§ Gs Trần Duy Nhiên (Hội Thảo Quốc Tế về Công Bình Xã Hội, Trách Nhiệm Xã Hội & Liên Đới Xã Hội)
I. CÔNG BÌNH XÃ HỘI LÀ GÌ?
Đề tài được trình bày hôm nay là Công bình xã hội theo quan điểm
Công Giáo. Vấn đề đầu tiên đặt ra là vấn đề từ ngữ. Thuật ngữ ‘Công
bình xã hội’ sử dụng ở bài này được hiểu theo nghĩa phổ quát của Social
Justice (Anh) hay Justice Sociale (Pháp). Trong các ngôn ngữ phương tây
khái niệm Justice bao hàm cả Công Lý lẫn Công Bình. Như vậy công bình
xã hội liên quan đến cả triết học lẫn chính trị và kinh tế. Ngoài ra,
công bình xã hội là một khái niệm biến chuyển theo thời gian: một điều
công bình trong xã hội ở thời điểm này thì có thể trở thành bất công
khi bối cảnh xã hội đổi thay.
Tuy nhiên, điều chắc chắn là mọi người trên thế giới đều mong muốn
sống trong một xã hội công bình. Khái niệm công bình xã hội được nêu
lên như một phản ứng chống lại một xã hội bất công hơn là đơn thuần
mong muốn cho luật pháp được áp dụng một cách công minh. Khái niệm này
xuất phát từ quan điểm cho rằng xã hội có thể đối xử bất công với một
cá nhân hay một tập thể, đồng thời những phúc lợi của xã hội cũng có
thể được phân bổ một cách bất công. Muốn thấy rõ ‘công bình xã hội’ thì
ta nên đối chiếu với quan niệm về ‘công bình’ trong những thể chế cực
quyền trước kia, vào thời quân chủ. Ông vua là trên hết, và tất cả thứ
dân đều hưởng ‘lộc’ của vua. Trong một thể chế như thế thì không thể
nào có khái niệm về ‘bất công’, bởi lẽ người cai trị có toàn quyền, và
không ai có quyền khác biệt chính kiến hoặc phê bình về sự bất công của
chính quyền đó. Chỉ có một đức tính duy nhất có giá trị: chữ trung!
Quân xử thần tử; thần bất tử bất trung.
Công bình hay công lý xuất hiện khi con người ở trong xã hội thấy
mình có quyền đặt một giới hạn cho người cai trị, nghĩa là khi người ta
xác định điều gì chính quyền làm là không công bình! Và như thế quan
niệm về công bình xã hội cũng thay đổi theo hình thức chính quyền của
một xã hội nhất định. Hiện nay trên thế giới, người ta đều cho là ‘bất
công’ nếu một chính quyền nào đó tùy tiện bắt bớ hay giam cầm một
người, ngược đãi một người vì tôn giáo hay vì lời phát biểu của họ,
tịch thu tài sản của người ấy hoặc cấm cản người ấy đi lại. Làm như thế
là vi phạm quyền căn bản của con người. Tuy nhiên, xin lưu ý rằng điều
gây bất công không phải là một chính quyền làm những việc đó, mà là làm
một cách tùy tiện. Nhưng thế nào là ‘tùy tiện xâm phạm quyền con người’
thì được quan niệm khác nhau từ một xã hội này sang một xã hội khác.
Cũng vì thế mà có nhiều quan điểm về ‘công bình xã hội.’
II. CÁC QUAN ĐIỂM VỀ CÔNG BÌNH XÃ HỘI.
Về công bình xã hội thì, trong lịch sử, có bốn quan điểm rõ rệt xuất
phát từ bốn học thuyết khác nhau, đó là học thuyết Marx-Engels, học
thuyết John Rawls, học thuyết Hòa Bình Xanh, và học thuyết Giáo Hội
Công Giáo; đấy là chưa nói đến quan điểm của Friedrich Hayek, người phủ
nhận hoàn toàn khái niệm ‘công bình xã hội’.
Marx và Engels đã nêu lên bất công xã hội ngay từ những dòng đầu
tiên của tập ‘Tuyên Ngôn của Đảng Cộng Sản’ (The Communist Manifesto).
Hai ông viết: “Lịch sử tất cả các xã hội cho đến ngày nay chỉ là lịch
sử đấu tranh giai cấp. Người tự do và người nô lệ, quý tộc và bình dân,
chúa đất và nông nô,…nói tóm lại, những kẻ áp bức và những người bị áp
bức luôn luôn đối kháng với nhau.”[1] Từ đó, hai ông đi đến một khái
niệm về ‘công bình xã hội’ triệt để, vượt qua chủ nghĩa tự do
(liberalism), mà hai ông cho rằng chỉ một hình thức bất công khác của
những người tư sản đối với người vô sản. Theo hai ông, công bình xã hội
chỉ có thể thực hiện trong một xã hội không giai cấp, vì trong xã hội
ấy không còn bất bình đẳng về tài sản cũng như quyền lực.
