Hoàng Phú Tân Từ những chuyện vi mô, tiểu tiết cho đến những
chuyện lớn, có tính bao quát, dường như ở đâu người ta cũng dễ dàng
nhận ra một vấn đề đầy tủi nhục là người dân Việt Nam luôn là kẻ bị
chính quyền dắt mũi và tung hứng như một quả bóng tròn. Không có gì quí
hơn độc lập tự do – đó là câu nói nổi tiếng của Hồ Chí Minh (dĩ nhiên
là có vay mượn). Với người dân Việt hiện nay thì tha hồ mà độc lập ngu
dốt, tự do đau khổ, phục tùng và cam chịu… Vài câu chuyện nhỏ trong số
hằng triệu câu chuyện diễn ra ở xứ sở này sẽ phơi bày cho bạn thấy ít
nhiều vấn đề…
Ở đây tôi không muốn nhắc đến những câu chuyện ai
cũng biết rồi như PMU 18, Tanimexco, Epco Minh Phụng, vụ chính quyền
chiếm đất của giáo xứ Thái Hà, vụ biến nhà thờ Fatima Bình Triệu thành
trường đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh (một nơi đào tạo những con
người thực hiện công lý mà lại tọa lạc trên sự mất mát của kẻ khác,
trên sự chiếm đoạt – tượng bà Maria được giấu vào trong 3 tấm tôn dựng
đứng giống như một tam giác cân trong nghệ thuật xếp đặt… Thật là không
ra thể thống gì, và cũng chẳng còn lý lẽ nào để tin rằng còn có công lý
ở xứ sở này!).
Hằng năm, sau một trận bão lớn, trận lụt lớn,
những người dân nghèo ở miền Trung Việt Nam, cụ thể là các tỉnh từ Bình
Định đến Nghệ An, trong đó, khúc ruột miền Trung (Quảng Ngãi, Quảng
Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình, Quảng Trị) chịu thiệt hại nặng nhất.
Người ta thường nhìn thấy các đoàn cứu trợ từ tỉnh, thành phố khác như
Sài Gòn, Nha Trang, Cần Thơ… Và một số chuyến hàng viện trợ của những
người có bà con ở nước ngoài gởi về, nhờ họ đại diện đến tặng (và đương
nhiên, muốn cứu trợ, chia sẻ, những cá nhân, tập thể này phải xin phép
chính quyền địa phương, được chính quyền đồng ý mới có thể cho quà,
chia sẻ…?!).
Và cứ như thế, những con số được thông báo trên
truyền hình, các phương tiện truyền thông của nhà nước cộng sản luôn
rất lớn, mới nghe qua cũng đủ đoán được rằng những người dân sẽ thoát
khỏi cảnh khó khăn sau thiên tai nhờ vào viện trợ từ chính phủ. Đấy là
chưa tính đến những khoản chia sẻ từ nước ngoài như vừa nêu trên. Nhưng
sự thật thì như thế nào? Tôi xin nêu ra những gì mắt hấy tai nghe và
chính bản thân đã trải qua. Mỗi sự việc sẽ được đánh dấu theo thứ tự 1,
2, 3… để dễ nhìn thấy, phân tích.
1.
Trong trận bão năm 2006, tỉnh Quảng Nam và thành
phố Đà Nẵng là hai khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề, phần lớn những người
dân nghèo, không đủ tiền để xây dưng nhà cửa vững chãi đều rơi vào cảnh
màn trời chiếu đất. Sau bão, chính quyền hô hào cứu trợ cho nhân dân…
Nhưng cứu trợ gì? Mì tôm, mỗi gia đình nhận khoảng chục gói (tôi dùng
chữ “khoảng” ở đây là vì sự phân chia không đồng đều, những gia đình có
bà con làm cán bộ chính quyền thì nhận nhiều hơn, có nhà dùng dư đem
bán, những gia đình không có thân thế trong chính quyền chỉ nhận lèo
tèo vài ba gói tượng trưng. Giỏi lắm là một thùng/gia đình 5, 6 người,
vài ba tấm tôn tượng trưng cũng chỉ dành cho những người có bà con làm
cán bộ… Nhưng số tiền kê khai phần quà phẩm cứu trợ/mỗi gia đình lên
đến hàng chục triệu đồng! Riêng tại Quảng Nam, số nhà không nhận được
cứu trợ chiếm đến 37% dân số tỉnh. Có người bức xúc rủ nhau đi kiện
chính quyền, nhưng kiện ai?!
