Thứ Ba, 2025-01-07, 9:38 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 17 » Đường lối nhà cầm quyền Hà Nội chiếm đoạt tài sản đụng độ người Công giáo
8:25 AM
Đường lối nhà cầm quyền Hà Nội chiếm đoạt tài sản đụng độ người Công giáo

 Khánh Đăng

Có phải là thành phần bảo thủ trong nhà nước Việt Nam do Ðảng cộng sản lãnh đạo hiện đang nắm quyền hành? Ðó là một cách diễn giải về vụ đàn áp mới đây đối với những cuộc biểu tình có tầm vóc rộng lớn do giáo dân Công giáo khởi xướng để đòi hoàn trả lại một khu bất động sản trước đây thuộc về Giáo hội ở Hà Nội, đã bị quốc hữu hóa khi cộng sản lần đầu tiên đoạt được quyền lực cách nay hơn 50 năm.

Các giáo dân biểu tình đã bị đánh đập, bắt giữ và sách nhiễu, theo nhiều tin tức khác nhau của các hãng thông tấn cho biết. Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch đặt tại Hoa Kỳ đã mô tả đây là vụ đàn áp thô bạo nhất đối với người Công giáo Việt Nam trong hàng thập niên qua. Các tổ chức Công giáo hải ngoại đã cùng nhau lên tiếng chỉ trích, mặc dù Toà thánh Vatican vẫn chưa công khai đưa ra lời bình luận nào.

Vụ đàn áp này hoàn toàn trái ngược lại với thái độ dễ dãi và tự kềm chế của nhà cầm quyền đối với những buổi cầu nguyện tương tự được giáo dân tổ chức hồi tháng Mười Hai và tháng Giêng để tìm cách đòi hoàn trả lại các tài sản tranh chấp, bao gồm khu đất Toà Khâm sứ cũ của Vatican gần Vương cung Thánh đường Thánh Giuse ở trung tâm Hà Nội cũng như khu đất của nhà thờ và tu viện Thái Hà gần đó.

Các buổi cầu nguyện trước đó đã chấm dứt ổn thoả khi Toà thánh Vatican ở La Mã yêu cầu giáo dân Công giáo Việt Nam phải tránh không được khiêu khích gây chạm trán, trong khi nhà nước hứa hẹn là sẽ bàn thảo để trả lại các bất động sản trên. Nhưng các mối căng thẳng đã chồng chất giữa phe bảo thủ và thành phần ôn hòa trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam, nhất là về việc làm thế nào để giải quyết các áp lực lạm phát đang gia tăng và đường lối chung để cải tổ kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được rộng rãi coi như một người ôn hòa, đã dẫn đầu trong công cuộc nhanh chóng cải cách kinh tế và đáp ứng lại lời kêu gọi của nhiều nhà đầu tư nước ngoài để tiến đến một hệ thống kinh tế đặt căn bản nhiều hơn trên các luật lệ, trong đó có quyền sở hữu bất động sản. Ông Dũng mới đây đã bị thành phần bảo thủ chỉ trích do hành động quá hấp tấp, và phe cực đoan này đã bám vào cái phương pháp thận trọng dọ dẫm lúc trước của ông ta trong việc giải quyết các cuộc biểu tình trước đây của người Công giáo, như một bằng chứng cho thấy rằng ông ta vừa mềm dẻo trong vấn đề an ninh, vừa quá háo hức nhượng bộ cho những đòi hỏi của người nước ngoài.

Bây giờ, cái đường lối cứng rắn mới đây của nhà nước hiện đang gây ra sự bất ổn định. Một loạt các cuộc biểu tình mới của giáo dân Công giáo đã bắt đầu hồi tháng Tám, khởi đầu với trên dưới 100 người sùng đạo tham dự vào các buổi cầu nguyện, để phản ứng lại sự thất bại không đi đến đâu trong việc đối thoại với nhà cầm quyền địa phương về các khu đất thánh đang tranh chấp. Vào cuối tháng Tám, công an đã bắt giữ ít nhất 8 người biểu tình ôn hòa trên phần đất của nhà thờ Thái Hà thuộc tu viện Dòng Chúa Cứu Thế, đã được thành lập vào thế kỷ thứ 18 để trợ giúp dân nghèo thành phố. Các tin tức cho biết công an đã đánh đập giáo dân bằng roi điện để giải tán một buổi cầu nguyện theo sau vụ bắt giữ để kêu gọi trả tự do cho những người bị bắt.

Vào ngày 19/9, trong một thái độ rõ ràng về lập trường cứng rắn của nhà nước, công nhân xây dựng được sự yểm trợ của hàng trăm công an và dân phòng đã ủi sập bức tường bao quanh Toà Khâm sứ và khu vườn cũ –nhưng để yên cho toà nhà xây theo kiểu thuộc địa là nơi thường trú của vị đại diện Ðức Giáo hoàng trước đây– để làm một công viên và thư viện công cộng.

