Thứ Tư, 2025-01-22, 6:33 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 18 » Lẩm cẩm Sài Gòn thiên hạ sự số 280
10:25 AM
Lẩm cẩm Sài Gòn thiên hạ sự số 280

Văn Quang



Lại một đề nghị loay hoay và luẩn quẩn

Trong tuần vừa qua một đề nghị gây phản ứng sôi nổi nhất là chuyện thu phí (hay nói khác đi là thu thuế) xe gắn máy và xe hơi loại du lịch (ở VN còn gọi là xe ôtô con, vậy xin dùng đúng chữ nghĩa đó cho sát với văn bản được nêu).

Trước tình hình tốc độ gia tăng về phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (xe mô tô, xe gắn máy, xe ô tô) như hiện nay, UBND TP. Sài Gòn vừa có công văn đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh mức thu khi cấp mới giấy đăng ký và biển số đối với xe ôtô con từ 7 chỗ ngồi trở xuống và xe môtô, xe gắn máy. Cụ thể mức thu như sau:

- Đối với môtô, xe máy giá trị dưới 15 triệu đồng sẽ thu 1 triệu đồng (mức cũ 500 ngàn đồng); từ 15 triệu đến 40 triệu thu 2 triệu đồng (mức cũ 1 triệu đồng) và trên 40 triệu thu 4 triệu (mức cũ 2 triệu). Tức là tất cả những loại xe gắn máy đều chịu mức thuế tăng gấp đôi.

- Đối với xe ôtô con từ 7 chỗ ngồi trở xuống không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách sẽ nâng mức thu hiện hành từ 2.000.000 đồng lên 50.000.000 đồng. (Tăng 25 lần so với mức hiện nay).

- TP. Sài Gòn cũng đề nghị ban hành lệ phí lưu hành xe hàng năm với môtô, xe máy thu mỗi xe 500 ngàn đồng một năm; ô tô 7 chỗ ngồi trở xuống không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách thu mỗi xe 10 triệu đồng một năm. Mức thu này sẽ thực hiện thông qua cán bộ phường, xã và biên lai nộp tiền sẽ được quy định như một loại giấy tờ bắt buộc kèm với giấy đăng ký xe khi thực hiện kiểm tra giấy tờ xe. Nếu không nộp sẽ bị xử phạt 250.000 đồng/lần đối với môtô, xe máy và 5.000.000 đồng/lần đối với xe ôtô.

- UBND TP. Sài Gòn cũng đề nghị tăng mạnh mức phạt đối với các hành vi vi phạm như đậu xe, quay xe không đúng quy định, đi vào đường cấm… sẽ xử phạt rất nặng để "răn đe". Nhưng ở đây tôi không bàn đến những chi tiết này. Chỉ nói đến phản ứng gay gắt của tuyệt đại đa số người dân trước những đề nghị… mới toanh và có phần lẩm cẩm về việc thu "phí" xe gắn máy và ôtô con.

Giải pháp hạ sách?

Trước hết phải thành thật nhận định rằng kẹt xe là nỗi ám ảnh thường xuyên của tất cả người dân TP. Sài Gòn từ cả thập kỷ qua chứ chẳng phải bây giờ. Không nói đến những lô cốt hiên ngang nằm trên hầu hết những con đường huyết mạch của thành phố, có thể nói chỗ nào có đường đi là có lô cốt. Từ những ngày đầu năm, chưa có lô cốt đã kẹt rồi, nói chi đến bây giờ. Còn bao giờ hết lô cốt thì chưa biết và có lẽ hỏi ngay cả "ông chính quyền" cũng chưa biết, chưa dám hứa hẹn một điều gì chắc chắn với dân bởi các nhà thầu có chịu tuân theo luật lệ nào đâu, nay phạt mai phạt rồi chuyện đâu vẫn hoàn đó.



Nỗi ám ảnh của người dân được chính quyền "thông cảm" và phải tìm cách giải quyết, hay còn gọi là "tháo gỡ vướng mắc" là chuyện tất nhiên. Nhưng cứ loay hoay mãi mà vẫn chưa tìm ra giải pháp nào hữu hiệu nhất. Đôi nơi, đôi chỗ còn áp dụng kế sách "không giải quyết được thì cấm". Nhưng không thể cấm phương tiện lưu thông cá nhân nên đánh vào túi tiền người dân cho "biết sợ".

