Những
ngày qua, dư luận như lên cơn sốt khi hàng loạt vụ việc doanh nghiệp
hủy hoại môi trường được phơi bày. Có người nói thật may vì cơ quan
chức năng sớm phát hiện và ngăn chặn. Nhưng cũng có người nói sự kiện
vừa qua cũng có mặt rủi. Rủi vì thêm một lần nữa, người dân thất vọng
vì nhận ra sự yếu kém và vô trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong
quản lý và bảo vệ môi trường.
|
Một mương nước xả chẳng hề "tinh vi" của công ty Vedan. Ảnh: VNN | Cú đánh bồi
Giữa tháng 9, vụ việc công ty Vedan Việt Nam bí mật tống nước thải độc hại sau sản xuất xuống sông Thị Vải bị phát giác.
Một tuần sau, cảnh sát
môi trường Bình Dương, Bình Phước tích cực ra quân và phát hiện Vedan
Bình Phước cũng xả nước thải xuống sông Bé.
Ngày 3/10, Nhà máy Miwon Việt Nam bị cảnh sát môi trường Phú Thọ phát hiện xả nước thải chưa đạt tiêu chuẩn xuống sông Hồng.
Ngày 7/10, Phòng Cảnh
sát Môi trường, Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện hộ lý làm việc tại
Khoa sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh chôn lấp
chất thải y tế của Bệnh viện ở gần nhà dân.
Cùng
thời gian đó, đoàn kiểm tra của Cục Cảnh sát môi trường (C36) đã phát
hiện một phân xưởng của công ty giấy Việt Trì (thành phố Việt Trì, Phú
Thọ) không có hệ thống xử lý chất thải. Nước thải từ phân xưởng này đổ
thẳng ra sông Hồng.
Hàng
loạt vụ việc quá nghiêm trọng được phát giác trong thời gian chưa đầy 1
tháng làm choáng váng toàn xã hội. Người dân thất vọng vì cách hành xử
của các doanh nghiệp lớn. Có người nói thật may vì cơ quan chức năng
sớm phát hiện và ngăn chặn. Nhưng cũng có người nói sự kiện vừa qua
cũng có mặt rủi.
Rủi
vì thêm một lần nữa, người dân thất vọng vì nhận ra sự yếu kém và vô
trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong quản lý và bảo vệ môi
trường.
Ứng xử của cơ quan quản lý
Khi
các vụ việc được phơi ra liên tiếp, với hậu quả nghiêm trọng, trên
nhiều địa phương ở cả nước, phản ứng của cơ quan chức năng tựu chung
đều thụ động, bối rối. Lời giải thích mà họ đưa ra không những không
xoa dịu được sự việc mà còn cho thấy rõ thêm sự tắc trách của cơ quan
liên quan.
"Vedan
là doanh nghiệp lớn nên tỉnh không nghĩ họ đánh đổi thương hiệu bằng
hành vi gian dối. Nếu biết Vedan có hệ thống ống thải ngầm dưới lòng
đất 7-8 m chúng tôi đã xử lý trước khi công an vào cuộc” – đó là lời
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Ao Văn Thinh trả lời báo điện tử
VnExpess.net sáng 18/9.
Như vậy, ông Ao Văn Thinh nói riêng và
các cá nhân có liên quan ở UBND tỉnh và Sở tài nguyên môi trường không
làm việc dựa trên số liệu và bằng chứng mà căn cứ vào suy nghĩ, phán
đoán cá nhân. Mà đã là cảm nhận của một cá nhân, sao có thể đảm bảo bốn
chữ “chí công vô tư” như người dân luôn kỳ vọng!
Với cách làm việc đó, chúng ta có một Vedan ngang nhiên xả nước thải bẩn ra môi trường hơn chục năm nay.
Còn
đây là lời giải thích của ông Trần Xuân Hải, Phó giám đốc Sở Tài nguyên
Môi trường Phú Thọ về vụ việc Miwon: "Năm nào Sở cũng kiểm tra, quan
trắc Miwon, tháng 7 vừa rồi cũng đã phạt 200.000 đồng nên đợt này đoàn
không phạt nữa".
