thuộc danh sách cấm dùng của công ước Stockholm lại hiện
diện trong tất cả các mẫu thử nghiệm trên, và có hàm lượng cao hàng
trăm hoặc hàng ngàn lần hàm lượng Dioxin được tìm thấy.
Sau 40 năm khả năng tồn lưu dioxin do thuốc diệt
cỏ của Mỹ là khó thể có, vì thời gian bán huỷ (half life) của Dioxin
chỉ là 7-10 năm!
Lần đầu tiên BS Arnold Schecter phân tích theo các
nghiên cứu khi tìm thấy dioxin không giống loại có trong chất khai
quang quân đội Mỹ dùng trước kia. Do vậy ông không nghĩ Dioxin là tác
nhân chính cho các chứng dị hình, dị dạng nơi trẻ em, và Dioxin cũng
không phải là tác nhân duy nhất ở gây ung thư cho người lớn ở Việt Nam.
Các hóa chất độc hại đã được tìm thấy trong 16 mẫu thực phẩm ông vừa
phân tích cũng có thể là tác nhân.
Cũng không biết từ bao giờ, sau 1975, hệ thống
tường bao quanh khu vực ô nhiễm dioxin ở sân bay Mỹ xây trước đây đã bị
phá vỡ; còn các bể chứa than hoạt tính để hấp phụ dioxin đã hết giá trị
sử dụng...
Nghiên cứu của BS Arnold Schecter trên bùn lắng ở
sông miền Nam có chứa lượng TCDD, các dioxin khác, dibenzofuran tăng
cao. Nguồn ô nhiễm bởi các chất không có trong chất diệt cỏ quân đội Mỹ
đã sử dụng vẫn còn chưa biết được chắc chắn. Sự hiện diện của chúng có
thể là do thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, các clorophenol bảo quản gỗ hay
nung đốt rác thải thành phố... Nghiên cứu cũng cho thấy TCDD trong máu
cư dân Biên Hoà và Hà Nội cao một cách rõ rệt so với mẫu máu thời kỳ
1970-1973 (lấy lúc chiến tranh và sau khi hết rãi thuốc khai hoang đầu
năm 1971).
Báo Công An có đăng tin như sau: 95% người dân quanh sân bay Biên Hòa có nồng độ
dioxin trong máu là 5pg/g (miền Bắc là 2pg/g). Người dân có nồng độ
dioxin cao nhất trong nước cũng là một người ở Biên Hòa (413pg/g). Đó
là kết luận rút ra từ một cuộc nghiên cứu quy mô vào cuối năm 2007 của nhóm chuyên gia thuộc Hội y tế cộng đồng Việt Nam.
Ngay trong nghiên cứu của BS Arnold Schecter về
chất độc dioxin do Mỹ gây ra mà mẫu máu lấy ở Hà Nội là 100 mẫu trong
khi chỉ có 20 mẫu ở Biên Hoà là nghịch lý thiếu tính khoa học. Việc gửi
mẫu của VN rất đáng xem xét lại. Nếu là nồng độ 5pg/g, làm chuyển đổi
tương đương ng/kg (ppt), pg/g (ppt), thì tuy có cao hơn những nước tiên
tiến như Mỹ Canada Germany Pháp là 2ppt song đã đạt trước mục tiêu
chung trên thế giới là 10ppt vào năm 2020.