Phần John Rawls, ông quan niệm công bình xã hội dựa trên khế ước xã
hội[2] mà Locke đã đề ra. Nối dài tư tưởng đạo lý (deontology) của
Kant, ông nêu ra nguyên tắc cơ bản về công bình trong tập A Theory of
Justice như sau: “Mỗi người đều có quyền bất khả xâm phạm dựa trên công
lý, đến nỗi mà ngay cả lợi ích của xã hội cũng không thể tước bỏ nó
được”. Vì lý do đó, “công lý không chấp nhận rằng việc một số người
phải mất tự do lại được xem là điều công bình, vì những người khác sẽ
hưởng được nhiều thiện ích hơn”[3] Và đối với ông, công lý chính là
công bình, và ông đã nêu lên như một công thức: “Justice as Fairness.”
Tuy nhiên, trong xã hội, một nhân vật X có thể đại diện cộng đồng,
thì đồng thời cũng là người được cộng đồng ủy nhiệm. Vì thế, người dân
chấp nhận rằng người ủy nhiệm đó có thể thực hiện những biện pháp cứng
rắn trong một số tình huống, và công bình xã hội đòi buộc người dân
phải tôn trọng quyết định người mình ủy nhiệm.
Nhóm Hoà Bình Xanh thì xem công bình xã hội là một trong 4 cột trụ
của học thuyết của họ. Công bình xã hội còn được gọi là ‘bình đẳng xã
hội và thế giới và công bình kinh tế’. Nói như thế có nghĩa là công
bình xã hội đuợc họ quan niệm ở tầm mức quốc tế, và quan niệm đó chống
lại mọi khuynh huớng phân biệt giai cấp, giới tính, sắc tộc và văn hóa.
Muốn có công bình xã hội, thì phải thiết lập những cơ chế trên bình
diện quốc tế để ngăn cản những nước giàu không cho họ càng ngày càng
giàu hơn bằng cách làm cho các nước nghèo càng ngày càng nghèo hơn.
Đấy là ba quan điểm nổi bật về công bình xã hội trong hai thế kỷ qua. Vậy quan điểm của Giáo Hội công giáo là thế nào?
III. QUAN ĐIỂM CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO.
Trước tiên, ta thấy rằng các quan điểm trên, tuy rất khác biệt nhau
về cách nhận định thế nào là bất công xã hội, nhưng có một điểm chung,
ấy là thập trung vào cơ chế; nghĩa là muốn có công bình xã hội phải
thay đổi cơ chế, vì họ quan niệm rằng chính cái cơ chế đó đã tạo ra bất
công.
Trong khi đó quan điểm của Giáo Hội khởi hành từ một cái nhìn hoàn
toàn khác. Quan điểm này được nêu rõ trong Học Thuyết Xã Hội Công Giáo,
mà năm 2004 được cô đọng một cách có hệ thống trong một tập sách nhỏ:
Bản Tóm Lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công Giáo. Gọi là tập sách
nhỏ, nhưng bản Tóm Lược ấy cũng dày trên 700 trang, bởi vì không thể
nào rút gọn tất cả những vấn đề của nhân loại trong vòng mươi trang
được.
Trong học thuyết này có hai nguyên tắc liên quan trực tiếp đến công bình xã hội.
1. Sự sống và phẩm giá của con người:
Nguyên tắc nền tảng của học thuyết xã hội này, ấy là sự sống của một
con người có một giá trị tuyệt đối, và từ đó họ có một giá trị vô cùng
cao cả hơn so với mọi của cải vật chất. “Giáo hội nâng cao phẩm giá con
người bằng cách củng cố cấu trúc của xã hội và đem đến cho hoạt động
thường ngày của con người một ý nghĩa sâu xa hơn, đồng thời đưa vào
hoạt động ấy một ý nghĩa cao vời nhất”[4].
2. Của cải thì thuộc về mọi người.
Nguyên tắc thứ hai, ấy là mọi của cải thế giới thuộc về toàn thể
nhân loại chứ không phải là sở hữu của một người hay một nhóm người
nào. Nguyên tắc này “đòi hỏi phải quan tâm đặc biệt đến người nghèo và
người ở trong hoàn cảnh bị gạt ra bên lề và, nói chung, đến những người
mà điều kiện sống kìm hãm không cho phát triển một cách đúng mức. Về
điểm này, cần phải khẳng định lại hết sức mình sự ưu tiên chọn lựa
người nghèo. Đấy là một sự chọn lựa, hay một thứ tự ưu tiên đặc biệt
trong việc thực thi bác ái, được thể hiện trong suốt truyền thống Giáo
Hội.”[5] Nói như thế, Giáo Hội không quan niệm phải ‘cào bằng’, nhưng
công nhận quyền tư hữu với điều kiện là những người chủ sở hữu biết
chia sẻ một cách công bình.
