Chủ Nhật, 2024-11-24, 8:15 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 16 » Tiếp tục… hứa điều tra vụ nhận hối lộ từ tập đoàn PCI của Nhật
2:43 PM
Tiếp tục… hứa điều tra vụ nhận hối lộ từ tập đoàn PCI của Nhật

Hà Nội (NV) - Hôm 14 Tháng Mười, trong một cuộc họp báo về chuyến thăm Việt Nam của Cục Hợp Tác Quốc Tế thuộc Bộ Ngoại Giao Nhật, ông Lê Dũng, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao CSVN, cho biết: “Hai chính phủ tái khẳng định các vụ hối lộ liên quan đến những dự án thực hiện bằng tiền viện trợ, bao gồm cả nghi vấn liên quan đến tập đoàn PCI của Nhật sẽ được điều tra nghiêm túc”. Cũng theo nhân vật này: “Chính phủ Việt Nam và chính phủ Nhật Bản đều coi trường hợp PCI là rất nghiêm trọng. Cả hai chính phủ tái khẳng định quyết tâm chống tham nhũng trong lĩnh vực liên quan đến ODA. Cả hai sẵn sàng hợp tác để tiến hành các biện pháp cấp bách chống tham nhũng trong các dự án ODA bao gồm việc thành lập ủy ban hợp tác Việt Nam-Nhật Bản phòng chống tham nhũng ở các dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam”.

Ðáng lưu ý là theo Lê Dũng: “Chính phủ Nhật khẳng định sẽ tăng cường sự hỗ trợ trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng liên quan tới các dự án ODA, bao gồm cả các hoạt động hoàn thiện hệ thống pháp lý, đặc biệt là tăng cường hơn nữa tính minh bạch trong quy trình đấu thầu đối với các dự án vốn vay ODA ở Việt Nam”.

Hồi cuối Tháng Bảy, các tờ báo ở Nhật đồng loạt đưa nhiều tin liên quan đến việc, công tố viên của quận Tokyo đã tạm giam bốn viên chức của tập đoàn PCI. Cả bốn bị bắt vì liên quan đến việc đưa hối lộ cho viên chức CSVN để được trúng thầu hai dự án kể trên. Trước khi bị bắt, một trong bốn người đã dành cho báo Yomiuri Shimbun, một cuộc phỏng vấn. Trong cuộc phỏng vấn này, ông ta tiết lộ: PCI đã trao 820,000 USD cho Huỳnh Ngọc Sỹ, phó giám đốc Sở Giao Thông Công Chánh Sài Gòn. Tuy nhiên người ta không tin Huỳnh Ngọc Sỹ hưởng trọn số tiền trên. Những dự án như dự án Ðại Lộ Ðông Tây và dự án cải tạo môi trường nước ở Sài Gòn liên quan đến nhiều ngành (giao thông vận tải, kế hoạch-đầu tư, tài chính...) nhiều cấp (thành phố, trung ương, kể cả thủ tướng CSVN).

Vụ PCI đưa hối lộ cho viên chức CSVN đã được hệ thống truyền thông quốc tế loan báo rộng rãi trên toàn thế giới, song cả chính quyền lẫn báo giới Việt Nam hoàn toàn nín lặng trước scandal này. Mãi đến ngày 16 Tháng Tám, chính quyền CSVN mới chính thức có ý kiến về vụ nhận hối lộ của tập đoàn PCI.

Tại cuộc họp báo về scandal này, ông Hồ Xuân Sơn, thứ trưởng ngoại giao đã trách chính phủ Nhật không “bịt miệng” báo chí Nhật và cho rằng điều đó “có thể ảnh hưởng đến quan hệ tốt đẹp giữa hai nước”.

PCI không phải là vụ đầu tiên và chắc chắn không phải vụ cuối cùng. Hồi Tháng Ba năm 2007, tạp chí Der Spiegel (Tấm Gương) của Ðức cho biết, trong quá trình điều tra vụ tập đoàn Siemens (hoạt động trong lĩnh vực viễn thông) đưa hối lộ, Viện Công Tố Munich cho rằng, công ty Intercom của Siemens tại Thụy Sĩ đã chuyển hàng trăm nghìn Euro cho một viên chức của Việt Nam. Trong báo cáo sơ bộ ghi ngày 9 Tháng Mười Một năm 2006, công ty kiểm toán KPMG đã liệt kê một loạt hoạt động chuyển khoản khả nghi dưới hình thức thanh toán các hợp đồng tư vấn cho tài khoản mang tên “Le Tan Cuong” ở Singapore. Viện Công Tố Liên Bang Thụy Sĩ đã đưa ra một “yêu cầu hỗ trợ tư pháp quốc tế về hình sự” vì nghi ngờ hai đề án khác của Siemens với Tổng Công Ty Bưu Chính-Viễn Thông Việt Nam, với tổng giá trị lên tới 77.6 triệu Euro là “có vấn đề”.

