Thứ Năm, 2024-11-21, 11:03 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 18 » Cuộc đấu tranh đòi công lý đang ở đâu?
7:43 PM
Cuộc đấu tranh đòi công lý đang ở đâu?
Trần Phong Vũ

Sau biến cố tòa Khâm Sứ & giáo xứ Thái Hà, cuộc đấu tranh đòi công lý đang ở đâu?

I. Một khẳng định cần thiết

Ẩn sâu đàng sau chuyện đòi đất là đòi công lý

Khởi điểm cho sự khẳng định này mở ra từ lá thư của Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt đề ngày 15/12/2007(1), gửi toàn thể giáo sĩ, giáo dân trong tổng giáo phận. Ba ngày sau, hàng ngàn tín hữu thuộc đủ mọi thành phần đã đổ về tham gia những buổi cầu nguyện tập thể trong tinh thần ôn hòa tuyệt đối để đòi lại những tài sản, đất đại ở tòa Khâm sứ cũ cạnh Nhà Chung Hà Nội. Và những buổi cầu nguyện giữa trờI như thế đã liên tiếp diễn ra trong nhiều ngày trước và sau lễ Giáng sinh 2007, bất chấp thời tiết khắc nghiệt của mùa đông.

Đã có sự can thiệp cách này cách khác của lực lượng công an, cảnh sát nhà nước. Nhưng không vì thế số giáo dân tham gia cầu nguyện giảm sút. Sát cánh với giáo dân Hà Nội có đông đảo tín hữu từ các giáo phận gần xa. Bên cạnh giáo dân còn có sự hiện diện công khai của các giáo sĩ. Đã có những cuộc trao đổi, đối thoại, dù bất cân xứng về cấp độ cũng như thiện chí, giữa nhà cầm quyền địa phương với giáo quyền Tổng giáo phận Hà Nội.

Tối Thứ Sáu 11/01/2008, khoảng hơn 4000 giáo dân đã tựu về nhà dòng Chúa Cứu Thế ở đường Kỳ Đồng Sàigòn để hiệp thông cầu nguyện với giáo dân Hà Nội. Lần này, ý nghĩa đích thực của việc cầu nguyện đã được minh định. Nó không còn giới hạn trong việc đòi lại tài sản, đất đại bị cưỡng chiếm. Nó đã vươn tới khát vọng thâm sâu của hơn 80 triệu đồng bào là: công lý, tự do, nhân quyền và nhân phẩm từng bị bạo quyền tước đoạt lâu nay phải được phục hồi. Trong bài giảng thuyết trước đám đông đồng đạo và đồng bào hiện diện, linh mục Vũ Khởi Phụng nói:
“Xã hội hôm nay đã đánh mất tâm linh, lại không còn công lý. Vì thế nhân phẩm con người không còn được tôn trọng, các quyền căn bản của con người không còn được duy trì và bảo đảm đúng nghĩa !”
linh mục Vũ Khởi Phụng cao giọng kêu gọi đám đông tín hữu trước mặt là hãy:
“Cầu nguyện cho xã hội chúng ta được đi vào thế giới của sự thật, thế giới của nhân phẩm. Hãy đặt niềm tin nơi Thiên Chúa để từ đấy thiết định niềm tin nơi con người... Chúng ta hãy cùng nhau lên đường với tâm hồn nghèo khó, với tâm hồn hiền lành, với tâm hồn khát khao công bằng và chân lý. Chúng ta hãy cùng nhau lên đường với trái tim biết thương xót những con người nghèo hèn, bé mọn, chưa bao giờ được sống đích thực với nhân phẩm của mình”.
Trong một bài viết gửi lên mạng lưới toàn cầu Fiat 408 hai ngày sau, cha Lê Quang Uy, một linh mục trẻ cũng thuộc Dòng Chúa Cứu Thế đã viết như sau:
“Thành ra, biểu tình của người Công Giáo chẳng phải là để đòi mấy mảnh đất, mấy khu nhà dinh thự, cho dẫu những mảnh đất ấy to tiền, những khu nhà ấy dùng được bao nhiêu là việc có ích đến đâu đi nữa. Cái chính yếu lại là đòi cho công lý và hòa bình phải được thực thi.