Nhìn công bình xã hội theo quan điểm đó sẽ dẫn đến những phương thức
hành động độc đáo, mà truyền thống 2000 năm cho phép Giáo Hội nói rằng
đó là những phương thức hiệu quả. Thật vậy, cũng nên nhắc lại rằng
không phải vì Karl Marx hay John Rawls đề ra vấn đề công bình xã hội mà
Giáo Hội mới nêu lên học thuyết xã hội của mình. Thực ra, thuật ngữ
‘công bình xã hội’ là do linh mục Dòng Tên Luigi Taparelli D’Azeglio
đặt ra vào cuối thập niên 30 của thế kỷ XIX và được sử dụng thường
xuyên vào đầu thập niên 40, trước khi anh thanh niên Karl Marx sang
Paris rồi gặp Engels để cùng viết lên bản thảo Tuyên Ngôn của Đảng Cộng
Sản năm 1848. Trước đó, từ năm 1840, Taparelli đã đưa ra cả một đường
lối công giáo để giải quyết những vấn đề đang sục sôi quanh cuộc cách
mạng công nghiệp vào tiền bán thế kỷ XIX.
a/ Thông điệp Tân Sự (Rerum Novarum)
Năm mươi năm sau, khi chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản đối
chọi nhau quyết liệt để tìm cách đem lại công bình trong xã hội con
người, thì một học trò của Taparelli là Giáo Hoàng Lêô XIII đã ban hành
thông điệp Tân Sự (Những sự việc mới - Rerum Novarum), ngày 15 -
05-1891. Qua thông điệp này, ngài đã phê phán cả chủ nghĩa tư bản lẫn
chủ nghĩa cộng sản. Ngài phê phán chủ nghĩa tư bản vì “việc gom góp của
cải trong tay của một số người trong công nghiệp và thương mại đã biến
một số nhỏ trở thành giàu sụ và đầu sỏ tài chánh để hầu như áp đặt ách
nô lệ lên lưng của tuyệt đại đa số quần chúng vô sản.”[6] Ngài phê phán
chủ nghĩa cộng sản vì chủ nghĩa này đề ra rằng muốn có công bình xã hội
thì phải quốc hữu hóa mọi phương tiện sản xuất và phủ nhận quyền tư hữu
của cá nhân trong xã hội. Ngài viết: “điều này là một điều rất nặng nề,
vì phương thuốc đề ra thì đi ngược lại với công bình, bởi lẽ quyền sở
hữu tài sản riêng tư và cá nhân là một quyền tự nhiên của con người’.[7]
Thế thì phải làm gì để đem lại công bình xã hội? Muốn như thế thì
phải hòa giải người giàu với người nghèo bằng cách nhắc lại cho cả hai
giai cấp nhiệm vụ của họ đối với nhau, và trên hết là các nhiệm vụ xuất
phát từ công bình. Bởi lẽ: “hai bên đều cần nhau: không có lao động thì
không thể có tư bản, mà không có tư bản thì không thể có lao động”.[8]
Muốn hòa giải thì cần đến sự đóng góp của cả Nhà Nước lẫn Giáo Hội.
Nhiệm vụ của Nhà Nước là nâng cao công bình xã hội qua việc bảo vệ các
quyền con người, và nhiệm vụ của Giáo Hội là nói về những vấn đề xã hội
để dạy dỗ và xác định các nguyên tắc xã hội hầu bảo đảm sự hòa thuận
giữa các giai cấp. “Vì thế, do chức năng của mình, Nhà Nước cần phải
phục vụ quyền lợi chung… Rõ ràng là càng gia tăng các phúc lợi xuất
phát từ việc quản lý của công, thì càng ít cần dùng đến những biện pháp
khác để nâng cao điều kiện sống của người lao động.”[9]
Ngoài ra, đối với tín hữu công giáo, ai đã đủ những gì cần thiết thì
có bổn phận chuyển những cái dư thừa đến cho người nghèo. “Đây là một
bổn phận, không chỉ đơn thuần thuộc lãnh vực công bình (trừ những
trường hợp ngoại lệ) nhưng thuộc lãnh vực bác ái Kitô giáo, do đó, đây
là một bổn phận có thể vượt ra khỏi cái khung của pháp lý.”[10]
Về phần các nhà cầm quyền, “họ có đủ thẩm quyền để đem lại lợi ích
cho mọi giai cấp, trong đó có lợi ích của người nghèo”.[11] Vì thế,
“trong các nhiệm vụ quan trọng của nhà cầm quyền khi mưu tìm phúc lợi
cho quần chúng, thì nhiệm vụ hàng đầu là chăm sóc công dân thuộc mọi
giai cấp giống như nhau, bằng cách hành động theo luật công bình với
nghĩa hẹp, đó là công bình phân phối”[12]. “Giai cấp giàu thì có nhiều
cách để tự bảo vệ mình, nên ít cần đến Nhà Nước hơn; trái lại, giai cấp
nghèo khó, vì thiếu phương tiện để tự bảo vệ, nên cần được Nhà Nước bảo
vệ nhiều hơn.”[13]
b/ Thông điệp “Bốn Mươi Năm” (Quadragesimo Anno)
Đúng 40 năm sau, ngày 15-05-1931, Giáo Hoàng Piô XI ra thông điệp
“Bốn Mươi Năm” để khẳng định lại những vấn đề mà thông điệp Tân Sự đã
nêu ra, và càng ngày các vấn đề ấy càng trở nên trầm trọng.
