…“Văn hóa ba- xin” là "văn hóa"
phổ biến được người ta ứng dụng không biết ngượng, bởi hóa ra nó cũng
còn linh nghiệm, một khi chỉ với những mức xử phạt mang tính hành chính
thì đừng hòng đụng được đến quyền lợi của những kẻ vi phạm…
Môi trường tự nhiên, thực phẩm và
văn hóa của chúng ta đang bị ô nhiễm một cách nghiêm trọng. Báo chí đã
mổ xẻ khá nhiều về những vấn đề này. Khi xem xét lại các vụ việc, người
viết bài này nhận ra diện mạo “văn hóa ba- xin” trong hầu hết các vụ
việc bị vỡ lở, gây “sốc” cho xã hội. Khởi đầu, người ta “xin hứa” rất
kêu với đủ thứ khẩu hiệu. Lúc khó khăn người ta khéo léo “xin chờ” để
tìm cách “gỡ”. Và cuối cùng, lúc sự đã rồi và mất kiểm soát hay gây hậu
quả nghiêm trọng, ta thấy họ “xin lỗi” đầy chuyên nghiệp như đã chuẩn
bị từ đời nào. Nhưng nào chỉ có thế…
| Sông Thị Vải nước đặc quánh - Ảnh: thivai_tuoitre.com.vn |
1-
Luật Môi trường nước ta có từ năm 1993, có hiệu lực từ năm 1994 và được
chỉnh sửa, bổ sung vào năm 2005. Những cột mốc ấy nói lên điều gì? Đó
là khi các doanh nghiệp nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam
với những số tiền đủ lớn để ta coi họ là “thượng khách”. Vedan là một
điểm nhấn trong giai đoạn đầu tiên đó và nói theo một luật gia nhiều
kinh nghiệm: “Họ có những chuẩn bị về luật để đối phó trong khi ta thì
không!”
Và 14 năm “giết dần” sông Thị Vải
với sự đóng góp không nhỏ của Vedan thực sự là lời cảnh báo về việc
luật cố “rượt” theo thời cuộc mà… bất lực. Việc sửa đổi Chương
7 thuộc Bộ luật Hình sự về các tội phạm về môi trường đang được tiến
hành là điều cần thiết nhưng nó cũng chứng minh được cuộc “rượt đuổi”
vừa nói là có thật, và chắc chắn cuộc rượt đuổi này, không chỉ có
Vedan.
Án phạt “kịch khung” 267,5 triệu
đồng tiền Việt năm 2008 không bõ bèn gì so với tổng doanh thu 270 triệu
USD của Vedan năm 2007. Khoản truy thu phí bảo vệ môi trường
đối với nước thải công nghiệp với tổng số phí phải nộp trên 127,26 tỉ
đồng cũng chẳng là gì so với 14 năm sống khổ sở của người dân dọc hai
bờ Thị Vải. Chi tiết đáng chú ý là Cục cảnh sát
Môi trường chỉ thành lập từ đầu năm nay lại “phá án Vedan” thành công
trong khi 14 năm “đoạn trường ai có qua cầu mới hay” của dân Thị Vải
lại chỉ được báo chí quan tâm(?)
Khi xem lại một đoạn băng tư liệu,
người viết nhói lòng và phẫn nộ bởi câu nói của người dân ven sông Thị
Vải: “Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại nhưng đâu có ai thèm
quan tâm!”. Nhói lòng bởi những dữ kiện cho thấy cá tôm chết trắng,
nước sông đổi màu, tàu ghe mục nát, dân sống cơ cực và phẫn nộ vì sự vô
trách nhiệm của những nơi được dân gửi đơn khiếu nại.
“Muốn cải tạo lại Thị Vải phải mất
ít nhất mười năm”- một chuyên gia đã nhận định như vậy. Nhưng thiệt hại
kinh tế và tổn thất lòng tin của người dân Thị Vải sẽ là bao lâu khi
các chế tài về luật đều nói rằng khó mà khởi kiện Vedan(!)
| Liệu có bao nhiêu loại sữa ở đây có melamine? Nguồn ảnh: VNN |
2- Sữa có melamine được phát hiện bởi một nhà báo Trung Quốc khiến người dân nước này đổ xô mua sữa tại…Việt Nam.