Hồi Tháng Mười Hai năm 2007, tờ Tuổi Trẻ đã phỏng vấn ông Võ Hồng Phúc, lúc đó là bộ trưởng Bộ Kế Hoạch-Ðầu Tư về khả năng ông Lê Tân Cương, vụ trưởng Vụ Quản Lý Khu Công Nghiệp và Khu Chế Xuất của bộ này liên quan như thế nào tới chuyện đưa hối lộ của tập đoàn Siemens. Ông Võ Hồng Phúc cho rằng: “Ðó chỉ là chuyện trùng tên hoàn toàn tình cờ. Chúng tôi đã xác minh và kết luận là ông Cương không liên quan”.

Tuy các cơ quan điều tra của Ðức và Thụy Sĩ cùng khẳng định tập đoàn Siemens đã đưa hối lộ cho viên chức của chính quyền CSVN song chính quyền CSVN vẫn tảng lờ, không lên tiếng và cũng không điều tra vụ này.

Dù luôn khẳng định “quyết tâm chống tham nhũng” song đến nay, chính quyền CSVN không phê chuẩn công ước nào về chống tham nhũng.

Vào Tháng Mười Hai năm 2003, tại Merida, Mexico, đại diện chính quyền CSVN đã ký kết thỏa thuận tham gia Công Ước Chống Tham Nhũng của Liên Hiệp Quốc.

Năm 2004, Việt Nam còn ký kết thỏa thuận tham gia “Sáng kiến chống tham nhũng tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương” do Tổ Chức Hợp Tác Phát Triển Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương (OECD) và Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) khởi xướng (thường được gọi tắt là Công Ước Chống Tham Nhũng OECD).

Tuy nhiên, đến nay, Quốc Hội CSVN vẫn chưa phê chuẩn hai công ước này. Chính quyền CSVN chỉ giải thích rằng, sở dĩ Quốc Hội CSVN chưa phê chuẩn các công ước đã kể là vì họ “cần thời gian để sửa đổi các văn bản pháp quy cho phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Tuy nhiên đối chiếu giữa thực tế với nội dung các công ước này, có thể thấy chính nội dung của các công ước về chống tham nhũng mới là lý do chính khiến CSVN ngần ngại phê chuẩn các công ước đã kể.

Công Ước Chống Tham Nhũng của Liên Hiệp Quốc xác định mục tiêu chính là “truy tìm quan chức tham nhũng, thu hồi lại những khoản tiền đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp, xóa bỏ tất cả những tài khoản ngân hàng bí mật và nạn rửa tiền - hai trở ngại chính cho quá trình phát triển của mỗi nước”. Công ước còn bao gồm một số điều khoản “yêu cầu các quốc gia chuyển lại những tài sản bị lấy cắp và được cất giấu ở nước ngoài cho quốc gia chủ sở hữu”.

“Sáng kiến chống tham nhũng tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương” do OECD và ADB khởi xướng thì xác định: “Nâng cao vai trò của các hệ thống giúp tiếp cận thông tin, kể cả tài trợ các đảng chính trị... Ðẩy mạnh hợp tác đa phương trong công tác điều tra, kiện tụng thông qua phát triển các hệ thống phù hợp với luật pháp trong nước và tăng cường trao đổi thông tin, bằng chứng, dẫn độ khi cần thiết, hợp tác tìm kiếm và phát hiện tài sản bị mất cũng như nhanh chóng tịch thu và trả về nước số tài sản đó... Tổ chức thảo luận rộng rãi trong dân chúng về tham nhũng như: Ủng hộ các tổ chức phi chính phủ chống tham nhũng. Huy động sự ủng hộ của công dân đối với một chính phủ trong sạch, cung cấp tư liệu và báo cáo về các trường hợp tham nhũng. Ðảm bảo rằng công chúng và các phương tiện truyền thông được tự do tiếp nhận và phổ biến thông tin về các vấn đề tham nhũng một cách phù hợp với luật pháp trong nước...” Tất cả những nội dung này chẳng khác gì “thòng lọng” và các viên chức cao cấp của chính quyền CSVN rõ ràng không muốn tự treo cổ mình. (G.Ð.)

Category: Hồ sơ Tham nhũng CSVN | Views: 955 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 24
Khách: 24
Thành Viên: 0