§ Hữu An HĐGMVN đã công bố bản “Quan điểm về một số vấn đề
trong hoàn cảnh hiện nay”, đề ngày 25/9/2008, trong đó có nhận định và
quan điểm về vấn đề đất đai như sau:
TÌNH HÌNH
Tình
hình khiếu kiện đất đai kéo dài và chưa được giải quyết thỏa
đáng là vấn đề thời sự, trong đó có đất đai của các tôn
giáo nói chung và Giáo Hội Công Giáo nói riêng, cụ thể như vụ
việc Tòa Khâm sứ cũ (số 42 Nhà Chung) và giáo xứ Thái Hà
(số 178 Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội). Chắc chắn có nhiều nguyên
nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng ở đây chúng tôi muốn lưu ý
đặc biệt đến điều này: luật về đất đai tuy đã sửa đổi nhiều
lần nhưng vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng kịp đà biến chuyển
trong đời sống xã hội, đặc biệt là chưa quan tâm đến quyền tư
hữu chính đáng của người dân. Thêm vào đó, nạn tham nhũng và
hối lộ càng làm cho tình hình tệ hại thêm. Thiết nghĩ không
thể có một giải quyết tận gốc nếu không quan tâm đến những
yếu tố này.
QUAN ĐIỂM
Đứng trước tình hình
trên, chúng tôi có những đề nghị cụ thể như sau: Trước hết
nếu luật về đất đai còn nhiều bất cập thì nên sửa đổi cho
hoàn chỉnh. Việc sửa đổi này cần phải quan tâm đến quyền tư
hữu của người dân như Tuyên ngôn quốc tế của Liên hiệp quốc về
Nhân quyền đã khẳng định: “Mọi người đều có quyền tư hữu
riêng mình hay chung với người khác… và không ai có thể bị
tước đoạt tài sản của mình cách độc đoán” (số 17). Vì
thế, chúng tôi cho rằng thay vì chỉ giải quyết theo kiểu đối
phó hoặc cá biệt, thì giới hữu trách phải tìm giải pháp
triệt để hơn, tức là để người dân có quyền làm chủ tài sản,
đất đai của họ, đồng thời người dân cũng phải ý thức trách
nhiệm của mình đối với xã hội. Đòi hỏi này lại càng khẩn
thiết hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, khi Việt Nam
ngày càng hội nhập sâu hơn vào nhịp sống chung của thế giới.
Đây sẽ là tiền đề cho việc giải quyết tận gốc những vụ
khiếu kiện về đất đai và tài sản của người dân, đồng thời
góp phần tích cực vào tự tăng trưởng kinh tế và sự phát
triển vững bền của đất nước.
Nguyên tắc căn cơ để giải quyết vấn đề đất đai, theo các Giám mục, là sửa đổi luật đất đai trong tinh thần quan tâm tới quyền tư hữu của mọi người.
Rõ ràng đây là điểm then chốt. Trong vụ việc ở Hà Nội, ta thấy quan
điểm của chính quyền là: "đất đai là sở hữu chung của toàn dân và do
Nhà Nước quản lý”, còn Toà Tổng Giám mục và Dòng Chúa Cứu Thế lại quả
quyết rằng những khu đất liên quan là thuộc quyền sở hữu của mình. Nhà
Nước nói: anh cần, anh cứ làm đơn xin, tôi sẽ cứu xét, không có vấn đề
đòi trả lại vì theo luật pháp, anh đâu có quyền sở hữu đất đai! Rõ ràng
hai quan điểm hoàn toàn đối chọi nhau, không có cách nào hoà hợp, trừ
ra khi cố gắng giải quyết kiểu “thông cảm”. Khi HĐGM đưa ra đề nghị
trên, tôi nghĩ các ngài đã nhấn mạnh mấy điểm sau đây.
Về thực
tế, đất đai là vấn đề gây ra khiếu kiện nhiều nhất, vấn đề bức xúc nhất
đối với người dân, cũng là lãnh vực xem ra có nhiều tiêu cực nhất và có
nhiều cán bộ vào tù nhất. Về thực tế, còn có tình hình là Nhà Nước xem
ra rất lúng túng, mỗi lần sửa đổi thì có ít nhiều tiến bộ trong việc
đáp ứng tức thời tình hình xã hội lúc đó, nhưng ít lâu sau lại tỏ ra
bất cập, không theo kịp biến chuyển trong xã hội. Có lúc, người ta đã
từng nói tới giải pháp sổ xanh, sổ hồng bên cạnh sổ đỏ… Về thực tế, các
Giám mục còn gợi ý rằng việc sửa đổi luật đất đai theo hướng nhìn nhận
quyền tư hữu là một nhu cầu khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào
nhịp sống quốc tế, mà tuyệt đại đa số các nước đều nhìn nhận quyền này.
