Chủ Nhật, 2024-12-22, 4:08 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 20 » Dân chủ tiệm tiến?
12:26 PM
Dân chủ tiệm tiến?
Trần Khải

Có phải nhà nước CSVN đang chuẩn bị thử nghiệm để sẽ theo một lộ trình dân chủ tiệm tiến, khi cho bầu cử trực tiếp ở một số nơi, với khoảng hàng trăm xã thử nghiệm và ở bốn thành phố lớn? Nếu thực sự có một lộ trình dân chủ tiệm tiến như thế, sẽ cần tới bao nhiêu năm để những người đấu tranh dân chủ trong và ngoài nước có thể an tâm chờ đợi, mà không lo tuổi già mệt mỏi? Và nếu thực có lộ trình đó, rủi vị Tổng Bí Thư Đảng CSVN kế nhiệm đổi ý thì sao? Chúng ta vẫn chưa nghe nói gì khả dĩ suy đoán được để trả lời các câu hỏi trên.

Có phải chỉ là màn uống nước đường? Có phải thực sự, tất cả các màn bầu cử dân chủ cấp xã chỉ là trò ảo thuật thần kỳ, được dựng sẵn để làm món hàng tuyên truyền nhằm xuất khẩu, chiêu dụ các nhà hoạt động nhân quyền hải ngoại? Ngắn gọn, có phải nhà nước CSVN sửa soạn “xuất khẩu xiếc” cho người Việt hải ngoại xem, nhằm bổ túc cho nghị quyết 36 hiệu quả hơn? Có phải Bộ Chính Trị Đảng CSVN, với 14 ủy viên đầy quyền lực, đã nghĩ ra một trò xiếc mới?
Hay là còn phải chờ xem đàn anh Phương Bắc làm thử trước, rồi mình mới làm sau? Đây cũng là một điều cần suy nghĩ, bởi vì nhật báo Anh Quốc The Telegraph hôm 15/10/2008 đã có một bản tin của phóng viên Malcolm Moore từ Thượng Hải gửi về, với nhan đề đã nói ngay lên một ước mơ lớn của nhiều thế hệ ở Trung Quốc: “China will be a democracy by 2020, says senior party figure.” (Trung Quốc sẽ là một nước dân chủ vào năm 2020, theo lời một cán bộ đảng cao cấp)

Bản tin ghi lời Zhou Tianyong, một cố vấn của Ủy ban Trung ương Đảng CSTQ và là một trong những tiếng nói cấp tiến nhất, nói với tời Daily Telegraph rằng, “Vào năm 2020, Trung Quốc sẽ một cách căn bản hoàn tất cải tổ định chế và chính trị. Chúng tôi có kế hoạch 12 năm để lập nền tảng dân chủ. Sẽ có công chúng tham dự dân chủ ở mọi tầng cấp chính phủ.”
Theo báo này, Zhou cũng tiên đoán “sẽ có công chúng tham dự rộng rãi trong việc soạn thảo chính sách, như soạn ra các luật mới.”
Zhou giải thích, chuyển hóa sang dân chủ là “chủ yếu cho quan hệ với Đài Loan và có thể thống nhất hòa bình.”

Tới đây, họ Zhou lại nói đúng kiểu người hải ngoại ưa phân tích, suy đoán. Zhou nói rằng chính phủ TQ quyết tâm tự cải tổ nhưng giữa các ban bộ vẫn có mâu thuẫn xung khắc. Zhou còn nói rằng xã hội dân sự tại TQ cũng sẽ đóng vai trò quan trọng, “Sẽ có thêm nhiều hội ngoài chính phủ, nhiều phòng thương mại, hội ngành nghề và các nhóm xã hội. Tôn giáo cũng sẽ được trao cho nền tảng rộng hơn để đóng vai trò tích cực. Chúng ta phải bảo vệ tự do tôn giáo. Nhân dân không nên theo lối suy nghĩ truyền thống. Chúng ta nên công nhận rằng chính phủ phải phục vụ nhân dân và xã hội.”

Điều cần suy nghĩ: Nếu các câu nói trên là từ các người hoạt động hải ngoại, thí dụ như Ngụy Kinh Sinh, thì rõ ràng lời đó có thể dùng làm các ý cơ bản cho một tuyên ngôn dân chủ… Thậm chí, chuyển sang hoàn cảnh Việt Nam cũng vẫn đúng. Họ Zhou đã nói lên đúng những gì mà các người hoạt động dân chủ Việt Nam như Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Thanh Giang, Trần Khải Thanh Thủy, Nguyễn Vũ Bình… đòi hỏi. Nghĩa là: cho dân tham dự vào mọi cấp chính phủ, cho soạn luật, mở hàng loạt các hội ngoài chính phủ, lấy tôn giáo làm nền tảng xây dựng, mở rộng xã hội dân sự…

Nếu đúng như thế, còn gì cần đòi hỏi thêm? Điều hết sức bí ẩn của họ Zhou là ông không hề nói tới chuyện khai tử chế độ độc đảng. Ông cũng không nói tới chuyện khi nào Đảng CSTQ ngưng trình diễn màn xiếc độc tài muôn năm toàn trị. Có phải đó là chế độ “dân chủ độc đảng” vào năm 2020? Không có câu trả lời.

