Phan Kiến Quốc
Cuộc sống thường nhật.
Bỏ qua những gì tráng lệ của hội nghị các nhà tài trợ
(đúng ra là các chủ nợ), chúng ta trở lại với những gì xảy ra hàng ngày
chung quanh :
Chuyện vịt nhồi bánh đúc : Con đê ven sông Hồng mà ngày
nào tôi cũng đi qua vốn là nơi bà con các tỉnh mang hàng lên Hà Nội
bán. Trong các thứ hàng mang lên bao giờ cũng có gà vịt. Tôi nhớ thường
có cảnh những xe đạp chở vịt đang đi bỗng dừng lại. Một ít bánh đúc
được lôi ra.
Người ta dang rộng mỏ vịt để nhồi mớ bánh đúc ấy vào
cho chúng thật đầy diều, nhồi cho đến "lòi tù và" mới thôi. Rồi sang
chợ Long Biên cân kẹo với nhau, số cân mỗi con vịt sẽ gồm cả cái đống
bánh đúc mới tọng đầy diều đó. Không ai có thể chối cãi đây là một thứ
thói hư tật xấu của người Việt. Trong cái hành động nhồi bánh đúc cho
vịt có thể đọc ra nếp sống tuỳ tiện, thói quen bừa phứa duy trì bao đời
trong lối làm ăn nhỏ. Nghiêm khắc với nhau hơn, phải gọi đây là sự gian
manh. Nhân danh đói khổ người ta cho phép mình làm bất cứ việc gì miễn
thấy cần. Tức là gian manh một cách công khai, lại còn sẵn sàng cãi lấy
được nữa. (Lao Động, 2/07)
Vào khoảng năm 90, chú tôi sống tại Paris có ra cửa
hàng Vina Paris mua nửa ký tôm đông lạnh về ăn. Đang nhá ngon miệng thì
ông kêu oai oái và rút ra trong miệng một cục chì nhỏ. Người ta nhét
vào đầu tôm để nặng ký. Không biết nếu khách hàng là người Pháp thì họ
sẽ nghĩ gì về cung cách làm ăn của dân mình ? Mà nói cho cùng chuyện
cân thiếu đã là một cái gì nó lậm sâu trong máu người mình rồi, chả ai
thấy nó là “bôi bác” cả, nếu không thì tại sao ở mọi chợ đều có vụ cân
đối chứng (cân mẫu, để trong phòng ban quản lý chợ, dành cho bà con
kiểm lại trọng lượng).
Chuyện việt kiều : Người lao động chân tay đã đành,
ngay cả các du sinh VN cũng để lại những gì không tốt trong mắt người
bản xứ. Thế nên mới có chuyện nhiều người sang Singapore đã chết đứng
nửa người khi thấy tấm biển đề chữ :”Đi vệ sinh xong nhớ xả nước”, viết
rõ ràng, và bằng tiếng Việt…Cũng tại đất nước sư tử, một SV nước ngoài
đã nói với người bạn VN trong làng đại học: “Mày thấy đám người kia
không ? Tao dám cá với mày đó là người VN”. Người bạn đến từ “xứ sở của
tư tưởng Hồ Chí Minh” mắt còn chưa nhìn ra đó là ai mới ngạc nhiên
:”Sao mày biết ?”. “- Dễ quá, vì chúng mày đi đâu cũng ồn áo và xả
rác”. Rồi trong một chuyến du lịch tour sang Bangkok, phần lớn đều là
những người có của ăn của để. Trong buổi ăn tự chọn, họ đã vơ vét, cào
cấu, lấy cho nhiều, cho cố rồi cuối cùng vứt bỏ ngổn ngang. Nhìn vào
ánh mắt của những người bồi bàn Thái mà tôi muốn tìm một chỗ chui xuống
cho xong. Nhục quá.
Chuyện xả rác : Tưởng gì chứ chuyện này quá thường.
Khoan ! chuyện này thường nhưng bài viết này (Tuổi Trẻ, 7/2008) hơi
khác thường :
Tôi là người Pháp nhưng chẳng bao giờ dám khẳng định
Paris chỉ toàn những khung cảnh đẹp lung linh như thiên đường, mà cũng
như bất kỳ nơi đâu Paris vẫn còn đó khá nhiều khu vực đầy rác và bụi
bặm. Nhưng nhìn chung những thành phố của Pháp sạch hơn những thành phố
ở VN nhiều. Tại sao và do đâu?
(…) điều quan trọng nhất, theo tôi, là do sự giáo dục về vệ sinh môi
trường tại VN chưa được quan tâm đúng mức. Người ta có thể đặt thêm
nhiều thùng rác ở VN, nhưng điều đó chưa chắc sẽ đồng nghĩa với việc
giải quyết được nạn xả rác bừa bãi. Tôi đã từng thấy rất nhiều người
Việt thản nhiên ném bao, ly nhựa xuống đất khi đang đi đường, hoặc
những tốp thanh niên đi picnic cứ vô tư để lại trên đất cơ man là khăn
trải, đĩa, bịch nilông... dẫu thùng rác được đặt kế bên! Liệu có bao
nhiêu người trong số những người xả rác ấy biết được phải mất cả hàng
ngàn năm để những vật dụng bằng nhựa bị phân hủy và hậu quả của nó lớn
như thế nào? Tôi tin chắc nhiều người trong các bạn nghĩ môi trường
sống xung quanh là “của chung” chứ đâu phải “của riêng”, vì vậy thật vô
lý và rất khó để đòi hỏi các bạn phải hết sức gìn giữ. Quan niệm như
vậy là thiển cận và ích kỷ. Tôi mong mọi người hãy gạt bỏ suy nghĩ ấy
qua một bên và biết quan tâm hơn tới lợi ích chung, nhất là về mặt môi
trường - điều mà giới trẻ phương Tây của chúng tôi đã được giáo dục và
chỉ bảo rất rõ từ nhỏ. (Roméo Dimier Degrange).
