Thứ Tư, 2024-12-18, 7:57 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 15 » Mơ Hồ
10:05 PM
Mơ Hồ

Ngô Nhân Dụng

Nhiều người đã đề nghị đảng Cộng Sản Việt Nam nên đổi tên; tên gì cũng được nhưng bỏ hai chữ Cộng Sản đi. Cả các đảng viên cộng sản cũng nhiều người đã đề nghị đổi tên đảng, mỗi người đưa ra những lý do rất đáng chú ý. Nhưng hiện giờ có nhiều biến cố mới khiến cho việc đổi tên này càng có lý do chính đáng hơn. Ðó là do tình trạng thế giới đang trải qua một cuộc khủng hoảng tài chánh! Cuộc khủng hoảng này cho thấy cả cái chủ nghĩa Cộng Sản lẫn việc lập ra cái đảng mang tên này có vẻ lố bịch. Vì nó đang mất đối tượng! Chủ Nghĩa Cộng Sản đặt ra để đánh Chủ Nghĩa Tư Bản, mà công việc này không cần nữa! Một cái tên mơ mộng để chống lại một cái chủ nghĩa mơ hồ, nên chấm dứt là phải!

Vì chưa bao giờ trong thế giới tư bản người ta thấy “chủ nghĩa tư bản” bị tấn công tan tác như bây giờ. Các ngân hàng đầu tư, các ngân hàng thương mại, những công ty môi giới chứng khoán, theo Karl Marx nói đó là những thành trì của “chủ nghĩa tư bản,” tất cả đang bị tấn công tới tấp, bằng cách quốc hữu hóa toàn thể hay là một phần.

Nhưng ai đang đóng vai các chiến sĩ tiền phong đứng lên tấn công vào các thành trì của “chủ nghĩa tư bản” này?

Nhìn mặt, thì thấy các chiến sĩ tiền phong trong cuộc công kích đó chính là những “nhà tư bản” theo định nghĩa của các ông Marx và Lenin! Ông Georges W. Bush, ông Henry Paulson, bà Merkel đều là những nhà tư bản. Các chính phủ Mỹ, Anh, Ðức, Tây Ban Nha, đều theo kinh tế tư bản. Nay chính họ đang “quốc hữu hóa” các ngân hàng nước họ.

Chính những nhà lãnh đạo của thế giới tư bản đang dùng quyền lực nhà nước tiến chiếm những pháo đài của chủ nghĩa tư bản! Làm việc đó là họ theo khuyến cáo của ông Vladimir Ilich Lenin, một ông thánh khác của chủ nghĩa Cộng Sản, ông đã trình bày kế hoạch này trong cuốn “Nhà nước và Cách Mạng.”

Vậy thì chúng ta biết nói làm sao?

Một kết luận rất giản dị là: Cái mà người ta gọi bằng tên “chủ nghĩa tư bản” nó không có thật. Nó là một sản phẩm trí thức, do óc tưởng tượng phì nhiêu của con người tạo ra. Trên thế giới từ hàng trăm năm trước đã có những “Ðảng Cộng Sản” nhưng không có một đảng nào gọi là “Ðảng Tư Bản” cả! Cái tên chủ nghĩa đó chỉ được đặt ra làm nhãn hiệu để tiện tấn công, để gọi tên cái trật tự xã hội họ muốn lật đổ, có vậy thôi! Cái tên để gọi một thứ không có thật, chỉ có trong đầu người ta! Như vậy gọi là sở tri chướng! Karl Marx là một nhà trí thức, nhiều môn đồ của ông sau này cũng thuộc giới trí thức. Các nhà trí thức thường yêu quý những cái gì bầy ra ở trong đầu của họ, tôn quý chúng hơn tất cả những sự thật sờ sờ trước mắt!

Tại sao nhiều người nghĩ rằng có thứ chủ nghĩa gọi là tư bản? Không ai viết tuyên ngôn cho nó như ông Marx đã viết Tuyên Ngôn Cộng Sản! Không ai lập đảng để tuyên truyền, bảo vệ chủ nghĩa đó cả! Danh từ “capitalism” được Thackery dùng lần đầu năm 1854. Bản Tuyên Ngôn Cộng Sản của Marx và Engels không dùng danh từ này. Hai ông viết tuyên ngôn theo yêu cầu của Liên Ðoàn Cộng Sản họp ở London. Ngay câu mở đầu họ đã dùng chữ “chủ nghĩa cộng sản” (communism) như là một viễn tượng đang trùm lên thế giới Âu Châu. Nhưng khi đả kích trật tự xã hội đương thời các ông đã nhắm vào “giai cấp tư sản” (bourgeoisie) làm mục tiêu tấn công, đánh vào một tầng lớp xã hội chứ không phải vào một chủ nghĩa. Ðến thế kỷ 20 danh hiệu “chủ nghĩa tư bản” được các đảng cộng sản sử dụng nhiều nhất, vì nó tiện cho họ trong việc vận động các tín đồ của chủ nghĩa cộng sản. Họ muốn tạo nên một tôn giáo mới, mang tên “Chủ Nghĩa Cộng Sản” cho nên phải gọi tên tất cả những gì họ chống dưới một cái tên chung khác, có như vậy mới dễ nói. Marx coi tất cả các định chế chính trị, văn hóa, tôn giáo của xã hội tư sản chỉ là một ý thức hệ bảo vệ quyền lợi giai cấp tư sản. Ðặt cho nó một cái tên để tiện việc tấn công, người ta biến một cuộc đấu tranh kinh tế, chính trị thành một cuộc đấu tranh ý thức hệ, nói cách khác là một cuộc “thánh chiến!”