Có thể thấy, để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông ở TP, có ba giải pháp chính, tạm gọi là thượng sách, trung sách và hạ sách. Theo đó, thượng sách là tổ chức lại giao thông cho hợp lý; trung sách là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông cho phù hợp và hạ sách là những chính sách nhằm hạn chế xe cá nhân. Rất tiếc, TP. Sài Gòn đã chọn giải pháp hạ sách!

Bài toán hắc búa lấy túi tiền dân ra gánh chịu

TP. Sài Gòn hiện có khoảng 3 triệu 500 ngàn xe môtô, xe gắn máy và 360.000 xe ôtô; cộng thêm khoảng 700.000 xe môtô, xe gắn máy và 60.000 xe ôtô tư các tỉnh khác lưu thông ở TP. Trung bình mỗi ngày TP có khoảng 1.100 xe môtô, xe gắn máy và 120 xe ôtô được đăng ký mới.
Số lượng phương tiện mỗi năm tăng 15%, nhưng diện tích mặt đường xây dựng mới, bổ sung thêm mỗi năm chỉ có khoảng 1%.

Ai cũng thấy bài toán hắc búa này không thể ngày một ngày hai mà làm xong được. Phải có thời gian, có tiền bằng đủ mọi cách, vay mượn của nước ngoài, cho đối tác làm và được thu tiền trong một khoảng thời gian nào đó cho anh kiếm lời trên mồ hôi của dân nghèo chúng tôi cũng được. Người dân hoàn toàn thông cảm và sẵn sàng chia sẻ. Nhưng cứ moi cái túi tiền rách mướp của người dân ra đắp vá vào một giải pháp chưa hề trông thấy kết quả thì không thể chấp nhận được. Với một câu hỏi giản dị:
"Đánh thuế phương tiện cá nhân thật nặng, liệu có làm giảm bớt số xe lưu thông trong thành phố hay không?".

Câu hỏi này đặt trước bàn bất cứ vị "hội đồng nhân dân" nào cũng không thể trả lời. Liều mạng lắm, ông nào đề nghị ra cái "sáng kiến" thu "phí" nặng cũng chỉ dám nói là "hy vọng thế".

Còn dư luận những ngày gần đây của người dân thì hoàn toàn không ai hy vọng vào "chính sách" đó cả. Ngược lại, có những người ngạc nhiên không hiểu tại sao lại có một đề nghị như thế. Chính ông cục phó Cục đường bộ VN – cho rằng đây là “giải pháp luẩn quẩn”. Ông "hội đồng" Lê Nguyễn Minh Quang cho rằng: “Đây lại là một “giải pháp loay hoay” của Nhà nước mà người dân phải gánh. Thật kỳ lạ!”.

Nguyên nhân chính là gì?

Nhìn vào số xe cá nhân lưu hành thường xuyên và số diện tích mặt đường sử dụng còn rõ ràng hơn, nguyên nhân chính là không đủ mặt đường cho xe chạy, không chỉ là thiếu mà phải gọi là "khủng hoảng" mới đúng. Sự phát triển không đồng đều và sự nhìn xa trông rộng cũng như việc quản lý quá yếu kém từ lâu mới là nguyên nhân chính.

Một công việc chính quyền thành phố có thể làm ngay và làm cương quyết, đó là quy hoạch các khu dân cư. Phải đưa bệnh viện, trường học... ra xa khu trung tâm thành phố nhằm hạn chế người đi lại. Hiện nay ở thành phố, các trường đại học, bệnh viện vẫn tập trung ở khu trung tâm, trong khi đó nhiều khu dân cư mới với nhiều toà nhà cao tầng tiếp tục được xây dựng trong thành phố; ngay cả chủ trương và đã tổ chức đưa các nhà máy, xí nghiệp ô nhiễm trong nội thành ra ngoại thành chưa được thực hiện đầy đủ. Nếu làm được những việc này, tình hình giao thông sẽ giảm bớt căng thẳng.

