1. Những dấu chỉ trái ngược nhau
Sau chuyến đi Vatican của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong năm 2007 tại Việt Nam đã có những lễ phong chức cho cả trăm linh mục ở các giáo phận trên toàn quốc, trong đó có chủng sinh tu chui - tức là đi tu không có phép của nhà nước. Tháng Mười năm vừa qua có ngày đại hội giới trẻ Công giáo miền Bắc tổ chức ở Hải Phòng với hơn chục nghìn thanh niên nam nữ tham dự, tuy sinh hoạt này ít được truyền thông trong nước nhắc đến. Trước những sự kiện trên, dư luận giáo hội trong ngoài nước đã có những hi vọng về quan hệ giữa Vatican và Việt Nam sẽ được mở ra trong một tương lai không xa.
Tuy nhiên bên trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam cũng còn khuynh hướng không muốn tiến tới quan hệ tốt hơn với Vatican và đã tìm cách ngăn cản buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng Dũng và Giáo hoàng Bênêdictô XVI vào giờ chót.
Đến cuối năm 2007, hi vọng bang giao giữa Việt Nam và Vatican đã lùi lại nhiều bước khi Giáo hội Công giáo Việt Nam lên tiếng đòi lại đất Toà Khâm sứ cũ, với việc hàng nghìn giáo dân tụ họp cầu nguyện nhiều ngày cho đến khi có hứa hẹn giải quyết từ chính quyền. Nhưng qua năm 2008, đất Toà Khâm sứ vẫn chưa được trả lại cho giáo hội và việc cầu nguyện giữ đất lan ra đến Giáo xứ Thái Hà. Cảnh sát cơ động đã dùng hơi cay để giải tán đám đông, bắt giam một số giáo dân. Tháng trước nhà nước đã cấp tốc biến những nơi tranh chấp thành vườn hoa và Toà Khâm sứ cũ được dùng làm thư viện.
Toà Khâm sứ được coi như sứ quán của Vatican, vì thế trong tiến trình bang giao, việc trao trả lại tài sản của hai quốc gia, như giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã thực hiện trong năm 1995, là điều thường có trong giai đoạn tiền bang giao.
Trong hai thập niên qua giữa Vatican và Việt Nam đã có nhiều thảo luận song phương hầu tìm đến một sự thân thiện hơn. Lãnh đạo Giáo hội Công giáo Việt Nam đã được phép đi Roma dự đại hội đồng giám mục thế giới, trong khi nhà nước Trung Quốc chưa bao giờ cho các giám mục đi họp. Giám mục Việt Nam cũng thường xuyên được ra nước ngoài, đến những nơi có đông người Việt sinh sống, đặc biệt là Hoa Kỳ, để sinh hoạt mục vụ và cũng là cách để Hà Nội chứng tỏ với thế giới ở Việt Nam có tự do tôn giáo.
Sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam ngày nay sinh động hơn so với những thập niên trước. Chùa chiền, thánh thất và nhà thờ luôn có đông tín đồ dự lễ, cúng viếng, cầu xin. Tuy nhiên những khó khăn trong việc tổ chức giáo hội, đặc biệt là Giáo hội Công giáo thì vẫn còn, từ việc giới hạn số chủng sinh đến việc phong chức cho các linh mục, giám mục vẫn có sự can thiệp của nhà nước. Một giám mục trong lần ghé vùng Vịnh San Francisco có nói rằng nhà nước chỉ cho mỗi huyện được phép đề cử một số chủng sinh nhất định vào nhà dòng tu tập. Nhà nước cũng không cho giáo hội đóng góp vào công tác giáo dục, cải thiện xã hội.
