• Đinh Tấn Lực
Nếu không có những cánh chim
Anh chỉ là tảng đất nâu trên cánh đồng vô thức
(Nguyễn Việt Chiến – Sơn Ca)
Trận đấu rõ ràng không cân sức. Đảng ta dồn hết sức lấy thịt đè người. Tưởng
đâu ăn chắc, phen này triệu vú lấp miệng dân. Dè đâu cho tới phút 89, huấn
luyện viên tuyên giáo Tô Huy Rứa cùng đội tuyển Tư pháp Nhà nước đã bỏ ngỏ
khung thành cho đảng ta thua đậm.
Bảo kê tham nhũng
Đảng muốn bưng bít tham nhũng, lại làm cho nó hiện ra rõ hơn bao giờ.
PMU-18 là một vụ án xuyên …nhiều thứ, kể cả BCH/TƯĐ. Đó là lý do khiến Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng phải bật đèn đỏ, bảo ngừng. Không khác chi lệnh miệng
của UV/BCT Nguyễn Khoa Điềm thời Năm Cam làm động ổ tham nhũng/bao che lên
quá cấp thứ trưởng. Rồi lại có cánh PMU-18 huơ hồi mã thương bật ngược: Con
hạm Thứ trưởng BGTVT Nguyễn Việt Tiến trở thành "vô tội", thung dung mặc
com-lê ra khỏi nhà tù bằng ôtô con. Ngược lại, hai chức sắc thượng tầng C14
của ngành công an bị câu lưu về quy trình điều tra trong vụ này. Toàn bộ báo
chí chính quy xếp hàng một thủ vai Quách Tĩnh ngậm tăm.
Cơn sóng hồ hởi chống tham nhũng của cả nước bị rút củi hạ nhiệt bất ngờ từ
"vụ án tham nhũng" xuống mức "vụ án đánh bạc cá độ" bình thường, cho dù tiền
cá độ lên đến 2.6 triệu USD lấy từ dự án tài trợ ODA của nước ngoài. Tiến sỹ
luật Cù Huy Hà Vũ nhận xét: "Tôi tưởng cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang
đi lên thì việc bắt bớ các nhà báo cho thấy cuộc chiến này đang đi xuống…
Những kẻ có thể coi là mafia đang chống lại thế lực lành mạnh chống tham
nhũng". Ký giả Huy Đức nhận định việc bắt bớ này rất dễ khiến cho dư luận
nghĩ rằng:
"Những người chống tham nhũng đang bị tấn công ngược".
Các nhà báo ngó nhau và ngó lại chính mình xem quy trình tác nghiệp có chỗ
nào sơ hở? Một số ký giả bị Thứ trưởng TT-TT Đỗ Quý Doãn ký lệnh rút thẻ,
trong đó có hai Phó Tổng biên tập của báo Thanh Niên và báo Tuổi Trẻ .
Hai nhà báo năng nổ nức danh là Nguyễn Việt Chiến (Thanh Niên) và Nguyễn Văn
Hải (Tuổi Trẻ) bị bắt giam và bị khởi tố về tội danh "lợi dụng các quyền tự
do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước" theo điều 258 Bộ luật Hình sự. Sau
đó, ngay trước ngày ra tòa, lại được nhà nước tự động cải biến tội danh một
cách vi luật để trở thành "lợi dụng chức trách, nhiệm vụ của phóng viên".
Đáng bực nhất là đám ký giả phóng viên của các hãng thông tấn và báo chí
nước ngoài, nhất định không chịu xếp hàng một vào hành lang lề phải, mà vẫn
cứ thõng tay vào chợ, đi tựa tin "Hai nhà báo Việt Nam bị ra tòa vì đưa
tin về tham nhũng" (The Guardian), "Các nhà báo VN đối diện với án tù vì
đi tin tham nhũng" (AFP), hay "VN xử tội hai nhà báo vì các bài tường thuật
tham nhũng" (AP, hãng thông tấn có Ben Stocking bị CA đập máy ảnh vào đầu ở
Thái Hà mới đây).