Ngài nêu lên sự kiện sau: “Một giai cấp, thuộc thiểu số nhỏ, đang
hưởng hầu hết cách phúc lợi mà những phát minh hiện đại đã cung cấp dồi
dào; còn giai cấp kia, gồm vô số người lao động, bị kìm kẹp trong cái
nghèo cùng cực, đang tìm cách thoát khỏi tình trạng mà họ đang bị cầm
tù[14]…. Mỗi người phải được lãnh phần phúc lợi của mình, (nhưng) việc
phân phối phúc lợi hiện nay đang được thực thi một cách xấu xa vì sự
cách biệt giữa một số ít người giàu có dư thừa và vô số người không tài
sản; việc phân phối đó cần phải xét lại và đặt cho đúng tiêu chuẩn của
lợi ích chung, nghĩa là công bình xã hội.[15]
Như vậy, ngoài công bình giao hoán (commutative justice) và công
bình phân phối (distributive justice) thông điệp này còn đòi hỏi công
bình pháp luật (legal justice), mà ta gọi ngắn gọn là công lý. Liên
quan đến công bình xã hội, học thuyết Giáo Hội nhấn mạnh như sau: Huấn
Quyền về xã hội nhắc nhở rằng cần phải tôn trọng những hình thức công
bình cổ điển, ấy là công bình giao hoán, công bình phân phối và công
bình pháp luật. Trong số đó công bình xã hội ngày càng có chỗ đứng quan
trọng hơn; đó là cách khai triển công lý nói chung một cách đúng đắn,
qua việc điều hòa các tương quan xã hội dựa trên tiêu chuẩn tuân giữ
pháp luật. Công bình xã hội, - một đòi hỏi gắn liền với vấn đề xã hội,
mà hiện nay thể hiện ở tầm cỡ thế giới - liên quan đến các lãnh vực xã
hội, chính trị và kinh tế, và nhất là liên quan đến cấu trúc làm nảy
sinh các vấn đề và các giải pháp gắn liền với chúng.[16]
IV. CÔNG BÌNH XÃ HỘI TRÊN BÌNH DIỆN QUỐC TẾ.
Một nhận định đã trở thành quen thuộc: ấy là nền kinh tế theo cách
điều hành hiện nay thì sẽ làm cho các nước giàu càng giàu hơn, và các
nước nghèo càng nghèo hơn.
Số thống kê của OECD năm 2000 đã cho biết như sau về các năm 1950, 1973 và 1998:
Thu nhập bình quân đầu người của 83 nước đang phát triển lần lượt là
811, 1.420 và 2.730 USD; trong khi đó thu nhập bình quân đầu người của
21 nước giàu thì lần lượt là 5,668, 13.152 và 21.480 USD. Như thế sự
sai biệt giữa một người ở nước đang phát triển và ở một nước giàu lần
lượt là 4.875, 11.733 và 18.767; nghĩa là trong vòng 50 năm, con số sai
biệt tăng lên gấp 4 lần.[17]
Bản báo cáo State of the Future, do Hội Đồng Hoa Kỳ của Đại Học Liên
Hiệp Quốc phổ biến, cho biết rằng trong năm 2007: 2% người giàu nhất
làm chủ 50% tài sản thế giới, trong khi đó 50% người nghèo nhất chỉ có
được 1%; và thu nhập của 225 người giàu nhất thì bằng thu nhập của 2,7
tỉ người nghèo nhất (hay 40% dân số thế giới).[18]
Đối với vấn đề này, học thuyết xã hội của Giáo Hội nêu lên như sau:
Quá trình toàn cầu hóa hiện nay đòi hỏi các tổ chức dân sự phải ý thức
nhiều hơn về các bổn phận mới đối với toàn thể thế giới. Cần phải có
những hành động kiên quyết để có thể đồng thời làm tăng trưởng kinh tế
tài chánh trên thế giới mà vẫn bảo đảm được việc tôn trọng quyền của
con người, cũng như phân chia phải lẽ các nguồn lợi, bên trong một nước
và giữa các nước với nhau; bởi vì “Tự do trao đổi chỉ đúng đắn khi nào
đáp ứng được những đòi hỏi của công bình xã hội”.[19]
Nói cách khác, mọi cơ chế từ quốc gia đến quốc tế đều phải nhằm gia
tăng kinh tế như một phương tiện để phục vụ con người. Nếu người ta bỏ
qua công bình xã hội, nghĩa là hy sinh con người vì lợi nhuận, thì xã
hội này sẽ đi vào con đường lâm nguy, bởi lẽ người ta đã hy sinh mục
đích để củng cố phương tiện.