Còn về nguyên tắc, quyền tư hữu đã được Tuyên ngôn nhân quyền của Liên
Hiệp Quốc năm 1948, số 17, long trọng nhìn nhận là một quyền tự nhiên,
một quyền của con người. (Lm Nguyễn Hồng Giáo, nguoitinhuu.com).
Tiến
sĩ Nguyễn Thanh Giang – Hà Nội, trong bài viết “Đất đai nguồn sống,
hiểm hoạ” đăng trên ykien.net, đã có những nhận định và kiến nghị về
vấn đề đất đai.
Tư hữu hóa đất đai, một tiến bộ lịch sử thời phong kiến Việt Nam.
Trong
tư duy tổng hợp của người Việt Nam về những cương vực núi sông, mây
gió; về quốc sử, tổ tiên; về bản quán, họ hàng..., yếu tố đất luôn luôn xuất hiện đầu tiên. Người Việt Nam gọi tổ quốc mình là đất nước.
Trong kho tàng thi ca Việt Nam thời chống Pháp, có lẽ bài thơ hùng
tráng nhất là bài “Đất nước “của Nguyễn Đình Thi. Theo nhà thơ này, tổ
quốc được hồi sinh sau cách mạng như cũng từ đất trồi lên:
“Nước Việt Nam từ máu lửa.
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” .
Từ
thuở vua Hùng dựng nước đến nhiều thế kỷ về sau, đất đai đều của nhà
vua. Đất của các lãnh chúa đều do vua ban qua những thác đao điền. Đến
thế kỷ thứ X, chế độ sở hữu công cộng về ruộng đất vẫn tồn tại. Tuy
nhiên, trong quá trình vận động phát triển của xã hội, bắt đầu từ thế
kỷ XII, sở hữu tư nhân về ruộng đất đã xuất hiện dần dần từ cá biệt đến
phổ biến. Nhà nước Lý và Trần không những không ngăn chặn mà còn tạo
điều kiện để sở hữu tư nhân về ruộng đất phát triển bằng nhiều cách:
bán ruộng công cho dân, cho phép mua, bán, chuộc theo luật lệ, cho phép
vương hầu, quý tộc, phò mã, cung tần lập điền trang...
Theo Đại
Việt sử ký toàn thư, năm Giáp Dần (1254) vua Trần Thái Tông xuống
chiếu: “Bán ruộng công, mỗi diện (mẫu) là 5 quan tiền, cho phép dân mua
làm ruộng tư”.
Để tạo điều kiện cho mua, bán, chuộc, nhượng đất
đai được dễ dàng, tháng chạp năm Nhâm Tuất (1142) vua Lý Anh Tông xuống
chiếu: “Những người cầm đợ ruộng thục trong vòng 20 năm thì cho phép
chuộc lại; việc tranh chấp ruộng đất trong vòng 5 năm hay 10 năm thì
còn được tâu kiện; ai có ruộng đất bỏ hoang bị người khác cầy cấy,
trồng trọt trong vòng một năm thì được kiện mà nhận lại, quá hạn ấy thì
cấm. Làm trái thì xử 80 trượng”.
Để tránh tình trạng sử dụng
quyền uy cướp đoạt đất đai, nhà vua lại xuống chiếu: “Những người tranh
nhau ruộng ao, của cải không được nhờ cậy nhà quyền thế, làm trái thì
đánh 80 trượng xử tội đồ”.
Để bồi hoàn thỏa đáng khi trưng thu
đất đai, năm Mậu Thân (1248) vua Trần Thái Tông cho phép trưng thu đất
để dắp đê nhưng quy định: “Chỗ nào đắp thì đo xem mất bao nhiêu ruộng
đất của dân, theo thời giá trả lại tiền”.
Để phát triển đất canh
tác, ngay từ thời Lý đã tương truyền câu chuyện về một người có tên là
Hoàng Lệ Mật người huyện Gia Lâm vì có công mò được xác một công chúa
nên được nhà vua cho đem dân nghèo ở Lệ Mật đến khai hoang lập làng ở
phía tây thành Thăng Long, hiện còn di tích đền thờ gần với khu “thập
tam trại”.
Năm Bính Dần (1266), Trần Thánh Tông “xuống chiếu cho
vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập dân phiêu tán, không
sản nghiệp làm nô tỳ để khai khẩn ruộng bỏ hoang, lập thành điền
trang”. Do tác động của chủ trương này, một loạt điền trang xuất hiện
như: điền trang của thượng tướng Trần Phó Duyệt, (cha của Trần Khánh
Dư) ở ven sông Kinh Thầy (Chí Linh, Hải Dương); điền trang của An sinh
vương Trần Liễu (cha của Trần Hưng Đạo) ở An Lạc (xã Bảo Lộc, huyện Mỹ
Lộc, Nam Định); điền trang của công chúa Trần Khắc Hãn ở An Nội và Cổ
Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội); điền trang của Trần Khánh Dư ở Linh Giang...
