Thứ Tư, 2024-04-17, 2:51 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 15 » Phân Tích Sự Tranh Chấp Giữa CSVN Với Công Giáo Gần Đây
9:35 AM
Phân Tích Sự Tranh Chấp Giữa CSVN Với Công Giáo Gần Đây
Đặng Vũ Chấn

Chú Thích: Phân tích dưới đây được nhìn từ góc độ của người đấu tranh, không nhằm phản ánh quan điểm hay góc nhìn của giáo dân Thái Hà, Toà Khâm Sứ hay Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Trong bài, chữ viết tắt CSVN đứng riêng được dùng để chỉ nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam. Chúng tôi không dùng danh từ chính quyền để chỉ họ vì không muốn duy trì ấn tượng chính danh cho nhà nước CSVN hiện nay.

    
 
CSVN hiện nay đang đứng trước sự bất mãn của nhiều thành phần nhân dân, như dân oan, nông dân, công nhân, thanh niên sinh viên, các nhà đấu tranh cho dân chủ, các giáo hội tôn giáo như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Phật Giáo Hòa Hảo, Tin Lành, Cao Đài, Công Giáo, đồng bào sắc tộc Tây Nguyên v.v.. Trong tất cả các thành phần nhân dân trên, có lẽ người công giáo là thành phần có khả năng mở ra phong trào tranh đấu bất bạo động tương đối hữu hiệu nhất vì đây là một tập thể có kỷ luật theo hệ thống tổ chức tôn giáo thuần nhất, có nhiều khả năng vận dụng hỗ trợ quốc tế, và có niềm tin khá tuyệt đối vào đấng tối cao, khó lay chuyển hơn là nếu họ tin vào một nhân vật trần thế có thể thay đổi theo thời gian. Thực tế ta thấy gì qua cuộc đấu tranh công khai của người dân Công Giáo gần đây, khởi đi từ cuối năm ngoái?

Cuộc Diễn Tập lần thứ nhất:

Vụ tranh đấu đòi lại đất Tòa Khâm Sứ tại Hà Nội nổ ra công khai từ trung tuần tháng 12 năm 2007 sang tháng Giêng năm 2008. Lần đầu tiên qua vụ này ta thấy giáo dân đã theo đúng một số nguyên tắc cơ bản của phương pháp đâu tranh ôn hòa bất bạo động:

      
1/ Đấu tranh ôn hòa bằng hình thức cầu nguyện, một hình thức dễ dàng mà ai cũng có thể làm được, vừa gia tăng niềm tin vừa khó gây ra những lý cớ để chế độ đàn áp, và dễ thu hút sự tham gia tập trung của đông đảo bà con giáo dân.

2/ Số Đông Người. Càng đông, người ta càng bớt sợ hãi, cho nên những lời lên án răn đe của nhà cầm quyền Hà Nội thay vì có thể uy hiếp tinh thần bà con lại có tác dụng ngược của sự thách thức khiến bà con càng đổ về tập họp cả nhiều ngàn người.

3/ Mục tiêu ban đầu nhỏ đơn giản: đòi ngưng thi công trên vùng đất đang tranh tụng, mà nhà thờ đã từng khiếu kiện đòi lại từ bao năm qua. Mục tiêu này làm cho CSVN ban đầu không có lý do thẳng tay đàn áp, trong lúc số người tham gia cầu nguyện chưa đủ đông.. Mục tiêu không to lớn trừu tượng, bà con liên hệ được để mạnh dạn tham gia bước đầu.

4/ Có kỷ luật, tổ chức. Các giáo dân đã rất kỷ luật và có tổ chức để bảo vệ nhau và bảo vệ các người lãnh đạo của mình. Những công an mật vụ được gài vào đám đông đều bị phác hiện và không vô tới được vòng trong gần ban lãnh đạo.