Bản tin trên cho biết, nhà nước CSTQ đã cho bầu cử trực tiếp ở 600,000 xã, “mặc dù những cuộc bầu cử này thường bị sắp xếp sẵn.”

Chúng ta cứ thử nhìn về các dấu mốc thời gian. Trung Quốc đã bầu trực tiếp ở 600,000 xã, trong khi CSVN chỉ mới nói (mà chưa làm) sẽ cho bầu trực tiếp ở 500 xã… Trung Quốc hứa sẽ cho dân chủ (độc đảng?) vào năm 2020, nghĩa là Việt Nam phải nhiều năm sau đó mới theo tới điểm này… TQ hứa hẹn dân chủ là để chiêu dụ thống nhất với Đài Loan, nhưng CSVN không cần hứa hẹn vẫn có Việt Kiều về liên tục với nhiều lý do… Trung Quốc chưa dám hứa dân chủ đa đảng cho dấu mốc năm 2020, và CSVN thì không muốn nghe tới cụm từ này…

Đó là chưa kể tới chuyện dàn dựng bầu cử cho có vẻ dân chủ. Có phải, bầu cử cấp xã lại là một độc chiêu “xuất khẩu xiếc” để tuyên truyền với toàn cầu?

Báo Hà Nội Mới trong số ngày 17- 10- 2008, cũng tình cờ có một bản tin, và trùng hợp này dễ dàng làm cho chúng ta nhớ tới kịch Lưu Quang Vũ.

Bản tin có nhan đề “NSƯT Vũ Ngoạn Hợp: Chúng tôi xuất khẩu xiếc.”

Chỉ cần thay đổi vài chữ là trở thành một kịch bản văn học tuyệt vời. Thí dụ, sửa nhan đề thành ra “Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh: Đảng CSVN chúng tôi xuất khẩu xiếc” là đủ sức để gom hết sức mạnh của “ba dòng thác cách mạng cho thế kỷ 21 thần kỳ của dân tộc.”

Bản tin trên báo Hà Nội Mới do phóng viên Tú Nhi viết, ghi cuộc phỏng vấn, trích như sau:
“Thông tin về việc Liên đoàn xiếc Việt Nam dàn dựng chương trình “Làng tôi” để lưu diễn tại Pháp và châu Âu khiến dư luận rất quan tâm. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với NSƯT Vũ Ngoạn Hợp – Giám đốc Liên đoàn. – Thưa ông, nhiều người nghĩ việc xiếc ta “bán” được sang Pháp là điều rất đáng ngạc nhiên?

– Thực tế xã hội ngày càng có nhu cầu mới và khác mà chúng tôi chưa thể đáp ứng hết được. Xiếc diễn trong nước nhiều nên không còn “quý hiếm” ! 3, 4 năm qua, số lượng các tốp nhỏ đi diễn trong khu vực và thế giới nhiều gấp 2, 3 lần trong nước. Đối với thế giới, ta đứng vào nhóm trung bình khá và được đánh giá là có màu sắc văn hóa dân tộc.

– Xin ông cho biết về lý do xuất ngoại của xiếc “Làng tôi”?

– Với sự giúp đỡ và mong muốn quảng bá xiếc Việt Nam của một hội đoàn các nghệ sĩ xiếc người Pháp gốc Việt, chương trình “Làng tôi” được nhiều ông bầu quốc tế đánh giá cao. Nhưng với 80 diễn viên, cộng cả hậu cần là 100, đi lưu diễn là không thể. Ông Chủ tịch Hội đoàn Sân khấu địa cầu của Pháp đã đặt hàng chúng tôi một chương trình 14 diễn viên, thêm 4 nhạc công và 2 kỹ thuật viên là 20. Họ đã ký hợp đồng đầu tư dàn dựng, sáng tạo, đạo cụ…” (hết trích)

Xin mời đọc kỹ những con số trong đoạn trên… Xiếc ta xuất khẩu sang tây, với “chương trình 14 diễn viên” – phải chăng đây là 14 ủy viên chính trị bộ CSVN? Và “Làng tôi” thực ra là nói “Đảng ta”? Rồi những gì mới thực là quý, hiếm với Việt Kiều?

Và kế hoạch dân chủ tiệm tiến nằm ở hồi mấy, chương mấy trong vở “xiếc lưu diễn” này? Còn cái xã hội dân sự hứa hẹn kia ở đâu? Hay là phải chờ đàn anh Hoa Lục thử xong xuôi hết rồi “Làng tôi” mới dám nói tới… Năm 2020, nghĩa là 12 năm nữa, thế hệ những người hoạt động dân chủ thời Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Thanh Giang… sẽ còn bao nhiêu người? Hay là lúc đó lại đột khởi một màn xiếc mới?


DCVOnline biên tập và minh hoạ.
Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 781 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 8
Khách: 8
Thành Viên: 0