Cũng trong đợt này, một tay chủ tịch xã Điện Minh,
huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã dắt nhà cứu trợ về cho riêng mẹ của y
một triệu đồng thay vì cho tất cả những bà con bị thiên tai rồi bảo là
số lượng bà con thiệt hại ở xã mình không có bao nhiêu… Tay nhà cứu trợ
này vốn là người đại diện, mang tiền của một nhà hảo tâm nước ngoài bèn
thông đồng với tay chủ tịch xã “hợp thức hóa” số tiền trên để bỏ túi
riêng… Đầu làng là vậy. Cuối xóm ì xèo chuyện ông tên Phạm Hải, vốn có
chút ít thế lực nhờ có con rể làm nghành công an đã đòi đánh trưởng
thôn, văng tục ỏm tỏi vì tay trưởng thôn đã ăn chặn của Phạm Hải 5 gói
mì tôm (trị giá 10ngàn VNđồng, tương đương với 0,72 dolla Mỹ)… Đôi bên
giằng co, đôi chối gây náo loạn cả khu xóm. Đến khi hỏi ra, mọi người
mới biết rằng trưởng thôn đã ăn chẹn của họ nhiều thứ khác chứ không
riêng gì mấy gói mì tôm. Vài hôm sau, nhân dân nhìn thấy xe của đài
truyền hình Quảng nam đến làm việc tại nhà Lê Công Nhân – chủ tịch ủy
ban nhân dân xã Điện Minh – về sự việc ăn chặn quà cứu trợ, tham nhũng
của y… Nhưng làm việc, phỏng vấn, quay phim, nhân viên đài truyền hình
tỏ ra bất bình không kém gì nhân dân, đánh sát ván... thì có mà chẳng
bao giờ thấy đoạn phim trên phát sóng, mọi chuyện đi vào lặng câm, bí
mật. Và nhà cửa những tên này (tôi gọi chúng là “tên” vì chúng là những
con sâu đục khoét vào đời sống, số phận nhân dân…) lại xây dựng khang
trang, rộng rãi…
Khi tôi hỏi một người bạn đang công tác tại đài
truyền hình Quảng Nam, (xin được giấu tên) thì mới biết rằng đã có “cấp
trên” chỉ đạo phải bít câu chuyện của Nhân lại, không được phanh phui,
vì như vậy là “rút dây động rừng” vì có vô số những con người tham
nhũng, phá hoại như Nhân đang làm việc cho nhà nước cộng sản, nếu tố
được một người, sẽ lòi ra nhiều người khác.. Lấy ai để làm việc…(?!).
Hóa ra, bộ máy cai trị, tay chân bộ hạ của nhà độc tài cộng sản Việt
nam là những con người như vậy đấy! Làm sao nhân dân có được ấm no,
nhân quyền, tất cả những gì bọn họ hô hào không gì khác ngoài những mỹ
từ mị dân, xảo trá. Những gì họ làm được là vắt kiệt mồ hôi xương máu
của đồng loại đến cực điểm, kể cả lúc nhân dân đang lâm vào khốn khó,
gian truân vì thiên tai, rủi ro…
2.
Trận bão chanchu năm 2006, ngư dân các tỉnh ven
biển miền Trung có con cháu, anh em, cha mẹ… tham gia đánh cá bị chết
trên biển không ít, nguyên một ngôi làng làm nghề chài lưới, câu mực
tên Bình Minh thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, đi đâu cũng thấy
tang tóc, khóc lóc, nhiều đứa trẻ bị mất cha ngồi khóc trên bãi cát...
Trong lúc đó, trên đài truyền hình tỉnh Quảng Nam phát sóng trực tiếp
chương trình Nối Vòng Tay Lớn nhằm kêu gọi những tấm lòng nhân ái chung
tay quyên góp ủng hộ cho những nạn nhân và gia đình họ.
