Thứ Sáu, 2024-04-19, 5:07 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 15 » Tôi buồn cả hai: "Đảng ta" và "không phải đảng ta"!
7:39 AM
Tôi buồn cả hai: "Đảng ta" và "không phải đảng ta"!

Đặt cái tít thế kia có sến không nhỉ? Nhưng thôi, kệ nó, sến thì cũng tốt, bởi tôi đang rất buồn...

Số là hôm nay, 9-10, sau một thời gian xa quê hương Sài Gòn, tôi dẫn một đoàn bạn bè từ trong nước về SG thăm lại Dinh Độc Lập. Vẫn khung cảnh cũ, vẫn những con người cũ, chẳng có gì thay đổi.

Có vài anh thanh niên cứ đi đi lại lại trong đó, tôi trông mặt rất quen, mãi sau này mới nhớ là đã gặp họ rồi! Các bác thắc mắc gặp ở đâu à? Trên các Blog có đưa tin về cuộc biểu tình HS-TS, hay dân oan đòi đất gì đó! Đúng là quen thật! Cũng may chưa đụng ngoài đời.

Nhưng, điều làm tôi buồn nhất lại là các cô hướng dẫn viên của Dinh Độc Lập. Cô nào cô đấy chẳng có phọc ngon mấy, có cô thậm chí là có mụn ở mặt nữa. Thuyết minh thì cứ như là đọc văn bản, chẳng có cảm xúc gì cả.

Cái cô giới thiệu về Dinh Độc Lập cho đoàn chúng tôi có lẽ xấu nhất, lùn nhất nhưng được cái giọng Nam Bộ cũng khá dễ nghe, nhưng mặt thì hơi lạnh lùng. Khi giới thiệu về Dinh Độc Lập, cô nói rằng: Dinh này do Diệm xây, bắt đầu năm 1962, nhưng người khánh thành lại là Thiệu, lúc đó làm tổng thống miền Nam. Tôi có nghe được lời giới thiệu của hướng dẫn viên khác cho một đoàn nước ngoài, họ cũng chỉ nói là "Diệm"...

Nhưng, nghe những lời giới thiệu kiểu như vậy, tôi rất buồn! "Diệm" hay "Thiệu" thì cũng là những người đã quá cố! Vả lại, họ cũng là người Việt Nam, họ có tên họ đầy đủ, có danh phận đàng hoàng... cớ gì đám hậu sinh chúng mình lại gọi những người đó chỉ với cái tên trống trơn: Diệm, Thiệu? (Ấy là chưa kể đến việc làm gì có một tổng thống miền Nam, mà phải là tổng thống của nước VNCH) Hay đó là hiệu quả của việc giáo dục lòng căm thù giặc sâu sắc?

Tôi thì vẫn cho rằng, dù sao cũng nên gọi hai vị đó là ông Ngô Đình Diệm, ông Nguyễn Văn Thiệu, tổng thống VNCH. Tại sao cô tiếp viên đó gọi Kiến trúc sư Thụ, người thiết kế Dinh Độc Lập, là "ÔNG" với chức danh và họ tên đàng hoàng, mà lại không thể gọi hai vị Tổng thống VNCH với họ tên đàng hoàng nhỉ? Tôi chợt buồn khi hồi trước chúng tôi được học phải gọi họ là "ngụy quân ngụy quyền", là "bọn ác ôn", là quân "bán nước", rồi những người vượt biên là "ma cô, đĩ điếm", là bọn thèm bơ thừa sữa cặn của Mỹ... Tôi thật lòng khó hiểu tại sao giờ lại gọi họ là "khúc ruột ngàn dặm", là thành phần "không thể tách rời của đại gia đình VN" như lời của ông Chủ tịch Triết, và nhiều vị lãnh đạo khác của ĐCS VN.

Có phải người Việt mình thường hay miệt thị nhau như thế không? Có phải người Việt mình thường hay gọi kẻ bại trận trống trơn như thế không?

Rồi tôi lại buồn! Tôi nhớ là đã rất nhiều lần mình đọc các trang web của người Việt ở hải ngoại. Tôi chẳng thể đọc thêm, bởi người ta có thể gọi Cố chủ tịch Hồ Chí Minh là thằng Hồ, Hồ dâm tặc, chó Hồ... cũng như gọi các vị lãnh đạo khác hiện thời là thằng, là con, và gọi bằng tên trồng trơn như Dũng, Triết, Mạnh, Khải... Tôi nghĩ là những điều này không phù hợp với văn hóa Việt Nam, và lại càng không phù hợp với cái tâm của kẻ sĩ, của những người có học. Tôi chưa cần biết những tội ác của Cộng Sản ra sao, chưa cần biết họ bán nước thế nào, chưa cần biết họ tham nhũng kinh khủng không (nói thật thì tôi biết), nhưng nếu những ai gọi họ là thằng, là con, là chó, là dâm tặc, gọi trống trơn như lũ trẻ chúng tôi chửi nhau ngày trước... thì tôi không bao giờ nghĩ rằng: dân tộc mình sẽ dân chủ hay tiến lên nhờ những con người đó!

