Thứ Ba, 2024-11-05, 8:51 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 18 » MẶT TRẬN TỔ QUỐC HAY TỔ CÒ ?
8:32 AM
MẶT TRẬN TỔ QUỐC HAY TỔ CÒ ?
www.doi-thoai.com


Nông Đức Mạnh : “Vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên mắc vào chủ nghĩa cá nhân… suy thoái đạo đức, lối sống, tham nhũng, quan liêu.”

Phạm Trần

Hoa Thịnh Đốn.- Luật Mặt Trận Tổ Quốc  (MTTQ) của đảng Cộng sản Việt Nam đã  có hiệu lực từ 9 năm qua, nhưng qua thời gian Tổ chức chính trị – xã hội này đã chứng minh nó chỉ  là thứ vô dụng đối với dân nhưng lại tích cực đóng góp vào việc bảo vệ chế độ dựa trên nền tảng  quan liêu, tham nhũng và lãng phí.

Luật 18 Điều ra đời ngày 12 tháng 6 năm 1999 quy định Tổ chức ngoại vi của đảng CSVN có nhiệm vụ  : “ Giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước; tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân; cùng Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; tham gia phát triển tình hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới.”  (Điều 2)

Nhưng quan trọng hơn là  trách nhiệm của MTTQ đối với dân được nói rõ trong Điều 12  gồm các việc như :

 1- Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là giám sát mang tính nhân dân, hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước, nhằm góp phần xây dựng và bảo vệ Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật.

2- Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện bằng các hình thức sau đây:

A) Động viên nhân dân thực hiện quyền giám sát;

B) Tham gia hoạt động giám sát với cơ quan quyền lực nhà nước;

C) Thông qua hoạt động của mình, tổng hợp ý kiến của nhân dân và các thành viên của Mặt trận kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng người tốt, việc tốt, xem xét, giải quyết, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giám sát. Khi nhận được kiến nghị của Mặt trận thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xem xét, trả lời trong thời hạn theo quy định của pháp luật.”

Nhưng trong thực tế, những trách nhiệm quan trọng  này chưa bao giờ được thực hiện có hiệu qủa, vì các lý do sau đây:

1) Mặt trận không có quyền quyết định mà chỉ  được “góp ý, kiến nghị” với Nhà nước, với Đảng.

2) Cán bộ Mặt trận chỉ biết “bẩm, thưa, trình” nên không ai coi ra gì.

3) Ngân sách hoạt động của Mặt trận do Chính phủ chu cấp  mỗi năm thuộc chế độ “xin cho” nên luôn luôn bị ám ảnh “há miệng mắc quai”, không dám làm ai mất lòng, lúc nào cũng làm theo hệ thống có trên có dưới, người cùng tổ chức, nay người mai ta,   nể nang, xí xóa, dĩ hòa vi qúy cho “vui cửa vui nhà” hay “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.

Do đó những nhóm chữ “có tiếng nhưng không có miếng” như “giám sát, kiểm tra, thanh tra” ghi trong Luật Mặt trận đều là thứ dổm cả.

Nhưng không chỉ có Mặt Trận, cơ chế chỉ biết ăn mà không làm được gì cho dân mới ngất ngư như thế.  Ngay đến Ngành Kiểm tra Đảng của Trung ương do Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị giữ chức Chủ nhiệm cũng đã phải bó tay trước những thói hư, tật xấu, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và suy đồi  phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Đảng đã phê bình những yếu kém này trong Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Ngành Kiểm tra diễn ra tại Hà Nội ngày 14-10 (1008) : “ Vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên không chịu tu dưỡng, rèn luyện, mắc vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, suy thoái đạo đức, lối sống, tham nhũng, quan liêu. Vẫn còn một bộ phận cán bộ lãnh đạo ở các cấp, các ngành thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức; chưa đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm; một số tổ chức đảng yếu kém, thiếu chăm lo quản lý và giáo dục đảng viên, buông lỏng kỷ luật, giảm sút tính chiến đấu, nội bộ mất đoàn kết, không làm tròn vai trò hạt nhân lãnh đạo.

Thực tiễn đó đòi hỏi đảng phải tăng cường kiểm tra, coi công tác kiểm tra và việc giữ gìn kỷ luật của đảng là nhiệm vụ của toàn đảng.”

