Joseph Goebbels, Bộ trưởng Tuyên truyền của Đức Quốc xã, được
xem như là một trong những người áp dụng thành công nhất kỹ thuật vận
động quần chúng, có lần đã chỉ thị cho các cán bộ tuyên truyền của Đảng
Quốc xã Đức không nên tổ chức các phiên họp quần chúng vào buổi sáng
sớm.
Theo Goebbels, vào buổi sáng đầu óc con người sáng sủa, sinh lực được
hồi phục sau một giấc ngủ ngon, nhờ đó mà ý thức phản kháng của họ rất
mạnh. Họp hành vào ban đêm sẽ đem lại nhiều hiệu quả hơn vì con người
mệt mỏi, sinh lực cạn dần sau ngày dài làm việc và do đó khả năng phân
biệt giữa đúng và sai, giữa thành thật và dối trá cũng yếu theo. Bộ
trưởng Tuyên truyền của Đức Quốc xã còn nhấn mạnh: “Nếu nói dối đủ to
và cứ tiếp tục lặp đi lặp lại lời dối trá của mình, quần chúng rồi sẽ
tin vào lời dối đó”. Kỹ thuật tuyên truyền như Joseph Goebbels giải
thích, tóm lại, là nói dối đúng lúc và nói dối nhiều lần.
Một trong những ví dụ nổi tiếng của nói dối đúng lúc là bản tin về
người hành tinh khác đổ bộ vào nước Mỹ của Orson Welles, đạo diễn của
đoàn kịch Mercury Theatre on the Air, được phát vào ngày 30 tháng 10
năm 1938. Trong lúc đang lôi cuốn người nghe trên đài phát thanh với vở
kịch Chiến tranh giữa các thế giới (The War of the Worlds) phỏng theo
tác phẩm cùng tên của Herbert George Wells, Orson Welles đã ngưng lại
để công bố một bản tin sốt dẻo. Nội dung của bản tin cho biết người
hành tinh khác đang xâm lăng trái đất tại một địa điểm gọi là Grover's
Mill thuộc tiểu bang New Jersey. Trong số gần 12 triệu người nghe bản
tin của Orson Welles, đã có khoảng 1 triệu người tin rằng người hành
tinh khác thật sự đang đổ bộ tại New Jersey. Thế là, thành phố bị ngưng
trệ, xa lộ kẹt xe vì hàng ngàn người bỏ thành phố để chạy về các khu
vực nông thôn, nhà thờ ngưng thánh lễ, công sở đóng cửa, siêu thị tràn
ngập người mua thức ăn để dự trữ cho cuộc chiến tranh hành tinh khủng
khiếp sắp diễn ra. Hẳn nhiên, đó là tin thất thiệt, thế nhưng vẫn có
hàng triệu người tin bởi vì được phát ra đúng thời điểm người nghe đang
bị thu hút vào vở kịch Chiến tranh giữa các thế giới. Việc áp dụng cách
nói dối như vậy được các nhà nghiên cứu về lý thuyết tuyên tuyền gọi là
những viên đạn thần thông (magic bullets) của kỹ thuật tuyên truyền.
Ngoài ra, một kỹ thuật khác được gọi là big lie, tạm dịch là “láo to”
mà tôi đã trích trong bài trước. Kỹ thuật láo to rất xưa nhưng rất hữu
hiệu. Một lời nói dối tày trời nếu được lặp đi lặp lại mãi rồi cũng sẽ
có người tin. Một ví dụ quen thuộc với người Việt về phương pháp láo to
này là chuyện Tăng Sâm giết người thời Xuân Thu. Chính mẹ Tăng Sâm còn
tin là con mình giết người đừng nói chi ai khác. Hitler phân tích kỹ
thuật này trong hồi ký Đời tranh đấu của tôi (Mein Kamf): “Láo to luôn
có một mức độ đáng tin cậy nhất định, bởi vì quảng đại quần chúng trong
một nước bị sa một cách dễ dàng vào tầng sâu của bản chất xúc động hơn
là một cách ý thức hay tự nguyện; và do đó, nhận thức sớm nhất của họ
đã trở thành nạn nhân của láo to hơn là láo nhỏ, vì chính họ cũng
thường hay nói dối những chuyện lặt vặt nhưng cảm thấy thật xấu hổ khi
phải nói những chuyện láo tày trời. Việc bịa ra những chuyện láo to
chưa bao giờ xuất hiện trong đầu óc họ và vì thế họ cũng không tin là
những người khác lại có thể vô liêm sỉ đến mức có thể bóp méo sự thật
một cách xấu xa như thế” . Mặc dù Hitler phân tích để phê bình người Do
Thái đã “láo to” khi đổ lỗi sự thất bại của Đức trong Thế chiến Thứ
nhất cho Ludendorff nhưng chính Đảng Quốc Xã đã tận dụng kỹ thuật này
để tiêu diệt dân Do Thái.