Một nghịch lý tồn tại mãi cho đến khi các cơ quan truyền thông vào
cuộc: Những sản phẩm được kiểm định rồi đưa ra thị trường có melamine
tại sao vẫn được “cho qua” trong suốt một thời gian dài?
Sự nghịch lý tàn nhẫn ấy đem lại lợi
ích cho một bộ phận người và là mầm họa của nhiều người đâu phải chỉ có
ở Trung Quốc. Danh sách sản phẩm có melamine cứ tăng dần tại Việt Nam
và việc đưa ra danh sách sản phẩm có hoặc không nhiễm melamine là một
nghịch lý nữa khi lý ra tất cả chúng đều không-được- phép có melamine
vượt tiêu chuẩn. Vậy trách nhiệm những bên có liên quan “để sổng” các
sản phẩm nguy hiểm đó thì sao?
Và “nhờ” có melamine mà trẻ em mới
được…“ti” mẹ. Than ôi, điều thiêng liêng nhất có khi cũng bị quên lãng
trong cái thời buổi cơm, áo, gạo, tiền thực dụng. Hóa ra bấy lâu nay
chúng ta tin vào những quảng cáo trời ơi với những giá trị được xác tín
bằng tiền và quyền chứ không trên một cơ sở khoa học nào. Nói thẳng ra,
người mẹ nuôi con bằng sữa bột cũng có lỗi khi họ mù quáng tìm đến “sữa
tốt nhất cho bé”, “sữa tăng cường trí thông minh”, “sữa có DHA”…như là
cách yêu con tốt nhất mà quên mất bản năng thiêng liêng nhất, và nuôi
dưỡng con tốt nhất của mình sau khi sinh là… cho con bú.
Và thật khó hiểu khi các kết quả xét
nghiệm melamine của các doanh nghiệp lại “chỏi” nhau, nơi bảo có chỗ
nói không. Không có một chế tài minh bạch và đủ sức thuyết phục dư luận
về các sản phẩm có/không có melamine sẽ khiến người tiêu dùng vẫn nơm
nớp lo. Đâu có ai muốn con cháu mình làm “vật tế” cho việc xét nghiệm
mang tính trò chơi “xúc xắc” mà ở đó, những doanh nghiệp láu cá có thể
“lập lờ đánh lận con đen”.
| Phạt kiểu hên xui...(Ảnh chỉ mang tính minh họa) Nguồn ảnh: VNN |
3- Khi xâm nhập viết bài về đường
dây “chip” gian lận xăng dầu, tôi thực sự bất ngờ trước lợi nhuận kếch
xù của những con “chip ma” ghê gớm mang lại. Và có một điều lạ là cách
xử phạt của chúng ta không làm cho nó yếu đi mà ngược lại. Ví dụ như
một trạm xăng vi phạm gian lận xăng dầu sẽ bị phạt kiểu… hên xui.
Nghĩa là mức phạt được tính bằng
thời gian từ lúc vi phạm trở về đầu năm. Cụ thể một trạm xăng vừa lắp
“chip” vào ngày cuối năm bị phát hiện, chủ trạm xăng phải đóng phạt
tính theo mức xăng gian lận của ngày vi phạm nhân với 365 ngày trước
đó. Nghĩa là dù chỉ “móc túi” người tiêu dùng một ngày, anh ta vẫn phải
đóng phạt cả năm. Ngược lại, nếu một trạm xăng đã gắn “chip” từ 1-5 năm
nhưng bị phát hiện vào ngày đầu năm mới dương lịch, chủ trạm chỉ phải
đóng phạt đúng…một ngày cho tất cả những gian dối kéo dài trước đó gộp
lại.
Khi chế tài xăng dầu chưa đủ sức răn
đe thì nạn gian dối tại các trạm xăng sẽ vẫn như nấm mọc sau mưa. Khi
được hỏi liệu có dám tố giác những kẻ mang “chip ma” đến mời chào hay
không, các chủ trạm xăng làm ăn đàng hoàng đều nói rằng họ sẵn sàng từ
chối, còn tố giác thì… không. “Chỉ một mồi lửa là cả một cơ nghiệp ra
tro. Trạm xăng mình nằm một chỗ còn bọn xấu thì đầy rẫy…” một chủ trạm
xăng nói vậy.