Muốn hô hào người ta theo mình, phải đặt ra một cái bia để cùng bắn vào. Có đặt ra danh hiệu “chủ nghĩa tư bản” để mô tả nó như một thứ quỷ sứ canh gác địa ngục, thì người ta mới dễ tuyên truyền, cổ động cho cái “chủ nghĩa cộng sản” mà họ vẽ ra như một thiên đường, lôi kéo người khác chạy theo một giấc mơ hão huyền. Họ ôm cứng lấy cái lý thuyết và danh hiệu này trong suốt một thế kỷ vừa qua, vì nếu bỏ qua cái tên chủ nghĩa tư bản thì các chủ trương đấu tranh, giết người đoạt của sẽ mất một đối tượng!

Vậy sự thật thì cái họ gọi bằng tên “chủ nghĩa tư bản” nó là cái gì?

Ðó là những cách xếp đặt cuộc sống kinh tế chung trong xã hội loài người, mà nếu gọi bằng những tên khác thì dễ hiểu hơn mặc dù không còn hấp dẫn nữa. Cha đẻ của môn nghiên cứu kinh tế tư bản là Adam Smith (thế kỷ 18) gọi nó là kinh tế tự do. Các nhà kinh tế học sau ông gọi là hệ thống kinh tế thị trường. Ðặc tính của cách xếp đặt xã hội đó là tôn trọng quyền tư hữu, giá cả các hàng hóa và dịch vụ là do hoạt động của các tư nhân tự do trong thị trường chứ không phải do nhà nước quyết định, và các hoạt động kinh tế đều nhắm tìm doanh lợi tối đa. Cách xếp đặt xã hội đó diễn ra chầm chậm trong nhiều thế kỷ và thay đổi hoài hoài, không do một chủ nghĩa nào ấn định trước cả. Vì nó không phải là một chủ nghĩa, một tín điều cho nên nó tha hồ thay đổi, thích ứng, có khi quay sang tả, khi quay sang hữu, vì cuộc sống xã hội luôn luôn thay đổi!

Nên biết Karl Marx sử dụng danh từ chủ nghĩa tư bản, capitalism, như một kiểu làm kinh tế thị trường riêng. Marx phân biệt nó với các thứ kinh tế thị trường khác ở một chỗ, là trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa thì quyền làm chủ các phương tiện sản xuất được tập trung vào tay một số cá nhân nhỏ, và càng ngày càng tập trung - cho nên ông tiên đoán nó sẽ sụp đổ. Nhưng đó chỉ là một tiên đoán mơ hồ, không có cơ sở.

Ngày nay quyền sở hữu các phương tiện sản xuất không quan trọng bằng quyền quyết định việc sử dụng tiền vốn. Mà quyền quyết định này được trải ra rộng ra, biến thái hoài, lâu lâu lại có những hình thức mới. Vì loài người chưa có kinh nghiệm với những cách xếp đặt mới hiện nay cho nên chưa đặt ra những luật lệ đầy đủ và đúng để điều tiết kinh tế, cho nên khủng hoảng mới đến! Nhưng ngay khi thấy có khủng hoảng, các người có trách nhiệm lập tức dùng guồng máy nhà nước can thiệp.

Tại sao các nhà tư bản lại dám “xã hội hóa” các ngân hàng như vậy? Bởi vì họ không theo một chủ nghĩa tư bản, không có một thứ tôn giáo tư bản như các đảng viên cộng sản. Các ông Bush ở Mỹ hay bà Merkel ở Ðức đều tin tưởng vào hệ thống thị trường tự do, nhưng khi cần họ dẹp bỏ niềm tin đó sang một bên. Mà nếu những người lãnh đạo đó muốn cưỡng lại cũng không được. Vì họ sống trong những chế độ dân chủ tự do. Họ không phải là những tín đồ của tôn giáo tư bản chủ nghĩa! Họ là “đầy tớ” của dân thật, chịu trách nhiệm với dân chứ không phải chỉ lo cho chủ nghĩa hay cho đảng mình!

Chỉ trong những chế độ độc tài thì các người cầm đầu mới có thể mặc cho dân chết, miễn là mình theo đúng chủ nghĩa của mình! Các ông Stalin, Mao Trạch Ðông đã làm cho mấy chục triệu người chết để thí nghiệm chủ nghĩa cộng sản của họ. Ông Hồ Chí Minh đi học chủ nghĩa cộng sản ở Nga rồi lại học theo ông Mao, cũng lôi kéo bao nhiêu người chạy theo giấc mơ hão huyền và hy sinh cho các lãnh tụ đó.

Ðiều đáng giận là những người lãnh đạo đảng cộng sản ở nước ta bây giờ vẫn lợi dụng cái nhãn hiệu cũ để tự lừa và lừa dối người khác mặc dù không ai còn tin vào cái lý thuyết hão huyền mà Hồ Chí Minh đem về dạy các đảng viên cộng sản nữa! Cho nên đã đến lúc đảng Cộng Sản Việt Nam phải xóa nhãn hiệu Cộng Sản đi. Làm gì có cái chủ nghĩa tư bản mà chống nữa? Ðảng Cộng Sản phải dứt khoát giã từ cái giấc Mơ của ông Hồ!

Category: Chính trị | Views: 854 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 18
Khách: 18
Thành Viên: 0