Hai tuần sau, số tiền do bà con khắp nơi từ trong
nước đến ngoài nước đóng góp lên đến ba mươi ba tỉ đồng. Nhưng mãi đến
hai tháng sau, tôi cùng một người bạn nhà báo ghé đến thăm những gia
đình bị nạn, hỏi ra, họ chỉ nhận được mỗi nhà vài ba triệu đồng để lo
ma chay. Nhà nào nhận được nhiều nhất là 50 triệu đồng (ưu tiên cho
những người khôi phục lại tàu ra khơi) và muốn nhận được khoản tiền này
phải tốn nhiều khoản khác cho các “thủ tục” với các các bộ liên quan.
Nhưng con số này đếm trên đầu ngón tay của một bàn tay. Và trong dịp
này, có một nông dân vùng núi Quế Sơn đã toa rập với cán bộ nhà nước
làm giấy tờ giả để nhận 50 triệu, một thời gian ngắn sau đó, nhân dân
phát hiện, tố cáo, khi phát hiện thì chuyện đã rồi, tay nông dân kia
tuyên bố mình đã xài gần hết số tiền, coi như huề, vuốt đuôi nhau, chìm
xuồng… Thế mới biết chính quyền nhà nước cộng sản làm việc hiệu quả,
khoa học và dân chủ cỡ nào! Thế mới biết tại sao người dân Việt Nam
sống trên cạn tới hơn 90% dân số nhưng câu cửa miệng họ luôn có hai chữ
CHÌM XUỒNG!
Số tiền còn lại sao không đem chia cho những nạn
nhân nghèo, vì đó là tấm lòng của cộng đồng đóng góp cho họ…?! Chủ tịch
hội phụ nữ tỉnh (người đang giữ 25 tỉ đồng còn lại [?]) trả lời rằng để
đó gây vốn, để tạo quĩ lâu dài(?!). Và cho đến bây giờ, những nạn nhân
trên vẫn không nhận được gì thêm. Không ai nhắc đến khoản tiền đóng góp
ấy nữa. Cứ mỗi lần thiên tai, người dân bị nạn, chính quyền kêu gọi,
cán bộ sắm xe mới, nhà mới, gái mới (phần lớn những khoản tiền nhân đạo
của dân nghèo đều được các cán bộ đem rửa trôn gái ở các quán karaokê
và nhà hàng…).
3.
Năm 2002, tại huyện Chư sê, tỉnh Gia Lai xảy ra vụ
bạo động giữa tin lành Đê ga với công an nhà nước cộng sản Việt Nam.
Đôi bên giằng co nhau một thời gian khá dài, cuối cùng phe công an
thắng, bắt nhốt những người tin lành Đê ga. Chuyện tạm ổn, chính phủ
cộng sản bắt đầu chú ý nhiều hơn đến khu vực này bằng chủ trương đầu tư
trên nhiều lĩnh vực nhằm mua chuộc nhân dân. Kết quả không biết phe
cộng sản có làm suy suyễn gì được những người phản kháng hay không
nhưng dân ở đây cũng bớt khổ được đôi chút. Đường sá có mở mang, nhà
cửa khá hơn.
Qua 3 câu chuyện nhỏ vừa kể trên, có thể làm một
phép so sánh về những cái được và cái mất trong hành xử của người Việt
với nhau, của người dân đối với chính phủ của họ, cụ thể là của nhân
dân Việt nam đối với chính phủ cộng sản Việt Nam.
Ở hai câu chuyện trên, người dân bị ép chế, thấp
cổ bé họng, mang thân phận của kẻ bề tôi, không có tiếng nói riêng để
bảo vệ những quyền lợi chính đáng dù ở mức tối thiểu của mình. Chính
quyền cộng sản đã qua mặt họ một cách không thương tiếc, thể hiện sự bỉ
ổi,trơ trẽn của một bộ máy lãnh đạo trước nhân dân khốn khổ. Ngược lại,
về phía người dân cũng không đủ tri thức, sự tự tin, khả năng đàm phán
để đấu tranh cho bản thân (phần lớn những con người được nhắc đến trong
hai câu chuyện 1, 2 đều ở những vùng nông thôn xa xôi, học hành lỡ dở
lươn ươn, may lắm cũng học hết bình dân học vụ trong chế độ cũ và xóa
mù chữ trong chế độ cộng sản (nhưng lớp xóa mù chữ lại rơi vào những
bài học có tính tuyên truyền của nhà nước cộng sản, càng học thêm chút
chữ càng đâm ra tin mù quáng vào kẻ đã lừa gạt mình). Nên chi tất cả
những phản ứng của họ vừa hậu đậu vừa vô học. Bọn cán bộ cộng sản cũng
xử sự một cách vô học, thối nát và mất tính người. Chung qui là do vô
học, kém nhận thức mà ra. Một sự kém cỏi từ nhà nước đến người dân, từ
kẻ cướp đến nạn nhân.