Trong thế giới cộng sản, từ Lenin, Stalin và hầu hết lãnh đạo các nước
cộng sản đã áp dụng một cách triệt để phương pháp láo to như một loại
vũ khí nhằm triệt hạ uy tín đối thủ và tiêu diệt các thành phần đối
kháng, các mầm mống chống đảng trong mọi lãnh vực. Tuyên truyền là vũ
khí quyết định và cũng là phương tiện sống còn của Đảng. Và Việt Nam
cũng không ra ngoài khuôn khổ. Hai kỹ thuật nói dối đúng lúc và nói dối
lặp lại thịnh hành tại Việt Nam từ 1954 tại miền Bắc và từ 1975 trên
phạm vi cả nước. Đọc các tài liệu về Cải cách Ruộng đất, Nhân văn -
Giai phẩm, các vụ án chống xét lại… để thấy rằng, trong hơn nữa thế kỷ
qua, những viên đạn tuyên truyền độc ác đã sát hại không biết bao nhiêu
người dân vô tội, trong số đó rất nhiều người yêu dân tộc, yêu hòa bình
và tự do dân chủ.
Và mới đây, những viên đạn tuyên truyền lại nhắm vào đức Tổng Giám mục
Hà Nội Ngô Quang Kiệt sau bài phát biểu của ngài tại Ủy ban Nhân dân
Thành phố Hà Nội hôm 20 tháng 9 năm 2008.
Các cơ quan truyền thông, từ các báo phát hành với số lượng lớn như Lao
Động, Thanh Niên, các đài phát thanh, truyền hình, cho đến trang web
của các bộ, các ban ngành nhà nước, theo chỉ thị của Đảng, đồng loạt tố
cáo đức Tổng Giám mục đã “phỉ báng dân tộc” vì ngài “cảm thấy nhục nhã
khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam”. Đảng đã dịch chữ “hộ chiếu” thành “dân
tộc”. Và một lần nữa chiêu bài “bảo vệ dân tộc” lại được treo lên,
những tiếng kèn thúc quân quen thuộc một thời đã đẩy hàng triệu thanh
niên miền Bắc vào cuộc chiến tranh chém giết biết bao người miền Nam vô
tội lại được thổi to lên và những khẩu hiệu đã từng dẫn đường cho bao
nhiêu thế hệ Việt Nam như những con thiêu thân lao vào lò lửa tham vọng
bá quyền của Trung Quốc và Liên Xô được giương cao trên đường phố.
Báo Công An Đà Nẵng chạy một tít dài: “Tổng Giám
mục Ngô Quang Kiệt là người nước nào vậy? ”. Tờ Việt Báo bình luận:
“Ông Ngô Quang Kiệt nên xấu hổ với giáo dân! ” Báo Công An Nhân Dân tố
cáo: “Lộ rõ ý đồ xấu của ông Ngô Quang Kiệt”. Báo Hà Nội Mới nhận xét:
“Ông Ngô Quang Kiệt đi ngược lại lợi ích của dân tộc”. Trên trang web
chính thức của chính phủ: “Lộ rõ bản chất xấu xa và tâm địa đen tối” và
các báo khác đã liên tục viết những bài xã luận lên án nặng nề tương
tự.