Thứ hai, thành phố cần sớm thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Cụ thể là phát triển nhiều loại phương tiện đi lại như tàu điện (metro) đi ngầm và đi trên cao, đồng thời cần đưa thêm nhiều chủng loại xe buýt vào hoạt động để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đến lúc này người dân sẽ có sự lựa chọn phương tiện đi lại. Hiện nay phương tiện vận tải công cộng như xe buýt không đủ đáp ứng cho nhu cầu đi lại cấp thiết hàng ngày của người dân.

Mới chỉ những ngày gần đây thôi, khi đợt xăng lên giá, nhiều gia đình đã tính tới việc bỏ xe gắn máy đi xe buýt. Nhưng rồi xe buýt cũng không giải quyết được việc đi lại. Bởi sự tổ chức còn quá yếu kém, các trạm xe không đủ và không tiện dụng cho các khu phố, bến bãi lung tung, xe bỏ khách, thái độ hống hách, thậm chí đạp cả hành khách xuống đường, như trường hợp của em Phạm Đình Khang.



Trưa ngày 2-10, em Phạm Đình Khang, học sinh lớp 8, trường THCS Minh Đức, Q.1, TP. Sài Gòn đã bị đẩy từ trên xe buýt xuống, khiến em bị ngã, gãy một cái răng cửa, lòng bàn tay trái bị rách một vết khá sâu, trán, đầu gối, cùi chỏ đều bị xây xát, rướm máu.

Em Khang trình bày, em lên xe buýt số 01, tuyến Bến Thành - Bến xe Chợ Lớn tại trạm dừng trên đường Nguyễn Thái Học. Đến trạm dừng ở đường Trần Hưng Đạo, là 10 giờ 20 phút, Khang xin xuống xe. Tuy nhiên, tới trạm nhưng xe vẫn chạy nên em không dám xuống. Em đang loay hoay ở cửa thì có ai đó đẩy vào lưng, làm em bay ra khỏi xe buýt, ngã sấp, đập mặt xuống đường. Những người xung quanh bất bình la lên, nhưng chiếc xe buýt vẫn lao vùn vụt.

Đánh vào túi tiền rách mướp của người dân

Và còn hàng chục lời than phiền về xe buýt khiến ai cũng ngán ngẩm. Thực tế thì xe buýt chưa thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân TP. Sài Gòn. Xe gắn máy vẫn là phương tiện hàng đầu, không thể thiếu của người dân thành phố Sài Gòn hiện nay và ngay cả trong tương lai xa. Đánh thuế vào xe gắn máy từ khi mua đến khi lưu hành hàng năm phải nộp một số tiền quá cao là đánh vào túi dân nghèo. Thử hỏi gia đình một anh công nhân, có vài đứa con đi làm và đi học có khoảng 4 chiếc xe, cứ hàng năm nộp 2 triệu đồng, làm sao họ chịu nổi? Nhất là trong tình hình lạm phát và giá cả tăng vù vù hiện nay, đời sống của người dân đang lao đao. Thu phí lưu hành xe máy 500.000 đồng một năm không khác gì bổ đầu dân mà thu phí, vì nhà nào chả có vài xe máy.

Để hạn chế xe cá nhân, có ý kiến cho rằng, cần tập trung thu phí và đánh thuế cao đối với loại xe hơi từ 4 đến 7 chỗ ngồi. Bởi vì đây là loại phương tiện có khả năng người dân sẽ mua sắm nhiều và sẽ tăng nhanh trong tương lai. Còn xe gắn máy vẫn là phương tiện thích hợp nhất với cả túi tiền và công việc hàng ngày.

Vì thế, dù người dân có bóp bụng nộp thuế xe gắn máy thì họ cũng vẫn cứ sử dụng vì đó là "nồi cơm" của họ. Như thế tình trạng kẹt xe vẫn cứ diễn ra, chẳng thay đổi được gì. Tóm lại, tăng thêm phí đăng ký xe, thu phí lưu hành xe, cuối cùng chỉ làm khổ dân mà không đạt được mục đích hạn chế xe. Như vậy thì không còn là hạn chế tham gia giao thông nữa mà là kỳ vọng tăng thu ngân sách!