Bob Dietz, điều phối viên chương trình châu Á của Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả có
trụ sở tại New York nói rằng: Bản án nhắm vào các nhà báo Nguyễn Việt Chiến
và Nguyễn Văn Hải thật đáng xấu hổ. Thông qua việc vạch trần bê bối tham
nhũng lớn tại cơ quan chính phủ, hai nhà báo đã có công phụng sự
nhân dân….
Phán quyết của tòa án là không công bằng và mang tính trả thù.
Nói chung là vụ án này đã khiến dư luận cả trong và ngoài nước đặt ra quá
nhiều câu hỏi về tình trạng tham nhũng thượng hạng ngoại hạng ở VN.
Rõ ràng, chẳng phải đảng ta muốn bưng bít tham nhũng, mà lại làm cho nó hiện
ra rõ hơn bao giờ là gì? Không thua đậm sao?
Phiên tòa chính trị
Đảng tự ý định nghĩa chống tham nhũng là làm chính trị.
Không khác mấy so với trường hợp Điếu Cày chống ngoại xâm (ngược ý đảng) và
bị khép án trốn thuế. Ở đây, hai phóng viên Hải và Chiến được lựa chọn trong
số hàng trăm phóng viên đi tin về vụ tham nhũng động trời PMU-18 để bị bắt
giam và ra tòa. Theo cáo trạng, ít nhất 25 phóng viên của các báo được yêu
cầu ra làm chứng, trong đó có ký giả của các nhật báo lớn như Tuổi Trẻ,
Thanh Niên hay Lao Động…
Lại có một cuộc họp quan trọng ở Hà Nội vào chiều ngày 26/6/2008,
giữa Ban Tuyên giáo Trung ương đảng, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao,
Hội nhà báo VN, và Bộ Công an, đặc biệt có sự hiện diện của Trung tướng
Vũ Hải Triều, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh VN… để đề ra định
hướng "về công tác tư tưởng" cho các ban ngành ở Việt Nam nhân vụ
bắt giam và khởi tố hai nhà báo và hai sĩ quan CA cao cấp. Qua đó, cũng
là lần đầu tiên, nhà nước tiết lộ cho các cử tọa chọn lọc được biết
chi tiết lời khai báo của hai phóng viên Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn
Văn Hải ra sao.
Phiên họp có chỉ đạo vừa nói còn bàn sâu về cách xử lý dư luận báo
chí trong và ngoài nước trước "vụ án báo chí" lịch sử này. Qua đó,
giới truyền thông trong nước được cảnh báo là "không đưa tin giật gân, không
bình luận về các tình tiết xét xử, tranh tụng". Quan trọng nhất, phải xem
đây là phiên tòa "bình thường, không có động cơ chính trị".
Thêm vào đó, chỉ đạo này còn quy định rõ là báo chí chỉ được đề cập đến 4
nghi can này bằng đại danh xưng "nguyên" nhà báo hoặc "nguyên" sĩ quan CA.
Có nghĩa là họ bị tước mất chức danh nghề nghiệp trước khi ra tòa. Có thể
bởi nhiều lý do, một trong các lý do được nhiều người nghi ngờ nhất là đảng
ta không muốn các nghi can này làm ô uế thanh danh các đảng viên và đồng
nghiệp của họ! Người bị khép án nặng nhất (2 năm tù giam) là nhà báo Nguyễn
Việt Chiến, chưa từng gia nhập đảng CSVN. Yếu tố này, theo đảng ta, là hoàn
toàn phi chính trị!!!
Nếu là một phiên tòa bình thường thì cứ để mặc nó diễn ra, việc gì nhà nước
phải huy động tới Ban Tuyên giáo TƯ ra chỉ thị rào đón răn đe về ý nghĩa
chính trị của nó?
Ông
Vincent Brossel, Giám đốc Á châu sự vụ của tổ chức Phóng viên Không biên
giới cho rằng: "Đây là một phiên tòa chính trị. Đây là vụ xử án truyền thông
tự do".
Rõ ràng, chẳng phải đảng ta tự ý định nghĩa chống tham nhũng là làm chính
trị đó ư? Không thua đậm sao?
Thu hút dư luận
Đảng tiến hành trong vòng giới hạn và kín đáo một vụ xử gọi là công khai,
nhưng vẫn thu hút dư luận.