Đến
cuối đời Trần, hoàng hậu Bạch Ngọc (vợ vua Trần Duệ Tông), người huyện
Hương Khê đã đưa 172 người về khẩn hoang ở vùng đất giáp hai huyện Can
Lộc và Đức Thọ ngày nay rồi lập thành bốn điền trang mới: Lai Sơn, Hằng
Nga, Ngũ Khê, Tùng Chính với tổng diện tích đến 3985 mẫu....
Năm
1397, nhân việc hạn danh điền (ruộng có chủ đứng tên) theo chủ trương
của Hồ Quý Ly, sử chép rằng: “Trước kia các nhà tôn thất thường sai nô
tỳ của mình đắp đê bối ở bờ biển để ngăn nước mặn, sau hai ba năm khai
khẩn thành ruộng, cho họ lấy nhau và ở ngay đấy, lập ra nhiều ruộng đất
tư trang”.
Nhờ chủ trương tư hữu hóa đất đai, tạo cơ sở thực thi
khẩn hoang bằng nhiều hình thức, cha ông ta đã mở đường cho ruộng đất
không ngừng sinh sôi, từ đấy ngày mỗi ngày càng mở mang bờ cõi.
Trong
“Chủ nghĩa Mác... tản mạn ký”, khi bàn về “Tư hữu và khát vọng cá nhân
“Vũ Cao Quận đã ngợi ca: “Với riêng Tễu tôi, xin viết hoa hai chữ “Tư
hữu “là sáng tạo vĩ đại thiêng liêng nhất vượt lên mọi thời gian, vĩ
đại nhất của mọi vĩ đại để từ con vật tiến lên để thành “con người”.
Hai anh em “Động lực cá nhân “và “Tư hữu “chính là động lực phát triển
của xã hội loài người”.
Công hữu làm nghèo đất đai.
Chính
quyền Sài Gòn tiếp tục duy trì chế độ tư hữu đất đai, tuy nhiên, để hữu
sản hóa những nông dân vô sản, họ đã tiến hành hai cuộc phân chia lại
ruộng đát. Trong cuộc phân chia thứ nhất, từ năm 1955 đến 1960, họ chỉ
để lại cho mỗi địa chủ nhiều nhất là 115 ha, số còn lại bị trưng thu
rồi bán cho tá điền. Một phần ba tổng diện tích đất canh tác tại Miền
Nam lúc bấy giờ (650.000 ha) đã về tay nông dân.. Sau năm 1970, cuộc
cải cách thứ nhì mang tên “Người cày có ruộng “lại được xúc tiến nhằm
hợp lý hóa thêm vấn đề sở hữu đất đai. (Tư liệu từ cuốn “Việt Nam cải
cách kinh tế theo hướng rồng bay “của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia)
Trong
khi đó, ở Miền Bắc, cuộc Cải cách Ruộng đất long trời lở đất đã nổ ra
cướp đi trên dưới ba mươi vạn sinh mạng và để lại những oan khiên dầy
vò đằng đẵng hàng triệu số phận con người. Với đầm đìa xương máu thê
lương, oán hờn chồng chất, từ 1949 đến 1953, một triệu rưỡi hecta ruộng
đất cũng đã được phân chia cho 2,4 triệu hộ ở nông thôn. Từ năm 1953
đến năm 1955, lại có thêm 895.000 ha được đem chia.
Dẫu sao, có
thể xem đấy là biện pháp xúc tiến cho đất đai được tư hữu hóa sâu hơn,
nhờ vậy sản xuất nông nghiệp cũng được đẩy mạnh, sản lượng lương thực
năm 1957 đạt được 3,95 triệu tấn, cao hơn cả sản lượng cao nhất tại
Miền Bắc trước Đại chiến Thế giới lần thứ hai (2,4 triệu tấn).
Niềm
vui “người cày có ruộng “chưa nhen nhúm được bao lâu, chẳng hiểu ma nào
đưa lối, quỷ nào dẫn đường, người ta bỗng lùa hết nông dân vào hợp tác
xã. Hiến pháp sửa đổi năm 1980 quy định rõ ràng: đất đai là sở hữu của toàn dân
Từ đó, hầu hết đất đai được giao cho các hợp tác xã và nông trường khai
thác. Ngay từ khi chính sách này được thực thi, từ năm 1976 đến năm
1980 năng suất lúa giảm từ 2,23 tấn/ha xuống chỉ còn 2,08 tấn/ha mặc dù
Nhà nước đã tăng cường đầu tư vào nông nghiệp.