V. CÔNG BÌNH XÃ HỘI TẠI VIỆT NAM
Công bình xã hội là điều mà truyền thống Việt Nam nâng lên thành một
‘đạo’, như trong câu nói đã biến thành tục ngữ: “Công bằng là đạo người
ta ở đời.” Nhà Nước Việt Nam hiện nay cũng ưu tư về vấn đề này nên đề
ra chủ trương: Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng
bước và từng chính sách phát triển. [20]
Từ nhận định này, thử nhìn lại một số thực trạng trên đất nước.
Kinh Tế - Xã Hội.
Ngày 11-09-2006, ông Lê Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược
Phát triển, đã phát biểu như sau tại buổi họp báo trong khuôn khổ diễn
đàn của Ủy ban Kinh tế APEC:
“Lấy hệ số bất bình đẳng làm trục tung, tăng trưởng kinh tế làm trục
hoành thì VN có mức tăng trưởng cao và công bình xã hội tốt nhất
APEC”[21]. Nhận định của ông đặt cơ sở trên số liệu. Nhưng những con số
cũng có thể đánh lừa mình! Việt Nam có thể tự hào vì mức tăng trưởng
kinh tế khoảng 8% và thu nhập bình quân đầu người năm 2006 đã lên đến
trên dưới 700UDS…[22]
Tuy nhiên nếu nhìn theo một khía cạnh khác thì lời phấn khởi trên
lại làm cho ta lo ngại. Trong kỳ họp APEC, số liệu về thu nhập bình
quân đầu người của 21 nước thành viên nêu lên nước cao nhất là Hoa Kỳ
với 41.800 USD và nước thấp nhất là Việt Nam với 620 USD.[23] Với tốc
độ tăng trưởng 8% so với Hoa Kỳ chỉ tăng trưởng 3,1%, thì Việt Nam cảm
thấy hài lòng; mà không để ý là 8% và 3% của bao nhiêu. Và mục tiêu
nhắm đến là thu nhập 875 USD vào năm 2010.
Nhưng thử làm một con tính. Vào năm 2010, khi Việt Nam đạt được 875
USD nhờ tốc độ phát triển đều đặn là 8%; thì với tốc độ 3%, Hoa Kỳ sẽ
đạt 47.046 UDS. Nghĩa là trong khi người Việt Nam tăng được 230 USD thì
người Mỹ tăng 5.346 USD.
Muốn đạt số thu nhập phụ trội đó (5.346) của Hoa Kỳ thì Việt Nam
phải giữ tốc độ tăng trường 8% liên tục trong 19 năm nữa kể từ 2010,
nghĩa là vào năm 2029 thì người dân Việt Nam mới có thu nhập là 5200
USD. Trong khi đó, với tốc độ 3% thì bấy giờ người dân Mỹ đã lãnh đến
82.500 USD.
25 năm nữa, thế hệ con em sẽ có hai cái nhìn trái ngược nhau: Một là
tự hào tuyên bố rằng sau bao nhiêu năm giữ vững tốc độ tăng trưởng vào
hàng đầu thế giới thì thu nhập của người Mỹ chỉ còn gấp 15 lần thu nhập
người Việt (82.500/5.200), trong khi đó, 25 năm về trước, người Mỹ thu
nhập cao hơn người Việt đến 67 lần (41.800/620). Hai là đau đớn thấy
rằng 25 năm về trước thu nhập của người VN kém người Mỹ 41.000 USD mỗi
năm, thế mà 25 năm sau người Việt kém người Mỹ đến 77.200 USD. Và tùy
theo cách nhìn mà thế hệ con em sẽ ca ngợi hay trách móc thế hệ cha anh
mình.
Ngay cả con số 700 USD bình quân đầu người cũng phải nhìn lại theo
quan điểm công bình xã hội, để không bỏ qua cái thực trạng là thu nhập
của người dân nghèo chỉ có 200 USD. Đối với giới công nhân lao động,
thu nhập hàng tháng dưới 800.000 đồng, có khi xuống đến 500.000 đồng.
Đối với một số nông thôn nghèo, thì có nơi giá một ngày công là 2.000
đồng, nghĩa là người lao động thu nhập dưới 60.000 đồng/tháng; trái
lại, những người ‘ngồi mát ăn bát vàng’ thì xem 7 - 8 triệu hàng tháng
là chuyện bình thường. Đấy là chưa kể đến số người thu nhập bất chính
hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ, mà số này thì không ai có thể thống
kê được.