Biên Hoà là khu công nghiệp rất nhiều nguồn ô
nhiễm dioxin nên cần xem xét tiếp là: dân bị nhiễm dioxin năm 2007 cao
413pg/g là từ đâu, và loại dioxin nào, nhất là khi biết rằng thực phẩm
nhiễm các dioxin không có trong thuốc khai quang trước kia. Việc đất
đai càng ngày càng bị ô nhiễm, và các chất ô nhiễm không phải loại TCDD
có trong chất khai hoang dùng trong chiến tranh, là do dùng hoá chất
trừ sâu kém chất lượng kém sau 1975. Theo kết quả máu của một số cư dân
cả hai miền Nam (Biên Hoà) và Bắc có lượng dioxin tăng cao hơn thập
niên 70, thì vấn đề Dioxin đã bước qua bước ngoặt khác đó là việc sử
dụng thuốc diệt cỏ trừ sâu không kiểm soát dư lượng dioxin. Với việc
chất thải ô nhiễm môi trường như sự việc Vedan làm ô nhiễm Sông Thị Vải
ở Biên Hoà Đồng Nai , rồi trái cây có chất diệt cỏ, thực phẩm ô nhiễm
độc chất có thể thấy sự ô nhiễm tiếp diễn sau chiến tranh bởi hoá chất
còn nhiều hơn thời chiến tranh.
Biên Hoà là khu công nghiệp của Đồng Nai. Nước
thải của Vedan làm chết sông Thị Vải đang là vấn đề thời sự... Và Vedan
không phải là công ty duy nhất xả chất thải độc hại ra môi trường! Chất
độc trong tất cả mẫu thực phẩm tìm thấy không phải chỉ là 2,3,7,8-TCDD
có trong thuốc diệt cỏ rải xuống rừng VN, mà là từ các thuốc diệt cỏ
trừ sâu sử dụng hàng ngày, nhập lậu từ các chợ biên mậu Việt-Trung
không kiểm soát nổi.
Về dioxin ở Việt nam, Giáo sư Alvin L. Young - chuyên gia dioxin nói rằng "Không có
tác hại sinh thái nào được ghi nhận ở động thực vật mặc dù một lượng
lớn chất diệt cỏ và dioxin đã được sử dụng", và rằng "thông tin này
chưa được xem xét trong các lần đánh giá trước của Cơ quan Bảo vệ Môi
trường Hoa Kỳ và Viện Y học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa
Kỳ". Tuy nhiên, giáo sư lưu ý rằng "các chất diệt cỏ đổ thẳng xuống
đất và ngấm sâu trước khi thoái biến thì sẽ có tồn dư và vì vậy là một
mối lo ngại". Theo tôi thì tổn hại kinh tế rừng là lớn chứ không nhỏ.
Chất diệt cỏ đã làm rụng lá và chết cây gỗ quý tầng cao. Màu xanh đã
phủ kín rừng nhưng cây cối là loại cây cấp thấp không có giá trị kinh
tế.
Ngay thời người Mỹ rải chất diệt cỏ có tạp chất
độc dioxin ở Việt Nam các nhà khoa học miền Nam đã lên tiếng về khả
năng nguồn nước làm ô nhiễm lúa tôm cá. Các quốc gia mua gạo tôm cá của
Việt Nam đã xét nghiệm hàm lượng dioxin nhưng vấn đề đã được chứng
minh, còn ngày nay tôm cá Việt Nam cũng xuất khẩu bình thường hàm lượng
dioxin thấp. Đất đai nhiều vùng có thể bị nhiễm và chính phủ Mỹ đã đồng
ý tài trợ để làm sạch trường!
Trong chiến tranh chất diệt cỏ chứa dioxin được dùng để xoá rừng già nơi "Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù" như trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Vùng rừng núi Việt Nam từng được coi là vùng chỉ có đối thủ cần truy quét chứ không có cư dân cần bảo vệ.
Có lẽ mọi người không quên là từ nhiều năm qua,
chính quyền Việt Nam đã khởi kiện tại tòa án Hoa Kỳ vì cho rằng người
dân Việt Nam đã bị nhiễm chất thuốc khai hoang đã được sử dụng tại Việt
Nam từ hơn 40 năm qua. Có đúng như vậy hay không, hay chỉ là cái cớ để
làm khỏa lấp tình trạng sử dụng dioxin bừa bãi gây ra nhiều bệnh tật cho trẻ em và dân chúng mà chính quyền Việt Nam muốn tìm cách khỏa lấp?
