Thứ Năm, 2025-01-23, 3:36 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 17 » Vốn nhà nước bị khai tử
8:35 AM
Vốn nhà nước bị khai tử

(LĐ) - Thời gian qua một số lãnh đạo doanh nghiệp lợi dụng cổ phần hoá để trục lợi. Chiêu bài những người này thường áp dụng là: Cố tình kinh doanh thua lỗ hoặc hạch toán lỗ làm cụt vốn nhà nước để thôn tính toàn bộ doanh nghiệp.
Trong khi đó, việc định giá tài sản trước khi cổ phần lại thấp hơn thực tế nhiều. Trường hợp cổ phần hoá tại Cty cổ phần Đồng Tháp (Hà Nội) cũng không là một ngoại lệ.

Cố tình tạo ra thua lỗ
Cty CP Đồng Tháp (tiền thân là Cty cơ khí Đồng Tháp) được thành lập theo Quyết định số 2867/QB-UBND ngày 20.6.2006 của UBND TP.Hà Nội với vốn điều lệ là 14 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước là 6,34 tỉ đồng (45,29%) và được giao cho Cty sản xuất kinh doanh đầu tư dịch vụ Việt Hà (Cty Việt Hà) trực tiếp quản lý.
Cty CP Đồng Tháp còn được giao quản lý khối tài sản gồm trụ sở tại 129D Trương Định, 13 Hàng Tre và số 8 Hàng Vôi với diện tích gần 6.500m2 đất. Có lẽ vì khối tài sản này được định giá chỉ vài tỉ đồng, quá "bèo" so với giá thị trường nên một số người chủ chốt trong Cty đã tìm mọi cách để vô hiệu hoá quyền kiểm soát của Nhà nước tại Cty hòng tư nhân hoá toàn bộ khối tài sản này.
Cụ thể, theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Cty CP Đồng Tháp do ông Dương Quốc Tuấn - TGĐ ký thì trong vòng hơn 1 năm sau cổ phần hoá từ ngày 14.7.2006 - 31.12.2007, Cty dưới sự lãnh đạo của ông Tuấn đã thua lỗ khoảng 8,5 tỉ đồng (trước khi cổ phần hoá Cty dưới sự lãnh đạo của ông Tuấn cũng đã lỗ tới 6,4 tỉ đồng) như vậy nếu hạch toán lại tài sản của Cty thì coi như Nhà nước đã gần hết vốn.

Trước tình hình này, ngày 22.9.2008, Ban Kiểm soát Cty CP Đồng Tháp đã phải có báo cáo về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh gửi HĐQT và các cổ đông.

Báo cáo này đưa ra 8 điểm khẳng định nguyên nhân trực tiếp dẫn tới thua lỗ trong sản xuất kinh doanh của Cty là:
Thứ nhất, ông Dương Quốc Tuấn với tư cách là TGĐ Cty đã chỉ đạo phòng tài chính kế toán để ngoài sổ sách số tiền 651 triệu, ông cũng đã thừa nhận và quả quyết sẽ chịu trách nhiệm về những điều trên;
thứ hai, ông Tuấn duyệt bán thanh lý tài sản thấp hơn giá bán của hội đồng định giá của Cty mà không thông qua HĐQT, dẫn đến thiệt hại cho Cty ước tính 210 triệu đồng;
thứ ba, ông Tuấn chỉ đạo ghi giá tiền khi xuất hoá đơn giá trị gia tăng cho khách hàng cao hơn giá Cty thực bán đến 30% với lý do khách hàng gửi giá mà phần thuế giá trị gia tăng Cty vẫn phải chịu;
thứ tư, ông Tuấn duyệt chi tiêu sai nguyên tắc nhiều lần;
thứ năm, Cty đã để ngoài tiền nộp khoán của ông Trần Quang Hải 120 triệu đồng trong khi vẫn phải đóng tiền bảo hiểm xã hội cho ông Hải;
thứ sáu, Cty đã để ngoài tiền thu điện, nước của các Cty cho thuê là 106 triệu đồng;
thứ bảy, ông Tuấn đã chỉ đạo phòng tài chính kế toán bán hoá đơn khống khiến Cty phải chịu phần nộp thuế giá trị gia tăng;
thứ tám, ông Tuấn đã chỉ đạo phòng kế toán xé các phiếu thu nhằm che giấu các hành vi sai phạm về quản lý tài chính.