5/ Đẩy CSVN vào thế tiến thoái lưỡng nan: CSVN nếu để yên thì phong trào càng lớn, nếu nhượng bộ thì mở đường cho các thành phần nhân dân bất mãn khác cùng theo nhau đứng dậy, nếu dùng bạo lực đàn áp thì sẽ trả giá đắt với dư luận và áp lực quốc tế, trong lúc đang cần hội nhập vào thế giới văn minh để làm ăn.

 
Nhưng CSVN không thiếu bản lãnh. Biết rõ hệ thống chỉ huy trong tổ chức giáo hội Công Giáo, họ đã đi thẳng lên cấp quyền Công Giáo cao nhất là Vatican. Không biết hai bên đã ngầm thỏa thuận với nhau điều gì, chỉ thấy CSVN hứa sẽ giải quyết vấn đề đất đai của toà Khâm Sứ và Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Bertone của Vatican đã gửi thư ra lệnh cho Đức Tổng Giám Mục ở Hà Nội giải tán các cuộc cầu nguyện tập thể. Sau đó tình hình tạm lắng đọng mặc dù cốt lõi vấn đề vẫn còn nguyên. CSVN ổn định được tình hình, và có thêm thì giờ để rút kinh nghiệm, chuẩn bị kế sách đối phó với các biến động sau này hữu hiệu hơn.

Có người thất vọng bất mãn với lệnh giải tán trên từ Vatican. Nhưng nhìn kỹ, thì đây là một quyết định khôn ngoan. Chắc Vatican cũng hiểu bản chất CSVN là phải cướp và nắm chính quyền bằng mọi giá. Cho nên nếu mà giáo dân Hà Nội tiếp tục đẩy tới, dồn CSVN vào chỗ bế tắc, đe dọa trầm trọng vào sự ổn định của chế độ độc tài, và với tương quan lực lượng lúc này vẫn còn nghiêng quá nhiều lợi thế về phía CSVN, thì có xác xuất cao họ sẽ làm một Thiên An Môn thứ hai bất chấp giá phải trả với thế giới. Hoặc nếu không có Thiên An Môn, mà CSVN cứ khoanh vùng và chai lỳ, cuộc tụ tập đông người sẽ khó kéo dài mãi mãi mà không bị soi mòn rơi rụng vì bản chất tự nhiên của phong trào quần chúng. Nên giải tán để bảo toàn lực lượng là bước lui binh chiến thuật rất khéo, sau khi giáo dân đã làm các thi công trên vùng đất tranh chấp phải tạm ngưng, đã có được cơ hội thực tập đối đầu với bạo lực, xác quyết được niềm tin và tạo sự chú ý của thế giới.

Trận thử lửa lần thứ 2: Vụ Thái Hà-Tòa Khâm Sứ

Vụ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ lần này bắt đầu từ trung tuần tháng 8 năm 2008 cho tới nay. Thời điểm thoạt đầu tưởng bất lợi cho CSVN khi họ đang phải đối đầu với những khó khăn khác như kinh tế suy thoái, lạm phát phi mã, và nhất là khi có những nhen nhúm hâm nóng việc họ bán đất nhượng biển cho Trung Quốc nhân dịp 50 năm đánh dấu công hàm ô nhục của thủ tướng CSVN Phạm Văn Đồng vào tháng sau, 14-9.(gọi tắt là vụ Hoàng Sa Trường Sa, HS-TS)

Nhưng với kinh nghiệm già dặn ranh mãnh, CSVN thay vì bị ở thế tứ bề thọ địch, đã xoay trở để biến tình hình thành cơ hội làm loãng đi vụ HS-TS. Bộ máy tuyên truyền của họ đã im lờ đi mọi đề cập về HS-TS trong lúc họ lặng lẽ tung chiến dịch trấn áp triệt để các thành phần, nhân vật mà họ nghĩ có lien quan đến vụ HS-TS, dập tắt kế hoạch biểu tình lên án bá quyền Trung Quốc của thanh niên sinh viên ngay trong trứng nước. Thay vào đó bộ máy tuyên truyền của chế độ thổi lớn lên những lên án đả kích giáo dân Thái Hà và đức Tổng Giám Mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt.