Có thể thấy ngay là vụ kiện nói trên xuất phát từ hai vấn đề:
Cựu chiến binh nghi có một ghi nhận nội bộ của
công ty là Agent Orange bán cho chính phủ Mỹ có chứa tạp chất độc
2,3,7,8-tetrachlorodibenzodioxin (TCDD).
Thứ hai các Cựu chiến binh cho rằng chất diệt cỏ
mà các nhà bào chế giao cho quân đội Mỹ có lượng 2,3,7,8 TCDD cao hơn
sản phẩm cùng loại sử dụng nông nghiệp do quy trình làm không kiểm soát
nhiệt độ để có giá thành rẻ. Các cựu chiến binh kiện các hãng bào chế
vì đã không bảo đảm chất lượng khiến có tạp chất dioxin cao gây ra tác
hại sức khoẻ. Các cựu chiến binh thành công vì lao động trong môi
trường độc hại phải được bù đắp, giống như công chức vẫn hưởng trợ cấp
độc hại.
Nói về dioxin gây dị dạng do thai nhi tiếp nhiễm
từ cha mẹ là một vấn đề khoa học phải có lập luận và chứng cứ đúng theo
khoa học. Khi kiện ra toà, toà xử bằng chứng lý chứ không bị tác động
bởi sự kiện. Tạo sự kiện bi thương là người bệnh ung thư sắp chết đi
tìm công lý, hay dùng các câu chuyện thương tâm về người tàn tật dị
dạng... có thể làm công luận cảm thương nhưng, không phải là chứng cứ
xác minh dioxin của Mỹ đã gây nên tình trạng đó, thì chắc chắn toà án
Mỹ bác, không được xử thắng kiện.
VN không làm theo cách chứng minh có tội, nhưng ra
toà mà cứ đòi Mỹ phải chi tiền giúp vì... đạo lý lương tâm, là hai việc
làm khó tương thích, nhất là trong khuôn khổ toà án! Gần đây, phía Mỹ
nói hài lòng vì thái độ tiếp cận mới của VN trước vấn đề dioxin! Do
giới chính trị muốn hay lầm tưởng dioxin là một vấn đề tội ác nghiêm
trọng của Mỹ để kiện cáo. Nhiều phần là chưa hiểu biết cặn kẽ vấn đề. Ở
VN vấn đề Dioxin dần dà đã bị chi phối bởi định kiến chính trị.
Nếu do thiếu hiểu biết hay muốn tạo ra tâm lý thù
địch với Mỹ thì có phần nào thành công, vì tuyên truyền sai có thể ám
thị để người tàn tật cho rằng họ chính là nạn nhân dioxin. BS Schecter
cũng cho biết, trong mấy chục lần qua Việt Nam, ông gặp rất nhiều bệnh
nhân và họ cho ông biết, họ nói họ "cảm thấy (feel) là do chất độc da
cam gây ra".
Về dioxin, người ta vẫn còn nghi ngờ tác dụng gây ung thư mà xác nhận vài dioxin kích hoạt các khối u ung thư có sẵn.
Không biết từ đâu mà Dioxin dần dà tự dưng được
gán vào là nguyên nhân gây dị dạng bẩm sinh? Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc
Phượng, Giám đốc bệnh viện Từ Dũ có làm nghiên cứu về thai trứng, một
dạng ung thư nhau thai, và thấy phụ nữ từng sống các tỉnh ngoài Sài Gòn
có tỷ lệ thai trứng cao hơn. Có thể do ảnh hưởng "phong trào" dioxin ai
đó suy đoán có thể là do nhiễm độc thuốc khai quang, nhưng thai trứng
theo y văn cổ điển còn do... suy dinh dưỡng thiếu đạm. Không thấy có
công bố nghiên cứu nào tiếp theo để khẳng định nguyên do những trường
hợp mà bác sĩ Ngọc Phượng đưa ra. Các nghiên cứu ở VN không tuân thủ
chặt chẽ hệ thống và có thử nghiệm chỉ là cách thống kê sơ bộ gợi ý cho
các giả thuyết nghiên cứu chứ không có giá trị khoa hoc theo tiêu chuẩn
Âu Mỹ.