Chiến tranh không còn nhưng chưa có hòa bình thật sự đâu. Có cả một rừng luật và nghị quyết nhưng cũng chưa có công lý tử tế đâu. Mà tôn giáo chân chính nào cũng vậy, luôn luôn mời gọi sống yêu thương nhân ái, nên nếu có phải biểu tình và đấu tranh thì luôn luôn là bất bạo động, ôn hòa, bao dung. Vì thế người Công Giáo chỉ có thắp nến cầu nguyện và hát Kinh Hòa Bình suốt mấy tuần nay mà thôi!

Đừng nghĩ như thế là yếu, là hèn, hay là không tưởng! Không đâu, nó mạnh ở chỗ đặt hết tin tưởng vào một Chúa ở trên cả Đảng, trên mọi thứ quyền lực bạo liệt nhất của thế gian. Và nó cũng mạnh ở chỗ có khả năng liên kết được với mọi người, lay động được lòng người, những người ở các tôn giáo khác nhau và cả nơi những người vô thần, những người Cộng Sản thứ thiệt...” (Trích Lm. QUANG UY, DCCT, Chúa Nhật 13/01/2008 – Fiat 408)

(Chữ nghiêng là nhấn mạnh của tác giả).

Vì căn tính ôn nhu, luôn tin tưởng nơi thiện chí của con người, Giáo hội Công giáo - cụ thể là những nhà lãnh đạo trong Giáo hội - từ bao lâu nay luôn nhẫn nhục chịu đựng để mong tìm một giải pháp hòa bình cho mọi bất đồng qua phương thế đối thoại. Khi chẳng đặng đừng cần phải nói thẳng, nói thật cũng vẫn cố gắng khép mình trong tinh thần lễ nhượng, khiêm tốn bằng một thái độ kín đáo, tế nhị. Một chứng cớ cụ thể là trong văn thư gửi kín cho nhà nước sau khi kết thúc Hội nghị thường niên năm 2002, HĐGMVN đã thẳng thắn chỉ trích chính sách “XIN – CHO”, một trong những khuyết tật phổ biến của chế độ cùng với tệ trạng cửa quyền, tham nhũng khiến cho sự cách biệt giàu nghèo ngày càng trở nên trầm trọng. Nội dung thư cũng đòi hỏi chế độ phải quan tâm tới việc phát huy nhân phẩm và những quyền căn bản của con người. Vì những đòi hỏi của công luận lúc bấy giờ, nội dung văn kiện này của HĐGM đã được gián tiếp công bố qua lá thư của giáo quyền TGP Sàigòn đề ngày 25-12-2002 gửi linh mục Nguyễn Tấn Khóa, chủ tịch UBĐKCGVN, với nội dung gồm hai điềm chính: (I) Xóa bỏ những khuyết tật lớn nhất của xã hội (trong đó có vấn đề XIN – CHO), và (II) Phát huy những giá trị nhân bản làm cho xã hội ngày một nhân bản hơn (2).

Cuối năm 2007, đầu năm 2008, khi những buồi cầu nguyện đòi đất, đòi công lý của giáo dân TGP Hà Nội tiếp diễn với sự tham gia càng ngày càng đông đảo, dẫn tới những vụ bạo hành của các lực lượng công an khiến có đổ máu, thì một văn thư từ hồng y Quốc Vụ Khanh Vatican được gửi đến yêu cầu đôi bên tự chế để tìm phương thức giải quyết vấn đề một cách ôn hòa bằng đối thoại. Phía nhà nước đưa ra lời hứa hẹn: sẽ giao hoàn tòa Khâm sứ cho TGP Hà Nội, nếu giáo dân chấm dứt những buổi cầu nguyện.