 
CSVN phải chuyển mọi chú ý của dư luận trong nước ra khỏi vụ HS-TS vì đây là điểm nhược nhất của họ. Họ hiểu rõ hình ảnh hành động bán nước, khôn nhà dại chợ, hung hăng bịt miệng đồng bào yêu nước của mình trong khi đó lại mềm nhũn trước sự lấn át chi phối của Bắc Kinh, là điều mà toàn thể nhân dân Việt Nam không thể chấp nhận nếu mọi người đều biết. Và nguy hiểm nhất cho họ là hình ảnh đó đang bắt đầu được truyền bá trong hàng ngũ quân đội và công an, vốn là những trụ cột chính chống đỡ bảo vệ chế độ, với lời ngầm kêu gọi nhau rằng quân đội là để bảo vệ tổ quốc chứ không phải bảo vệ Đảng. (ông Nguyễn Minh Triết đã phải bay vào Nam đích thân sinh hoạt với Quân Khu 5, vùng có trách nhiệm trên các vùng đảo HS-TS, để trấn an những bức xúc của các chiến sĩ Quân Khu này). Cho nên đối với CSVN, vụ Thái Hà trở nên tương đối nhỏ, dễ giải quyết khắc phục, nhất là sau khi họ đã rút được một số kinh nghiệm đối phó từ lần trước. Vì thế họ có vẻ chủ động làm lớn chuyện này trong nước để thu nhỏ quan tâm của quần chúng vào vụ mất đất nhỏ của riêng giáo xứ Thái Hà thay vì vào vụ mất đất mất biển lớn của chung cả tổ quốc.

Những chiêu thế của CSVN trong vụ Thái Hà lần 2:

1/ Tuyên truyền áp đảo sớm: Các báo đài đồng loạt đưa tin rất sớm xuyên tạc lên án các hành động cầu nguyện tập thể cuả giáo dân để dọn đường cho thái độ cứng rắn của nhà nước.

2/ Sử dụng bạo lực sớm: cô lập khu vực, dùng lựu đạn cay giải tán cuộc tụ tập cầu nguyện, cho côn đồ hành hung giáo dân, bắt bớ các giáo dân bị nghi là nồng cốt chỉ đạo, trước khi những cuộc cầu nguyện thu hút đủ số đông khó dẹp.

3/ Đặt giáo dân trước sự đã rồi: gấp rút thi công xây công viên và thư viện trên vùng đất tranh chấp trong thời gian kỷ lục, khiến giáo dân khó đòi mà nếu làm lớn chuyện cứ đòi thì rơi vào thế đã gài sẵn như sau:

4/ Thổi lên hình ảnh giáo dân Công Giáo là thành phần xấu ích kỷ, đặt quyền lợi riêng trên nhu cầu phục vụ quần chúng, thiếu nhi của nhà nước, với vị chủ chăn Ngô Quang Kiệt “không muốn nhận mình là người Việt Nam”. Thuê thường dân và xã hội đen đến quấy phá chửi bới khiêu khích giáo dân, thổi lên hình ảnh nhân dân đang chửi chống thiểu số giáo dân. Có lẽ CSVN qua đó muốn như sau:
      
5/ Chia để trị: tạo sự phân hóa chia rẽ giữa các thành phần dân tộc, khích động sự xung đột giữa giáo dân và người ngoại đạo, để người dân quên đi mối nhục chung là độc tài đã nhường đất biển cho ngoại bang.