Người ta không
những không tích cực trồng cấy mà cũng chẳng thiết gì đến khai hoang
khẩn hóa. Việt Nam có tiềm năng nhất định về đất đai nhưng hiệu quả sử
dụng tiềm năng này vào những năm đẩy mạnh công cuộc cải tạo xã hội chủ
nghĩa càng rất thấp. Diện tích đất chưa sử dụng, tính đến năm 1993 còn
tới trên 14,2 triệu ha, chiếm gần một nửa (43%) tổng diện tích đất tự
nhiên. Trong đó: miền núi và trung du Bắc Bộ 6,5 triệu ha, Khu Bốn 2,3
triệu ha, duyên hải Miền Trung 2,1 triệu ha, Tây nguyên 1,6 triệu ha,
đồng bằng Cửu Long 0,8 triệu ha. Đến năm 1993 cả nước còn 11.420 ha đất
trống đồi trọc, chiếm 57% diện tích đất lâm nghiệp. (Theo Vietnam
Discoverry – Nhà xuất bản Thống kê).
Lợi dụng quy định đất đai
thuộc sở hữu toàn dân, các quan chức Nhà nước đua nhau phát huy sáng
kiến vẽ ra đủ loại bản đồ quy hoạch, trong đó hàng loạt “kế hoạch treo
“rải rác khắp nơi đã để hoang hóa hàng vạn hecta đất qua nhiều năm,
suốt từ thành thị, đồng bằng đến trung du...
Trong cuốn “Viết
cho Mẹ và Quốc hội “cụ Nguyễn Văn Trấn kể lại: Một lần, đến thăm một
lớp học chính trị của cán bộ trung cao cấp, khi được hỏi: “Dân chủ tập
trung là gì?”, cụ Hồ đã giải đáp: “Như các cô, các chú có đồ đạc, tài
sản gì đó thì các chú các cô là chủ, đó là dân chủ. Các chú các cô
không biết giữ. Tôi giữ dùm cho. Tôi tập trung bỏ vào rương. Tôi khóa
lại và bỏ chìa khóa vào túi tôi đây. Đó là tập trung !”.
Thay
cho hợp tác hóa nông nghiệp, hòng nhích tý chút ra khỏi cái cùm công
hữu ruộng đất, bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc dũng cảm đề xuất chủ
trương khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Ông bị tổng bí thư Trường
Chinh đập tơi bời qua nhiều trang báo Nhân Dân dày đặc. Rồi ông bị trù
dập, đầy ải cho đến chết. Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị mãi sau này
mới thắp được một nén nhang muộn màng cho oan hồn Kim Ngọc.
Công hữu hay tư hữu hóa bằng quyền lực.
Trong
bài “Nông dân Bắc Phi “in trong “Hồ Chí Minh toàn tập “(tập Một),
Nguyễn Ái Quốc có đoạn viết sau: “Đối với người Tuynidi, người ta
thường sử dụng những mánh khóe kiểu như sau: 25 khu ruộng của người
Tuynidi làm thành một babu tập thể. Những người nông dân canh tác đất
đai ấy được hưởng một phần mừa màng, phần khác dành cho phúc lợi xã
hội, giáo dục, xây nhà, phương tiện thông tin và những xí nghiệp có ý
nghĩa tập thể khác nhau.
Babu tập thể không thể được sử dụng cho
cá nhân, nhưng có thể chuyển từ một xí nghiệp tập thể sang xí nghiệp
khác, vì đó là do lợi ích công cộng. Về sau Phủ Toàn quyền cứ lấy cớ
dùng cho lợi ích công cộng mỗi khi cần lấy đất của người bản xứ cho bọn
chủ đồn điền. Một thí dụ: một nhà báo và chủ đồn điền, khi thấy người
dân bản xứ từ chối bán đất cho hắn, mà hắn thì muốn mua cho mình, liền
đến nhờ bạn - là viên công sứ tỉnh ấy. Tên này liền ra ngay một sắc
lệnh trưng thu dất ấy cho lợi ích công cộng, đuổi người dân bản xứ ra
khỏi đất ấy và chuyển cho người bạn của mình.
Chế độ thuộc địa
ấy đem lại lợi ích gì cho những người nông dân nghèo Pháp? Không! Chỉ
có những tên chính khách bẩn thỉu, những con buôn tham lam và tư bản
lớn được lợi mà thôi
Những công ty đồn điền lớn chiếm những khu đất đai mênh mông, không phải nhắm làm cho nó sản sinh, mà chỉ với mục tiêu đầu cơ”.