Nhưng, tất cả chỉ là những hứa hẹn đầu môi chót lưỡi. Vì thế, tháng 8-2008, giáo dân Thái Hà và các linh lục DCCT đã tái khởi động những buổi cầu nguyện để xin Thiên Chúa hoán cải tâm hồn chai đá của giới cầm quyền CSVN để họ biết tôn trọng ý nguyện chính đáng của người dân: trả lại những tài sản, đất đại mà họ đã dùng bạo lực cưỡng chiếm lâu nay, xa hơn là phục hồi công lý, nhân quyền và nhân phẩm cho hơn 80 triệu đồng bào.

Và chuyện gì đã xảy ra? Trong khi trao đổi đối thoại với đại diện giáo quyền Hà Nội, phía nhà nước không ngừng tăng cường chiến dịch dùng truyền thông để bội nhọ, xuyên tạc thiện chí của tập thể giáo dân và giáo sĩ ở Thái Hà, đồng thời dùng vũ lực để đàn áp đám đông giáo dân đang cầu nguyện ôn hòa, không một tấc sắt trong tay.

Sau những ngày lưu lại Mỹ để kết tình Chị-Em giữa hai giáo phận Orange (HK) và Hà Nội (VN), hôm 02/09/2008, khi vừa về tới nhiệm sở ở Hà Nội, đức TGM Ngô Quang Kiệt đã lên tiếng tuyên bố nguyên văn như sau:

“Tôi nghĩ rằng bây giờ thì thực sự các đường hướng giải quyết phải rất là đột phá, có cái gì sáng tạo, chứ không thể theo những đường hướng xưa cũ được nữa. Và nhất là sau khi vụ Tòa Khâm Sứ đã 8 tháng nay và rồi việc đối thoại chúng tôi đã đi theo đừờng hướng của Tòa Thánh để mà giải quyết bằng đối thoại, thì xem nó quá chậm chạp và cũng chính đó là yếu tố nó ảnh hưởng đến Thái Hà. Bởi vì Thái Hà người ta nghĩ rằng cái việc Toà Khâm Sứ chưa thấy thành công đâu cả, thành ra không có hy vọng vào cái công việc đối thoại ấy. Cho nên tôi nghĩ rằng chính quyền phải có những bước đột phá, sáng tạo và mới mẻ hơn…”

Nhưng, gợi ý về một phương hướng giải quyết đột phá, sáng tạo, mới mẻ của đức cha Kiệt đã không được nhà nước CSVN đếm xỉa tới. Những hành vi bao hành của lực lượng công an, cảnh sát tiếp tục tái diễn. Hệ thống báo chí, phát thanh, phát hình nhà nước không ngớt tung tin thất thiệt nhằm bôi nhọ giáo dân và các giáo sĩ để sửa soạn cho một mưu toan đen tối.

Tiếp theo những thủ đoạn hèn hạ, chà đạp công lý kể trên, bộ máy cầm quyền đã để lộ nguyên hình là những kẻ đạo tặc bất cố liêm sỉ: lúc 3 giờ sáng Thứ Năm 19-9, khi mọi người còn đang yên giấc thì công an thành phố đã được huy động tới bao vây tất cả các ngả đường dẫn vào toà Khâm sứ và toàn thể khu vực Nhà Chung với vũ khí, lựu đạn cay, chó nghiệp vụ… để đề phòng phản ứng của giáo dân, bảo vệ cho đoàn xe ủi tiến vào khuôn viên vùng đất đang tranh chấp chủ quyền, nói là để xây dựng một “công viên xanh” nhằm phục vụ nhu cầu của đại chúng! (3)

Thừa thắng xông lên! Sau khi vội vã biến khuôn viên tòa Khâm sứ thành công viên với cây cối, hoa cỏ được trồng cho có, bạo quyền Hà Nội với sức mạnh sắt thép trong tay tiến thêm một bước: cô lập linh đài Đức Mẹ trong khu vực còn tranh chấp chủ quyền của giáo xứ Thái Hà, và chỉ trong thời gian rất ngắn, đếm trên số giờ, dựng lên một thứ gọi là… công viên thứ hai!