Có phải người Việt mình thường hay miệt thị nhau như thế không? Có phải người Việt Mình kém văn hóa đến mức như thế không?

Tôi đã từng đọc về cuộc chiến Nam Bắc của Mỹ trên Thông Luận, và tôi cảm phục người Mỹ. Hai phe đánh nhau, nhưng một phe thua, và chẳng ai sỉ nhục ai cả. Tôi xin trích một vài đoạn trong bài đó:
Tướng Lee đứng dậy, lần lượt bắt tay các sĩ quan trong Bộ Tham Mưu của tướng Grant, bắt tay tướng Grant, nghiêng mình chào tất cả mọi người có mặt và bước ra khỏi phòng họp.

Tướng Grant và ban sĩ quan tham mưu đã đứng sẵn ở bao lơn trước căn nhà, nơi đôi bên nghị hoà. Khi ngựa tướng Lee rảo bước đi qua, cặp mắt của hai vị tướng quân chạm nhau trong giây phút, họ đồng ngả nón chào nhau. Trên bao lơn xung quanh tướng Grant và suốt trong sân trước căn nhà lịch sử, sĩ quan và binh sĩ miền Bắc đều đưa tay chào kính vị tướng bại trận quân đội liên hiệp miền Nam.

Tin đồn đầu hàng của tướng Lee tràn lan mau chóng như thuốc súng. Khắp nơi binh sĩ miền Bắc reo mừng. Họ liệng lên không trung mũ nón, giày, bao đạn, áo hay bất cứ vật gì có thể ném tung lên được. Họ ôm nhau, hôn nhau. Súng ống các loại, kể cả đại bác bắt đầu nổ. Thế nhưng tướng Grant nhanh chóng ra lệnh ngưng ngay tức khắc những biểu lộ nỗi vui mừng của binh sĩ miền Bắc. “Rồi sẽ có ngày mừng chiến thắng”, tướng Grant giải thích, “Nhưng không phải là ngày hôm nay. Quân đội miền Nam đã đầu hàng. Chúng ta không được phép reo mừng trên chiến bại của họ”. Điều quan trọng với tướng Grant là phải làm sao để thắng trận, đồng thời cũng phải gìn giữ cho bằng được sự toàn vẹn tình cảm giữa những người cùng trong cộng đồng dân tộc Hoa Kỳ.
Nhưng, cảm động nhất có lẽ vẫn là cảnh đầu hàng của quân đội miền Nam với quân đội miền Bắc.
Điều kiện đầu hàng được hai tướng Lee và Grant ký kết tại Appomattox ngày 9 tháng 4, 1865 thì 3 ngày sau, ngày 12 tháng 4 mới là ngày quân liên hiệp miền Nam chính thức buông súng đầu hàng.

Hai đạo quân dàn đôi bên con đường chạy theo phiá Đông rừng Appomattox. Chỉ huy cánh quân miền Bắc và điều khiển buổi lễ là tướng Chamberlain, nguyên là một giáo sư đại học, Huy Chương Danh Dự, hai lần bị thương trên chiến trường.

Chỉ huy 28,000 sĩ quan và binh sĩ liên hiệp miền Nam là tướng Gordon, một trong những cận tướng can trường của Đại tướng Lee, 4 lần bị thương tại mặt trận, một lần bị trúng đạn xuyên qua mặt.

Tướng Chamberlain đã ghi lại trong hồi ký cuả mình: ”Từng đoàn, từng đoàn, họ tiến bước theo nhịp quân hành, ép chặt vào nhau giống như một giòng người đội vương miện màu đỏ ối, giương cao quân kỳ và hiệu kỳ. Đây là những người mà gian lao, đau khổ, nhọc nhằn, kể cả tử thần không bẻ cong được quyết tâm của họ. Họ đứng thẳng hàng trước mặt đoàn quân chúng tôi, một đoàn quân tơi tả, xương xẩu, nhưng hiên ngang, mắt sáng ngời chiến thắng, họ là những hình ảnh sống phản ảnh mối liên hệ thắm thiết chỉ có thể có giữa những đồng đội trên chiến trường”.

Không hề dự định trước, cũng như không hề được chuẩn y trước, tướng Chamberlain bất thần hô lớn ra lệnh, “Bồng súng chào!” cho quân đội miền Bắc. Một tiếng kèn lệnh vang lên, và lập tức toàn thể đoàn quân miền Bắc bồng súng lên vai, tiếng báng súng rập khuôn vang lên.

Phiá đối diện, tướng Gordon thúc nhẹ con tuấn mã khụy hai chân trước xuống, người và ngựa cùng cúi đầu, gươm tuốt trần chúc mũi trong một dáng đìệu hùng vĩ tuyệt vời. Cùng lúc, đoàn quân miền Bắc chuyển qua bồng súng nghiêm chào. Họ chào những “anh hùng bại trận”, họ bày tỏ sự kính trọng của những người Hoa Kỳ đối với những người Hoa Kỳ.