6/ Xiết và nhả trong tư thế bề trên: Bên cạnh sự cứng rắn áp đảo, CSVN cũng nhả ra một chút, đưa ra ba miếng đất để Tổng Giám Mục Hà Nội chọn một để thế cho miếng đất toà Khâm Sứ đã bị trưng thu , với điều kiện phải làm đơn xin phép. Đây là cung cách quen thuộc cố hữu của CSVN: xiết cổ nạn nhân cho gần quỵ rồi nhả ra một chút cho thở, nạn nhân sẽ biết ơn được ban cho sự sống và quên rằng sống thở thoải mái không bị ai xiết họng là quyền tự nhiên của mình.

Những thế đối phó của Công Giáo Việt Nam:

1/ Giữ vững kỷ luật hàng ngũ: triệt để bất bạo động, không rơi vào bẫy khích động bạo động của công an và đám côn đồ được thuê tới. Vì bạo động là cung cấp cho CSVN có lý cớ để thẳng tay dùng bạo lực đàn áp.

2/ Bám chặt đối phương để giảm thiểu bạo lực: Các linh mục và giáo dân đã thắng một bước khi buộc được viên chỉ huy công an phải làm biên bản về cuộc tấn công bạo động của công an và bọn côn đồ. Việc công an làm biên bản theo sự yêu cầu của dân là dấu chứng xác nhận " giáo dân chúng tôi là những công dân tôn trọng luật pháp, tôn trọng thẩm quyền của công an dù bất đồng, là nạn nhân của bạo lực, công an không có lý do gì mà đàn áp thêm mà còn có trách nhiệm phải bảo vệ chúng tôi". Có lẽ vì thế mà bạo lực đã khó mà leo thang tiếp từ phía nhà nước.

3/ Nâng cấp đấu tranh: nâng cấp đòi hỏi lên một bước rộng hơn, đòi Công Lý Công Bình và Sự Thật. Sau tám tháng chờ đợi để thấy rõ hơn nhà nước thất hứa, dùng thủ đoạn gian trá, và sau khi bị khích động bởi bạo lực đã không khuất phục được niềm tin, sự quyết tâm và dấn thân của giáo dân đã chín mùi để mở ra mục tiêu cao hơn. Và mục tiêu này phổ quát chung cho mọi thành phần dân tộc để phá đi hình ảnh ích kỷ cục bộ của thiểu số mà nhà nước đã cố tuyên truyền xuyên tạc về giáo dân. Ngoài ra cũng nâng cấp nhập cuộc của hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo. Không còn một LM Nguyễn Văn Lý cô đơn trước sự im lặng của đồng sự, mà dần dần đã lên tới cả Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chính thức lên tiếng bênh vực cho con chiên và lẽ phải, vun bồi thêm niềm tin tranh đấu.
      
4/ Cốt chắc vỏ mềm: lần này ta có thể cảm nhận được sự kiên quyết đi tới cùng của công giáo VN. Nhất định không chấp nhận việc xin cho đất để thỏa hiệp về việc đất nhà thờ bị cướp mất, mà còn mở rộng tầm tranh đấu như ở trên. Thế mà nghe và đọc các lời báo cáo, tuyên bố của các vị lãnh đạo tinh thần Công Giáo, ta không hề thấy những từ ngữ nặng nề tấn công CSVN mà hầu hết là những lời ôn tồn hòa hoãn kêu gọi sự bền tâm vững tin vào lẽ phải. Phong cách trên không những thể hiện bản lãnh của những người đầy niềm tin vào nội lực của mình, không như những thùng rỗng kêu to, mà còn bộc lộ rõ sự tương phản giữa một bên là sự trong sáng tử tế đầy thiện ý và bên kia là sự trí trá xảo quyệt của CSVN. Phong cách tử tế này cũng buộc CSVN ít nhất phải tỏ vẻ tử tế tương xứng theo.