Tôi không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo và cũng không theo dõi một
cách chi tiết từ đầu cuộc tranh chấp Thái Hà nhưng sau khi đọc các bài
viết trên báo chí và những ý kiến mang nặng đầu óc Vệ binh Đỏ trên các
trang web trong nước so với toàn văn bài phát biểu của đức cha Ngô
Quang Kiệt, tôi cảm thấy vô cùng bất nhẫn. Nguyên văn câu nói của đức
Tổng Giám mục Hà Nội như thế này: “Do đó, chúng tôi xin nhắc lại, chúng
tôi rất mong muốn xây dựng một khối đại đoàn kết dân tộc. Chúng tôi đi
nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu
Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi
mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái
hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc
bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất
nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho
đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng. ”
Nếu tất cả những người biết đọc biết viết có cơ hội đọc nguyên văn bài
phát biểu của đức cha Ngô Quang Kiệt và ngồi xuống lắng lòng suy nghĩ
về những lời nói tự nhiên và chân thành của ngài mà tôi vừa trích dẫn,
họ sẽ hiểu ra rằng chẳng những đức Tổng Giám mục không nhục mạ dân tộc
mà còn là người có lòng yêu nước sâu đậm. Câu nói của đức cha Ngô Quang
Kiệt không có một chữ nào dù trực tiếp hay gián tiếp, dù nghĩa đen hay
nghĩa bóng gọi là phỉ báng dân tộc; ngài chỉ nói lên sự quan tâm, bức
xúc của mình trước một Việt Nam yếu kém, thua sút đối với các quốc gia
trong cùng một châu Á như Nhật Bản, Nam Hàn. Mặc cảm làm người dân của
một đất nước bị phân hóa, hoài nghi, chia rẽ, nghèo nàn, tham nhũng,
không được kính trọng mà đức cha cảm nhận trong những chuyến đi xa vẫn
ngày đêm ám ảnh trong ý thức của ngài. Và đức cha hẳn đã nhiều lần tự
hỏi làm sao dân tộc Việt Nam có thể vượt qua được cái bất hạnh của
chính mình để đi đứng ngang hàng với các quốc gia khác. Nếu không phải
là người yêu nước và biết tủi thẹn với những hy sinh xương máu của tổ
tiên, nếu không mang trong lòng những thao thức về đất nước, đức cha đã
không buông ra những câu nói đó. Càng yêu nước càng thấy đau cho đất
nước, càng yêu lịch sử hào hùng của tổ tiên càng cảm thấy nhục nhã phải
làm người Việt Nam trong thời đại hôm nay. Và hai điều kiện để có thể
vượt qua cái nghèo nàn, yếu kém không gì khác hơn là “đoàn kết dân tộc”
và đưa “đất nước lớn mạnh” như đức Tổng Giám mục đã phát biểu hôm 20
tháng 9. Những ai đang trăn trở về đất nước đều ý thức rằng không có
đoàn kết đất nước sẽ không thể nào lớn mạnh và một đất nước không lớn
mạnh sẽ không được thế giới kính trọng.
Nếu không đúng như thế, hãy chỉ cho tôi một niềm tự hào dân tộc.
Tự hào đã đánh thắng đế quốc Mỹ ư?
Có lẽ đó là chuyện mà những người có ý thức không ai còn muốn nhắc hay
đem ra tranh cãi. Không phải vì thời gian đã trôi qua hay muốn quên đi
quá khứ mà vì ngày nay sách vở viết về mưu đồ của Trung Quốc và Liên Xô
trong cuộc chiến Việt Nam không còn hiếm hoi như trước. Sự thật về cuộc
chiến đã phơi bày một cách chi tiết về con số bao nhiêu ngàn quân Trung
Quốc đã tham chiến tại Việt Nam cũng như bao nhiêu vũ khí mà các đế
quốc cộng sản đã đổ xuống Việt Nam. Nếu có một thống kê chính xác, tôi
tin số người dân Việt Nam vô tội bị giết bằng súng đạn của Liên Xô và
Trung Quốc còn vượt xa số người chết do bom đạn Mỹ gây ra, bởi vì chiến
trường diễn ra ở miền Nam chứ không phải miền Bắc. Thế thì ai mới đáng
gọi là quân xâm lược đây? Nói như thế để so sánh chứ không có nghĩa là
binh vực Mỹ. Đế quốc nào cũng là đế quốc và trò chơi của họ được tính
bằng xương máu của các dân tộc nhược tiểu, trong đó có Việt Nam. Khi
gài Liên Xô vào chiếc bẫy Afghanistan để trả thù cho thất bại của Mỹ
tại Việt Nam, Zbigniew Brzezinski, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng
thống Jimmy Carter, chắc chắn đã không quan tâm đến số phận của hàng
triệu dân Afghanistan sắp sửa chết dưới bàn tay của Liên Xô xâm lược.