Có 30 phóng viên VN cùng một số đại diện sứ quán nước ngoài cùng
đại diện một số hãng thông tấn nước ngoài có trụ sở tại Việt
Nam đã được cấp giấy phép tới theo dõi phiên xử. Tuy nhiên, phần lớn
đều chỉ được quan sát phiên tòa qua màn ảnh truyền hình. Có hai lãnh đạo của
hai tờ báo liên hệ hiện diện là TBT báo Tuổi Trẻ Lê Hoàng và Phó TBT
báo Thanh Niên Nguyễn Quang Thông. Được biết TBT báo Thanh Niên Nguyễn
Công Khế, sau công tác Hoa hậu Hoàn vũ, đã bận đi thăm con gái ở Mỹ trong
dịp này. Không ai thấy Chủ tịch Hội nhà báo VN hay Chủ tịch Hội nhà văn VN
có mặt (Ký giả kiêm nhà thơ Nguyễn Việt Chiến từng đoạt Giải thưởng Văn
chương của Hội nhà văn năm 2004).
Chỉ riêng đại diện Thông tấn xã và đài truyền hình VN là được vào phòng xử,
theo đúng công thức cái khuôn bánh lọt truyền thông. Tuy nhiên, lần này,
phóng viên đài truyền hình không hề yêu cầu bất kỳ một ai gỡ cất huy chương
trên ngực như đận "phỏng vấn giáo dân" ở Thái Hà vừa rồi.
Về phía thân nhân của các nghi can, bà Nguyễn Thị Hiền, mẹ của nhà báo
Nguyễn Văn Hải, cho biết là gia đình bà không nhận được vé mời tham dự phiên
tòa. Trong khi đó, những nhà báo có tên trong danh sách triệu tập làm nhân
chứng cho đồng nghiệp đều náo nức ra tòa, đến mức sẵn sàng chi tiền túi mua
vé máy bay ra Hà Nội, cho dù biết trước là chỉ được coi truyền hình, nhưng
ít ra là được ở ngay bên cạnh hai đồng nghiệp đứng trước vành móng ngựa. Có
những người có tên trong danh sách mà không được triệu tập đã tỏ lộ sự bức
xúc, bực dọc ra mặt. Điều này cho thấy là tác dụng răn đe của đảng ta đã trở
thành một bản tấu hài.
Ngay trước phiên tòa, tổ chức Phóng viên Không biên giới đã lên tiếng đòi
trả tự do tức khắc cho hai nhà báo bị bắt giam. Nhiều tổ chức nước ngoài
và cơ quan quốc tế đã coi phiên tòa này như một loại nhiệt kế để đo lường
giá trị cam kết chống tham nhũng của chính phủ Việt Nam, và cả mức độ
nới lỏng tự do báo chí ở đây.
Nhiều bloggers dân báo đã kháo nhau trên mạng về phiên tòa và dự đoán kết
quả của nó, cả nghiêm chỉnh lẫn diễu cợt. Rất nhiều bloggers/nhà văn/nhà báo
đã tự đặt mình vào vị trí đồng nghiệp, đồng chí hay đồng hội đồng thuyền với
hai ký giả ra tòa. Tiêu biểu là nhà văn Võ Thị Hảo đã khẳng định: "Tôi tin
là họ vô tội". Blogger Kim Ngưu viết: "Đã gần 2g sáng. Một ngày mới đã đến.
Tôi đợi một tin vui trong ngày hôm nay, từ HN…".
AFP tỏ ra quan sát tinh tế khi đưa tin về một số nhà báo Việt Nam đứng
bên ngoài phiên tòa buổi sáng thứ Ba, có người cầm hoa để bày tỏ
tình cảm với hai đồng nghiệp bị xử, một số người khác chăm sóc
thân nhân của các đồng nghiệp lâm nạn đó.
Tổ chức Phóng viên Không biên giới bình luận rằng: "Với việc đưa nhà báo
Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải ra xử, nhà nước đã chọn cách trả thù các
ký giả đã từng đưa ra ánh sáng các vụ việc (tham nhũng) làm bẽ mặt (nhà
nước) cũng như đã từng mang lại thêm chút ít tự do đối với báo chí Việt
Nam".