Một phóng viên hãng thông tấn AP đã bị công an đánh sau khi bị bắt giữ vì chụp hình công trình xây dựng và máy chụp hình của anh ta cũng bị tịch thu.

Chính quyền địa phương ở Hà Nội cũng biểu lộ ý định của họ nhằm biến khu đất 17,000 thước vuông rộng lớn hơn, tài sản của Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, thành một công viên và đề nghị cấp cho Giáo hội Công giáo quyền xử dụng 3 khu đất khác vào mục đích tôn giáo để thay thế. Nhưng đề nghị này đã bị từ khước. Cho đến ngày 21/9, khoảng 10,000 giáo dân đã đứng lên phản đối nhà cầm quyền.

Cùng buổi tối hôm đó, hàng trăm thanh niên, một số trong đồng phục Ðoàn Thanh niên cộng sản, theo tin tức cho biết, đã tấn công nhà thờ Thái Hà, gây rối và thậm chí khạc nhổ vào các linh mục và giáo dân. Ðược biết là công an đã đứng nhìn để yên cho bọn du thủ du thực phá phách các giáo dân, phá huỷ một cây thánh giá bằng sắt dựng trong vườn Tòa Khâm sứ và di chuyển một bức tượng thiêng liêng của Ðức Mẹ Sầu Bi.

Trong cùng ngày, hơn 5,000 người Công giáo đã tụ họp trong một buổi cầu nguyện tại TPHCM ở miền Nam để bày tỏ sự ủng hộ đối với giáo dân Hà Nội ở ngoài Bắc.

Bốn ngày sau đó, xe bus của nhà nước đưa một đám xã hội đen đã tấn công giáo dân biểu tình ở khu vực Toà Khâm sứ, đến để lăng mạ Tổng Giám mục Hà nội Giuse Ngô Quang Kiệt. Tổng Giám mục Kiệt đã công khai lên tiếng bảo vệ quyền của những giáo dân biểu tình và đi thăm viếng gia đình của những người bị bắt, hiện ông đang phải đối diện với lệnh hạn chế đi lại của nhà nước. Nhiều tu sĩ và giáo dân khác đã bị gọi lên để thẩm vấn.

Tuyên truyền kiểu vô thần

Trong giới báo chí quốc doanh nhà nước, nhiều luận điệu vu vơ đã cáo buộc Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt là “phạm vào các hành động bất hợp pháp và phản bội đất nước” bằng việc khích động biểu tình và là một mối đe dọa cho “sự an toàn công cộng và tình đoàn kết quốc gia”. Khẳng định đường lối cứng rắn của nhà nước, nhà cầm quyền rõ ràng là đã dùng đến biện pháp tuyên truyền quá khích bằng cách cho đăng tải những lời chỉ trích TGM Kiệt trên các tạp chí của thiếu nhi. Số báo đang lưu hành của tạp chí Thiếu niên Tiền phong, xuất bản cho trẻ em tiểu học, trong đó có một bài viết của một học sinh Công giáo viết rằng em đã mất niềm tin Công giáo vì lời phát biểu và thái độ của TGM Kiệt.

TGM Kiệt phản ứng lại bằng cách phê bình nhà nước Việt Nam độc quyền kiểm soát toàn bộ báo chí truyền thông trong nước. “Lý do tại sao mà anh chị em không nhìn thấy hoặc nghe các ý kiến của Toà TGM trên truyền thông báo chí là vì các phương tiện thông tin đó thuộc về nhà nước, và do đó chúng ta không có bất cứ quyền hạn nào xử dụng nó để bày tỏ quan điểm của chúng ta”, TGM Kiệt được biết là đã viết như vậy trong một lá thư mục vụ.

Sau khi Uỷ ban Nhân dân Hà Nội, một cơ quan nhà nước trực thuộc Ðảng cộng sản, đề nghị trừng phạt TGM Kiệt và 4 linh mục khác vì khích động náo loạn và coi thường đất nước, cùng với nhiều tội danh khác, thì Ðại hội đồng các Giám mục Việt Nam đã đưa ra bản tuyên bố công khai bảo vệ các tu sĩ, nêu lên các mối quan tâm về tự do tôn giáo và quyền sở hữu bất động sản.

Về phần mình thì các cán bộ nhà nước liên tục cho rằng Giáo hội đã trao mảnh đất cho họ cách đây hàng thập niên, nhưng bên Công giáo bác bỏ luận điệu đó. Thành phần ủng hộ chính sách của nhà nước, viết bài đăng tải trên báo chí quốc doanh cho rằng mảnh đất Toà Khâm sứ trước khi được Giáo hội xây cất là của chùa Báo Thiên. Ngôi chùa đã bị phá huỷ vào năm 1886 bởi “thực dân Pháp” để xây nhà thờ, tu viện và toà nhà cho đại diện Vatican ở Việt Nam, các nhà bình loạn gia đã viết.

