Cuộc
khủng hoảng lúa gạo ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đang lún sâu thêm,
xuất khẩu gạo của VN đang gặp khó. Tình trạng này được báo chí mô tả là
nông dân và giới kinh doanh lúa gạo đã kiệt sức.
Do tình trạng tồn đọng khá lớn, lúa gạo ở Việt Nam bị mất giá.
Trong diễn từ đọc trước Quốc
Hội ngày 16/10/2008 Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận rằng chính phủ VN đã
rút tỉa nhiều bài học, đặc biệt là công tác dự báo và phân tích kinh tế.
Trong
báo cáo, người đứng đầu chính phủ tỏ ra ít lạc quan hơn, khi ông ước tính tỷ lệ
tăng trưởng GDP năm nay khoảng 6,5%. Ông Nguyễn Tấn Dũng tán dương kết quả nổi
trội của sản xuất nông nghiệp, sản lượng lúa 2008 tăng hơn năm ngoái tới 2,6
triệu tấn, mức tăng cao nhất từ trước tới nay.
Tuy Thủ Tướng không đi vào chi
tiết, nhưng theo các thông tin khác, riêng vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long sản lượng
lúa năm 2008 ước đạt hơn 22 triệu tấn cao hơn dự tính từ 1,5 triệu tới 2 triệu
tấn lúa. Cuộc khủng-hoảng-thừa manh nha từ 3 tháng qua nay càng thêm tồi tệ.
Tình trạng tồn đọng
Cùng ngày 16/10 Báo Người Lao
Động Điện Tử đưa lên mạng bài ‘Xuất Khẩu Gặp Khó’ mô tả tình trạng giá gạo trên
thị trường thế giới liên tục giảm, giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp không xuất
được gạo khiến lượng lúa gạo tồn trong dân rất lớn.
Theo tin này, ngày 16/10 Bộ
Công Thương triệu tập cuộc họp khẩn với Hiệp Hội Lương Thực VN tại Cần Thơ. Thứ
Trưởng Nguyễn Thành Biên xác định rằng tình hình tiêu thụ lúa gạo đang gặp nhiều
khó khăn, lượng lúa trong dân còn tồn khá lớn chiếm khoảng 50%.
Tờ báo không giải
thích 50% một cách cụ thể, nhưng dựa vào các thông tin thì có thể hiểu rằng
vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long lúa hè thu vừa qua sản lượng 8,4 triệu tấn, vụ thu
đông đã thu hoạch được một phần ba diện tích đạt hơn 600 ngàn tấn, cộng chung
khoảng 9 triệu tấn lúa.
Nếu tính 50% của 9 triệu tấn mà nông dân đã thu hoạch
cho tới giữa tháng 10/2008, thì lượng lúa tồn đọng trong dân có thể tới 4 triệu
tấn.
Tuy nhiên các chuyên gia mà chúng tôi tiếp xúc đều có chung quan điểm là tồn
đọng rất nhiều nhưng khó biết được con số cụ thể.
Vâng,
tổng số lúa cả năm nay ở Đồng Bằng Sông Cửu Long là trên 21 triệu tấn. tăng 2 triệu
tấn so với năm trước, sự ứ đọng hơi nhiều.
TS Lê Văn Bảnh
Sáng 16/10 Nam Nguyên phỏng vấn
TS Lê Văn Bảnh Viện Trưởng viện lúa vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long để cập nhật
thông tin.
TS Lê Văn Bảnh: Lúa thu đông 2008, tổng diện tích 496.000 ha, năng suất bình quân 4 tấn/ha
sản lượng chừng 2 triệu tấn.
Nam Nguyên: Thưa năng suất vụ 3 kém như vậy thì người
nông dân có lời hay không với tình hình thu mua và giá lúa hiện nay?
TS Lê Văn Bảnh: Giá lúa hiện nay cũng khoảng 4.000đ-4.500đ/kg, chi phí sản xuất từ
3.000đ-3.500đ/kg như vậy mỗi kg có thể có lời 500 tới 1.000đ.
Nam Nguyên: Như vậy chỉ là bù thêm cho thu nhập cả năm?