Trong khi đó tình trạng yếu kém trong quy hoạch đô thị nói chung, và quy hoạch giao thông nói riêng thì chưa thấy cơ quan nào, hay cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm, cuối cùng đổ hết lên người dân, nhất là những người lao động nghèo đô thị.

Nếu đề nghị này được Bộ Tài chính chấp thuận, dân nghèo đô thị chỉ còn biết khóc!

Con chuột chết và hai ông Tổng Giám đốc

Bây giờ xin tường trình một câu chuyện lẩm cẩm nhưng vui hơn cho đỡ nhức đầu. Cũng trong tuần này, một chuyện lẩm cẩm khác lại xảy ra tại TP. Sài Gòn, câu chuyện thoạt nghe có vẻ hài hước, nhưng có thật xảy ra giữa hai "thương hiệu đại gia" mà hầu hết những người Sài Gòn đều biết tên tuổi. Xin kể vắn tắt như sau:

Phu nhân vị Tổng Giám đốc một khách sạn lớn Sài Gòn đã xỉu tại chỗ khi thấy xác chuột con trong chiếc bánh kem bà đang ăn dở (một bản tin xác nhận đó là vợ chồng là TGĐ khách sạn Sheraton Sài Gòn). Sự việc “kinh hoàng” này xảy ra ở một thương hiệu rất nổi tiếng - Highlands Coffee. (Một thương hiệu có nhiều cửa hàng ở TP. Sài Gòn, hầu như các vị Việt kiều về Sài Gòn, không ai không biết Cà phê Highland lớn nằm chình ình ngay trên mặt tiền đường Lê Lợi, rất thuận tiện cho những cuộc hẹn với bạn bè và ngồi ngắm phố phường).



Sự việc xảy ra chiều Chủ nhật, 5-10-2008, khi ông Tổng giám đốc này cùng vợ tới uống cà phê và ăn bánh tại Highlands Coffee ở chung cư cao cấp The Manor trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP. Sài Gòn.

Sau khi ăn được một phần miếng bánh thì vị phu nhân này mới phát hiện có một con chuột con nằm ngay trong bánh kem. Bà phát hoảng, xây xẩm mặt mày và xỉu ngay tại chỗ.

Các nhân viên của Highlands sau khi nhìn thấy cái bánh và con chuột cũng rụng rời tay chân, gọi điện thoại cho cấp cao hơn để giải quyết vấn đề.

Xác nhận sự việc có thật

Chiều 8-10, Một số phóng viên đã đến Highlands Coffee ở chung cư The Manor để xác minh sự việc. Những người phục vụ tại đây tỏ ra thận trọng trước nguồn tin "cực kỳ quan trọng" cho thương hiệu của mình. Người xưng là trợ lý và quản lý Highlands Coffee The Manor Đặng Văn Hải lại khẳng định “chính xác 100% ngày 5-10 không có chuyện đó xảy ra tại Highlands Coffee The Manor”.

Sáng ngày 9-10, phóng viên có mặt tại Trụ sở chính của Highlands Coffee là Công ty CP Quốc tế Việt - Thái (đơn vị quản lý thương hiệu Highlands Coffee) tại 135/37/50 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, TP. Sài Gòn để gặp chị Nguyễn Ngọc Hân (người mà nhân viên ở đây nói là có quyền trả lời vấn đề trên), đợi nửa tiếng đồng hồ thì được thông tin là chị Hân đang bận họp.

Chiều cùng ngày, chị Hân đã gửi cho báo chí một thông cáo về việc “xác chuột con trong bánh kem”.

Thông cáo viết: “Sau khi nhận được phản ánh của khách hàng về vụ việc này, Ban giám đốc Công ty chúng tôi đã ghi nhận vụ việc một cách hết sức nghiêm túc nhằm điều tra làm rõ nguyên nhân…”.

Thông cáo này còn nói thêm: “Tất cả các sản phẩm, nguyên liệu liên quan tới vụ việc được phản ánh còn tồn đọng trong kho hay tại hệ thống cửa hàng đã được chúng tôi thu hồi và tiêu hủy ngay lập tức”.

Như vậy chuyện " con chuột chết trong cái bánh" là có thật.

Các tay săn tin cũng đã liên hệ với “nạn nhân” của vụ việc là vợ chồng Tổng Giám Đốc Khách sạn Sheraton Sài Gòn nhưng ông bà từ chối tiếp xúc.