Và hôm nay, hai mươi năm sau khi quân đội Liên Xô rút đi và cả hệ thống
cuối cùng đã sụp đổ, Afghanistan vẫn còn là một bãi chiến trường. Khi
chiến tranh Việt Nam chấm dứt, kẻ ngậm đắng nuốt cay không phải là Mỹ
mà chính là Trung Quốc khi biết rằng thằng em cộng sản mà họ đã tốn bao
nhiêu công sức nuôi nấng từ lúc khó khăn đã quay lưng phản bội đàn anh.
Cuộc chiến Việt Nam đã mang Trung Quốc và Mỹ lại gần nhau hơn và trong
trận chiến tranh Việt - Trung năm 1979, để lôi kéo Trung Quốc vào phe
chống Liên Xô, các cơ quan tình báo Mỹ đã cung cấp cho Trung Quốc các
tin tức về khả năng quân sự của phía Việt Nam. Mỹ đưa quân sang Việt
Nam ồ ạt từ giữa 1965 chẳng phải vì chính nghĩa quốc gia. Chính nghĩa
quốc gia, lý tưởng tự do dân chủ là của nhân dân miền Nam, những người
đã sống, chiến đấu và chết trong cuộc chiến tự vệ đầy anh dũng từ 1954
đến 1975. Có hay không có người Mỹ, nhân dân miền Nam cũng đứng lên bảo
vệ các giá trị tự do mà họ đã chọn lựa và theo đuổi.
Tự hào về giang sơn gấm vóc ư?
Hãy nhìn ra Biển Đông, hai quần đảo quan trọng về cả quân sự lẫn kinh
tế đang nằm trong vòng kiểm soát của hải quân Trung Quốc. Lịch sử như
đang diễn ra theo một chu kỳ. Sau gần hai thế kỷ ngập chìm trong khói
lửa, tương quan kỹ thuật quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng không
khác gì thời quân đội nhà Nguyễn đánh nhau với liên quân Pháp - Tây Ban
Nha. Cái thuở tầm vông vót nhọn đương đầu với súng thần công và thuyền
buồm ghe gỗ đương đầu với tàu chiến được đóng bằng sét thép lại tái
diễn. Từ xưa đến nay, Trung Quốc luôn chọn chiến tranh thôn tính như là
phương pháp thích hợp nhất để giải quyết mọi cuộc xung đột với các nước
nhỏ láng giềng. Khi dùng những chữ “trừng phạt” hay “dạy Việt Nam một
bài học” theo giọng điệu của vua quan phong kiến thời nhà Tống, nhà
Minh, trong đầu óc của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, Việt Nam vẫn
còn là một trong số chư hầu của họ.
Việt Nam và Trung Quốc có thể vài năm hay vài chục năm nữa rồi sẽ cũng
đánh nhau. Tuy nhiên, nếu chiến tranh nổ ra vào thời điểm này, toàn bộ
khả năng quân sự của Việt Nam có thể bị Trung Quốc vô hiệu hóa trong
vòng vài giờ. Cái may mắn cho Việt Nam là vị trí của Trung Quốc ngày
nay trên chính trường quốc tế không phải là một Trung Quốc mới bắt đầu
chương trình hiện đại hóa vào năm 1979 khi họ xâm lăng Việt Nam. Trung
Quốc ngày nay là một trong những siêu cường quốc hàng đầu thế giới
nhưng đồng thời cũng là một siêu cường quốc dễ vỡ (fragile superpower)
theo giáo sư giáo sư Susan L. Shirk trong tác phẩm nghiên cứu về Trung
Quốc. Trung Quốc đang cần sự ổn định để duy trì mức phát triển và chạy
đua với các cường quốc trong G8. Đối tượng cạnh tranh của Trung Quốc là
Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Ý, Anh, Canada, Nga chứ không phải Việt Nam. Một
cuộc chiến có tác động quốc tế như năm 1979 có thể không diễn ra trong
thời gian trước mắt, nhưng những đụng chạm ở tầm địa phương sẽ xảy ra
liên tục.