Trước, sau và trong thời gian ngắn ngủi ấy, biết bao sự kiện khó coi đã liên tiếp diễn ra: bọn “đầu gấu” và những phần tử du đãng nghiện ngập ngụy trang lực lượng thanh niên đã xuất hiện ngay trong các thánh lễ, các cuộc tập hợp cầu nguyện của giáo dân để phá phách: chửi thề, nhổ nước miếng, lăng nhục giáo dân, giáo sĩ. Có lúc còn hô khẩu hiệu đòi “giết” linh mục bề trên DCCT Vũ Khởi Phụng, thậm chí cả đức TGM Ngô Quang Kiệt.

Trong cuộc đối thoại với UBND thành phố, vị lãnh đạo tinh thần tối cao của tổng giáo phận Hà Nội đã công khai nói lên cảm giác tủi nhục của ngài mỗi khi xuất ngoại phải chứng kiến cặp mắt khinh khi của người ngoại quốc khi nhìn tấm hộ chiếu Việt Nam, điều không hề xảy ra với những công dân Đại Hàn hay Nhật Bản. Tại sao có hiện tượng đau xót này, suy ra ai cũng đã rõ. Ngay sau đó, vận dụng tối đa các phương tiện truyền thông độc quyền trong tay như báo chí, truyền thanh, truyền hình, nhà nước đã ra lệnh cho đám bồi bút cắt xén lời tuyên bố của đức TGM Hà Nội để xuyên tạc, tạo dư luận chống lại ngài.

Cùng một lúc, nhà cầm quyền địa phương đã đưa ra những biện pháp gọi là trừng phạt tòa TGM Hà Nội với những tội danh được quy định bằng luật rừng. Chưa hết, ngày 23-9-2008, Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội còn gửi văn thư tới HĐGMVN yêu cầu các đức cha “xử lý nghiệm minh theo quy định của Giáo hội đối với TGM Ngô Quang Kiệt, linh mục Vũ Khởi Phụng, các giáo sĩ Nguyễn Văn Thật, Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Ngọc Nam Phong”.


II. Khi HĐGMVN lên tiếng

GM Nguyễn văn Nhơn
Nguồn: vuthanhan.com
Trong văn thư trả lời Nguyễn Thế Thảo hai ngày sau đó, thay mặt HĐGMVN, GM chủ tịch Nguyễn Văn Nhơn viết: “Sau khi xem xét, chúng tôi thấy các vị này không làm bất cứ điều gì ngược lại giáo luật hiện hành của Giáo hội Công giáo”

Kèm theo thư hồi âm vừa kề, GM Nhơn còn gửi tới nhà cầm quyền cộng sản một văn kiện trình bày “quan điểm của HĐGMVN về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay”. Văn kiện gồm 6 điểm, chia làm hai phần. Trong phần 1, các đức cha nêu ra những bất cập trong việc giải quyết tình trạng đất đai của nhân dân và các tôn giáo, cách riêng của Giáo hội Công giáo. Theo quan điểm của các ngài thì sẽ không thể giải quyết tận gốc vấn đề nếu nhà cầm quyền không quan tâm tới quyền tư hữu chính đáng của người dân. Thứ đến, các đức cha nhận định về vai trò quan trọng của truyền thông, theo đó, “truyền thông chỉ thực sự mang lại lợi ích cho con người và cộng đồng xã hội khi phục vụ sự thật và phản ánh thực tại cách trung thực”. Tiếp đến, văn kiện nêu lên những tác hại của khuynh hướng dùng bạo lực để giải quyết những vấn đề xã hội.

Sang phần 2, HĐGMVN nêu lên 3 đề nghị cụ thể: trước hết, cần hoàn chỉnh những luật lệ về đất đai, dựa trên khẳng định của Tuyên ngôn quốc tế của LHQ về nhân quyền là “Mọi người đều có quyền tư hữu cho riêng mình hay chung với người khác… và không ai có thể bị tước đoạt tài sản cách độc đoán”. Thứ hai, đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi những người làm công tác truyền thông đại chúng phải tôn trọng sự thật vì chỉ như vậy truyền thông mới có thể hoàn thành chức năng của mình trong việc thông tin, giáo dục nhằm xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Sau hết, HĐGMVN thiết tha mong ước mọi người chấm dứt tất cả những hình thức bạo lực, trong ngôn từ cũng như hành động. Các đức cha quan niệm: mọi giải pháp thỏa đáng chỉ có thể thực hiện cách tốt đẹp nhờ các phía liên hệ biết đối thoại thẳng thắn, cởi mở, chân thành trong hòa bình và tôn trọng lẫn nhau.