2. Việt Nam muốn phát triển quan hệ với thế giới: trường hợp Vatican và những nước cộng sản
Chính sách ngoại giao của Việt Nam là làm bạn với tất cả các nước trên quan điểm bình đẳng, tôn trọng chủ quyền, độc lập của nhau và đã phát triển quan hệ với nhiều nước trong hai thập niên qua, kể cả những kẻ thù cũ là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Khó khăn nhất giữa Việt Nam và Toà Thánh là vấn đề Vatican muốn được độc lập trong việc phong chức và bổ nhiệm giám mục trông coi giáo phận và các giám mục được quyền chọn phong chức linh mục cho chủng sinh mà không phải xin phép hay có sự can thiệp của nhà nước, vì đó là truyền thống sinh hoạt của Giáo hội Công giáo.
Vatican được xem như thánh địa của người Công giáo về mặt tâm linh, nhưng cũng là một quốc gia theo công pháp quốc tế. Tuy là một quốc gia nhỏ bé về mọi phương diện - diện tích vỏn vẹn 13 mẫu và dân số khoảng một nghìn, đa số là tu sĩ - nhưng Vatican có nhiều ảnh hưởng tinh thần đối với 800 triệu tín đồ ở khắp mọi châu lục. Vatican có Toà Khâm sứ, cơ sở ngoại giao tương đương với đại sứ quán, tại nhiều quốc gia để chăm sóc và bảo vệ quyền lợi đời sống tinh thần cho tín đồ ở nước sở tại. Qua Vatican, nhiều quỹ giáo dục và từ thiện do đóng góp của những quốc gia phát triển được dùng để giúp những nước nghèo theo tinh thần bác ái.
Vì là một tôn giáo có quan điểm thần học nghịch với chủ trương vô thần trong chủ nghĩa cộng sản, nên giữa Giáo hội Công giáo và các chính quyền cộng sản thường có nhiều xung đột. Trong quá khứ Vatican ít có quan hệ ngoại giao với những quốc gia cộng sản. Hiện nay Vatican không có bang giao với Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn và Việt Nam, là những nước cộng sản còn lại.
Tuy nhiên trong nhiều trường hợp dù không chính thức có quan hệ với một quốc gia, Giáo hoàng đã có những chuyến tông du như chuyến đi Hoa Kỳ và Mexico của cố Giáo hoàng Gioan-Phaolô II vào năm 1979 và đặc biệt là chuyến đi Cuba của Ngài cách đây một thập niên. Hoa Kỳ chính thức có quan hệ ngoại giao với Vatican vào năm 1984. Trước đó các tổng thống Mỹ chỉ gửi sứ thần là người đại diện riêng của tổng thống đến Vatican. Mexico dù có đông người Công giáo, nhưng bang giao với Vatican mới được chính thức nối lại năm 1992 sau nhiều thập niên gián đoạn. Cố Giáo hoàng Gioan-Phaolô II nổi tiếng là người tìm đến con chiên ở mọi châu lục nên sau chuyến đi Cuba Ngài cũng đã ngỏ ý muốn đến Việt Nam vào năm 1998, nhân dịp kỉ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra ở La Vang. Hội đồng Giám mục Việt Nam có gửi thư mời Ngài đến dâng thánh lễ để tôn kính Mẹ Maria cùng với hàng giáo phẩm Việt Nam, nhưng phía nhà nước cho biết vì chưa có quan hệ giữa hai quốc gia nên về phương diện ngoại giao chưa thể đón Ngài.
Việt Nam và Vatican đã gián đoạn bang giao trong nhiều thập niên. Sau năm 1954 chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã yêu cầu Khâm sứ Toà thánh rời khỏi miền Bắc. Năm 1975, sau khi chính quyền Việt Nam Cộng hoà sụp đổ, đất nước thống nhất thì đại diện ngoại giao Toà thánh ở miền Nam cũng bị trục xuất. Từ đó Việt Nam và Vatican không còn quan hệ ngoại giao nữa.
Việt Nam là quốc gia có người Công giáo đông thứ nhì ở Đông Á, sau Philippin. Trong số 85 triệu dân, khoảng 8 triệu người Việt theo Công giáo.
