Luật sư Lê Quốc Quân
“…các
cơ quan tố tụng đã “tặng không” cho phong trào dân chủ hai nhà báo nổi
danh. Bốn cựu đảng viên cộng sản đã vô tình trở thành “đồng chí” với
những ai đang đấu tranh đòi tự do dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam...”
Phiên
tòa xét xử các nhà báo và công an đã khép lại với những bản án nhẹ
nhưng mở ra nhiều cơ hội đòi hỏi cho tự do báo chí và dân chủ nhân
quyền ở Việt Nam.
Lần đầu tiên bốn bị cáo là đảng viên cộng sản nằm ở trong cơ quan có
quyền lực nhất là Bộ Công An và hai tờ báo lớn bị đưa ra tòa trong
một vụ án với những cáo buộc quện chặt lấy nhau. Đã từng sát cánh trong
cuộc chiến chống tham nhũng giờ họ là bị cáo đứng cùng nhau sau vành
móng ngựa.
Việc đưa bốn bị cáo này ra tòa đặt những dấu hỏi to tướng về quan hệ
giữa chống tham nhũng, tự do báo chí và quyền tự do dân chủ.
Rõ ràng trong bất cứ xã hội nào, muốn chống được tham nhũng phải đề cao
việc minh bạch hóa và phương tiện tối ưu chính là tự do báo chí.
Ở một tầm vóc lớn hơn, việc xét xử họ kích thích sự nghi ngờ của một
khối dân chúng rộng lớn đang hoang mang vì mục kích những hành vi tham
nhũng hàng ngày quanh mình trong khi các tờ báo đang càng ngày trở
thành “lá cải sạch” khi chỉ nói nhiều về hiếp dâm, cướp của, hoa hậu và
sàn nhảy “vương vãi bao cao su”...
Điều đó cho ta hy vọng vì quá trình dân chủ hóa đất nước đang tiến thêm
một bước khi nó có thể thực hiện từ ngay chính trong lòng hệ thống. Dù
bị bịt mệng trong một thời gian dài và việc đưa tin của các báo là rón
rén nhưng trong sâu xa, nó thể hiện tính chính đáng của các “đồng chí”
nhà báo.
Đây cũng là điều đáng vui mừng, đặc biệt là Nhà báo Nguyễn Việt Chiến,
vì tin mình đã làm đúng. Họ đã đứng về phía nhân dân trong một môi
trường bị bưng bít thô bạo. Họ đã “rót” một phần sự thật và đang sinh
sôi nảy nở một cách chân thành trong khối bình dân. Lương tâm của khối
dân chúng này sẽ càng ngày càng bất trị trong niềm khao khát sự thật
nhiều hơn, mạnh hơn nữa.
Nghi ngờ về pháp lý
Trong khi tác nghiệp có thể các nhà báo chưa đúng hoàn toàn nhưng vấn đề là tính toàn diện và khách quan.
Khi quan tham bước ra khỏi nhà giam và vụ án bị tách ra là lúc kẻ thù
của luật pháp phản công. Ở đây “tinh thần pháp luật” không được ứng
dụng mà các “quy phạm pháp luật xơ cứng” được áp đặt. Thay vì xem xét
một cách toàn cục, với các động cơ và mục đích, vụ án đã được tách khúc
về các hành vi để cáo buộc phạm tội. Vụ án tham nhũng chưa xong và còn
ngổn ngang những dấu hỏi về sự đúng sai thì sự phản đòn vội vàng đối
với những người cầm bút là không chấp nhận được.
Giống như nhiều vụ án chính trị khác, vụ án này khách thể bị xâm hại là
rất khó chứng minh. Trong luật pháp bao giờ cũng phải có hành vi phạm
tội, có hậu quả xảy ra và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả
đó thì mới xác định được có tội.
Ngược với những cáo buộc về xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức và
công dân, nhân dân không thấy có hậu quả mà ngược lại cám ơn các Nhà
báo vì đã cung cấp cho họ nhiều góc nhìn hơn.
Khi hậu quả (khách thể) là không chứng minh được cùng với động cơ và
mục đích (mặt chủ quan) là trong sáng thì các cấu thành tội phạm theo
Luật hình sự phải coi như chưa có mà đối tượng điều chỉnh phải là Luật
báo chí. Thêm nữa là không có “người có nghĩa vụ và quyền lợi liên
quan” nào được triệu tập cho thấy sự mong manh trong cáo buộc về tính
chất của hành vi.
Bài học cho tương lai
Họ xuất hiện trước tòa không hiên ngang, mãnh liệt như những nhà đấu
tranh dân chủ đã từng bị đưa ra tòa bởi vì dù sao họ cũng là những đảng
viên, đã từng ăn lương của chế độ này trong suốt cuộc đời hành nghề của
mình. Đặc biệt Nguyễn Văn Hải đã thừa nhận đến 80% những cáo buộc của
Viện Kiểm Sát là đúng.
Nhưng rõ ràng hiệp sau sẽ là quyết định. Khi chính họ được tự do làm
báo tư nhân và có thể trở thành chủ bút, họ sẽ thiết tha hơn với những
điều mình viết và chắc chắn sẽ kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình.
Vụ án thực sự còn là một bài học lớn cho những người làm công tác an
ninh, họ là nạn nhân trong một chế độ nơi các quyết định nặng tính độc
tài. Các cơ sở để gọi là phạm tội là mờ nhạt, ranh giới giữa cái đúng
và cái sai trở nên mong manh.
Bài học hay nhất có lẽ là bốn bị cáo này đã thực thi triệt để quyền tự
do dân chủ, tự do báo chí – một nhân quyền cơ bản mà lẽ ra không bao
giờ được có khái niệm “lợi dụng” đi kèm.
Và với việc kết án các cơ quan tố tụng đã “tặng không” cho phong trào
dân chủ hai nhà báo nổi danh. Bốn cựu đảng viên cộng sản đã vô tình
trở thành “đồng chí” với những ai đang đấu tranh đòi tự do dân chủ,
nhân quyền cho Việt Nam.
Việc làm của họ là có lợi cho dân tộc. Đó là điều mà các nhà báo nên tự hào. Ls. Lê Quốc Quân
|