Y Tế - Giáo dục.
Y tế và Giáo dục là hai vấn nạn thật lớn liên quan đến từng gia đình
trong xã hội Việt Nam và đó là cũng ưu tư lớn nhất của mọi người khi
nói đến công bình xã hội. Trong thời bao cấp, nhiều trì trệ về kinh tế
xảy ra, chất lượng về chữa trị và giáo dục có thể yếu kém vì thiếu
người, thiếu phương tiện, thế nhưng ít ra sự bất công không nổi lên rõ
nét. Người giàu và người nghèo đều được đối xử như nhau, nghĩa là người
có khả năng trang trải chi phí y tế hay giáo dục cũng không chi trả bao
nhiêu, mặc cho Nhà Nước gánh hết. Đây hẳn cũng là một sự bất công của
xã hội, vì nếu công bình xã hội không có nghĩa là thu nhập quốc dân
được chia bằng cho nhau thì nó cũng không có nghĩa là mọi người phải
chi trả hoặc hưởng phúc lợi xã hội bằng như nhau.
Tuy nhiên, cái bất công ấy lồ lộ ra cùng với sự thâm nhập của kinh
tế thị trường. Kể từ đấy, Y tế và Giáo Dục trở thành nơi cung cấp hàng
hóa dưới dạng dịch vụ. Không phải hiếm thấy cảnh một người vào bệnh
viện cần phải giải phẫu nhưng chỉ có thể lên bàn mổ khi bác sĩ cầm được
trong tay biên nhận đã đóng tiền xong. Có những trường hợp mà vì không
thể chạy ra tiền, một gia đình nghèo đành phải để cho thân nhân mình
mang thương tật suốt đời, thậm chí phải chết đi.
Người ta bảo mọi người đều bình đẳng trước cái chết, nhưng khi công
việc chữa trị đã trở thành một dịch vụ, thì trước cái chết con người
cũng không còn bình đẳng nữa. Giàu thì sống, nghèo thì chết! Ấy là chưa
nói đến những người ở vùng sâu vùng xa, không có tiền nong đi đến bệnh
viện mà chữa trị, nên đành phải chết chỉ vì nghèo. Điều nghịch lý, ấy
sự bất công này lại xảy ra chính khi Nhà Nước muốn thực thi công bình
xã hội, bằng cách xã hội hóa y tế và giáo dục. Y tế cần phải có một
hiệu quả, không thể làm qua loa lấy có được. Không thể nào chữa bệnh
nửa chừng, và điều này cần phải có tiền, mà ngân sách Nhà Nước thì
không thể trang trải hết được.
Tuy Nhà Nước có chính sách cấp thẻ khám bệnh miễn phí cho những đối
tượng nghèo, nhưng thực tế cho thấy rằng người cầm tấm thẻ ấy không
được đối xử bình đẳng với một người đã đóng tiền, cả về nhân phẩm cũng
như số lượng và chất lượng thuốc men. Đó là chưa kể tình trạng quan
liêu ở nhiều nơi, khiến cho người có khả năng chi trả thì nhận được thẻ
khám bệnh miễn phí, còn người thật sự nghèo thì không được cấp phát.
Trước tình trạng đó, nhiều đoàn y bác sĩ đã tổ chức đến vùng sâu vùng
xa để khám bệnh và phát thuốc, nhưng hiệu quả thì không cao, vì phương
tiện và thời gian không cho phép họ can thiệp vào những bệnh đòi hỏi kỹ
thuật cao hoặc thuốc men đắt tiền…
Trong lãnh vực giáo dục, thời gian vừa qua việc xã hội hóa học đường
và việc tăng học phí cấp Đại Học đã gây nên cuộc tranh cãi về công bình
xã hội đối với quyền được học hành. Để bảo vệ cho việc tăng học phí,
những người có trách nhiệm nêu lên rằng ở Việt Nam, dù đã dành 18% ngân
sách cho giáo dục, thì cũng không thể nào bảo đảm chất lượng giáo dục,
khi phương tiện vật chất thiếu thốn và lương bổng giáo viên không đủ
cho họ an tâm dạy học. Thế nhưng ngay cả khi một con em tại thành phố
học tại một trường công lập, chứ không phải là trường tư, thì chi phí
bình quân mà cha mẹ phải trang trải cho con mình mỗi tháng không dưới
400.000đ, gồm các món tiền cho cơ sở vật chất, học thêm tại trường hay
tại nhà thầy cô, các sinh hoạt ngoại khóa…
Một thực tế khác, ấy là ngân quỹ Nhà Nước tập trung vào một số
trường điểm, để thay vì cung cấp cho học sinh nghèo một phương tiện
bình đẳng mà học tập, thì đấy chính lại là nơi mà con em nhà giàu mới
có thể vào được! Vấn đề công bình xã hội vẫn còn đặt ra, khi mà không
biết bao nhiêu em phải bỏ học, trong một nền giáo dục được xem là cưỡng
bách và miễn phí. Quả như vậy, bởi vì thống kê Bộ Giáo Dục và Đào Tạo
cho thấy rằng năm 2000, trên toàn quốc có 17.806.158 em học sinh, thì
năm 2007 còn 16.371.049 em, trong khi dân số gia tăng từ 77.685.500 lên
84.158.800 người[24] và trường học cũng tăng từ 23.960 lên 27.595
trường.[25]
- Quyền con người.