Sau cuộc gặp gở thủ tướng CHXHCNVN Nguyễn Tấn Dũng của phái đoàn đại diện HĐGMVN, ngày 08-10, đức cha chủ tịch Nguyễn Văn Nhơn đã gửi một lá thư tới toàn thể giáo dân và giáo sĩ. Nếu trong thư ngày 25-9, các đức cha đã thẳng thắn bày tỏ cho nhà cầm quyền thấy rõ thái độ đoàn kết, nhất trí đối với những động thái của đức TGM Hà Nội và các linh mục DCCT trong vụ tòa Khâm sứ và giáo xứ Thái Hà đồng thời minh định quan điểm của Giáo hội Công giáo về những khía cạnh bất cập trong việc giải quyết vấn đề đất đai, vấn đề lạm dụng truyền thông và hành vi bạo lực của công an cảnh sát…, thì trong thư ngày 08-10, các ngài không quên nhắc nhở tín hữu tại các giáo xứ kiên tâm cầu nguyện (trong chốn riêng tư cũng như ở nơi công cộng) cho những ý chỉ trong cuộc vận động đòi lại tài sản, đất đại và phục hồi công lý, nhân quyền, nhân phảm cho người dân hiện nay (4).


III. Tầm quan trọng của biến cố

Nhìn lại quá trình cuộc đấu tranh chống lại chế độ độc tài cộng sản trong mấy chục năm qua rồi đối chiếu với những gì đã và đang diễn ra tại tòa Khâm sứ Hà Nội và giáo xứ Thái Hà hiện nay, ai cũng nhận ra tầm quan trọng và tính cách mới mẻ của nó. Cho đến cuối thế kỷ trước, cho dù những tiếng nói đối kháng nhiều khi tỏ ra hết sức quyết liệt, nhưng nó vẫn chỉ mang tính cá nhân riêng lẻ. Đến đầu thiên niên thứ ba, khi tái phát động cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo, linh mục Nguyễn Văn Lý và các nhà dân chủ đã có công trong việc nối kết được những tiếng nói của các cá nhân riêng lẻ thành những tiếng nói chung có hệ thống, có tổ chức mà sự ra đời của các đảng Thăng Tiến, Vì Dân, khối 8406 là bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên, phải chờ tới khi nổ ra biến cố tòa Khâm sứ trong dịp Giáng sinh 2007 và tiếp đó là những đợt cầu nguyện ở giáo xứ Thái Hà hiện nay, cao trào đấu tranh mới thật sự mang tính quần chúng.

Có thể nói rằng biến cố tòa Khâm sứ và Thái Hà đã góp phần nâng cấp và đẩy cuộc đấu tranh triệt hạ chế độ cộng sản vào một khúc ngoặt quan trọng. Và như thế, cùng với tiếng nói dứt khoát của HĐGM, nó cũng khẳng định vị thế, thái độ và lập trường của tập thể Công giáo dân Việt Nam đối với những vấn đề của đất nước hôm nay.

Rồi đây, nếu đảng và nhà nước cộng sản tiếp tục ngoan cố, không dám vượt khỏi thói “kiêu ngạo cộng sản” cố hữu để dám chấp nhận những bước đột phá, sáng tạo và mới mẻ trong khi đối thoại, tiếp tục dở thói lọc lừa, lấy bạo lực để trấn áp nhân tâm, lấy truyền thông một chiều, bóp méo sự thật để huyễn hoặc công luận, thì khi ấy làn sóng cầu nguyện ôn hòa, bất bạo động không còn chỉ giới hạn trong các khuôn viên nhà thờ Công giáo mà sẽ lan rộng tới các hội đường Tin lành, các thánh thất Cao đài, Hòa hảo và chốn thiền môn Phật giáo. Trong viễn cảnh lạc quan ấy, chuyện gì sẽ xảy ra, không cần phải có tài cao đoán ai cũng có thể thấy trước.