Bản thông cáo báo chí của sứ quán Mỹ tại Hà Nội viết: "Hoa Kỳ thất
vọng với kết quả vụ xử Nguyễn Văn Hải, báo Tuổi Trẻ, và Nguyễn
Việt Chiến, báo Thanh Niên, những người bị bắt hồi tháng Năm 2008…
Việc bắt giữ và kết án cải tạo không giam giữ hai năm đối với ông
Hải, và hai năm tù có trừ thời gian tạm giam đối với ông Chiến,
là trái với quyền hạn dành cho nhà báo theo luật pháp Việt Nam,
cũng như (đi ngược) cam kết của giới chức Việt Nam về tự do báo
chí… Kết quả phiên tòa đặc biệt gây quan ngại vì các vấn đề tham
nhũng nghiêm trọng mà các điều tra trước đó của hai nhà báo đã
khám phá… Hoa Kỳ đã nhiều lần kêu gọi tự do toàn diện cho báo
chí Việt Nam và yêu cầu chính phủ Việt Nam ủng hộ các quyền tự
do này, vốn rất quan trọng trong cuộc đấu tranh chống các vấn nạn
xã hội, như tham nhũng và lạm quyền; cũng như trong quá trình tiếp
tục phát triển kinh tế của Việt Nam".
Bà Molly Lien, Tham tán Ngoại giao Thụy Điển tại Hà Nội, phát biểu rằng:
"Chúng tôi quan ngại về kết quả vụ xử này và cho rằng nó sẽ phát đi các
thông điệp trái ngược về cam kết chống tham nhũng của chính phủ Việt Nam… Nó
cũng làm nổi lên các nghi vấn về luật pháp cũng như tính minh bạch trong hệ
thống tư pháp của Việt Nam".
Chưa ai quên lời tuyên bố của Chánh thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao Trịnh Ngọc
Dương, trong một phiên điều trần trước Quốc Hội: "Ở nước ta xử đúng cũng
được, xử sai cũng được, xử hòa cũng được, xử thắng cũng được, xử thua cũng
được…".
Rõ ràng, chẳng phải đảng ta càng chủ ý ra sức giới hạn dư luận cho có vẻ
bình thường thì lại nhận kết quả ngược hẳn là gì? Không thua đậm sao?
Vạn nhân cụ chi kế
Đảng sử dụng pháp luật để "trị một người cho vạn kẻ khác sợ".
Hình thức khủng bố này đã được đảng ta thử nghiệm từ nhiều năm qua, xa là
thời Nhân Văn-Giai Phẩm và Xét Lại, gần là kể từ dạo nhà nước cật lực trả
thù các nhân vật Thích Quảng Độ, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang… cho tới Phạm
Hồng Sơn, Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài, Lê
Thị Công Nhân và nhiều người khác nữa, đếm không xuể, kể không hết, cho chí
gần đây nhất là tay dân báo Điếu Cày… Câu hỏi đặt ra là sao nhiều người lắm
vậy? Cả Đức Tổng Ngô Quang Kiệt và Giám mục Nguyễn Văn Sang còn tự nguyện đi
tù thay cho giáo dân cầu nguyện bị bắt bớ. Vậy thì… thật ra có ai sợ như
đảng muốn không?
Trong phiên tòa này, đảng ta chờ đợi các "bị cáo" tự biến thành những ngọn
lau bị khuất phục. Đảng ta không ngờ đã va phải một ngọn núi kiên định niềm
tin hoa cương vào Sự Thật và Quyền Bảo Vệ Sự Thật. Ngay cả người khiếm thị
cũng thấy ra "Ai Thắng Ai" trong toàn bộ đoạn băng đối chất giữa "quý tòa"
Trần Văn Vy và "bị cáo" Nguyễn Việt Chiến, cho dù chánh án Vy đã nhiều lần
cắt ngang và át giọng ký giả Chiến. Đặc biệt là qua lời đề nghị của ký giả
Chiến đòi tòa án công khai những đoạn băng ghi âm do chính ông cung cấp cho
cơ quan điều tra, mà chánh an Vy đã câm như hến.