Đòi công lý nhưng làm sao chứng minh cho được là
có tiếp nhiễm dioxin và cho ra đủ kiểu dị dạng? Dị dạng quả là hình
thức tàn tật đáng thương nhất dễ gây xúc động, nhưng cần được âm thầm
chia sẻ nâng đở. Không nên bộc lộ niềm đau, chưng bày những người bất
hạnh đó cho bất cứ mục đích nào. Y văn cho biết sinh học bình thường có
1% dân số dị dạng các loại và không bao giờ có thể biết rõ nguyên nhân.
Một vài dị dạng biết rõ như về gene là trẻ bị bệnh Down do có 47 nhiễm
sắc thể vì có đến 3 nhiễm sắc thể thứ 21!
Một chất dị dạng thai khác được xác định là thuốc
ngủ Thalidomide gây cụt chi cho thai nhi. Một chất gây dị dạng theo một
cách như nhau như Thalidomide chỉ gây cụt chi thai nhi không phải đủ
kiểu dị dạng bình thường đã có mô tả trong y văn.
Theo tôi có vụ kiện trước tiên là do ít hiểu biết.
Sau đó phóng lao phải theo lao! Việt Nam thấy cựu chiến binh khởi kiện
và được công ty thương lượng ngoài toà án thì làm theo, mà không thấy
hết các phức tạp khác nhau của cựu chiến binh có chứng minh tiếp xúc
chất khai hoang, và cư dân không thể có chứng minh nơi ở có bị chất
khai hoang và máu có chất khai hoang. Vấn đề pháp lý chứng cứ phải minh
bạch và phí tổn để có chứng cứ này!
Về bệnh thì cũng chỉ có một danh sách bệnh nghi do
dioxin được công nhận! Nạn nhân Việt Nam đưa ra không ai nằm trong danh
sách bệnh đó!
Về việc thiếu thông tin tầm nhìn quốc tế thì cánh
nhà báo Việt Nam dễ sa vào. Năm 1995, sau khi từ Mỹ về và ở lại Thái
Lan vài ngày chờ chuyến bay về Việt Nam, tôi đã được theo dõi tin về
tình hình ô nhiễm bụi ở Thái Lan được làm rộ lên và nhìn thấy cảnh cảnh
sát Thái Lan mang khẩu trang khi điều hành xe cộ. Về sàigòn thấy báo
chí chê Thái Lan bụi bẩn, tôi hỏi cánh nhà báo có biết và có đo bụi ở
VN chưa? Theo tôi cảm nhận là cao gấp ba bốn lần, vì tôi mới vừa từ
Thái Lan về Sài Gòn. Quả nhiên, một vài tháng sau đó Việt Nam cũng đo
mức ô nhiễm không khí thì thấy mức nhiễm bụi VN cao gấp đôi gấp ba Thái
Lan!
Đánh thức lương tâm
Nhà nước Việt Nam phải suy nghĩ lại, cần bỏ cách
tự hư cấu mình thành nạn nhân thê thảm của Mỹ hay của các nước khác.
Việc này từng khiến sai lầm chính trị gây ra nội chiến. "Mỹ xâm lược",
sau đó là dioxin! Có thể ai đó có mục đích chính trị là chứng minh cho
được "dù sao Mỹ cũng vẫn là kẻ thù". Dù cho người VN đã biết Mỹ không
xâm lược mà chính là đồng chí Trung Quốc kính yêu của ông Nguyễn Tất
Thành xâm lược Việt Nam, lăm le chiếm Trường Sa, Hoàng Sa, thác Bản
Giốc ở miền Bắc!
Trong vấn đề này trí thức XHCN cũng nhiều người
đáng trách vì tan rã nhân cách, vì vong thân khi nghĩ mình có trách
nhiệm nói dối để... bảo vệ đảng. Một người nghe ông Lê Dũng nói không
có việc Công An đánh phóng viên AP Stocking đã phải phì cười rằng: "Rằm
Trung Thu 2008 VN có người giống... Chú Cuội!".