IV. Nhà nước & ván bài “tháu cáy”

Bài viết lẽ ra kết thúc ở đây. Những khi nhìn vào căn nhà rệu rã của đảng và nhà nước CSVN trước sức mạnh cuồng nộ của lòng dân, người viết những giòng này không khỏi liên tưởng tới ván bài “tháu cáy” mà những tay cầm đầu Bắc Bộ Phủ đang chơi.

Ừ, ngon thì bắn đi!
Nguồn: cartoonstock.com
Những ai biết qua về bài xì-phé hẳn không lạ gì từ ngữ “tháu cáy” để chỉ những con bạc găp ván bài nhìn thấy thua đối phương 100% nhưng nhờ vào mặt “suốt” hoặc “đồng hoa” nên dùng tiền để hù dọa bằng cách lùa tất cả số tiền “láng” còn lại vào canh bài để thách thức đối phương (dĩ nhiên số tiền “láng” càng nhiều càng tốt cho mưu toan “tháu cáy”). Chuyện “tháu cáy” càng thuận lợi cho đương sự hơn khi cây bài tẩy ráp vào với mặt “suốt” hoặc “đồng hoa” còn “sáng”, nghĩa là vắng bóng trong số những con bài ngửa của các khách chơi.

Đây là một đòn cân não từng lảm nhức đầu nhiều tay chơi loại bài bạc này.

Nhìn vào những gì nhà cầm quyền cộng sản làm qua những đòn phép mà họ đang áp dụng để đối phó với cuộc vận động đòi đất, đòi công lý của giáo dân Thái Hà và tòa tổng giám mục Hà Nội rồi duyệt lại hoàn cảnh bế tắc hiện nay của họ, nếu đem so sánh với ván bài đã “bể” của một trong hai tay chơi còn lại trong một canh bạc xì phé, chúng ta có thể nói nó mang một dạng thái khá giống nhau: đó là nhà nước đang chơi ván bài “tháu cáy”.

Trong mấy chục năm thống trị đất nước, chưa bao giờ cộng sản Hà Nội ở vào thế hạ phong như hiện nay. Có thể nói, họ đang bị đặt vào hoàn cảnh tứ bề thọ địch.

Đối nội - Trước hết là tình trạng “xuất huyết” càng ngày càng trầm trọng trong đảng. Rất nhiều đảng viên gạo cội, với nhiều chục năm tuổi đảng (như cựu tướng quá cố Trần Độ, các ông Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Trần Khuê, cựu đại tá Phạm Quê Dương, ông Hà Sĩ Phu Nguyễn Xuân Tụ, cựu chiến binh Vũ Cao Quận v.v… Chưa kể tới những khuôn mặt đã thoát khỏi mọi thằng thúc của chế độ ra hải ngoại như các ông Bùi Tín, Nguyễn Minh Cần, Vũ Thư Hiên…) đã công khai lên tiếng chống đảng cách này hay cách khác. Nhiều công thần từng sống chết với đảng, cúc cung tận tụy với đảng, trước khi chết đã để lại những chứng từ bày tỏ tâm tình thống hối, thiết tha xưng thú sự sai lầm của mình và mạnh dạn vạch trần chủ trương phản bội quốc gia, dân tộc cùng những hành vi gian dối, độc ác, lọc lừa của những thành phần đầu não trong đảng và nhà nước. (Điển hình như nhà thơ Chế Lan Viên, nhà văn, nhà báo Nguyễn Khải). Gần đây báo chí trong nước còn đưa tin nhiều ngàn cán bộ, công chức, phần đông thuộc thành phần chỉ huy các cấp bộ, đã từ bỏ nhiệm sở để ra sinh hoạt trong lãnh vực tư. Đấy là chưa kể tới nhiều ngàn nhân viên an ninh ở thôn quê cũng đã xin “phục viên” sớm để về với ruộng vườn. Lý do vì họ không muốn là những kẻ săn đuổi đám đông bà con lối xóm, trong đó có cả những thân nhân, bạn bè của họ (những nạn nhân được gọi là Dân Oan ngày nay mà một thời từng là ân nhân của bộ đội, du kích nhưng ngày nay đã trở thành kẻ thù của chế độ). Đấy là chưa nói tới tình trạng chia rẽ vô phương cứu vãn giữa phe thân Trung cộng và phe thân Mỹ đang nắm những vai trò quan trọng ở trung ương lâu nay.

