Một trong những cách tính toán về học phí của nhiều nước trên thế giới
sử dụng căn cứ vào GDP. Học phí của Việt Nam có thể thu đến con số
1.000 đến 5.000 USD/ 1 năm chăng khi GDP năm 2007 của chúng ta là 723
USD/người?
| Chi phí đào tạo 1 sinh viên sẽ là 8,5 triệu đồng/năm. Ảnh minh họa |
1,6 triệu SV của các trường ĐH, CĐ trên cả nước sẽ chuẩn bị đối diện
với một mức học phí mới. Rất có thể sẽ là 400.000đ/1 tháng (đối với các
trường công lập), gấp đôi so với mức 180.000 đ trước đây.
Học phí chắc chắn sẽ tăng, nhưng tăng thế nào cho đáng và làm thế nào
để trong câu chuyện “tăng giá” ấy không có những ấm ức, những ước mơ
giảng đường bị bỏ lại với nước mắt chạy vòng quanh?
Khẩu hiệu “chi phí phải tương ứng với chất lượng”
SV có quyền được đòi hỏi điều này, nhất là khi Phó Thủ tướng, Bộ trưởng
Bộ GD – ĐT Nguyễn Thiện Nhân nói với báo giới rằng: Tinh thần chung của
đề án là khuyến khích các trường cung cấp dịch vụ cao hơn được thu học
phí cao hơn nhưng đảm bảo chi phí phải tương ứng với chất lượng. Và kèm
theo đó Bộ GD-ĐT cũng sẽ có những tiêu chí đánh giá chất lượng cao hơn.
Nhiều trường ĐH Dân lập, Tư thục đang thu học phí từ mức 5 triệu đồng
đến 15 triệu đồng/1 năm, một số trường thu ở mức hơn 20 triệu đồng/1
năm. Nhưng với ngần ấy tiền, SV sẽ nhận được chất lượng tương ứng ở mức
bao nhiêu thì hiện tại vẫn không có ai đưa ra những con số cụ thể.
Phương, SV năm thứ 2 trường ĐH Hoa Sen chia sẻ trên forum rằng: “Mỗi
năm mình đều thấy nhà trường tăng học phí. Học tiếp thì thấy oải vì
tiền đóng gạo góp ngày một nặng nề.
Nếu bỏ thì sẽ mất trắng 2 năm ăn học với bao nhiêu tiền nong, thời gian
và cơ hội”. Sự thật là nếu các trường mải miết tăng học phí và cái gọi
là “chất lượng đào tạo tương ứng với mức học phí cao” chỉ là lời hứa
suông thì cuối cùng chỉ SV là người chịu thiệt thòi.
“Giá” cho 1 SV là bao nhiêu trong 1 năm?
Năm 2008, ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học là 9.559 tỷ
đồng. Và con số này đã chiếm tỷ trọng là 13% trong tổng số tiền ngân
sách chi cho giáo dục các cấp. Nếu đem chia cho tổng số SV được hưởng
tiền ngân sách thì mỗi SV sẽ được 1 khoản là 6,7 triệu đồng mỗi năm.
Cộng thêm học phí SV đóng (1,8 triệu đồng/1 năm) thì chi phí đào tạo 1
SV sẽ là 8,5 triệu đồng. Tuy nhiên mỗi trường sẽ nhận được từ ngân sách
một số tiền khác nhau nên con số này sẽ có sự khác biệt ở từng trường.
Các trường dân lập lấy lý do cần phải thu thêm vì không có sự hỗ trợ từ
ngân sách nhà nước, nhưng dù thế nào họ vẫn phải thu theo một khung
nhất định. ĐHDL Hải Phòng thu ở mức khoảng 5 triệu đồng/1 năm/1SV. ĐH
Kinh doanh và Công nghệ HN thu ở mức hơn 6 triệu đồng/1 năm/ 1SV...
Trong hệ thống các trường ĐH thì chỉ có các trường ĐH Tư thục là được
quyền tự quyết về mức học phí của mình.
Vậy nên giờ đây mới có phong trào xây dựng mới các trường ĐH Tư thục và
trào lưu xin chuyển đổi các trường từ dân lập sang tư thục mạnh mẽ đến
thế.