TS Lê Văn Bảnh: Vâng, vụ đông xuân có thể từ 6 tới 7 tấn mà cũng chi phí chừng đó hoặc
ít hơn. Thu đông năng suất 4 tấn làm chi phí cao thu nhập bà con nông dân thấp.
Nhưng bà con nông dân có quan niệm là trong sản xuất tăng được phần nào hay phần
ấy. Được vụ đông xuân tới hè thu và có thêm vụ thu đông cũng là nguồn thu nhập
một phần nào cho bà con nông dân. Riêng Đồng Bằng Sông Cửu Long như vậy tăng
khoảng 2 triệu tấn.
Nam Nguyên: Tình hình thị trường ứ đọng nay có cải thiện
hay không?
TS Lê Văn Bảnh: Cơ bản là đầu ra, nếu mà
có nguồn xuất khẩu bán ra được thì sẽ giải quyết được vấn đề này. Có cái khó là
sau vụ đông xuân các doanh nghiệp không có nói hạt lúa ngắn lúa dài gì cả, lúa
nào cũng mua, lúc đó đang cơn sốt. Còn bà con nông dân thì muốn trong vòng ba
tháng có vụ mới, do đó bà con nông dân trồng hơi nhiều giống lúa hạt ngắn , chất
lượng tương đối thấp. Tất nhiên cũng có thể xuất khẩu ở dạng gạo 15% hay 25% tấm
được, nhưng mà số lượng này nhiều và do đầu ra gạo chất lượng cao bị ứ đọng do
đó chất lượng thấp mới bị dồn lại. Cái đó là khó chứ thực chất lúa gạo hiện nay
không phải là chất lượng thấp.
Nam Nguyên: Thưa TS, thực tế là hiện nay cộng thêm vụ
thu đông 2 triệu tấn thì sự ứ đọng càng nhiều hơn?
TS Lê Văn Bảnh: Vâng, tổng số lúa cả năm
nay ở Đồng Bằng Sông Cửu Long là trên 21 triệu tấn. tăng 2 triệu tấn so với năm
trước, sự ứ đọng hơi nhiều. Nhưng nếu Nhà Nước tăng hạn ngạch xuất khẩu thì có
thể giải quyết sự tồn đọng lúa của dân.
Vừa rồi là TS Lê Văn Bảnh Viện
Trưởng viện lúa vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long với một số thông tin ở địa phương.
Lúa gạo mất giá
Trở lại cuộc họp khẩn cấp ở Cần
Thơ ngày 16/10/2008 để tìm cách tháo gỡ bế tắc lúa gạo vùng Đồng Bằng Sông Cửu
Long. Báo Người Lao Động Online ghi nhận giá lúa đang rớt thê thảm, lúa thu
đông gặt xong chỉ bán được từ 2.500 đ tới 3.000 đ/kg. Thậm chí ở Hậu Giang chỉ
còn từ 1.800đ tới 2.400 đ/kg. Theo sự phối kiểm của chúng tôi thì đây là giá
lúa tươi bán ngay tại chân ruộng.
Nếu
mà giá lúa giữ được từ 4.500đ và nếu giá phân không lên nữa thì cũng chấp nhận
được, 1 công đất có thể lời được 1,5 triệu vì vụ đông xuân năng suất cao, 1
công làm được trên 1 tấn-1, 2 tấn. Nhưng tình hình giá cả chưa biết được, biết
đâu tới đó nó lại như vụ hè thu nữa thì chưa biết được, khó đoán lắm.
Một nông dân
Tờ báo mô tả lúa hè thu vẫn
còn tồn đọng trong dân khá lớn, do chất lượng khá hơn nên giá bán cao hơn nhưng
đã giảm 500đ/kg so với hồi đầu tháng, lúa thường còn khoảng 3.800đ/kg lúa hạt
dài 4.200đ/kg. Tương tự như vậy gạo nguyên liệu 5% tấm hiện còn 5.500 đ/kg giảm
500 đ/kg, mức giá thấp nhất từ đầu năm tới nay.
Được biết công nghệ sau thu hoạch
của VN còn lạc hậu, nên từ lúa xay ra gạo nguyên liệu, rồi từ đó mới làm sạch
lau bóng hạt gạo để xuất khẩu.