Trung Quốc biết rằng trong một cuộc chiến tranh toàn diện với Việt Nam,
dù có thắng về quân sự thì phần bất lợi kinh tế chính trị cũng nghiêng
về phía họ, nhưng đồng thời họ sẽ không bao giờ để yên cho Việt Nam
phát triển. Hải quân Trung Quốc sẽ tiếp tục bắn giết ngư dân Việt Nam
như họ đã làm suốt ba chục năm qua, hạm đội Trung Quốc sẽ tiếp tục đe
dọa hải lưu Việt Nam và chính phủ Trung Quốc sẽ ngăn chặn bất cứ một
quốc gia nào hợp tác với Việt Nam để khai thác nguồn dầu khí quan trọng
trong thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam sẽ làm gì? Đưa cuộc tranh
chấp Hoàng Sa và Trường Sa ra Liên Hiệp Quốc? Liên Hiệp Quốc là ai nếu
không phải là một Trung Quốc có quyền phủ quyết? Cầu viện Mỹ làm trung
gian giải quyết chăng? Đế quốc không có bạn hay thù mà chỉ có quyền
lợi, và với chính sách đối ngoại hàng hai của Việt Nam hiện nay, cái
lợi Mỹ thu về chưa hẳn lớn bằng cái lợi họ có thể bị mất đi.
Tự hào về quá khứ oai hùng của dân tộc ư?
Không một người Việt Nam có ý thức dân tộc nào mà không biết hãnh diện
với lịch sử hào hùng của dân tộc, nhưng đừng quên rằng dân tộc nào cũng
có niềm tự hào riêng của họ. Một nước Bamahas có nền độc lập chỉ mới
được ba mươi lăm năm (1973) nhưng không có nghĩa là người dân Bahamas
ít hãnh diện về đất nước họ bằng một người Việt Nam có hơn bốn ngàn năm
lịch sử. Ngoài ra, một truyền thống nếu không được kế thừa và phát huy
một cách thích nghi với thời đại thì truyền thống đó sẽ sớm trở thành
một thói quen lạc hậu và sẽ chết dần theo thời gian. Biết bao dân tộc
vốn đã có một nền văn minh rực rỡ, có truyền thống tốt đẹp từ mấy nghìn
năm trước nhưng các thệ hệ sau đã không biết giữ gìn và phát huy, cuối
cùng cũng đi vào viện bảo tàng, và nếu còn được nhắc nhở chăng cũng chỉ
trong giáo trình của các khoa văn minh hay nhân chủng học. Tôi chia sẻ
tâm trạng của đức cha Ngô Quang Kiệt. Tôi cũng có dịp đi khá nhiều,
tham dự nhiều hội nghị, làm việc trong một môi trường nơi các đồng
nghiệp đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, nhưng thú thật
tôi chưa bao giờ đem chuyện Việt Nam ra bàn trước với ai và rất khó
chịu mỗi khi nghe ai nhắc đến Việt Nam, đơn giản bởi vì tôi biết sẽ
không có câu bình luận nào tốt đẹp theo sau. Việt Nam cho đến hôm nay
vẫn còn đồng nghĩa với chiến tranh, nghèo đói, độc tài.
Có gì đáng tự hào khi Việt Nam vẫn còn bị xếp vào một trong những nước
tham nhũng trầm trọng trên thế giới. Trong thống kê 2008 vừa được tổ
chức Transparency International công bố, Việt Nam bị xếp vào hàng 121
trong tổng số 180 nước được thăm dò. Phần lớn những nước đứng sau Việt
Nam là các quốc gia Á - Phi nghèo nàn, lạc hậu. Báo chí Việt Nam đồng
loạt đăng tải thống kê như loan báo một tin mừng bởi vì Việt Nam được
tăng hai bậc so với thống kê 2007, mặc dù nước đứng sau Việt Nam không
phải là thứ 122 mà là 126, vì có 5 quốc gia cùng hạng với Việt Nam.