Vấn đề dioxin ở Việt Nam ngày một sa lầy sâu vào
chính trị do không ít người tự nhận là nhà "khoa học" tiếp tục dùng
kiến thức khoa học cho mục đích quyền lợi riêng tư! Gần đây Nga cũng
hùa vào "ăn theo" khi nói: "Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga đã sử dụng
chế phẩm điều hoà sinh học do Liên bang Nga sản xuất để điều trị miễn
phí cho 50 cựu chiến binh nhiễm chất độc da cam/điôxin ở Hà Nội. Những
cựu chiến binh này bị mắc các bệnh tim mạch, dạ dày, hành tá tràng, u
xơ tiền liệt tuyến". Những bệnh này không dính dáng vì đến dioxin!
Nhưng quan trọng nhất là vai trò của trí thức nhà
báo và văn nghệ sĩ XHCN xu phụ. Người không hiểu về khoa học, cảm xúc
đang bị khai thác, cuốn trôi theo tác phẩm ma mị hoàn toàn sai, như bài
hát "Vì đâu em chết" của Thanh Trúc do ông Phạm Hùng đặt tên bài hát.
Ông Phạm Hùng đã sửa tựa đề "Vì sao em chết" thành "Vì đâu em chết" mục đích làm cho việc kết án Mỹ nặng nề và khẳng định hơn! Bài hát có câu thật thê thảm nhưng "trật lất" đó là: "Chất độc màu da cam năm xưa, đã giết chết mẹ tôi trong một trận càn...! Để lại đứa em cút côi...!". Làm gì có chuyện dioxin giết chết ai ngay, và làm gì có chuyện Mỹ rải dioxin khi đi càn?
Năm 1995 tôi sang Mỹ dự hội thảo thường niên của
các bác sĩ Mỹ thuộc hội APHA (American Public Health Association). Tôi
chọn tham dự phần chuyên đề "Việt Nam caucus" vì có bài báo cáo về cựu
chiến binh Mỹ nhiễm chất độc da cam, do nhà sản xuất không có cảnh báo
đúng mức. Quân nhân Mỹ nhiễm do thường xuyên tiếp xúc thao tác rải chất
diệt cỏ. Có nhiều trường hợp bị phơi nhiễm dioxin liều cao do tai nạn
như ở Seveso (Ý) năm 1976 sau khi nhà máy hoá chất nơi này bị nổ hay do
cháy thiết bị chứa chất sinh dioxin, hoặc vụ nhiễm dioxin trong dầu cám
gạo (Rice oil) ở Nhật, Đài Loan... Khi tôi đặt câu hỏi về ảnh hưởng qua
thế hệ, để lại di chứng lên bào thai như cái của cựu chiến binh hay phụ
nữ Việt Nam thì báo cáo viên cho biết không nghiên cứu đối tượng này,
mà đối tượng chỉ là cựu chiến binh trực tiếp tiếp xúc với chất diệt cỏ
có chứa tạp chất dioxin.
Ai cũng biết tình trạng sử dụng phân bón cũng như
hóa chất trong thực phẩm hiện nay ở Việt Nam rất tùy tiện. Muốn giảm tệ
nạn này thì phải tăng cường kỹ thuật và trình độ quản lý chất lượng.
Kinh nghiệm kỹ thuật quản lý thực phẩm dược phẩm các nước có thừa và
Việt Nam dễ dàng có được các kỹ năng đó nếu muốn làm và có kinh phí để
làm.
Thứ hai là Việt Nam còn cần có các chuyên gia độc
lập thường từ các viện trường đào tạo các ngành để có cảnh báo trước,
ngăn ngừa sai phạm, tránh nguy cơ chứ không phải sự việc bùng nổ mới lo
khắc phục hậu quả.
Thứ ba là lương tâm nghề nghiệp, ngoài luật pháp còn phải có thêm đạo đức nghề nghiệp mạnh mẻ như người Nhật.