Bị bãi miễn nhưng vẫn lạm quyền
Sau khi tạo ra hàng loạt các thương vụ gây lỗ vốn như trên, ông Dương Quốc Tuấn đã tổ chức triệu tập đại hội cổ đông vào ngày 23.9.2008, nhằm biểu quyết gạt hẳn vai trò của Nhà nước ra khỏi Cty. Tuy nhiên, đại hội này lại vi phạm Luật DN và điều lệ Cty một cách nghiêm trọng. Cụ thể, ông Dương Quốc Tuấn trước đó đã bị bãi miễn chức vụ Chủ tịch HĐQT tại kỳ họp thứ 8 của HĐQT ngày 15.1.2008, nhưng vẫn ký giấy triệu tập họp đại hội cổ đông với chức danh là Chủ tịch HĐQT.
Về thủ tục, các cổ đông cũng chỉ nhận được 1 giấy triệu tập họp đại hội cổ đông, 1 bản tóm tắt chương trình đại hội, 1 mẫu giấy uỷ quyền tham dự ĐHCĐ thường niên, ngoài ra không nhận được thêm bất cứ tài liệu hay phiếu biểu quyết nào.

Bên cạnh đó, việc triệu tập họp ĐHCĐ, chương trình, nội dung tài liệu phục vụ họp ĐHCĐ không được thông qua HĐQT quyết định. Các báo cáo như báo cáo tài chính, báo cáo về tình hình kinh doanh của Cty, báo cáo đánh giá công tác quản lý điều hành Cty không được ban kiểm soát thẩm định trước khi đưa ra ĐHCĐ.

Hơn nữa, ông Dương Quốc Tuấn chỉ đạo ĐHCĐ do ông lập lên và là trưởng ban tổ chức đã không công nhận tư cách cổ đông của Cty Việt Hà và không cấp thẻ biểu quyết các vấn đề cần biểu quyết trong chương trình ĐHCĐ.

Trước tình trạng đó, ngay trong ngày 23.9.2008, ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch HĐQT Cty Việt Hà (đơn vị được giao quản lý vốn nhà nước tại Cty CP Đồng Tháp) đã buộc phải ký công văn gửi UBND TP.Hà Nội, Ban Đổi mới và Phát triển DN TP.Hà Nội, Chi cục Tài chính DN TP.Hà Nội để báo cáo một số vấn đề liên quan đến việc quản lý vốn nhà nước tại Cty CP Đồng Tháp. Công văn nêu rõ: Tuy chưa được các cơ quan chức năng của TP.Hà Nội cho phép xử lý khoản lỗ trước CPH của Cty CP Đồng Tháp nhưng ông Dương Quốc Tuấn đã gửi các thông báo đến các cổ đông của Cty, khẳng định vốn nhà nước tại Cty do Cty Việt Hà quản lý là không còn, do đó Cty Việt Hà không còn vai trò là một cổ đông tại Cty CP Đồng Tháp, điều này là vi phạm các quy định của pháp luật.

Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp trong việc cổ phần hoá tại Cty CP Đồng Tháp và Nhà nước có nguy cơ mất tài sản, UBND TP.Hà Nội cần hết sức khẩn trương chỉ đạo để Cty này đi vào hoạt động nền nếp, giữ được tài sản cho Nhà nước.
Chí Tùng
Category: Hồ sơ Tham nhũng CSVN | Views: 919 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 24
Khách: 24
Thành Viên: 0