Và như một tiếng thở dài nếu biết
rằng “chip ma” gian lận xăng dầu được đặt giả thiết đã có khoảng 10 năm
trở lại đây, bởi nguyên tắc gian lận của công cụ này đã được áp dụng
cho các máy đánh bạc bằng đồng xèng hơn 10 năm trước là như nhau. Nghĩa
là 10 năm trời đằng đẵng, hàng triệu người tiêu dùng sử dụng phương
tiện chạy bằng xăng dầu bị móc túi hàng ngày.
4-Nói về hành vi vô văn hóa của tập
đoàn kinh tế nọ: “Sửa Tuyên ngôn Độc lập chỉ bị phạt bốn triệu đồng là
xong. Bất kỳ ai khác dám sửa Tuyên ngôn Độc lập sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.” là một ý kiến đáng chú ý trên một hot-blog.
| Múa "nguyên thủy". Nguồn ảnh: vietbao
|
Dư luận có quyền nghi ngờ tính công
tâm của pháp luật nếu pháp luật không nghiêm trị các hành vi đi ngược
lại với thuần phong mỹ tục lẫn truyền thống, lịch sử dân tộc. Hai sinh
viên bị đuổi học, một giám đốc trung tâm bị cách chức không làm một tập
đoàn lớn yếu đi về kinh tế nhưng họ có thể “che mặt trời” bằng các thủ
thuật PR để nhận một án phạt nhẹ hều nhằm giữ hình ảnh thương hiệu thì
quả là đại tài.
Một cán bộ về hưu đã ngán ngẩm than
rằng: “Đồng tiền có quyền lực của nó. Ngoài trao đổi, mua bán nó còn có
quyền lực đủ lớn để bịt miệng nhiều người…” Ông từng là một người lính,
từng gửi lại một phần thân thể mình trên chiến trường nên ông không
hiểu nổi những giá trị mà cả một thế hệ phải đấu tranh bằng máu và biết
bao nỗi đau lại bị những người chỉ đáng tuổi con ông, cháu ông giờ đem
ra làm trò cười nhố nhăng. Trong số những cựu chiến binh còn sống hiện
nay, có bao nhiêu người nghĩ như ông?
“Chúng ta không thể lựa chọn cha mẹ
và nơi sinh ra”, và chúng ta cũng không có quyền phỉ báng những giá trị
truyền thống mang tính bền vững của đất nước do người đi trước để lại.
Thế nên chỉ bốn triệu đồng để thoát tội liệu có phải là rẻ quá?
5- Nhìn lại những hiện tượng ô nhiễm
môi trường, kinh doanh thực phẩm, xăng dầu và văn hóa để thấy rằng các
chế tài trong những bộ luật ở nước ta chưa đủ tính dự báo, chưa đủ tính
răn đe và chưa quyết liệt đi đến tận cùng vấn đề. Bốn vấn đề nổi cộm
gần đây như bốn ví dụ chứng thực về sự lỏng lẻo của luật trong việc
quản lý.
Thế nên “văn hoá ba- xin” là "văn
hoá" phổ biến được người ta ứng dụng không biết ngượng, vì hoá ra nó
vẫn còn linh nghiệm, một khi chỉ với những mức xử phạt mang tính hành
chính thì đừng hòng đụng được đến quyền lợi của những kẻ vi phạm. Các
chuyên gia về luật cũng trầm ngâm: “Khó kiện, khó được bồi thường” khi
vấn đề quyền lợi người tiêu dùng được đề cập đến.
..
Và khi những thứ ô nhiễm khác được
bao bọc bởi những vỏ bọc đẹp đẽ, giả tạo còn chưa bị lộ, chúng ta vẫn
còn nơm nớp lo. Ai cũng biết rõ “phòng hơn là chống” nhưng tại sao
chúng ta luôn bị thụ động trong cuộc chiến với cái ác, cái xấu, cái
chưa tốt? Phải chăng ngoài sự lỏng lẻo, vô cảm, kém cỏi và có khi cả
dung túng của những người có trách nhiệm thì sự “thỏa hiệp ngầm” của đa
số dư luận như một thói quen im lặng an toàn cũng “góp phần” vào sự ô
nhiễm xã hội nói chung và những thứ ô nhiễm vừa nhắc ở trên?
Nỗi ám ảnh về “văn hoá ba- xin” vì thế vẫn cứ dai dẳng.
Dù rằng người viết từng thấy nhiều người xin…thề rằng mình trong sạch trước khi…bị lộ. Mai Quốc Ấn
|