Chính sách của Hà Nội đối với các tôn giáo là hạn chế và tìm cách kiểm soát chặt chẽ. Sinh hoạt của các giáo hội bị buộc đặt dưới trướng của Mặt trận Tổ quốc là một cơ quan chỉ đạo các sinh hoạt văn hoá, xã hội cho cả nước.
3. Phản ứng của người Việt hải ngoại
Trước sự việc giáo hội bị đàn áp, công lí bị chà đạp trong vụ đòi đất Toà Khâm sứ và tại Giáo xứ Thái Hà, người Việt hải ngoại đã hướng lòng hiệp thông với giáo hội quê nhà qua các thánh lễ, qua những buổi thắp nến cầu nguyện.
Hai nghìn người đã đổ về khu Lion Plaza ở San Jose để hiệp thông và cầu nguyện cho cuộc tranh đấu của những tín đồ Công giáo ở thủ đô Hà Nội.
Chiếu ảnh biến cố Toà Khâm sứ và Giáo xứ Thái Hà trong đêm đốt nến cho công lí và hoà bình tại Việt Nam ở San Jose
Thành
phố San Jose là trung tâm của cộng đồng người Việt miền Bắc California
với nhiều sinh hoạt chính trị, văn hoá, tôn giáo. Yểm trợ cho tranh đấu
vì nhân quyền, San Jose đã tuyên dương những chức sắc lên tiếng đòi tự
do tôn giáo như các Hoà thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ, như
Linh mục Nguyễn Văn Lý, cụ Lê Quang Liêm.
Sáng Chủ nhật ngày 28.9 tại Giáo xứ Việt Nam St. Patrick có thánh lễ cầu nguyện cho giáo hội quê nhà.
Cũng
cần nhắc lại, trong tháng Bảy vừa qua Hồng y Phạm Minh Mẫn có chương
trình thăm viếng mục vụ tại đây, nhưng sau khi Ngài lên tiếng không
muốn thấy cờ vàng ba sọc đỏ được tung bay tại Đại hội Giới trẻ ở Úc nên
đã có ý kiến phản đối, vì thế Hồng y Mẫn đã huỷ bỏ chương trình dâng lễ
ở San Jose. Trong những chuyến công tác mục vụ, các giám mục lãnh đạo
Giáo hội Công giáo Việt Nam thường đến San Jose sinh hoạt với giáo dân
Việt.
Thánh lễ lúc 8 giờ 45 sáng do linh mục Vinh Sơn Nguyễn
Đình Truyền chủ tế. Ngài còn trẻ, mới làm linh mục được đôi ba năm,
hiện là phụ tá cho cha chính xứ Gioan T. Nguyễn Minh Hiền. Bắt đầu
thánh lễ ngài nói: “Hôm nay chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho Giáo hội
Mẹ đang bị bách hại dưới nhiều hình thức. Đặc biệt là cho Tổng Giáo
phận Hà Nội”.
Nếu phải nhắc đến nét thuần tuý Việt Nam từ quê
hương được mang trọn vẹn qua Hoa Kỳ thì phải kể đến chương trình phụng
vụ thánh lễ của người Công giáo, vì từ câu kinh đến những bản thánh ca
đều giống với quê nhà. Những chỗ sửa đổi mới nhất trong Kinh Tin kính
cũng đã được chiếu lên cho giáo dân đọc theo, như kinh sách đang được
dùng ở Việt Nam. Trong thánh lễ có bài thánh ca mang điệu quan họ Bắc
Ninh, với tiếng đàn tranh trầm bổng giúp người dự lễ dễ hướng lòng lên
cầu nguyện: “Dâng dâng tháng ngày / Thế gian luôn biến đổi / Hoa xuân, mưa hạ, gió thu / Một năm buồn vui mấy muà…”
Khung cảnh, giáo dân, lời kinh, ca vịnh đều mang nét Việt không khác gì
sinh hoạt trong một nhà thờ ở Hà Nội, Nha Trang hay Sài Gòn.