Câu
trả lời trên đã bổ sung và giúp công chúng hiểu lý do vì sao cách đây
hai năm, ông Phạm Bá Khiêm, PGĐ Sở VHTT Phú Thọ đề xuất một biện pháp
dĩ hoà vi quý là tận dụng hồ phong thủy làm hồ chứa nước thải cho
Miwon: "Có thể sẽ áp dụng một phương án trung dung là hai bên dĩ hoà
vi quý, tận dụng phần đất phía đường vành đai Việt Trì vừa làm hồ nước
thải của Miwon, vừa làm hồ "phong thủy" của di tích" (Theo Vietnamnet).
Không biết ý nghĩa phong thủy sẽ ra sao khi nước trong hồ toàn là nước thải công nghiệp!
Nhìn
lại một loạt sự cố hủy hoại môi trường của các doanh nghiệp vừa qua,
đều thấy một tình trạng chung: lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Sở tài nguyên
môi trường tỉnh quá thờ ơ trước những hành động của doanh nghiệp. Họ là
đơn vị giám sát và xử lý các doanh nghiệp, nhưng chính bản thân họ thì
không có ai giám sát và xử lý nếu làm việc thiếu hiệu quả. Và kết quả:
môi trường bị hủy hoại từng ngày, từng giờ mà không gặp bất cứ trở ngại
nào!
|
Nguồn nước xả trực tiếp từ công ty Miwon. Ảnh: VNN |
Cơ quản quản lý cần được... quản lý chặt
Có
rất nhiều lý do để các nhà chức trách đưa ra giải thích cho sự cố quản
lý và bảo vệ môi trường của họ. Đó là các doanh nghiệp ngụy trang hành
vi sai trái của mình quá tinh vi. Đó là trên địa bàn tỉnh có biết bao
nhiêu khu công nghiệp với hàng loạt các vấn đề khác nhau làm bối rối cơ
quan quản lý địa phương. Đó là hàng tá những cái khó nhìn thấy và không
nhìn thấy của nhà chức trách.
Nhưng:
1. Có một đường ống lộ thiên, cứ đêm đêm là dẫn nước thải chưa xử lý đổ thẳng xuống sông, mùi bốc nồng nặc.
2. Có những đơn thư khiếu nại của nhân dân gửi đi kêu cứu vì ô nhiễm môi trường sống
3. Có những sai phạm và những văn bản xử lý sai phạm xếp đều đặn trên bàn và lưu trong hồ sơ
4. Có những con sông, mảnh đất chết dần chết mòn
Như
thế chưa đủ để các cơ quan chức năng đưa các doanh nghiệp tiềm ẩn nguy
cơ cao vào tầm ngắm, để có biện pháp rà soát điều tra nghiêm minh hay
sao?
Nếu
cơ quan quản lý đừng chỉ dừng lại ở khuyến cáo, nếu thay vào hành động
bối rối lựa chọn phương án xử lý để “dĩ hòa vi quý” là hành động quyết
liệt điều tra từ những năm đầu tiên xuất hiện mầm hiểm họa, để dập tắt
mọi ý đồ xấu có thể nảy sinh, thì hôm nay, không có một kết cục đáng
buồn cho các doanh nghiệp nói riêng và cho môi trường, sông hồ Việt Nam
nói chung.
Đã
đến lúc cơ quan quản lý cũng cần được quản lý! Chính các cá nhân và tập
thể chịu trách nhiệm quản lý tại địa phương cũng phải bị xử phạt nghiêm
khắc nếu chưa hoàn thành nhiệm vụ. Mức xử phạt nghiêm minh, tương ứng
với hậu quả mà họ gây ra do làm việc tắc trách. Chỉ có như thế
môi trường Việt Nam mới có được tấm lưới bảo vệ an toàn, và người dân
mới có thể yên tâm giao phó việc quản lý, kiểm soát cho những cá nhân
đại diện các cơ quan chức năng nhà nước.
|