Nhiều ngành kinh doanh phải do người được đào tạo
hoàn chỉnh và có cả lời thề đạo đức thực hiện nghĩa vụ, mới được kinh
doanh các chất độc, góp phần ngăn chặn tội phạm đầu độc và gian dối về
chất lượng gây ảnh hưởng lên người bệnh.
Ngành Dược có nghĩa vụ luận dược khoa là lời thề
"Không dùng chất độc hại người". Dược sĩ biết một chất một loại thuốc
nguy hiểm cho sức khoẻ mà trao cho người bệnh là vi phạm đạo đức nghề
nghiệp! Cần mở rộng đạo đức nghề nghiệp thêm trong lãnh vực sản xuất
thực phẩm như Sữa hay cả mua bán vàng, xăng dầu... những thứ rất dễ lừa
khách hàng...
Thực tế cho thấy khó phát hiện trước khi gây hại
hay làm chết người như việc thêm melamine. Phản ứng hoá học khi kiểm
định cũng khá dễ đánh lừa cho nên nhà sản xuất giảo hoạt mới như thay
đạm quý trong sữa, nước mắm bằng melamine, ure... Ngành thực phẩm Úc đã
từng để lọt nước tương Trung Quốc có nguyên liệu là tóc phế liệu.
Một phản ứng hoá học không thể cho biết nitơ có
trong nước tương là từ protein đậu nành, tóc hay lông gà vịt... Cũng
không biết nitơ trong sữa là từ melamine hay protein của sữa!
Thuốc còn có thể đã hư trước hạn dùng do tồn trữ
bảo quản không đạt yêu cầu, thuốc chích ngừa sẽ hư khi máy giử lạnh bị
cúp điện mà người có trách nhiệm không biết hay không chịu khó mua nước
đá giữ lạnh thay thế... Bé chích ngừa nhưng vẫn mắc bệnh hay gây ra các
phản ứng sốc khi tiêm. Những biến chất này có nguy cơ rất cao nhưng
không thấy được bằng mắt thường.
Chính quyền Cộng sản Việt Nam hay lấy thành quả
"an ninh" làm thành quả để không chịu thay đổi. Thật ra thời kỳ đầu sau
1975 Cộng Sản chú tâm quản lý chặt con người, vũ khí, vì sợ lính VNCH
tái lập lực lượng. Hiệu quả xã hội kèm theo chủ trương an ninh chính
trị này là ít tội phạm hình sự, xóa sổ các băng đảng vũ trang. Nay khi
không còn lo sợ an ninh chính trị nữa thì an ninh xã hội đã bị buông
lỏng. Cướp có vũ trang, giết người cướp của, hành hung kiểu xã hội đen
đang tăng...
Cần biết rõ là an ninh chính trị không bao hàm an
toàn để sống vui sống khoẻ. Xét về khía cạnh này xã hội Việt Nam rất
mất an toàn, chất độc chết người như thuốc chuột, thạch tín, cyanua
kali được mua bán tràn lan ngoài chợ không ai quản lý. Thuốc giả hàng
kém chất lượng, rượu nhiễm độc thuốc trừ sâu , nước tương chứa chất độc
3-MCPD, nước mắm pha urê...! DDT còn được nông dân dùng để bảo quản
nông sản khô như hành tỏi đậu... sau thu hoạch chờ đưa dần ra thị
trường và bảo quản hạt hạt giống trước và khi gieo trồng tránh kiến
mọt... DDT là một chất trong danh sách 12 chất LHQ cấm sản xuất, cho
nên thực phẩm Việt Nam bị ô nhiễm chất độc là phải thôi.
Ngoài ra còn tai nạn giao thông, tai nạn sông nước
chưa giúp dân phòng tránh thiên tai hiệu quả. Rồi bán mua lậu thuốc nổ
gây tai họa, bán mua lậu thuốc trừ sâu danh mục cấm lưu hành, thuốc
đông dược truyền miệng ngoài danh mục, xuyên qua biên giới Việt Nam
Trung Quốc rất đáng lo...