Vẫn theo báo Người Lao Động điện tử, giá lúa gạo
không những giảm mạnh mà hiện các doanh nghiệp không còn mặn mà thu mua lúa
trong dân, thương lái thì chỉ mua nhỏ giọt với giá mà tờ báo gọi là rẻ như bèo.
Nhiều hộ nông dân chấp nhận bán giá thấp và nhận tiền ngay để chuẩn bị vốn canh
tác vụ mới, nhưng thương lái chỉ chấp nhận trả chậm và họ cũng chỉ mua nhỏ giọt.
Nông dân vùng Đồng Bằng Sông
Cửu Long sẽ vào vụ Đông Xuân trong hai tháng 11 và 12 sắp tới. Một nông dân
tính toán khả năng cho vụ mùa sắp tới:
“Nếu mà giá lúa giữ được từ
4.500đ và nếu giá phân không lên nữa thì cũng chấp nhận được, 1 công đất có thể
lời được 1,5 triệu vì vụ đông xuân năng suất cao, 1 công làm được trên 1 tấn-1,
2 tấn. Nhưng tình hình giá cả chưa biết được, biết đâu tới đó nó lại như vụ hè
thu nữa thì chưa biết được, khó đoán lắm.”
Báo Người Lao Động điện tử trích
lời ông Lê Việt Hải, giám đốc công ty Mê Kông ở Cần Thơ cho biết không thể mua
gạo vì không ký được hợp đồng xuất khẩu. Ngoài ra một số doanh nghiệp cho biết
trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, các doanh nghiệp tiến hành thu mua lượng gạo
400 ngàn tấn theo chỉ đạo của chính phủ, tồn kho còn nhiều nên không thể mua
thêm.
Hồi đầu năm giá gạo thế giới
lên đỉnh điểm gạo 5% tấm của VN bán được hơn 1 ngàn đô la/tấn. Tuy nhiên do dự
báo sai, chính phủ đã ngừng xuất khẩu trong ba tháng kể từ tháng Tư, tới tháng
7 giải tỏa lệnh cấm thì giá cả đã hạ nhiều.
Vấn đề dự báo sai gây thiệt hại
cho nông dân và doanh nghiệp từng được TS Nguyễn Quang A, Viện Trưởng viện
nghiên cứu phát triển ở Hà Nội nhận định:
“Vấn đề về dự báo của các
cơ quan có thẩm quyền, tôi nghĩ rằng không thực sự là tốt lắm. Lẽ ra mình nghe
nhiều các ý kiến khác nhau lúc đó người ta sợ mất mùa, sợ cái này cái kia. Lúa
mà giá cao nhất thì mình bảo là đừng xuất khẩu hoặc tạm ngừng xuất khẩu.
Nhưng mà ngay khi đó GS Võ
Tòng Xuân ở Đại Học An Giang đã cảnh báo ngay là không có chuyện thiếu lương thực,
an ninh lương thực rất đảm bảo, lẽ ra phải để xuất khẩu gạo bình thường. Nếu giả
sử có nhiều ý kiến và được cân nhắc một cách kỹ lưỡng thì tình hình có thể tốt
hơn nhiều. Nhưng mà rất tiếc tất cả chúng ta là những con người rất dễ mắc sai
lầm, chuyện này khó tránh khỏi.”
Ngày 16/10/2008 theo mạng lúa
gạo quốc tế Riceonline, Việt Nam hiện chào giá gạo 5% tấm với giá 475 đô la/tấn
theo điều kiện FOB giao hàng lên tàu, gạo 15% giá 425 đô la và gạo 25% giá 400
đô la một tấn. Tuy nhiên đây giá chào, giá chốt hợp đồng có thể thấp hơn khoảng
30 đô la/tấn. Như vậy là giảm tới 60% so với giá xuất khẩu đầu năm.
Với khuynh hướng giá gạo thế
giới giảm như vừa nói, vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ rất khó giải quyết lúa tồn
đọng trong dân chưa kể 2 triệu tấn lúa thu đông đang thu hoạch và sau Tết âm lịch
sẽ có thu hoạch vụ Đông Xuân.