Trả lời một tờ báo, Giám đốc truyền thông của Sheraton Sài Gòn cho biết: Hiện, TGĐ KS Sheraton Sài Gòn và phu nhân từ chối tất cả mọi cuộc gặp của các phóng viên báo chí về vấn đề này.

Tuy nhiên, ông Giám đốc truyền thông này cũng xác nhận, những thông tin về vụ việc phát hiện thấy chuột trong bánh kem đang ăn dở của phu nhân ngài TGĐ là hoàn toàn có thật.

Con chuột chết bao giờ?

Tiếp xúc với báo chí, ông David P. Thái, Tổng giám đốc Công ty CP quốc tế Việt Thái (chủ sở hữu Highland Coffee) tỏ ra không chắc vật lạ trong chiếc bánh mà một vị khách mua của hãng là chuột hay không, và khẳng định nếu là chuột thì khó có khả năng rơi vào bánh lúc chế biến.
Theo lời của ông Thái, khoảng 14g ngày 5-10, gia đình chủ một khách hàng lớn ở Sài Gòn có mua bánh tại quầy Highland coffee tòa nhà The Manor và mang về nhà. Sau đó chừng 20 phút, vị khách nam mang hộp bánh trở lại và nói là có vật lạ trong đó.




Ông Thái nói: "Nhân viên của chúng tôi đã xin lỗi và đề nghị được giữ lại hộp bánh để làm rõ nhưng vị này không đồng ý và ra về. 30 phút sau đó, thông tin trong chiếc bánh có con chuột được một blogger đưa lên mạng". Ông Thái cũng cho biết, do khách hàng đã mang bánh về 20 phút và sau đó không để lại sản phẩm nên chúng tôi không thể biết chính xác đó có phải là con chuột không và cũng rất khó để xác định vật chất lạ xuất hiện ở khâu nào.

Hơn thế, ông Thái trình bày quy trình sản xuất bánh của Highland được sàng kỹ qua máy sàng 0,1mm và chuyển qua máy trộn, đánh nhuyễn trong vòng 25 phút rồi cho vào lò nướng. Toàn bộ quy trình này khép kín…. Với quy trình như trên nếu con chuột sa vào thì chắc chắn nó sẽ không thể còn nguyên hình hài, mà nó cũng sẽ thành bột! Ông Thái nói tiếp: " Theo tôi và các thành viên trong Ban Giám Đốc, giả thiết có con chuột thật thì chỉ có thể nó được cho vào khi bánh đã là thành phẩm". Nói khác đi là người khác đã đem con chuột chết bỏ vào bánh của Highland.
Về giả thiết này, một số độc giả ở Sài Gòn cũng đã đặt ra. Một số vị khác lại "ý kiến" rằng có thể khi bánh đã thành nhân, chú chuột nhào ra ăn vụng, bị cuốn vào nhân bánh. Khả năng này tuy khó xảy ra, song vẫn có thể có.

Tuy vậy, chi tiết trong câu chuyện của ông Thái có phần không khớp với những thông tin trên blog. Theo đó, hai vợ chồng vị chủ khách sạn kia đã cắt bánh ăn và phát hiện có chuột ngay tại quán cà phê Highland và bà vợ đã xỉu tại chỗ. Các nhân viên của Highland sau khi nhìn thấy cái bánh và con chuột cũng rụng rời tay chân, nói năng lắp bắp và gọi điện cho cấp cao hơn để giải quyết. Trong khi ông Thái nói vị khách đã mang bánh về nhà 20 phút sau mới trở lại. Đây chinh là mấu chốt của sự việc.

Để làm rõ trắng đen vụ việc, Highland đã lập một đội thanh tra rà soát các khâu sản xuất. Kết quả thế nào chưa rõ. Câu chuyện xem ra còn "lùng bùng". Xin dành quyền "phán xét" cho bạn đọc, trà dư tửu hậu bàn chơi đỡ buồn. Nhưng dù sao đây cũng là một mặt của đời sống thị trường, kinh doanh ở TP. Sài Gòn hiện nay.

Văn Quang
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1002 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 35
Khách: 35
Thành Viên: 0