Tước
đoạt kiểu như vậy còn phải sử dung mánh khóe vất vả. Ở Việt Nam, đã xẩy
ra cuộc tước đoạt ruộng đất đại quy mô mà cứ tỉnh bơ, mà ngon xơi,
thoải mái hơn nhiều. Ông Vũ Cao Quận chỉ ra cái phương thức tước đoạt
trong cuốn “Gửi lại trước khi về cõi “như sau: “Công hữu của Nhà nước
Xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm: tài nguyên, hầm mỏ, đất đai, nhà
cửa, ruộng đồng... được Đảng và Chính phủ “giữ dùm “cho nhân dân. Nói
chung là như vậy, nhưng Đảng và Nhà nước cũng phải cử một ông Kèo, ông
Cột cụ thể rồi giao con dấu và chữ ký có quyền hành quản lý cho ông
ấy.... Khi có quyền hành, con dấu và chữ ký, việc đầu tiên của ông Kèo,
ông Cột là xắn miếng công hữu ngon nhất cho sếp - người đã giao quyền
hành và con dấu cho ông. Rồi tuần tự, ông tiếp tục tùng xẻo miếng công
hữu tùy theo thân thủ, tim gan... cho vợ, cho con cháu, họ hàng và các
chiến hữu thân thiết của ông. Còn nhân dân – “người chủ “của ông? Cứ
yên trí đi, sẽ được một mảnh vỏ sò là cái chắc !”. Hai nhà lý luận
chống cộng Trung Quốc Mã Lập Thành và Lăng Chí Quân trong “Giao Phong
“cũng nhất trí với Vũ Cao Quận: “Công hữu của Mác “là “sở hữu của toàn
dân “mà “sở hữu của toàn dân “là “sở hữu của nhà nước “mà “sở hữu của
nhà nước “là “sở hữu của chính phủ”, tức... tức là “sở hữu của quan
chức”.
Bài “Giám đốc Sobexco có “xé rào “pháp luật? “trên báo
Lao Động ra ngày 30 tháng 8 năm 2007 có chạy mấy dòng chữ lớn: “Những
tài liệu mới nhất thể hiện ông Nguyễn Thanh Hải – giám đốc công ty chế
biến cây trồng nông nghiệp xuất khẩu (Sobexco) – đã “cầm đèn chạy trước
ôtô”, vi phạm luật pháp trong vụ “biếu không “700 ha đất công ở huyện
Bến Cát, tỉnh Bình Dương”.
Một ông giám đốc nho nhỏ như vậy mà
có thể biếu không 700ha đất ! Hỏi, những thủ trưởng cấp trên ông dăm
bẩy bậc có thể biếu không bao nhiêu, bao nhiêu hecta đất? Cho nên các
“địa chủ đỏ “ngày nay không phải chỉ có hàng trăm (Chính quyền Sài Gòn
trước 1975 chỉ giới hạn 115 ha cho mỗi địa chủ) mà hàng chục nghìn
hecta đất.
Nhiều “địa chủ đen “ngày nào chưa có nổi một hecta
đất đã bị trói vào cột trường đấu để tá điền đốt râu rồi chết tức tưởi
trong lao đầy. Các “điạ chủ đỏ “ngày nay không tốn một giọt mồ hôi mà
ung dung quá, phè phỡn quá.
Ôi những oan hồn dân tộc! và hỡi các sủng nhi, sủng tử của chế độ công hữu...!
Giá đất
Ở
Việt Nam đã tồn tại khá lâu những khái niệm, những thuật ngữ rất quái
đản. Không nói đến những khái niệm, những thuật ngữ kỳ dị xuất hiện
trong các tác phẩm thơ văn của những nhà văn, những thi sỹ siêu việt
hay trong các luận văn khoa học làm choáng váng trí tuệ con người, thử
đề cập đến một số văn liệu hành chính quốc gia như Hiến pháp chẳng hạn.
Trong bản “Thảo luận về dự thảo sửa đổi hiến pháp Việt Nam năm 1980
“gửi Nhà nước cách đây 15 năm, một trong những khuyến nghị tôi nêu là:
“Không nên lạm dụng cụm từ XHCN. Việc đưa ý niệm “Công dân có nghĩa vụ
tôn trọng và bảo vệ tài sản XHCN “làm cho điều 76HP vừa không xác định,
vừa mâu thuẫn với một số điều khác. Thế nào là tài sản XHCN? Đối với các di sản văn hóa, di tích lịch sử, các tài sản của các thành phần kinh tế khác thì sao?”.
Thế
nào là tài sản XHCN? Câu hỏi rất rõ rành và câu trả lời nghiêm túc là
cần thiết và rất hệ trọng nhưng chẳng ai dám đụng đến. Cam đoan rằng,
cho đến nay, không phải chỉ những người it học như tổng bí thư Đỗ Mười
hay có được du hoc ngoại quốc như tổng bi thư Nông Đức Mạnh mà cả nhũng
người có học vấn thực sự cũng không thể xác định được đâu là tài sản
XHCN.
Hiến pháp là luật mẹ của các luật trong một nước mà còn lơ
mơ, nhập nhằng như vậy thì làm sao mà xây dựng được nhà nước pháp
quyền, dù chỉ là pháp quyền XHCN !
Tương tự là trường hợp thuật ngữ: “Giá quyền sử dụng đất”.
Luật Đất đai công bố năm 2003 quy định:
• “Giá quyền sử dụng đất”
(sau đây gọi là giá đất) là số tiền tính trên một đơn vị diện tích đất
do Nhà nước quy định hoặc được hình thành trong giao dịch về quyền sử
dụng đất.