ĐH Thăng Long trước đây là trường dân lập giờ đã thành tư thục: năm nay
thu mức học phí là 10 triệu đồng/1 năm. ĐH Văn Hiến thu ở mức khoảng từ
5,2 triệu đến 5,6 triệu đồng/1 năm.
Và nếu khảo sát mức học phí của các trường tư thục thì bạn sẽ thấy sốc
nhất là với những trường mới thành lập. Nhiều trường đang thu bằng USD,
SV đi nộp học phí bao giờ cũng phải chăm chăm theo dõi tỉ giá của ngân
hàng và cầu mong giá USD đừng “nhảy lambada” nữa.
Sự thực thì hầu hết các trường tư thục, quốc tế hiện nay đều không giới
hạn đầu vào bằng điểm thi ĐH. Với một số trường có căn cứ tuyển sinh
bằng điểm thi ĐH thì cũng chỉ lấy ở mức điểm sàn.
Một số trường tư thục mới thành lập còn tuyển sinh trái mùa. Nhiều
người chọn các trường này khi không đủ khả năng vào các trường khác tốt
hơn với mức chi phí rẻ hơn. Nhưng liệu có phải vì khi người học không
còn sự lựa chọn nào khác thì các trường có thể mặc sức thu phí với bất
cứ giá nào?
Trường quốc tế ở VN đã “quốc tế hóa học phí” đến mức nào?
ĐH Quốc tế thuộc ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh năm nay thông báo tạm thu
học phí học kỳ 1 của SV là 750 USD. ĐH FPT thu 2.600 USD/ 1 năm và ĐH
Quốc tế Sài Gòn thu từ 5.200 đến 5.600 USD/ 1 năm.
Hoàng Anh, SV trường Cao đẳng Quốc tế Kent chia sẻ rằng: “Dù là trường
cao đẳng nhưng mức thu của trường mình không hề thấp. Mỗi chuyên ngành
sẽ có một mức phí khác nhau.
Và với mỗi chương trình học (theo tiếng Việt hoặc sử dụng tiếng Anh)
cũng sẽ có mức học phí khác nhau. Nếu bạn học ngành Quản trị Kinh doanh
bằng tiếng Anh bạn sẽ phải nộp mức phí là 3.500 USD. Bạn học ngành Công
nghệ Thông tin bằng tiếng Anh thì sẽ phải đầu tư 3.000 USD. Và khoá học
của trường cũng chỉ kéo dài trong khoảng 18 tháng”.
Nếu so sánh con số này với các nước khác, đặc biệt là các nước trong
khu vực sẽ khiến chúng ta phải cân nhắc. NUS (ĐH Quốc gia Singapore) là
một trong những lựa chọn để du học của rất nhiều SV Việt Nam.
Học phí và cả sinh hoạt phí toàn phần của NUS là 4.300 đôla Sing, tương
đương với khoảng 2.860 USD. Vậy là chỉ riêng học phí của ĐH Quốc tế Sài
Gòn cũng đã gấp đôi học phí và phí sinh hoạt của NUS.
Một trong những cách tính toán về học phí của nhiều nước trên thế giới
sử dụng căn cứ vào GDP. Nếu đặt học phí trong so sánh với GDP thì con
số sẽ còn cách biệt hơn nữa. Học phí của Việt Nam có thể thu đến con số
1.000 đến 5.000 USD/ 1 năm chăng khi GDP năm 2007 của chúng ta là 723
USD. Và GDP của Singapore trong năm ngoái là 29.700 USD.
Đấy là chưa nói đến sự so sánh về thương hiệu của các trường, vị trí
trong bảng xếp hạng các trường ĐH trên thế giới, cơ sở vật chất và chất
lượng đào tạo giữa các trường. Trong buổi làm việc gần đây với Phó Thủ
tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH
Quốc gia Hà Nội) đã quyết tâm phấn đấu thành một trường ĐH có tầm vóc
trong khu vực vào năm... 2020.
Theo San Hải
Sinh viên Việt Nam
|