Thứ đến là nạn lạm phát lên tới con số 30% cùng với tình trạng vật giá leo thang theo tốc độ phi mã đang đẩy tuyệt đại đa số nông dân thợ thuyền vào cảnh đói khổ tột cùng. Đến nỗi giới lao động từng được coi là thành trì bảo vệ chế độ đã bắt đầu đứng lên đòi quyền sống, bất chấp những biện pháp kỷ luật của nhà cầm quyền. Những cuộc đình công triền miên với con số công nhân có lúc lên tới nhiều chục ngàn trong các xí nghiệp lớn ở Sàigòn, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ gần đây là một bằng chứng cụ thể. Đấy là phản ứng tự nhiên của con người khi đồng lương chết đói không đủ trang trải cho những nhu yếu phẩm hàng ngày, nói chi đến biết bao khoản chi tiêu khác như chuyện học hành của con em chẳng hạn.

Trong khi ấy những hiện tượng tiêu cực càng ngày càng phát sinh đến mức báo động trong hầu hết các lãnh vực văn hóa, giáo dục, xã hội, y tế. Trong bài tham luận đọc trước hội nghị bàn về vấn đề “Xã hội hóa văn hóa, giáo dục, y tế, từ thiện” do Ban Tôn Giáo thuộc Mặt Trận Tổ Quốc, một bộ phận của đảng CSVN tổ chức mới đây, cha Phạm Trung Thành, Giám tỉnh DCCT Việt nam đã công khai chống lại biện pháp gọi là “cổ phần hóa” trường công và bệnh viện công, vì theo cha, nó tước đoạt một cách trắng trợn quyền lợi thiết thân của đồng bào nghẻo mà dù sống dưới bất cứ chế độ nào họ cũng có quyền được hưởng: con em được đi học miễn phí, những người già yếu, bệnh tật được cấp thuốc men và chăm sóc sức khoẻ không tốn tiền. Tình trang xuất cảng lao động dẫn tới thảm trạng hàng ngàn thiếu nữ Việt Nam, trong số có cả những em nhỏ vị thành niên phải bán thân, làm nô lệ tình dục cho ngoại nhân đang là một trong những điều gây nên những mối bất bình nghiêm trọng trong quảng đại quân chúng ở trong nước hiện nay.
Tệ nạn tham nhũng, bất công, cửa quyền cũng đã và đang xô đẩy đất nước vào tình trạng kiệt quệ vô phương cứu chữa mà những gì xảy ra chung quanh vụ PMU 18 là một minh họa.

Đối ngoại - Thái độ trịch thượng của Bắc Kinh qua hành vi vẽ lại biên giới nhất là vụ công khai sáp nhập hai hải đảo Trường Sa và Hoàng Sa vốn của tiền nhân ta vào bản đồ lãnh hải Trung quốc đang là một thách đố lớn đối với sự tồn vong của chế độ Hà Nội. Những cuộc biểu tình cùa giới trẻ liên quan tới hai hòn đảo này là một thực chứng. Trong một bài viết nhan đề “Từ Sàigòn nhìn ra điểm nóng Hà Nội” do tác giả Nguyễn Viện gửi cho đài BBC hôm 27/09 vừa qua, dưới tiểu đề mục Đánh Tráo Dư Luận, ông cho rằng nhà nước có dụng ý làm lớn chuyện Thái Hà và tòa Khâm sứ để kéo sự quan tâm của mọi người khỏi một vấn đề lớn hơn, đó là chuyện Hoàng Sa, Trường Sa. Từ đấy ông đặt câu hỏi: phải chăng những người cầm đầu Bắc Bộ Phủ cam tâm chấp nhận thà mất nước còn hơn mất quyền!