• ”Giá trị quyền sử dụng đất” là giá trị bằng tiền của quyền sử dụng đất đối với một diện tích đất xác định trong thời hạn sử dụng đất xác định”.
Thật
là “bối rối chẳng xong bề nào”. Đất và quyền sử dụng đất là hai khái
niệm hoàn toàn khác nhau, cho nên không thể có chuyện: “Giá quyền sử dụng đất”
(sau đây gọi là giá đất) “được. Cái ghế tổng bí thư ngồi thì có giá chứ
quyền ngồi trên cái ghế tổng bí thư thì làm sao định giá bằng tiền
được. Có chăng chỉ định bởi sự chấn hưng của đất nước hay nỗi thống khổ
của nhân dân.
Cho nên đã qua mấy đời thủ tướng rồi mà trong bài
phát biểu trước Quốc hội ngày 31 tháng 3 năm 2007 thủ tường Chính phủ
Nguyễn Tấn Dũng vẫn phải trần tình: “Vấn đề giá đất, thưa Quốc hội, đây
là một trong những vấn đề mà trong lãnh đạo, điều hành, trong quản lý
của Chính phủ là đang khó khăn, vướng mắc rất nhiều và Chính phủ cũng
tốn rất nhiều thời gian về vấn đề này”. Không đành tỏ ra bất lực, ủy
viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị, trong bài viết đã nêu trên đây chỉ
thành khẩn van nài: “Quả thật, đây là một trong những vấn đề vô cùng
quan trọng, khó khăn, phức tạp và bức xúc không chỉ với đông đảo nhân
dân mà các cấp chính quyền cũng đang mong chở Chính phủ và Quốc hội
khóa XII sớm xem xét, giải quyết”.
Cũng trong bài “Nông dân Bắc
Phi “đã nêu trên, Nguyễn Ái Quốc tố cáo “những tên chính khách bẩn
thỉu, những bọn con buôn tham lam “như sau:
“Những tên địa chủ
biết rõ là, dân bản xứ luôn luôn lo sợ bị trưng thu. Vì vây, khi nào họ
muốn chiếm đất, họ sử dụng luật về trưng thu như một con ngoáo ộp. Dân
bản xứ tất nhiên muốn bán đất của mình với giá rẻ mạt, còn hơn là để
cho chính quyền hành chính bỗng chốc làm mình phá sản.....
Công
ty này mua của dân bản xứ mối hecta giá từ 20 đến 30 phrăng và sau một
thời gian ngắn bán lại với giá 1.000 và 1.200 phrăng trong một vài
tháng lãi tới 858.000 phrăng”.
Họ, ở Châu Phi, mới ăn lãi được
gấp (1.100 / 25 =) 44 lần đã bị cụ Nguyễn Ái Quốc căm phẫn rủa xả là
“những tên chính khách bẩn thỉu”. Cái bọn sủng nhi, sủng tử của chế độ
công hữu ở Việt Nam ngày nay chúng chỉ trả cho người dân (trong đó có
bà mẹ Việt Nam anh hùng, có cựu chiến binh đã để lại một phần máu thịt
ở chiến trường) vài nghìn đồng để bán được mấy triệu đồng, vài chục
nghìn đồng để bán được mấy chục triệu đồng. Thưa Cụ, không phải chỉ có
44 lần như ở Châu Phi đâu, ở Việt Nam bây giờ bọn chúng thu lợi bất
chính gấp nghìn lần Cụ ạ!
Chỉ một vụ rất nhỏ của Sobexco nêu
trên đã được báo Lao động công bố: “Nhiều cơ quan chức năng khẳng định:
Việc hợp pháp hóa giá trị đất công cho tư nhân, dẫn tới hậu quả gần 400
tỷ đồng tiền Nhà nước, hiện nay đã thật sự chẩy vào túi tư nhân”.
Cựu
thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Đặng Hùng Võ thì cho biết: với
việc áp dụng hai giá đất trong 20 năm qua Nhà nước đã để rơi vào túi
các quan tham và đệ tử của họ 70 tỷ USD.
Kiến nghị
Đến
đây, tưởng đã có thể trả lời mấy câu hỏi liên quan đến các vụ biểu tình
khiếu kiện đang diễn ra ngày càng đông người của ông Phạm Quang Nghị
như sau:
• Có phần do trình độ, năng lực và phẩm chất cán bộ các
cấp yếu kém và tiêu cực nhưng đấy không phải là nguyên nhân chủ yếu gây
nên bất bình khiếu kiện của người dân.
• Không phải nguyên
nhân chủ yếu là do người dân hiểu sai, làm sai hoặc cố tình đòi hỏi
những lợi ích không thể đáp ứng được.Càng không phải do người dân bị
các thế lực thù địch, bọn bất mãn, cơ hội chính trị, bọn tôn giáo phản
động xúi giục, kích động.