Tưởng như thế đã đủ, nào ngờ cả Cơ quan lo về cán bộ của đảng cũng “lâm nguy” như  lời tự thú của  Hồ Đức Việt,Trưởng Ban Tổ chức Trung ương  trong Bài viết đăng trong Tạp chí Xây Dựng Đảng số Tháng 10 (2008) : “ Công tác cán bộ vẫn chưa theo kịp với đổi mới kinh tế và phát triển của xã hội. Mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, nhất là chế độ trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ chưa được quy định rõ. Nhiều khuyết điểm, yếu kém vốn có trong công tác cán bộ đã được nêu nhiều lần trong các văn kiện của Đảng nhưng chậm được khắc phục và còn nhiều bất cập, nhất là về đổi mới cơ chế, phương pháp và quy trình đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Chưa kiên quyết và thiếu quy chế có hiệu lực để sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ nhằm kịp thời thay thế những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc yếu kém về phẩm chất và năng lực. Chiến lược công tác cán bộ vẫn chậm cụ thể hóa và triển khai một cách đồng bộ, toàn diện. Chưa chăm lo đúng mức đến việc tạo nguồn cán bộ cơ bản và lâu dài.

 “Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ, thống nhất về công tác cán bộ; chưa làm tốt công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ. Vẫn còn biểu hiện vừa thiếu dân chủ, vừa thiếu kỷ cương, dân chủ hình thức, tập trung quan liêu, kỷ luật lỏng lẻo, chấp hành nghị quyết không nghiêm, thậm chí có nơi có biểu hiện cục bộ địa phương, hẹp hòi, định kiến, thiếu công tâm, khách quan trong công tác cán bộ, làm giảm niềm tin và động lực của cán bộ. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ và cơ quan tham mưu về công tác cán bộ cũng như công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về công tác cán bộ trong hệ thống chính trị còn nhiều hạn chế, còn thiếu đồng bộ giữa các khâu đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bố trí và sử dụng cán bộ.”

Như thế thì làm sao mà Mặt trận Tổ quốc có thể “giám sát” được đảng và “thanh tra” được cán bộ đảng khi còn xè tay xin tiền Chính phủ ?

Phản ảnh về  tình trạng này,  Lê Hiếu Đằng phó Chủ tịch MTTQ Thành Phố Hồ Chí Minh phát biểu sau khi có đề nghị nên  bổ sung những thiếu sót của Luật Mặt trận năm 1999 : “ Hiện nay, MTTQ hoạt động dựa vào kinh phí được cấp. Trong luật  (mới nếu có) nên xác định rõ hệ thống tài chính riêng cho MTTQ. Từ chỗ độc lập về tài chính, MTTQ mới có sự độc lập tương đối về vai trò, vị trí.”  (Báo Điện tử VietNamNet, 24/03/2008)

Đằng còn bộc bạch về công tác hiện nay của Mặt trận : “Vì những người làm công tác MTTQ còn ngại đụng chạm đến chính quyền. MTTQ ở cấp cơ sở hoàn toàn phụ thuộc vào cấp uỷ Đảng, chính quyền. Hoạt động MTTQ ở đây chủ yếu là từ thiện.  Mặt khác, có những ý kiến tâm huyết đã không được tiếp thu. Các nhân sỹ, trí thức thấy ý kiến của mình không có tác dụng nên không nhiệt tình đóng góp. Ngay ở cấp MTTQ TP, có nhiều khối tư vấn không hoạt động. Hiện nay, công tác MTTQ phụ thuộc vào rất nhiều vào cấp uỷ Đảng, cái gì cũng phải xin ý kiến.  MTTQ cần hành động dựa trên pháp luật chứ không theo ý kiến một vài cá nhân có chức, có quyền. Sự lãnh đạo của Đảng, biểu hiện ở mức cao nhất, vẫn là sự tôn trọng pháp luật. Vấn đề là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của MTTQ, tạo hành lang cho MTTQ hoạt động.”

Cũng nên biết Lê Hiếu Đằng là một trong số sinh viên  họat động cho Cộng sản chống chiến tranh và chính quyền Việt Nam Cộng hòa trong thập niên 1970 tại Sài Gòn.

Chua chát hơn, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Đỗ Duy Thường còn nói với VietNamNet ngày 25-03-2008 : “ Đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến MTTQ rất nhiều, nhưng MTTQ chỉ có quyền "kính chuyển" bởi pháp luật quy định thẩm quyền của MTTQ chỉ dừng ở đó.  Chiếc áo của Mặt trận được quy định trong Luật đã quá chật rồi, chính vì thế phải sửa một số điểm nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của Mặt trận, giảm tính hình thức và hành chính trong hoạt động". 