Nhà báo Trần Quang Thành kể lại rằng: "Chính bản thân tôi cùng những đồng
nghiệp khác trong đó có anh Nguyễn Việt Chiến đã viết thư gửi tới Bộ Chính
trị và Trung ương nói về ông Trần Mai Hạnh, Tổng giám đốc Đài Tiếng Nói Việt
Nam đã bao che cho Năm Cam về tội phạm và đi chạy án cho ông ấy. Chính lúc
đó bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam, đã nhân
danh đảng uỷ Ban lãnh đạo Đài cùng ông Đỗ Khánh Toàn, ủy viên Thường vụ Hội
Nhà báo Việt Nam, chính thức nhân danh hai tổ chức này gửi công văn đến Bộ
Chính trị, Ban bí thư và các cơ quan lãnh đạo nói ông Trần Mai Hạnh là con
người mẫu mực, trong sáng và đạo đức. Người nào viết thư tố cáo ông Hạnh bao
che tội phạm, chạy án thì là những người nói xấu đảng, chống đảng!".
Lại có người nhắc đến lời tuyên bố nức lòng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
"Tôi yêu nhất, quý nhất là sự trung thực và tôi cũng ghét nhất, giận nhất là
sự giả dối".
Rõ ràng là nhà báo Nguyễn Việt Chiến chỉ thực hiện chức năng đưa Sự Thật ra
ánh sáng công luận, và quyết lòng bảo vệ Sự Thật đó tới cùng. Đảng phán
quyết Nguyễn Việt Chiến phạm tội nói lên Sự Thật, thì có khác nào đảng ta đã
lại bỏ công dọn đường trải thảm đưa thêm người vào lịch sử?
Rõ ràng, chẳng phải cái "vạn nhân cụ chi kế" của đảng đã tự úm ba la biến
thành câu hỏi "Ai Sợ Ai" đó ư? Không thua đậm sao?
Bỏ thói khinh dân
Đảng coi thường nhân dân, và muốn tiếp tục lừa dân.
Đảng ta luôn sắp xếp và chỉ đạo mọi thứ để qua mặt dân, từ lúc bắt người,
điều tra thẩm vấn, cho tới lúc ra tòa, truyền thông tới lấy tin ra sao, viết
gì… Qua đó, đảng cũng đã công khai khinh thường cả một đội ngũ vạn rưỡi ký
giả phóng viên mà đảng ta nghĩ là đã ban ơn cho gia đình họ có một nồi cơm,
theo kiểu bảo sơn là sơn, bảo thái là thái (công thức mua bài của tờ CAND &
ANTG). Rõ ràng là đảng ta đánh giá quá thấp lòng tự trọng của những ký giả
nhà nghề. Rõ ràng là đảng ta xem nhẹ lương tâm của những nhà báo đặt lý
tưởng nghề nghiệp và quyền lợi dân tộc lên trên cả sinh mạng chính mình. Rõ
ràng là đảng ta quen thói kẻ cả chuyên dở trò bắt nạt, khủng bố đời sống và
tinh thần những con người tôn trọng nhân phẩm.
Không ngờ phen này, đảng ta chờ đợi những tảng đất nâu trên cánh đồng vô
thức thì gặp một cánh chim Sơn Ca bay vút. Đảng ta chờ đợi những con người
rón rén thì gặp một tập thể cầm bút liên đới đứng thẳng, bên cạnh đó còn
thêm hàng chục vạn cư dân trên mạng công khai đưa tin và chuyển tin để cân
bằng với hệ thống truyền thông chính quy trong tay nhà nước.
Đảng coi thường nhân dân, nào ngờ qua những vụ việc Điếu Cày, Thái Hà, Tòa
Khâm gần đây… và vụ án Ký giả ra tòa lần này, nhân dân đòi hỏi và chờ đợi
thêm sự thật, thêm công bằng, nhưng hoàn toàn không tin là đảng ta có khả
năng và thiện chí đó.
Đảng muốn tạo một bài học cho ký giả, không dè bị ký giả dạy lại cho một bài
học tự trọng nêu cao trách nhiệm xã hội và đạo đức tác nghiệp nhà báo rất
đáng được đưa vào giáo trình cho ngành báo chí.