Và phiá hàng quân miền Bắc tiếp tục giữ đúng thế nghiêm. Không có thêm một tiếng kèn. Không có một tiếng trống. Không có một tiếng hô chiến thắng. Không có một tiếng nói. Không cả một tiếng thầm thì. Mà chỉ còn là một hàng quân im phăng phắc. Mọi nhịp thở như ngừng lại.

Buổi lễ đầu hàng kéo dài 7 tiếng đồng hồ. Gần 28,000 người, trên 100,000 tấn vũ khí, đạn dược, quân kỳ, hiệu kỳ lần lượt bỏ xuống. Từng đơn vị tiến lên, gác súng, tháo bao đạn, và xếp súng xuống. Kế đến họ trìu mến cuốn hay xếp quân kỳ, hiệu kỳ, lắm cái tơi tả và lắm cái nhuộm máu đã khô, sau cùng họ khẽ đặt những lá cờ kia xuống mặt đất…
Tôi vẫn còn nhớ cảm giác lần đầu tiên khi đọc bài này, tôi nhớ đến quang cảnh ngày 30-4-1975, tôi nhớ những gì quân đội Bắc Việt đối xử với quân đội Nam Việt mà đau lòng.

Phải chăng người Việt chúng ta thừa tình nhân ái với nhân loại, nhưng lại thiếu nhân ái với chính dân tộc mình? Tôi đã bao đêm tự hỏi điều đó mà nước mắt rơi lệ! Chúng ta sẵn sàng gọi dân tộc Nga là những người bạn lớn, sẵn sàng gọi Mỹ là đồng minh, sẵn sàng gọi Trung Quốc là anh em... Vậy mà, đối với ông Ngô Đình Diệm, ông Nguyễn Văn Thiệu, ta chỉ đơn giản gọi là Thiệu, Diệm (hồi xưa gọi là tên Thiệu, tên Diệm thì phải); vậy mà chúng ta gọi Cố chủ tịch Hồ Chí Minh là thằng Hồ, hồ dâm tặc, chó Hồ...

Cái truyền thống nhân đạo, tương thân tương ái mà nền văn học chúng ta vẫn ca ngợi đâu cả rồi, đến mức chúng ta không nhân ái được với nhau ngay cả trong lời nói, ngay cả trong cách gọi tên?

Tôi vẫn nghĩ rằng: nếu thực tâm hòa hợp với nhau, thì cả hai bên phải biết tôn trọng nhau, tôn trọng sự khác biệt chân chính của nhau, chứ không phải là sự khác biệt sỉ nhục nhau! Cái quyền sỉ nhục nhau ấy, tôi nghĩ, là quyền của những người không có văn hóa, và không được học hành...

Thế nên, nghĩ về cả hai bên (dĩ nhiên không phải là tất cả), tôi rất buồn, đến mức có thể rớt lệ được! Và tôi chẳng hy vọng gì vào một sự hòa hợp bền vững nếu cứ còn những biểu hiện sỉ nhục, hạ thấp nhau như thế này.

Có người sẽ bảo tôi: cứ dẹp cái Đảng CSVN này đi là sẽ khá liền! Tôi cũng đồng ý như thế! Nhưng, dẹp cái đảng này rồi thay thế bằng cái đảng nào? Chẳng lẽ lại là cái đảng bao gồm những người chửi cố Hồ chủ tịch là thằng Hồ, chó Hồ. Hồ dâm tặc? Tôi vẫn nghĩ rằng: công tội của bất kỳ ai cũng phải phán xét, vì đó là sự công bằng của lịch sử. Nhưng, cái công bằng đó là phải nhân văn, tôn trọng phẩm giá của con người.

Bước đầu tiên và đơn giản nhất: xin bên ĐCS hãy gọi ông Diệm, ông Thiệu và các tướng lĩnh, quan chức của VNCH bằng họ tên và chức tước của họ như họ đã từng có, vì họ đã là một phần lịch sử đau thương của dân tộc; (một người đã đặt ra tình huống, nếu sau này có người nói là: cái lăng đã được Hồ cho xây dựng, nhưng khánh thành lại là Duẩn thì các bác ĐCS sẽ nghĩ sao? Có phản cảm không?); xin bên kia của ĐCS VN hãy gọi ông Hồ Chí Minh và các lãnh đạo khác bằng họ tên, chức danh như họ đã hoặc đang có. Đừng bao giờ miệt thị nhau bằng những lời tục tằn, vô văn hóa, hay gọi tên nhau cách mách qué, ba que, láo toét.

Hãy nhân ái với nhau, trong lời nói! Bởi văn là người! Cách dùng từ sẽ phản ánh cái tâm, cái đức của người đó đối với chính họ, với đất nước, với dân tộc và với tiền nhân! Chừng nào còn những biểu hiện vô văn hóa, không biết tôn trọng nhân phẩm như thế, thì dân tộc sẽ còn mãi là Lừa như lời của nhiều người trên này đã nói. Vì ngay cả những người nhận mình là người, có dùng cách của con người để nói với nhau hay không? Điều này các bác tự trả lời nhé. Dĩ nhiên, tôi nhấn mạnh, tôi không nói tất cả!
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 891 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0