Phong trào đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền, nhân phẩm bộc phát trong quần chúng vài năm gần đây với sự hỗ trợ của đồng bào hải ngoại qua phương tiện truyền thông trên NET cũng là mối lo tâm phúc của bạo quyền (sự ra đời của tổ chức 8406, các đảng Thăng Tiến, Vì Dân, Dân Chủ và sự xuất hiện của những tờ báo viết như Tự Do Ngôn Luận, Tổ Quốc đang là những thách đố không nhỏ đốI vớI nhà cầm quyền).

Đặt đảng và nhà nước CSVN vào vị thế một con bạc trong canh bài xì-phé, người ta thấy rõ họ đang ở thế hạ phong về mọi mặt. Bài mặt suốt hoặc đồng hoa nhưng đã bị bể vì con bài “tẩy” không chiều người! Không đánh thì cầm chắc thua 100%. Vì thế chỉ còn có một nước duy nhất là “tháu cáy”, dùng biện pháp hù đọa để may ra đối phương bỏ cuộc.


V. Chuyện gì sẽ xảy ra?

Trong một bài trước chúng tôi đã nói tới khả năng một thứ Thiên An Môn sẽ tái diễn ở tổng giáo phận Hà Nội, điển hình là giáo xứ Thái Hà. Đối chiếu hai hoàn cảnh (Trung quốc-Việt Nam), hai thời điểm (năm 1989-2008) và tương quan lực lượng, người viết không tin là nó có thể xảy ra.

Không thể xảy ra không chỉ vì đảng và nhà nước CSVN đang ở thế hạ phong về cả hai phương diện chủ quan cũng như khách quan (đối nội cũng như đối ngoại), mà cốt yếu còn vì một nhóm lãnh đạo ăn trên ngồi trước, nắm trọn quyền hành trong tay không còn là những kẻ vô sản như xưa để có thể “thí mạng cùi” bảo vệ chủ nghĩa nữa. Trái lạị, ngày nay họ đã trở thành những nhà tư bản đỏ trong tay có hàng trăm triệu dollars, với những bất động sản do bà con đứng tên thay ở Mỹ, với những ngân khoản kếch sù ký thác trong các ngân hàng ở Thụy sĩ… thì còn khuya mới khiến họ dám liều lĩnh nhúng tay vào máu dân lành.

Cho nên, những gì chế độ Hà Nội đang diệu võ dương uy hiện nay chỉ là một thừ đòn giả, một thứ đòn “tháu cáy” của những tay chơi bị dồn vào thế tuyệt vọng trong một canh bạc xí phé.

Nếu giáo dân tổng giáo phận Hà Nội và giáo dân Thái Hà tiếp tục trụ vững trong những buổi cầu nguyện tuyệt đối ôn hòa, bất bạo động như lời kêu gọi của đức TGM Ngô Quang Kiệt, và gần đây, của HĐGMVN, và nếu những buổi cầu nguyện ơn hòa như thế vượt khỏi phạm vi Thái Hà, Hà Nội để tỏa lan qua các đơn vị hàng ngàn giáo xứ Công giáo trên khắp ba miền đất nước, nhất là lại được sự hưởng cứng đồng loạt của tín đồ các tôn giáo bạn thì chắc chắn khát vọng đòi lại đất đai, công lý và tự do không chỉ còn là một ước mơ.

Trong điều kiện như thế, viễn cảnh về một cuộc cách mạng nhung, cách mạng màu cam từng xảy ra ở Đông Âu trước đây hẳn sẽ lập lại trên đất nước chúng ta hôm nay.

15/10/2008


© DCVOnline
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 929 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 16
Khách: 16
Thành Viên: 0