• Không phải cái sai này chủ yếu là
do các cấp bên dưới, do có sự hiểu sai, làm sai, mà do các Bộ Chính trị
ĐCSVN từ trước đến nay mù quáng đưa chủ nghĩa Mác vào Việt Nam, vạch ra
nhiều đường lối sai lầm, trong đó có chủ trương công hữu hóa ruộng đất.
Ruộng đất phải có chủ cụ thể, phải “hạn danh điền”, phải được
tư hữu hóa; đấy là lẽ đời mà cha ông ta đã nhận ra và thực thi từ gần
nghìn năm trước. Nay Việt Nam đã vào WTO, muốn hay không, thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố phải xây dựng nền kinh tế thị trường đầy
đủ. Kinh tế thị trường là kinh tế hàng hóa phát triển ở trình độ cao. U
mê, trì trệ mãi nhưng rón rén rón rén rồi cũng phải cho mở lại nhà
thương tư, trường tư thục..., phải thừa nhận lao động, chất xám... cũng
là hàng hóa. Chỉ còn bước cuối cùng sao sống chết cứ phải ngoan cố giữ
cho được đất đai là tài sản của Nhà nước? Phải chăng vì miếng ăn này to
quá, phải chăng chỉ vì đất đai đang là cái kho vô tận để các quan tham
bấu xấu. Tham thực cực thân. Tước đoạt tàn bạo lắm thì phản ứng của
nhân dân sẽ càng mạnh. Đàn áp đi, để rồi lại cú phải đàn áp mãi, đàn áp
nữa, đàn áp ngày càng dữ dội hơn. Để rồi, oán giận cứ thế mà chồng chất
lên cao ngút tròi.. Đất đai là nguồn sống của nhân dân, của đất nước
nhưng là hiểm họa của chính quyền chính vì vậy. Hiểm họa dẫn đến sụp
đổ, đến tang thương không phải vì kẻ thù đâu mà do chính từ lòng tham
và sự ngu muội của chính quyền.
Hãy thực sự cầu thị nhận ra cho
được sai lầm tai hại đã mắc phải và dũng cảm, chân thành sửa sai, đừng
loanh quanh dối mình, lừa người, đừng vá víu chằng đụp. Thay áo đi để
có áo mới đẹp hơn, đừng để áo cũ phải bục nát, tả tơi, rơi rụng. Có thể
phải tiết chế bớt sự kiêu hãnh, lòng tự hào đã có một cách giả tạo, quá
trớn; có thể phải san bớt cửa, sẻ bớt nhà; có thể phải nhả bớt miếng ăn
(đã ăn vụng, ăn chặn) nhưng đấy là đòi hỏi của lẽ công bằng, của ý trời
không thể không thành khẩn sám hối mà nhận ra cho kỳ được.
Tư
hữu hóa ruộng đất phải được tiến hành từng bước thận trọng nhưng cần
hết sức khẩn trương. Có thể là nên thảm khảo ý kiến sau đây của ông
Nicolaus Tideman – cựu thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế của tổng
thống Mỹ và ông Bruno Moser – chuyên gia quốc tế về đất đai: “Cấp “Giấy
chứng nhận sở hữu cá nhân “cho người sử dụng đất. Tất cả mọi người sử
dụng đất sẽ phải nộp thuế đất hàng năm. Việc định thuế đất dựa vào giá
trị đất với những lợi thế tự nhiên của nó: độ màu mỡ, vị trí...Giấy
chứng nhận sở hữu cá nhân về đất đai được tự do chuyển đổi với mức phí
tương ứng với chi phí cấp một giấy chứng nhận mới. Sẽ không có bất kỳ
khoản thuế chuyển nhượng dựa trên giá trị nào, vì điều này làm tăng chi
phí, ngăn cản sự linh động của thị trường và tạo cơ hội cho tham nhũng
và các hành vi trốn thuế. Các mảnh đất chưa có chủ sẽ được đấu giá công
khai, dành cho những người sẵn sàng nộp thuế cao nhất.... Thông tin về
mức thuế ở mỗi khu vực được công khai trên Internet và tại mỗi văn
phòng quản lý đất đai. Bất kỳ ai muốn tranh cãi về việc định giá sẽ
được yêu cầu đệ trình đề án của mình. Tin rằng, nếu chính sách này được
thực thi, sẽ chấm dứt ngay tình trạng đầu cơ đất và giúp hạ nhiệt giá
đất. Người nghèo và những người sử dụng hiệu quả sẽ được tiếp cận với
những thửa đất theo đúng nhu cầu. Các tòa nhà, cơ sở hạ tầng sẽ mọc lên
nhanh chóng vì mọi người sử dụng các cơ hội mới để cải thiện mảnh đất
của mình. Không còn cảnh mua đất rồi ngâm đấy, chờ Nhà nước đền bù giải
tỏa hoặc chờ giá đất lên cao để bán... Thuế đánh vào các hoạt động kinh
doanh (Thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp...) không phải là công cụ
tốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc tăng thu ngân sách từ thuế
đất và giảm gánh nặng thuế kinh doanh sẽ giúp Việt Nam thu hút đầu tư
nước ngoài (FDI) một cách vượt trội, thậm chí các tập đoàn sẽ chuyển cả
tổng hành dinh vào Việt Nam chứ không phải chỉ chuyển nhà máy”.