Không biết mọi người nghĩ sao nhưng cái câu cuối cùng của cậu Romeo này
đã làm tôi co thắt ruột đi được.
Trở lại với những thói hư tật xấu của người Việt mà báo
Tiền Phong đã tạo ra một diễn đàn rất sôi nổi cách đây 3 năm, xin mời
mọi người nghe ý kiến của một độc giả Hà Nội tên Nguyễn Tất Thịnh. Anh
đã liệt kê những phong cách, hành vi, tập tính của người (Việt) chung
quanh như sau
1. Nguồn gốc: tiểu nông – mục tiêu cuộc đời : tiểu chủ
– hành vi: tiểu xảo – làm ăn : tiểu thương – suy nghĩ : tiểu trí. 2.
Tình cảm không dào dạt hơn cái ao làng– nhìn quá ngọn tre là chóng mặt–
chỉ uống nước giếng khơi mới không đau bụng – Một ngày không ăn mắm tôm
không chịu được – Phát minh là cải tiến xe công nông- Ý nghĩa cuộc đời
là ăn miếng dồi chó- Mong ước lớn nhất là hơn người – Sợ nhất là chết
không toàn thây.
3. Nếp sinh hoạt của những người như họ? Một người thì trùm chăn ngủ–
nếu hai người thì tổ chức nấu nướng– ba người thì nói xấu người khác–
bốn người trở lên thì chia bè kéo cánh.
4. Hễ chỉ có một thì có khi không rơi xuống hố, hai người thì đào hố
bẫy người, có ba người đi với nhau thì có thể hơn một người sẽ rơi
xuống hố do chính họ đào.
5. Ham học nhưng để làm quan chứ không nhằm cải tạo cuộc sống.
6. Con chấy cắn đôi khi nghèo khổ, nhưng chỉ mong con lợn nhà hàng xóm
lăn ra chết.
7. Đánh nhau kiểu hội đồng từ sau lưng mà không dám đối mặt trên đấu
trường.
8. Trong diễn đàn thì ngậm miệng, nhưng bàn nát chuyện ngoài quán nước.
9. Bao nhiêu tinh lực dành cho sự lẩn lách để tồn tại– bởi vậy ưa những
hình thức phi chính thống làm ăn.
10.Đi đến đâu cũng lập chợ quê mà không thể tính chuyện làm ăn lớn.
11.Hay nói tình nghĩa nhưng dễ đánh nhau vỡ đầu vì món lợi nhỏ.
12.Nói năng cởi gan cởi ruột nhưng phong cách sống rất khép kín.
13.Cười hinh hích để tự thưởng cho ý nghĩ của mình hơn là cười tươi với
cái hay của người khác– Sướt mướt với cái thua thiệt của mình để hằn
học với niềm vui của người khác.
14.Coi cái gì cũng là nhỏ mà bỏ qua trong khi không định nghĩa được cái
lớn là gì. Việc lớn thì kinh, việc nhỏ thì khinh, việc bình thường thì
không thích.
15.Có nhiều sáng kiến nhỏ nhưng không có khả năng biến những cái đó
thành hàng hóa cạnh tranh.
16.Vừa sùng ngoại vừa bài ngoại.
17.Có khuynh hướng bới thù trong bạn hơn là tìm bạn trong thù.
18.Rất khó dung nạp và đồng thuận với sự khác biệt.
19.Rất “tinh tướng” vì không biết mình biết người.
20.Luôn nghi ngờ, không phải để nhận thức lại thế giới mà chẳng thực
tin vào cái gì.
Trong suốt bài viết này, chúng tôi đã trích đoạn một số
ý kiến và thấy có một điểm chung là chẳng một ai, cho dù là người Việt
hay người ngoại quốc đã dùng đến tính từ NHỤC nhưng đọc đến đâu lại
thấy xót xa đến đấy. Xót vì quá đau và quá đúng.
Theo tôi nghĩ chỉ cần nói đến 1 trong 20 tật xấu của
bạn Nguyễn Tất Thịnh trong một buổi họp nào đó (chứ không phải trên
diễn đàn Tiền Phong), người ta dễ dàng bị chụp cho cái mũ “nói xấu dân
tộc”, thậm chí là phản quốc không chừng. Vậy thì toàn câu nói của TGM
Kiệt trong ngày 19/9 xem ra còn nhẹ hơn rất nhiều thế mà đảng phải huy
động cả một bộ máy truyền thông công thêm một đám bồi bút tấn công ông
ta ? Tại sao ?
Đơn giản quá, ngoại quốc nó khinh rẻ mình chẳng qua là
vì nó khinh rẻ tập đoàn lãnh đạo VN, những kẻ đã từng tự phong là “đỉnh
cao trí tuệ”, nhưng rặt những phường tham nhũng, thối nát, một chế độ
phản dân chủ và vi phạm nhân quyền trầm trọng. Tập đoàn ấy cho dù không
hiện diện trong phiên họp cũng đã nhận ra rằng câu nói của TGM Kiệt đó
là những lời tố cáo trực tiếp họ nên đã vin vào câu “chúng tôi rất là
nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu VN” để trừng phạt ông ta, thế thôi.
Cầu xin cho giáo dân Thái Hà cũng như TGM Kiệt vững
lòng trong công cuộc giải trừ mối nhục cho cả dân tộc, vì trong ngày
19/9 ông đã nói thay cho chúng tôi.
Sàigòn, 24/9/2008
Phan-Kiến-Quốc
|