5/ Vận dụng báo đài hải ngoại và quốc tế để trung hòa tuyên truyền xấu từ truyền thông nội địa: Những tin tức trung thực về cuộc tranh đấu, tiếng nói của giáo dân, cha xứ, Hội Đồng Giám Mục đã có cơ hội chọc thủng tấm màn bưng bít xuyên tạc một chiều của bộ máy tuyên truyền CSVN nhờ truyền thông bên ngoài bắn ngược vào trong nước.

6/ Kêu gọi được sự hiệp thông rộng rãi lan rộng khởi đầu từ các giáo xứ khác sang dần đến các thành phần dân tộc khác, ra cộng đồng người Việt hải ngoại, cho tới Giáo Hội Phật Giáo Việt NamThống Nhất trong nước cũng đã bày tỏ sữ cảm thông hỗ trợ. Cơ sở cho một liên minh dân tộc thực sự đang có triển vọng được xây dựng.

Từ những nhận xét trên, những điều có thể rút tỉa:
      
1/ Đấu tranh bất bạo động không phải là lối đấu tranh thụ động tự phát. Nó đòi hỏi tính tổ chức, kỷ luật, cân nhắc đấu trí, liên tục đánh giá tương quan lực lượng hai bên để có những bước tiến lùi công thủ cho hữu hiệu. Nó có lúc sẽ dấy lên những phong trào sôi nổi, có lúc lặng xuống nhưng vẫn ngún như than hồng bên trong.

2/ Cuộc đấu tranh của giáo dân Hà Nội hiện nay đang vào giai đoạn than hồng giữ lửa sau khi bùng lên và đạt được một số thành quả tiếp theo trận diễn tập lần đầu: quan trọng nhất là nó đã được nâng cấp về chiều sâu lẫn độ rộng như đã viết ở trên.

3/ Nhưng nó vẫn còn khó mà đi đến thắng lợi sau cùng, giống như các cuộc đấu tranh của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, của Phật Giáo Hòa Hảo, của Tin Lành, của đồng bào thiểu số Tây Nguyên, của dân oan, công nhân hay của thanh niên sinh viên yêu nước hay các nhà đấu tranh dân chủ, khi nó chưa được lồng vào trong cùng nhịp với sự bức xúc khắc khoải chung của mọi thành phần dân tộc trong nước. Khi chưa đánh trúng vào tần số chung của mọi thành phần, thì những cuộc đấu tranh của từng thành phần kể trên vẫn mới chỉ có tác dụng quấy rối chế độ một cách lẻ tẻ dù có liên hòan; có soi mòn đẩy lùi chế độ độc tài mau hay chậm vẫn còn tùy thuộc vào bản lãnh ứng phó, kinh nghiệm ma mãnh, mức độ phi nhân bản của nhà cầm quyền độc tài, những điều mà CSVN không thiếu.
      
4/ Khi có được một thông điệp chung mà tất cả các thành phần dân tộc đều liên hệ được và thấy mình trong đó, người người sẽ tham gia tích cực đấu tranh một cách đồng bộ đưa tới một con số đông quần chúng tới mức độ mà bạo lực không còn có thể trấn áp được nữa và phải quy hàng. Lúc đó cuộc cách mạng hòa bình bất bạo động ít đổ vỡ sẽ thành công như đã thành công tại Đông Âu.

5/ Liệu thông điệp mà công giáo Việt Nam phần nào đề xuất: Tranh đấu cho Công Lý, Công Bình, Sự Thật, có đủ tác dộng để làm thông điệp chung kể trên chưa? Nó có đánh động chung lòng người mạnh hơn là những từ Dân Chủ, Nhân Quyền, Tự Do Tôn Giáo, Chống Tham Nhũng, Đòi Tăng Lương, Đòi lại Hoàng Sa Trường Sa v.v… không? Nó có tạo điều kiện tốt hơn để soi mòn các trụ cột chống đỡ chế độ không? Có một thông điệp nào hay hơn nữa không? Câu trả lời xin dành cho tất cả chúng ta.

Đặng Vũ Chấn


Nguồn: Vietnam News Network
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1033 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0