Nguy cơ hiểm họa từ đất đã nhỡn tiền, hãy sáng suốt lắng nghe thế giới tiên tiến và học lại cha ông tư hữu hóa ruộng đất để giải tỏa hiểm họa, đồng thời làm cho đất đai thực sự trở thành nguồn sống cường thịnh của đất nước.
Hiến pháp 1946
Ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh đọc Tuyên Ngôn Độc Lập, bắt đầu bằng câu: Tất
cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền
không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được
sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ.
Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam ngay khi mở đầu đã dẫn một ý quan trọng
trong Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ cách đó 169 năm về trước.
Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam còn trích một câu trong Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 (về quyền tự do và bình đẳng).
Đã là con người phải có đủ 3 quyền. Đó là quyền Sống, quyền Tự do và quyền Mưu cầu hạnh phúc. Muốn thực thi quyền mưu cầu hạnh phúc thì từng cá nhân phải có quyền tư hữu.
Ngày 19-11-1946, Quốc Hội Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà thông qua bản hiến pháp đầu tiên.
Hiến
pháp 1946 của Việt Nam có một điều về quyền tư hữu cá nhân: Điều thứ
12, viết rất gọn, chỉ gồm 12 từ, không một từ nào thừa. Điều luật được
viết dưới dạng khẳng định, dù bất cứ ai có ý đồ lươn lẹo đến đâu cũng
không thể đưa ra cách hiểu khác và giải thích một cách xuyên tạc.
Quyền tư hữu: ước vọng từ muôn đời của con người để có thể mưu cầu hạnh phúc.
Từ
thượng cổ, khi con người nguyên thuỷ giữ được mạng sống của mình và
được chút ít tự do trong hành động, lập tức họ có ước vọng sở hữu.
Triết
gia người Anh John Locke (1632-1704) là một trong những tên tuổi nổi
bật nhất trong lịch sử tư tưởng phương Tây thế kỷ XVII và được xem là
một trong những cội nguồn tri thức của phong trào Khai sáng ở châu Âu.
Chính ông là tác giả của câu danh ngôn: “quyền tự nhiên của con người
là quyền sống, quyền tự do, quyền tư hữu”. Tiếp thu nội dung này, Hiến
pháp 1791 của Pháp viết: quyền con người - đó là “quyền tự do, sở hữu,
được an toàn và chống lại áp bức”. Xin chú ý rằng “tư hữu”và “sở
hữu”trong tiếng Việt đều được dịch từ một danh từ duy nhất của tiếng
nước ngoài.
Con người, sở hữu mạng sống của mình, đương nhiên
cũng sở hữu sức mạnh cơ bắp và trí tuệ, sở hữu những tri thức và kỹ
năng học hỏi được trong quá trình sống và sở hữu mọi của cái do mình
làm ra được.
Một con người không có gì để sở hữu hoặc bị tước
đoạt quyền sở hữu thì không thể mưu cầu hạnh phúc trong cuộc đời. Con
người đó không thể sống nếu không được đồng loại đoái thương.
Luật pháp là cho hạnh phúc của con người
Sự
kiện Tòa Khâm Sứ và Giáo Xứ Thái Hà là một trong muôn vàn sự kiện khác
có tính thời sự tại Việt nam, nhưng sự kiện ấy phản ánh tình trạng lớn
lao đến quyền sở hữu đất đai trên toàn thể dân tộc và đất nước Việt Nam
thuộc mọi tôn giáo, tập thể và tầng lớp nhân dân. Đó là chìa khóa mở
vào thực tại toàn diện của đất nước. Quyền sở hữu đất đai của toàn dân
mới là huyệt điểm của bài toán dân tộc Việt Nam hiện nay. Khước từ nó
là chối bỏ thực tại chân lý cơ bản để giải quyết triệt để các vấn đề có
liên quan khác. Tất cả mọi giải pháp đều chỉ là vá víu, cục bộ và làm
chồng chất những bất công từ thế hệ này đến thế hệ khác.
“Ngày Sabat được làm ra là vì con người; Con người làm chủ ngày Sabat” .
Luật pháp là do con người làm ra. Luật pháp chỉ có ý nghĩa trong không
gian và thời gian. Tuỳ vào hoàn cảnh và thời đại, luật pháp cần phải
phù hợp để thực hiện công lý, đem lại hạnh phúc và hoà bình cho nhân
dân.
Hữu An
|