Đảng dùng mọi thủ đoạn để lừa dân. Không ngờ lần này nhân dân đã có câu trả
lời cho một câu hỏi lưu cửu bấy lâu nay: "Ai Tin Ai?". Dân tin đảng? Dân tin
báo đảng? Dân tin vào dàn báo chính quy của đảng? Dân tin vào luật pháp của
đảng? Dân tin vào hệ thống điều tra và truy tố của đảng? Dân tin vào tòa án
và hệ thống tư pháp của đảng? Ký giả phóng viên tin vào đảng? Ký giả phóng
viên tin vào các khẩu hiệu chống tham nhũng của đảng? Ký giả phóng viên tin
vào khẩu hiệu sống và làm việc theo hiến pháp và luật pháp? Sau cùng và quan
trọng nhất, đảng viên có còn tin vào đảng?
Rõ ràng, chẳng phải đảng ta muốn tiếp tục lừa dân mà bị lật tẩy đến mức xóa
sạch niềm tin đó ư? Không thua đậm sao?
Thách thức sinh tử
Lãnh đạo đảng ta vẫn ngỡ là còn khả năng khống chế nhân dân, bằng cách nhấn
chìm những kẻ bất đồng chính kiến xuống tận bùn đen, thông qua các bản án tù
đày và nhân danh luật pháp.
Khả năng này đang bị thách thức đến mức sinh tử, sống còn, qua một loạt
những vụ việc tiếp nối trong nhũng năm gần đây, ở cả hai mặt đối nội lẫn đối
ngoại. Đặc biệt là ở thái độ yếu hèn của lãnh đạo đảng trước sự cố Tam Sa…
Hoặc ở thái độ bao che cho tham nhũng, trong một bối cảnh bất lực trước việc
ngăn chận nạn lạm phát hỏa tiễn khiến cho dân nghèo chết dở.
Dù vậy, có một số huân chương hiện cần được trao ngay trong mùa kỷ niệm Cách
Mạng Tháng 10:
1-Bộ chính trị đã dồn sức làm rõ đến mức không thể nào rõ hơn được nữa cái
Định hướng tình thế "Dùng án báo chí để đánh bạt án tham nhũng". (Tương tự
như cắt rời một câu nói của Đức Tổng Ngô Quang Kiệt để tập trung dư luận vào
việc xử lý vụ đòi đất Thái Hà và đánh bạt vụ Phạm Văn Đồng dâng đất hiến đảo
cho Tàu phù dạo 14 tháng 9).
2-Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời lánh mặt để biểu hiện tính cách "độc lập"
của định hướng đó, cho dù có phải thậm thụt chui ra chui vào các cửa hậu ở
Nam bán cầu.
3-Ban tuyên giáo Trung ương đã có công chẻ nhỏ Định hướng đó thành phương án
"bỏ tù ký giả để dập tắt trào lưu chống tham nhũng" thông qua vụ PMU-18.
4-Chánh án Trần Văn Vy đã đối chất với Nguyễn Việt Chiến, dù bao lần cắt
ngang "thôi được rồi", vẫn tạo điều kiện cho nhân dân cùng ôn tập lại từ đầu
những tình tiết chạy án gay cấn của các bị cáo trong vụ tham nhũng PMU 18.
5-Chánh án Trần Văn Vy đã soi sáng cho nhân dân thấy rõ yếu tố vô tội đến
trắng án của Nguyễn Việt Tiến và tội danh cương trực khẳng khái rất đáng
trừng trị của ký giả Nguyễn Việt Chiến.
6-Huân chương cao quý nhất được trao cho Tòa án Nhân dân Hà Nội, vì đã giúp
cho nhân dân biết đến và ngưỡng phục một con người bảo vệ Sự Thật tới tận
cùng chữ Dũng.
Cánh cổng tòa án sơ thẩm đã khép lại. Lòng người lạc quan hưng phấn lại mở
ra. Vừa cảm, vừa thương, vừa bội phục, vừa trân trọng biết bao một ngọn trúc
uy phong giữa lô nhô lau lách, một đóa sen rực sắc giữa bùn nước đầm lầy.
Rõ ràng, chẳng phải đảng ta muốn dìm dân xuống bùn đen mà lại làm nở rực
những đóa quân tử hoa đó ư? Không thua đậm thì là gì?