Trong lúc tham nhũng tại nhiều nước trong thế giới phát xuất từ lòng
tham có tính cách cá biệt, tham nhũng tại Việt Nam có tính đảng, từ
trong cơ chế mà ra và sẽ tồn tại cùng với cơ chế. Làm sao xây dựng một
chế độ chính trị trong sạch khi toàn bộ quyền hành nằm trong tay một
thiểu số người nắm quyền sinh sát cả một dân tộc? Mỗi khi có một ý kiến
mới không hợp với chủ trương của Đảng gióng lên là toàn Đảng xúm vào
đánh hội đồng, như vậy thì đất nước làm sao thăng tiến? Một đức Tổng
Giám mục, lãnh đạo tinh thần của nhiều triệu tín đồ và có một vị trí
quốc tế mà còn bị đối xử như vậy thì một người dân thấp cổ bé miệng ở
các thôn làng xa xôi hẻo lánh sẽ bị đối xử ra sao?
Có người còn chiêm bao rằng một ngày nào đó Việt Nam
sẽ trở thành một Singapore và Đảng Cộng sản Việt Nam cũng sẽ hoạt động
giống như Đảng Nhân dân Hành động Singapore (People Action Party, gọi
tắt là PAP) với các nhà lãnh đạo tài ba và liêm khiết. Đó chỉ là một mơ
ước hão huyền. Trứng ngỗng chỉ có thể nở ra ngỗng. Nguồn gốc hình
thành, cơ cấu lãnh đạo và mục tiêu của PAP hoàn toàn khác biệt so với
Đảng Cộng sản Việt Nam. PAP là tập hợp những chuyên gia trí thức
Singapore có tinh thần độc lập dưới sự lãnh đạo của Lý Quang Diệu, một
nhà chính trị có tầm nhìn vượt xa thời đại và đã thắng cử qua một cuộc
bầu cử tự do hợp pháp năm 1959. Các thành phần đối lập tại Singapore
thời đó tuy thất cử nhưng vẫn hoạt động và tiếng nói của họ vẫn có một
ảnh hưởng quan trọng trong đời sống chính trị quốc gia trong giai đoạn
vừa giành được nền độc lập một cách hòa bình từ thực dân Anh. Trong lúc
các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam phải sang chầu Trung Quốc hàng
năm để xin súng đạn, Lý Quang Diệu không thấy cần thiết ngay cả việc
thừa nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là một nước có chủ quyền
toàn vẹn. Những biện pháp cứng rắn của chính phủ Lý Quang Diệu sau khi
Singapore tách khỏi Liên bang Mã Lai vào năm 1965 là nhằm bảo vệ sự tồn
tại mong manh của hòn đảo nhỏ này và ngăn chặn sự xâm nhập của cộng sản
với sự yểm trợ tích cực của Trung Quốc. Mãi đến tháng 10 năm 1990, khi
Singapore đủ mạnh về kinh tế và ổn định về chính trị, Lý Quang Diệu mới
thừa nhận Trung Quốc. Trong thời kỳ mà “Bác đang cùng chúng cháu hành
quân” vào Nam “chống Mỹ cứu nước” thì các nhà lãnh đạo Singapore và
nhiều lãnh đạo sáng suốt ở châu Á đã lợi dụng chính sách chống cộng của
Mỹ ở châu Á để hợp tác và phát triển kinh tế, nhờ đó, không chỉ nền
kinh tế Singapore mà nhiều nước nhỏ khác ở châu Á như Nam Hàn, Đài Loan
cũng đã lần lượt cất cánh và trong một thời gian ngắn được thế giới ca
ngợi như là những con rồng châu Á.
Có gì đáng tự hào khi Việt Nam, một dân tộc có hơn bốn ngàn năm văn
hiến nhưng ngoại trừ một thời gian ngắn ở miền Nam trước 1975, đại đa
số nhân dân chưa bao giờ có một cơ hội để bầu người đại diện cho mình
trong các cơ quan nhà nước. Cuộc chiến tranh lạnh đã chấm dứt. Sự phân
cực thế giới dựa trên ý thức hệ không còn nữa. Lịch sử văn minh nhân
loại được lật sang một chương khác. Hành trình của loài người đang bước
vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên dân chủ và phát triển toàn diện. Các
quốc gia cộng sản trước đây đã bừng tỉnh sau cơn ác mộng dài và đang
hăng say làm lại cuộc đời. Từ một thời được xem là chư hầu của Liên Xô,
các nước Đông Âu đã trở thành những thành viên kinh tế thương mại và cả
chính trị quân sự quan trọng của cộng đồng châu Âu và thế giới. Việt
Nam thì sao? Việt Nam là một trong chỉ 5 nước cộng sản của phong trào
cộng sản thế giới còn sót lại, nơi con người sống trong bất an, nơi tất
cả những quyền căn bản mà phần lớn mà nhân loại thụ hưởng đã không được
tôn trọng. Một trong những chương trình thống kê gây nhiều chú ý nhưng
cũng nhiều tranh cãi là thống kê về “Những quốc gia hạnh phúc nhất trên
thế giới”. Cánh chỉ trích cho rằng hạnh phúc là một trạng thái của ý
thức, không thể đem ra cân, đo, đếm và xếp hạng như các đơn vị vật lý.