Với câu chuyện thứ ba, chí ít cũng có thể nhận
thấy được những người theo tin lành Đê ga là một nhóm có nhận thức, có
lập trường chính trị rõ ràng, có niềm tin, ý hướng tâm linh cụ thể. Họ
ý thức được sự dối trá của nhà nước cộng sản, thấu hiểu được nỗi thống
khổ của một con người khi bị mất tự do, bị kiềm chế, phong tỏa bởi
những kẻ đang nhân danh chính nghĩa làm khổ họ. Và hơn hết là họ đấu
tranh có tổ chức, không manh mún như những con người trong hai câu
chuyện trên, họ yêu cầu thành lập một nhà nước riêng, dựa trên căn bản
niềm tin tôn giáo và tự do của họ.
Chính vì đấu tranh có tổ chức, có phương hướng,
chủ trương nên dù thất bại, những người Tin lành Đê ga cũng mang lại
một số quyền lợi nhất định cho cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây
nguyên Việt Nam. Nhà nước cộng sản phải thay đổi thái độ, chuyên tâm
đầu tư (dù rằng sự đầu tư này chỉ là trò diễn kịch, nhằm xoa dịu sự bức
xúc và những nguy cơ bạo động khác có thể gây phương hại đến quyền lợi
của tổ chức, là trò mị dân có hệ thống… Nếu nhiệt tâm với nhân dân,
việc thực hiện những quyền lợi tối thiểu kia đã được thực hiện lâu rồi,
không đợi đến lúc người ta nổi loạn mới bắt đầu chăm sóc. Ngân sách đâu
có nở phình ra khi có bạo động?!), đời sống người dân có phần dễ thở
hơn.
Hóa ra, những nhóm bạo động lại trở thành thứ cần
thiết cho vấn đề dân sinh hơn bao giờ hết. Ở Việt Nam, cứ để ý những
vùng nào có bạo động thì trước sau gì nơi đó người dân cũng có đời sống
khá hơn, tự do hơn…
Và có thể nói rằng đối với người dân Việt nam, sự
hiểu biết về tự do, dân chủ là tối cần thiết. Đôi khi, bạo động cũng có
những mặt tích cực của nó trong thời đoạn này. Nhưng vấn đề cần thiết
hơn cả là người dân cần phải nhận chân đâu là kẻ không thù địch của
mình. Không ai khác ngoài chính bản thân họ, chính sự mù mờ trong ý
thức đấu tranh dân chủ, chính sự kém hiểu biết về những quyền lợi của
một công dân trong một đất nước dân chủ thực sự đã làm họ thui chột
những ý nguyện, đòi hỏi, yêu cầu chính đáng về quyền lợi của một con
người. Và họ cứ tiếp tục niềm tin mù mờ vào những kẻ đã lừa dối họ…
Tự dưng, tôi thấy mình cùng những người đồng tộc
đang sống như những con gà mù dưới một cái chuồng đầy mối mọt, nó có
thể sụp đổ bất kể giờ nào. Nếu anh không biết, không ý thức về sự thay
đổi, chính anh sẽ là con gà nằm bẹp dí dưới cái chuồng sụp!
Và lúc đó, không ai khác ngoài chính anh là kẻ thù
của anh, hay nói khác đi là sự mù mờ, thiếu hỉểu biết, thiếu tinh thần
dân chủ của anh là kẻ thù đã tiếp tay cho kẻ độc tài thao túng, xâm hại
số phận anh! Và nhân dân Việt Nam đến bao giờ mới có đủ tiếng nói của
một con người dân chủ?!
Nguồn: Vietnam Freedom Institute
|