Trong
bài giảng, Linh mục Truyền mở đầu bằng câu chuyện mà có lẽ nhiều người
đã được nghe từ một chương trình ca nhạc giải trí sản xuất ở Hoa Kỳ. Đó
là chuyện bốn thương gia người Việt, Mỹ, Nhật và Hoa ăn nhậu chung vui,
một hồi sau say xỉn các đại gia lớn tiếng khen nhau. Tay buôn người
Việt nói với con buôn Hoa Kỳ là ông rất phục người Mỹ vì người Mỹ nói
là làm. Thương gia Mỹ thì khâm phục ông bạn Nhật vì người Nhật làm xong
mới nói. Còn thương gia Nhật phục ông Tàu Trung Quốc là không nói mà
làm. Đến lượt ông Tàu thì ông ta khen đại gia Việt cộng là nói một đàng
và làm một nẻo.
Giáo dân vỗ tay tán đồng.
Câu chuyện
dẫn vào bài giảng của Linh mục Truyền để ngài nói đến sự việc nhà cầm
quyền Hà Nội đã hứa trả đất Toà Khâm sứ cho giáo hội nhưng sau đó lại
biến nơi này thành vườn hoa và thư viện, mang đi những tượng ảnh và ra
tay đàn áp giáo dân đến cầu nguyện. Như ý xin của linh mục chủ tế khi
nhập lễ, gần một nghìn giáo dân đã dâng những lời cầu nguyện cho giáo
hội quê nhà vượt qua được những khó khăn trước mặt.
Không chỉ
người Công giáo Việt hướng về Giáo hội Mẹ, mấy tuần qua trong nhiều
thánh lễ tiếng Anh người Mỹ cũng cất lên những lời cầu nguyện cho người
Việt đang bị đàn áp vì tôn giáo.
Cùng với các cộng đoàn Công
giáo, cộng đồng người Việt nhiều nơi cũng đã bày tỏ lòng hiệp thông với
các tu sĩ và giáo dân đang đòi công lí, công bằng xã hội trên quê hương
Việt Nam.
Ngày 30.9 cả trăm người biểu tình trước Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở San Francisco.
Chiều
thứ Bảy 4.10, cộng đồng người Việt ở San Jose đã có đêm thắp nến với sự
tham dự của hai nghìn người cùng đại diện các tôn giáo và chính quyền.
Sức
mạnh của niềm tin và sự hiệp thông trong tinh thần tôn giáo là điều làm
lãnh đạo Hà Nội và các chính quyền cộng sản lo sợ. Dưới chế độ cộng sản
không có sinh hoạt tôn giáo độc lập bởi vì nhà nước sợ tín lí và các
hoạt động tôn giáo, mà lãnh đạo cộng sản coi đó như thuốc phiện, sẽ làm
lu mờ chủ thuyết cộng sản.
Sau khi nhà nước chiếm Toà Khâm sứ
và đất Giáo xứ Thái Hà, Thượng tướng Công an Nguyễn Văn Hưởng lên tiếng
đổ tội cho Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt có những hành động làm tổn hại
đến quan hệ giữa giáo hội và nhà nước và làm cản trở bang giao giữa
Vatican và Việt Nam. Tướng Hưởng quên rằng ở Việt Nam đã một thời có
chính sách không kết nạp người Công giáo vào ngành công an và nếu đã là
công an thì không được kết hôn với người theo Công giáo.
Như
thế chủ trương không muốn bang giao hay những người đang làm cản trở
tiến trình bang giao giữa Việt Nam và Vatican là công an chứ không phải
một giám mục đứng đầu tổng giáo phận của thủ đô một nước.
(Ảnh trong bài của tác giả)
Bùi Văn Phú