VNNET trích lời Đỗ Duy Thường nói  tiếp : “ Thực tiễn hiện nay rất gò bó, giám sát của MTTQ mới chỉ dừng ở cấp cơ sở, xã, phường, thị trấn chứ chưa đến cấp huyện, tỉnh, trung ương.….MTTQ tham gia xây dựng pháp luật, nhưng kết quả còn rất hình thức, tham gia góp ý nhưng không biết Nhà nước có tiếp thu hay không…Luật MTTQ ban hành đã được 9 năm, nay trước tình hình mới, cần sửa đổi theo hướng thúc đẩy đổi mới phương thức hoạt động và phương thức tổ chức của MTTQ, khắc phục những yếu kém, đặc biệt là tình trạng thụ động, hành chính hóa hiện đang còn rất nghiêm trọng".

LÀM CHỦ HAY LÀM TÔI ?

Ngòai những  chữ vô nghĩa và kêu to như lệnh vỡ ghi trong Luật Mặt trận , có lẽ sẽ  thiếu sót nếu không nói đến bổn phận bề tôi của Tổ chức này đối với đảng như được ghi trong Điều 7, theo đó: “  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thi hành chính sách, pháp luật với các nội dung sau đây:

1- Tham gia tuyên truyền, động viên nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;

2- Phối hợp, tham gia với cơ quan nhà nước tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, vận động nhân dân đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội;

3- Tham gia với Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cùng cấp tổ chức vận động nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở, hướng dẫn nhân dân xây dựng hương ước, quy ước về nếp sống tự quản ở thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố, cộng đồng dân cư khác ở cơ sở phù hợp với pháp luật, góp phần xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân;

 4- Tham gia hoạt động hoà giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về hoà giải;

 5- Tổng hợp, nghiên cứu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước.”

Nếu qủa thực 9 năm qua mà Mặt trận Tổ quốc giúp được dân có quyền làm chủ đất nước thì làm gì còn chuyện cá lớn nuốt cá bé, cán bộ hành dân nhiều hơn là kẻ “đầy tớ, công bộc” của dân. Tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí hàng ngàn tỷ bạc của các chương trình xây dựng cơ bản cũng nhờ vào quyền làm chủ của dân mà giảm đi nhiều.

Nhưng thực tế đã chứng minh Mặt trận chỉ là chiếc bình phong hay lá chắn đã mục rữa trước Quốc nạn tham nhũng, tình trạng xuống cấp của cán bộ, đảng viên và  không có khả năng đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi bức thiết trong cuộc sống hàng ngày của người dân.

Các vụ khiếu kiện của dân kéo dài từ thôn quê ra thành phố và các cấp chính quyền từ dưới lên trên cứ “đánh bùn sang ao”, đùn đẩy, ngâm tôm khiến nhân dân bất bình là một bằng chứng vô hiệu và bất lực  lực của Mặt trận Tổ quốc.

Ngược lại MTTQ đã chứng minh họ rất đắc lực và thành công trong công tác được đảng giao phó bằng Luật định để giúp đảng chọn các “ứng cử viên”  cho dân bầu vào Hội đồng Nhân dân và Quốc hội.  Ngoài các thành tích ở đơn vị hay địa phương, những người được MTTQ chọn làm ứng cử viên phải ưu tiên hội đủ hai điều kiện  căn bản  là : đảng viên trung thành với đảng và ủng hộ chủ trương kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh.

Một khi đã được Mặt trận chọn thì người ứng cử sẽ có đến 90 phần trăm cầm chắc thắng cử nên các cuộc bầu cử của CSVN, tuy gọi là trực tiếp nhưng lại hóa ra gián tiếp và vô nghĩa theo cách sắp xếp “đảng cử dân bầu” !

Cách chọn này được Luật Mặt trận gọi bằng danh từ hoa mỹ “hiệp thương” như ghi trong  Điều 8 của Luật Mặt Trận : “ Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, theo quy định của pháp luật về bầu cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử; phối hợp với cơ quan nhà nước hữu quan tổ chức Hội nghị cử tri ở nơi cư trú, các cuộc tiếp xúc giữa cử tri với những người ứng cử; tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử; tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.”

Như vậy thì  có cần phải hỏi MTTQ phục vụ cho quyền lợi của dân hay của đảng, hay có cần phải  thắc mắc tổ chức này là Mặt Trận Tổ Quốc hay Tổ Cò mà sao giữa nói và làm khác nhau  đến thế ?

Nhưng khi cả hệ thống đã nát thì dù có tu chính Luật cũng không thay đổi được  tính bù nhìn của Mặt trận Tổ quốc. -/-

Phạm Trần
(10-08)

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1146 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 555
Khách: 555
Thành Viên: 0