Nói đến công bình xã hội, thì không thể không nói đến những quyền bất khả xâm phạm mà tất cả nhân loại đều công nhận.
Ngày 04-07-1776, tại Hoa Kỳ, bản Tuyên Ngôn Độc Lập (Declaration of
Independence) khẳng định: Chúng tôi xem những chân lý này là hiển
nhiên, ấy là mọi người được tạo dựng bình đẳng, rằng họ được Đấng Tạo
Dựng ban cho họ một số quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền Sống,
quyền Tự Do và quyền theo đuổi Hạnh Phúc.
Ngày 26-08-1789, tại Pháp, bản Tuyên Ngôn Về Quyền Của Con Người Và
Của Công Dân (Déclaration des droits de l’homme et du citoyen) cũng lặp
lại ý đó với những từ ngữ khác: Con người có quyền sinh ra và sống tự
do và bình đẳng… Mục đích của mọi hiệp hội chính trị là bảo vệ các
quyền tự nhiên và bất khả xâm phạm của con người. Những quyền ấy gồm
quyền tự do, quyền tư hữu, quyền an ninh, và quyền chống lại áp bức.
Ngày 02-09-1945, tại Việt Nam, Bản Tuyên Ngôn Độc Lập cũng mở đầu bằng những lời trong Tuyên Ngôn của Mỹ.
Nhưng quyền tự do ở đây không chỉ là tự do chính trị, theo nghĩa là
không bị một dân tộc nào khác thống trị, mà còn là tự do theo nghĩa
rộng nhất, được John Rawls tóm lược như sau:
Tự do tư tưởng - Tự do lương tâm để chọn một tôn giáo, một triết
thuyết, một luân lý - Tự do về chính trị (ví dụ: tự do ngôn luận và tự
do báo chí, tự do hội họp) - Tự do tổ chức hiệp hội - Tự do cần thiết
để giữ toàn vẹn con người mình (nghĩa là tự do khỏi ách nô lệ, tự do đi
lại và tự do chọn nghề nghiệp cho mình) - Quyền và tự do được luật pháp
bảo vệ.
Tất cả những quyền tự do này, Việt Nam đều công nhận trong Hiến
Pháp, tuy nhiên cách hiểu về thuật ngữ ‘tự do’ thì không đồng nhất giữa
Việt Nam và các nơi trên thế giới.
Ví dụ về tự do lương tâm:
Ngày 11 tháng 3 năm 2004, ông Lê Dũng, người phát ngôn bộ Ngoại
Giao, đã trả lời một phóng viên như sau: Là một dân tộc đã trải qua đấu
tranh gian khổ để giành những quyền tự do cơ bản nhất của con người là
được sống trong độc lập, tự do; hơn ai hết, nhân dân Việt Nam hiểu rõ
giá trị của quyền con người. Ở Việt Nam, các quyền công dân được ghi
nhận trong Hiến pháp và được tôn trọng trên thực tế.[26]
Ngày 07-11-2006, Việt Nam được chính thức gia nhập WTO; ngày 09-12,
Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật Quan hệ thương mại bình thường vĩnh
viễn (PNTR); và trước đó, ngày 14-09, Quốc hội Mỹ đã đưa Việt Nam ra
khỏi danh sách nước cần được đặc biệt quan tâm (CPC) do vi phạm tự do
tôn giáo.
Ngày 17-03-2007, Đức ông Pietro Parolin, Thứ trưởng Ngoại giao Tòa
Thánh, trưởng phái đoàn Toà Thánh đến Việt Nam từ 5 đến 11 tháng 3, đã
phát biểu như sau, khi Radio Vatican phỏng vấn ngài về tình trạng tự do
tôn giáo tại Việt Nam:
Tôi nghĩ rằng thông tri của Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh, phát hành
sau khi Thủ Tướng viếng thăm Vatican, đã phản ánh đúng đắn tình trạng
tự do tôn giáo tại Việt Nam. Thông tri đó nói đến ‘những không gian đã
mở ra’ và tôi có thể bảo đảm rằng, dựa trên chứng từ các giám mục, một
số vấn đề đã được giải quyết và một số khác đang được giải quyết.. [27]
Thế nhưng, ngày 08-03-2007, Văn phòng Cao ủy LHQ về Quyền Con Người
(UN HRC) phổ biến tờ trình của Liên Đoàn Quốc Tế về Quyền Con Người
(FIDH: Fédération Internationale des Ligues des Droits de l’Homme). Tờ
trình này khởi đầu bằng câu:
“FIDH... lưu ý Hội Đồng Nhân Quyền về những vi phạm lặp đi lặp lại
đối với quyền tự do ngôn luận và tôn giáo của Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ
Nghĩa Việt Nam.”[28]
Và ngày 18-09-2007, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Dự Luật Nhân Quyền
đối với Việt Nam (gọi là Dự luật HR 3096), với 414 phiếu thuận so với 3
phiếu chống. Và thông qua dự luật này là một cách gián tiếp nói rằng
Việt Nam chưa tôn trọng quyền tự do lương tâm của người dân mình một
cách đúng mức.