Về tinh thần, ngay trong gia đình thì xung đột thế hệ đưa đến tự tử cao, bạo hành gia đình, ma túy, mại dâm...
Dân Mỹ có FDA (an toàn thực phẩm dược phẩm) quyền
lực mạnh như CIA (an ninh) có các chuyên gia không bị lợi nhuận nào ảnh
hưởng nên vừa có an toàn vừa có an ninh và tiến bộ. VN chưa có hệ thống
như như FDA chưa có chuyên gia có uý tín, chỉ có nhà chính trị toàn trị
nắm hết quyền lực và ngân sách, mặc sức nói lấy được. Nếu không dành
kinh phí cho phòng thí nghiệm có thực lực, cũng như đầu tư cho con
người, mà dùng tiền làm chuyện dễ chuyện vui chơi như lễ hội, thi hoa
hậu, kỷ niệm ngàn năm Thăng Long..., niềm vui đó như bọt xà phòng, xã
hội như màn kịch sân khấu, khi ánh đèn sân khấu tắt thì cảnh đời lại
đen như mực.
Người sản xuất phải ngoài việc tuân thủ pháp luật
chứ không phải tìm kẻ hở để làm sai, còn phải gắn uy tín nghề nghiệp và
cá nhân với cộng đồng. Người tiêu dùng nhất là người có thu nhập trung
bình đến nghèo phải dùng sản phẩm nội địa. Nếu nhà nước kém ý thức
trách nhiệm thì có nhiều làng ung thư, nhiều bệnh lạ, sức khoẻ kém,
tuổi thọ thấp. Nhất thiết phải mạnh mẻ thúc đẩy để có một nhà nước có
trách nhiệm cao thay cho nhà nước chỉ biết... tuyên truyền! Nông dân
hay dân không tự làm được mà phải từ nhà nước quan tâm và giới khoa học
Việt nam có điều kiện đi vào cuộc sống.
Hãy xem cách làm của nước Mỹ giảm lượng dioxin
trong thực phẩm là theo dõi chăn nuôi. Khi phát hiện nồng độ dioxin
trong máu gia cầm cao so với các loại chim, các nhà khoa học vào cuộc
và tìm thấy do ball clay trộn vào thức ăn, FDA đã lập tức cấm dùng chất
này. Ball clay là chất đất sét nhầy và giúp tạo hình cho thành phẩm.
Lương tâm và lời thề đạo đức nghề nghiệp là để
tăng cường trách nhiệm với sai phạm khó phát hiện. Điều đáng buồn là
Việt Nam có bộ máy hành chính chính trị quá cồng kềnh nhưng ít hiệu
quả. Từ bộ máy song trùng Đảng-nhà nước, bị phê phán hoài còn không
giảm, mà nay còn chuyển sang tam trùng Đảng-nhà nước-mặt trận và đoàn
thể chính trị, bao gồm cả báo Đảng đã ngốn hết ngân sách để chỉ nói một
thứ, làm một việc, là chính trị dối trá. Lấy sức mạnh tuyên truyền
miệng lưỡi che giấu sự xộc xệch xã hội, thấp kém về khoa học và kỹ năng
là nền chính trị lạc bước, què cụt. Cho nên không lạ khi nhà nước Việt
Nam là một nhà nước rất đáng cho trí thức tự trọng và có lòng với đất
nước âu lo và thất vọng!
Chính quyền nào không tạo ra cuộc sống an toàn cho
dân là không yêu nước. Người háo danh là ngồi ở địa vị cao bất xứng với
tài năng! Tài năng rất cần thiết để có quyết định đúng và có lợi cho
đất nước! Người tài năng và đạo đức mới có thể xây dựng triết lý cầm
quyền tiên tiến. Hệ thống chính trị và chủ thuyết lạc hậu đã không giúp
đảng Cộng Sản Trung Quốc lẫn Việt Nam chọn được người tài năng và đạo
đức làm công chức với tinh thần công bộc quốc gia.
Trần Thị Hồng Sương
(Cần Thơ - VN)
|