Cánh ủng hộ cho rằng mục đích thực sự của thống kê không phải để so
sánh giữa một người Đan Mạch và một người Zimbabwe ai hạnh phúc hơn ai,
mà để đánh giá xu hướng ý thức của con người về hạnh phúc chuyển đổi
theo thời gian. Xem xét kết quả 2008 không có ý nghĩa gì nếu không so
sánh với kết quả 2007, 2006 cũng như với suốt 25 năm trước đó. Và theo
giáo sư Ronald Inglehart, người điều hành thống kê World Values Survey
trong 20 năm qua, kết luận sau buổi công bố kết quả thống kê năm 2008:
“Nói chung, ý thức toàn cầu đang gia tăng về tự do trong phần tư thế kỷ
qua đã che khuất các lý do thuần túy kinh tế về hạnh phúc”, và ông cũng
tìm thấy quan hệ hỗ tương giữa hạnh phúc và dân chủ. Giải thích của
giáo sư Ronald Inglehart cho thấy hạnh phúc gắn liền với tự do dân chủ
và đó cũng là xu hướng của thời đại. Việt Nam được xếp hàng thứ 36
trong bảng thống kê. Lẽ ra phải cao hơn. Rất tiếc Bắc Hàn không nằm
trong danh sách các nước được thăm dò, nếu có, họ đã được xếp vào hàng
thứ nhất.
Giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam có tật giật
mình nên hiểu chữ “nhục” theo nghĩa tiêu cực như một hình thức cúi đầu,
chịu làm tay sai cho ngoại bang. Đúng ra, cảm thấy nhục nhã không phải
là thái độ phản quốc; trái lại trong hoàn cảnh đất nước hôm nay, biết
nhục càng nhiều càng tốt. Ngoại trừ những kẻ ngày đêm sống trong bóng
tối mới không thấy được cái yếu kém của đất nước. Muốn vượt qua cái
nhục, cái yếu hèn, không nên trốn tránh mà phải đối diện với chúng. Nỗi
nhục chính là phân bón cho cây xanh hy vọng của tương lai dân tộc được
vươn lên tươi tốt. Trong suốt dòng lịch sử, dân tộc Việt Nam đã hơn một
lần chịu nhục. Lời trách mắng của Hưng Đạo Đại Vương hơn bảy trăm năm
trước như còn văng vẳng đâu đây: “Ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo;
Thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn”. Vâng, cũng từ cái đau xót, cái
nhục nhã, cái nhược tiểu của dân tộc Việt Nam mà thời đó tổ tiên chúng
ta đã đứng lên đánh bại cả một đạo quân Nguyên hùng mạnh mà vó ngựa đã
giẫm nát cả một phần lớn châu Âu và châu Á.
Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn nhưng không phải là không có
một phương pháp giải quyết. Như đức cha Ngô Quang Kiệt đã nhấn mạnh
trong buổi gặp gỡ Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội hôm 20 tháng 9,
phương pháp đó là: “Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất
nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho
đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng”. Đảng đã
xé ra thì Đảng phải rào lại. Đoàn kết dân tộc là trách nhiệm của Đảng,
nhưng đoàn kết không bao hàm nghĩa đầu hàng mà phải dựa trên sự bình
đẳng, tương kính giữa các thành phần dân tộc và tôn trọng nhân phẩm con
người với tất cả quyền tự do bẩm sinh của họ. Và nếu không làm được
điều đó thì chính các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam chứ không ai khác
là những người phỉ báng dân tộc Việt Nam.
Trần Trung Đạo
|