|
|
Nhà báo Nguyễn Việt Chiến khẳng định "không làm gì sai trái" |
Sáng 15/10, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã ra phán quyết, theo đó nhà báo Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh Niên bị kết
án hai năm tù giam.
Ông Phạm Hồng Hải, luật sư bào chữa cho ông Chiến, cho BBC hay: “Theo tôi, mức án 24 tháng tù giam đối với ông Nguyễn Việt
Chiến như vậy là nhẹ. Vì khoản 2, điều 258 bộ luật hình sự quy định ba đến bảy năm tù giam”.
Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ) nhận mức án 24 tháng cải tạo không giam giữ.
Chủ tọa phiên tòa Trần Văn Vy nói ông Hải, 33 tuổi, đã "tích cực hợp tác với cơ quan điều tra và tỏ ra hối lỗi" .
Theo luật sư Phạm Hồng Hải đó chính là "tình tiết giảm nhẹ đặc biệt theo luật hình sự Việt Nam".
"Còn anh Chiến cho rằng mình không phạm tội và tất các tài liệu đều lấy từ cơ quan điều tra và đó không phải là bí mật công
tác. Các bài viết chưa ảnh hưởng tới ai”.
Trước khi tòa tuyên án, ông Chiến, 56 tuổi, vẫn khẳng định "không làm gì sai trái" và không có động cơ vụ lợi nào
trong việc tường thuật vụ PMU18.
|
Gia đình tôi rất thất vọng về bản án này. Bố tôi là người chống tham nhũng đến cùng mà giờ lại phải nhận mức án như vậy
Nguyễn Tuấn - con trai nhà báo Việt Chiến
|
Một luật sư biện hộ khác nói "bản thân bị cáo sẽ phải quyết định có kháng kiện hay không".
Luật sư Hà Đăng nói ông Chiến có 15 ngày để quyết định việc này.
Cùng ra tòa với hai nhà báo có hai cựu quan chức công an, thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát
điều tra tội phạm về TTXH (C14), và thượng tá Đinh Văn Huynh, nguyên Trưởng phòng 9 (C14).
Hai ông bị buộc tội "cố ý làm lộ bí mật công tác". Ông Huynh bị kết án một năm tù trong khi ông Quắc chỉ bị
cảnh cáo.
Sau phiên xử, anh Nguyễn Tuấn, con trai nhà báo Nguyễn Việt Chiến, nói với BBC: “Gia đình tôi rất thất vọng về bản án này.
Bố tôi là người chống tham nhũng đến cùng mà giờ lại phải nhận mức án như vậy”.
Về chuyện kháng án, anh Tuấn cho biết gia đình sẽ có quyết định “sau khi tham khảo ý kiến của bố tôi”.
Con trai nhà báo Việt Chiến cũng nói với BBC rằng anh không muốn so sánh mức án nhẹ hơn dành cho ký giả Nguyễn Văn Hải vì
“đều là nhà báo với nhau”.
Nhà báo Nguyễn Văn Hải trở lại trại giam hoàn tất một số thủ tục và đã được trại giam thuê taxi đưa về tòa soạn báo
Tuổi trẻ ở Hà Nội.
Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Lê Hoàng và các đồng nghiệp của ông Hải đã tới gặp ông trước khi ông lên xe ra khỏi trại giam.
Hối lỗi
Mức án tòa phán quyết đã thấp hơn so với đề xuất của bên công tố.
Một nhà báo không muốn nêu tên cho BBC biết giới nhà báo trong nước “buồn vui lẫn lộn vì phán quyết”.
“Tôi mừng cho đồng nghiệp Hải, nhưng cũng buồn khi anh Chiến bị kết án như vậy”.
Nguồn tin từ Hà Nội này nói: “Anh Chiến nói trước tòa cũng có cái lý của anh ấy. Nếu lấy nguồn từ cơ quan chức năng thì nếu
thông tin sai thì nguồn tin hoặc tờ báo đăng tin đó phải chịu trách nhiệm”.
Hôm
thứ Ba 14/10 ông Phạm Xuân Quắc bị Viện kiểm sát đề nghị một năm tù
treo. Nhà báo Nguyễn Văn Hải bị đề nghị nhận án tù treo từ 18 cho đến
24 tháng. Phóng viên Nguyễn Việt Chiến và ông Đinh Văn Huynh bị đề
nghị mức án cao nhất từ 24 cho đến 30 tháng tù.
Trả lời trước tòa hôm 14/10, ông Hải đã thừa nhận “sai lầm khi tiếp nhận và xử lý thông tin mà không hề biết đó là thông tin
sai sự thật”.
"Tôi không cố ý đưa tin sai sự thật gây ảnh hưởng tới cá nhân, tổ chức khác. Nhưng tôi đã sai và xin chịu trách nhiệm về hành
vi của mình."
Còn ông Nguyễn Việt Chiến nói mình vô tội đồng thời khẳng định nguồn tin viết bài là “từ những người có thẩm quyền" và "không
vụ lợi cho bản thân".
|
Tôi không cố ý đưa tin sai sự thật gây ảnh hưởng tới cá nhân, tổ chức khác. Nhưng tôi đã sai và xin chịu trách nhiệm về hành
vi của mình.
Nhà báo Nguyễn Văn Hải
|
Phiên tòa đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Giáo sư Tương Lai từ TP Hồ Chí Minh nói với BBC ông vẫn cho rằng việc bắt hai phóng viên là biện pháp 'xử lý
thiếu khôn ngoan'.
"Có thể họ có sai lầm về nghiệp vụ và phải rút kinh nghiệm, nhưng trong thời điểm nhạy cảm hiện nay, khi
VN muốn mở rộng dân chủ, tạo không khí cởi mở, hòa hợp, thì việc bắt họ là không ổn."
Ông nói thêm: "Ngay cả việc bắt họ với một tội danh, nhưng khi đưa ra xử lại với một tội danh khác, cũng là
chuyện không hay".
Tuy nhiên theo giáo sư, "công khai hóa trước tòa cũng là việc làm cần thiết" để dư luận đánh giá sự việc.
|