Sau khi người Pháp chấm dứt cai trị vào năm 1954, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, bây giờ là Cộng hoà XHCN Việt Nam, đoạt lấy quyền quản lý mảnh đất đó. Dưới luật pháp Việt Nam, không có quyền sở hữu bất động sản tư nhân và đất đai do nhà nước quản lý cho toàn thể nhân dân. Nhà nước có thể quyết định phân phối đất đai cho nhiều việc xử dụng khác nhau, kể cả cho các tôn giáo như Giáo hội Công giáo chẳng hạn.

Thông tấn xã Việt Nam của nhà nước hồi đầu tháng Mười đã tường thuật lời Thủ tướng Dũng nói rằng những người Công giáo biểu tình và TGM Kiệt đã đi quá trớn và thường có các hành động bất hợp pháp. Trong một buổi gặp gỡ Hội đồng Giám mục Việt Nam sau khi họ kết thúc Ðại hội thường niên lần thứ 2, ông Dũng nói rằng hiến pháp Việt Nam và luật pháp hiện thời ghi rõ rằng đất đai là thuộc về toàn dân dưới sự thống nhất quản lý của nhà nước.

Ông Dũng cũng nói rằng việc cấp phát đất đai cho bất cứ tổ chức nào cho mục đích tôn giáo đều phải được tiến hành hợp với luật pháp và ông trích dẫn ra một số các địa điểm, kể cả tại TPHCM, đã cấp phát đất đai cho Toà Giám mục để xây dựng một trung tâm mục vụ dành cho các sinh hoạt của giáo phận, là nơi mà chính sách này đã được thực hiện thành công.

Những nơi khác bao gồm tỉnh Ðắc Lắc ở vùng cao nguyên trung phần, là nơi mà hơn 11,000 thước vuông đất được trao cho Toà Giám mục Buôn Mê Thuột; ở trung tâm thành phố Ðà Nẵng 9,000 thước vuông đất được phân phối cho Tòa Giám mục Ðà Nẵng; và ở tỉnh Quảng Trị ngoài miền Trung 15 mẫu đất được bàn giao cho giáo xứ La Vang.

Ông Dũng nói rằng TGM Kiệt đã thiếu tôn trọng và không hợp tác với chính quyền thành phố Hà Nội, và những lời nói của TGM Kiệt là “thách thức chính quyền, làm tổn hại đến đất nước, và không quan tâm đến vị thế của đất nước và vai trò của người dân Việt Nam trong mối quan hệ tương quan của mình với thế giới”.

Theo ông Dũng thì, “Nếu những hành động này không chấm dứt, nó sẽ có một tác dụng tai hại đối với mối giao hảo tốt đẹp giữa Nhà nước và Giáo hội, và quan hệ giữa Việt Nam và Vatican, hiện đang có nhiều tiến bộ rất tích cực”.

Ông Dũng cũng cho rằng chính phủ sẵn sàng đối thoại với người Công giáo và không dùng bạo lực để giải quyết vấn đề của hai khu bất động sản trên. Hiểu theo nghĩa ngầm thì phát biểu của ông Dũng đã cho thấy cái thái độ vẫn chưa muốn cải tổ vấn đề sở hữu bất động sản tại Việt Nam trong khi ở mặt khác, đang chuyển hóa nhanh chóng từ một nền kinh tế cộng sản sang kinh tế thị trường.

Có nhiều tin tức cho biết vấn đề than phiền về đất đai hiện đang gia tăng khắp nơi trên đất nước, và điều được hiểu là thành phần bảo thủ trong giới lãnh đạo Ðảng cộng sản tin rằng nếu người Công giáo thành công trong việc đòi hỏi nhà nước trả lại tài sản cho họ, thì có thể buông lỏng cho một loạt các đòi hỏi tương tự không thể nào quản lý được trên toàn quốc.

Vẫn chưa được rõ là vụ đàn áp những người Công giáo vừa qua thì có ý nghĩa gì đối với đường lối cải cách kinh tế chung của cả nước. Ðiều có vẻ rõ ràng hơn là việc ông Dũng mặc nhiên ưng thuận với các yêu sách của phe bảo thủ để có một lập trường cứng rắn hơn, áp đặt quyền kiểm soát của nhà nước trên vấn đề sở hữu đất đai và trong quá trình đó, nêu lên nhiều mối lo sợ đáng quan ngại mới về một chiến dịch đàn áp những người bất đồng chính kiến và tôn giáo.

(Nguồn: Andrew Symon, Asia Times15/10/08, Khánh Ðăng lược dịch, Lyhuong.net)

Andrew Symon/Khánh Đăng dịch
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 918 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0