Trên những lãnh vực khác thì cũng có hai mặt như thế: về tự do ngôn
luận thì báo chí đã nêu lên nhiều hành vi tiêu cực lên đến tận cấp
trung ương, và phê bình thẳng thắn những hạn chế trong nhiều lãnh vực
nhạy cảm. Thế nhưng, cho đến nay, tất cả mọi cơ quan ngôn luận đều trực
tiếp hay giáng tiếp thuộc về chính quyền, mà không có một tờ báo nào do
tư nhân đứng ra làm chủ, ngoại trừ một vài tờ thông tin nội bộ như tờ
Hiệp Thông của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Về quyền và tự do được pháp
luật bảo vệ, thì bao nhiêu vụ án đã được xử để bảo vệ quyền dân sự cho
người dân, thậm chí xử phạt những vụ tham nhũng lên đến cấp thứ trưởng;
thế nhưng cũng còn bao nhiêu vụ tồn đọng khắp các tỉnh thành mà không
biết đến bao giờ mới giải quyết. Về quyền tự do thiết lập hiệp hội thì
đến bây giờ chỉ có những hiệp hội trực thuộc Đảng hay Nhà Nước mới có
tư cách pháp nhân, còn những hội khác, ngay cả Hội Thánh Công Giáo Việt
Nam, thì cũng không có tư cách pháp nhân để góp phần tích cực vào
chương trình xây dựng công bình xã hội.
VI. KẾT LUẬN.
Trước những vấn đề đáng ưu tư trên, hẳn các lãnh đạo quốc gia đã hay
đang tìm một giải pháp thỏa đáng để thiết lập công bình xã hội theo
hướng kinh tế, chính trị, luật pháp… Đây là vấn đề đòi hỏi sự nghiên
cứu tường tận của các chuyên viên.
Đối với công cuộc này, Giáo Hội nhắn nhủ: Các chuyên viên khoa học
kinh tế, những người làm kinh tế và những nhà lãnh đạo chính trị cần
phải cấp bách nhìn lại nền kinh tế, bằng cách xem xét, một mặt, cái
nghèo vật chất bi đát của hàng tỉ người, và mặt khác, sự kiện là ‘các
cơ chế kinh tế, xã hội và văn hóa hôm nay khó mà quan tâm đến những đòi
hỏi của một sự phát triển chân chính’. Những đòi hỏi của một sự phát
triển kinh tế chân chính cần phải được dung hòa nhiều hơn với những đòi
hỏi của chính trị và của công bình xã hội. [29]
Những lãnh vực đó vượt ra ngoài giới hạn học thuyết của một tôn
giáo. Tuy nhiên, học thuyết xã hội của Giáo Hội công giáo cũng có đề ra
một hướng giải quyết, ấy là công bình xã hội phải được đặt trong một
nền văn minh mới, một nền văn minh mà người công dân công giáo có bổn
phận góp phần xây dựng. Giáo Hội gọi là nền văn minh ấy là nền Văn Minh
Tình Yêu:
“Tình yêu phải hiện diện trong mọi tương quan xã hội và thấm nhuần
chúng. Đặc biệt, những ai có bổn phận phục vụ lợi ích nhân dân cần phải
chuyên cần nuôi dưỡng trong bản thân mình và làm nảy sinh trong người
khác, từ người cao trọng nhất đến người thấp hèn nhất, lòng bác ái, nữ
hoàng và chủ nhân của mọi đức hạnh khác… Tình yêu đó có thể gọi là ‘bác
ái xã hội’ hay ‘bác ái chính trị’ và phải được thông truyền đến toàn
thể nhân loại. “Tình yêu xã hội’ là đối cực của chủ nghĩa ích kỷ và chủ
nghĩa cá nhân.” [30]
Và cũng vì thế mà Đức Piô XI, qua thông điệp Bốn Mươi Năm, xem công
bình xã hội vừa là một đức hạnh cá nhân vừa là một nền tảng cho trật tự
xã hội: xã hội chỉ có thể công bình ngày nào các cá nhân và thể chế trở
nên công chính mà thôi.
----------
Gs Trần Duy Nhiên
|