§ Alfonso Hoàng Gia Bảo Hôm
nay 19/10 tròn tháng kể từ ngày Tp.Hà Nội khởi công cái vườn hoa ‘ô
nhục’ trên đất Tòa Khâm Sứ, đồng thời cũng là ngày Csvn chính thức mạnh
tay đàn áp công giáo thủ đô.
Mặc dù chuyện đất đai nơi này đã lắng xuống nhưng một vài động thái gần đây của nhà cầm quyền, như đài Á Châu Tự do đưa tin “Trong
một diễn tiến chưa bao giờ xảy ra, hôm 15/10, Ủy ban nhân dân thành phố
Hà Nội mời họp và thông báo với đại diện ngoại giao các nước tại Việt
Nam rằng sẽ đề nghị thuyên chuyển Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt ra
khỏi Giáo phận Hà Nội” (RFA, 18/10)
Điều đáng lo ngại là ở chỗ, vì không có quyền hạn cách chức hay
thuyên chuyển Đức Cha nên để làm được điều này, chính quyền Hà Nội chỉ
còn mỗi một cách là đem ‘luật rừng’ ra để hành xử.
Cũng cần chú ý là những lời nói trên diễn ra trong thời điểm tòa TGM
đang bị bao vây bởi vô số thiết bị theo dõi. Liệu sẽ có thêm một chiến
dịch vu khống Đức cha Kiệt xảy ra trong thời gian tới?
Ngay cả khi không có một chiến dịch như vậy, thì vai trò của đức cha
Kiệt qua lời phát biểu trên của ông chủ tịch Thảo về vụ Thái Hà và TKS,
rõ ràng người ta đã xem Ngài là thủ lĩnh cầm đầu và là ‘cái gai’ đối
với họ. Chính vì điều này mà hiện nay chính quyền thành phố Hà Nội đang
muốn loại trừ Ngài ra khỏi chức vụ TGM Hà Nội. Một sự lo xa nhằm tránh
hiểm họa tái diễn ‘phong trào’ Thái Hà và TKS, đã từng khiến họ phải
mất ăn mất ngủ suốt tháng 9 qua.
Và nếu việc này diễn ra êm xuôi, bước tiếp theo chắc chắn sẽ đến lượt các Cha ở giáo xứ Thái Hà.
Như thông lệ trước khi tiến hành những việc như vậy, csvn sẽ luôn đi
trước các bước thăm dò như một cách để dọn đường và có thể còn cả trò
ly gián giáo hội. Bởi vậy, hơn lúc nào hết giáo hội ngoài việc cầu
nguyện còn cần thêm nhiều sự bày tỏ phản đối ôn hòa đối với tất cả
những dấu hiệu nào muốn xâm phạm đến chuyện nội bộ của giáo hội.
Vì sao là nhà cầm quyền mà lại phải sợ một vị Giám mục?
Sau khi xảy ra sự việc cắt xén lời Đức Cha Kiệt, có thể nói chính sự
bêu rếu quá đáng của truyền thông trong nước khi ‘đánh hội đồng’ Đức
Cha, đã làm cho nhiều người đâm ra tò mò về bài phát biểu và họ đã đi
tìm đoạn ghi âm ấy để xem thực hư ra sao?
Thật không may cho đảng khi cũng chính vì phải ‘nghiên cứu’ nghe đi
nghe lại nhiều lần đoạn ghi âm ấy, họ nhận ra rằng, chẳng những Đức Cha
không hề nói điều gì sai, mà những lời lẽ quả cảm của Ngài nhiều người
đã từ sự bực tức chuyển sang cảm phục, vì Ngài đã thẳng thắn đã dám nói
ra tất cả những sự đáng tủi hổ có thật kia, nhất là với những người
từng đi đây đi đó nhiều như Ngài và ‘gió đã đổi chiều’...
Ai cũng biết mấy chữ “Xã hội Chủ nghĩa” ngày nay đã bị thế giới văn
minh liệt vào loại chủ thuyết chỉ đáng dùng cho lũ đười ươi, vượn khỉ
trong rừng. Những loài vật vì không đủ khả năng phát triển để trở thành
những sinh vật có khả năng sống tự lập như con người, chúng mới cần đến
‘tập thể’ cần đến tính ‘bầy đàn’ chính là kiểu dáng của một ‘thế giới
đại đồng’ mà chủ nghĩa cộng sản chủ trương.
Hạ cấp là vậy mà đảng Csvn lại đem gán chúng bên cạnh tên nước Việt Nam, thử hỏi xem có đáng nhục?
Chẳng trách sao không chỉ có đức cha mà bao nhiêu người khác cầm tờ
hộ chiếu ấy đi đến đâu cũng bị nhân viên hải quan các nước xăm soi. Họ
xăm soi là phải, vì tại sao quốc gia này ngày nay còn trân trọng cái
“Socialism” chỉ dành cho loài vật?
Chúng ta cũng cần biết là trong khối cộng sản chỉ duy nhất VN là có
tên nước dính liền với “chủ nghĩa xã hội”, điều đó cho thấy cái đầu ông
Lê Duẩn tăm tối cỡ nào, khi đổi tên nước từ VN-DCCH dễ nghe sang thành
CH-XHCN-VN vào năm 1976.
Tôi có hai người bạn cùng ở Sàigòn, một là công chức khá cao cấp tại
một cơ quan quản lý vốn viện trợ đầu tư phát triển thành phố và một
người dạy học tại trường Lê Hồng Phong, biết tôi có đạo nên hỏi thăm về
bài phát biểu của đức cha Kiệt và tôi gởi file cho họ. Cách nay mấy
ngày tình cờ cùng gặp nhau tôi hỏi thăm họ ý kiến thế nào về bài phát
biểu của đức cha, thật bất ngờ khi cả hai cùng bảo “bái phục ông tổng Kiệt bên đạo của anh!”
Rõ ràng với những ngôn từ thẳng thắn như vậy, không thể tìm thấy ở
nơi cửa miệng những người bình thường như chúng ta, vốn thường tỏ ra
nhát đảm mỗi khi phải đối mặt với công an và luật pháp. Ấy thế mà mà nó
đã được đức cha Kiệt nói thẳng ra trước mặt đầy đủ bá quan văn võ và
tại ngay chính cái dinh thự đầy quyền uy của họ.
Ông bà ta thường hay bảo “Khôn ngoan đến cửa nhà quan mới biết” quả
không sai chút nào. Những dịp như buổi gặp 20/9 chính là cơ hội cho
thiên hạ khắp nơi nhận ra cái khôn ngoan của đức cha được dịp tỏa sáng.
Và cũng từ thời điểm ấy tôi thấy nhiều trang báo mạng, khi bàn tán
về chuyện đức cha Kiệt bắt đầu xuất hiện thêm hai chữ “lãnh đạo”.
Và đó chính là lý do khiến họ sợ đức TGM-Hà Nội Ngô Quang Kiệt.
Bóng dáng một “lãnh đạo tầm cỡ”
Đây là lời của LM Nguyễn Ngọc Tỉnh khi Ngài đánh giá về Đức cha
Guise Ngô Quang Kiệt trong một bài viết gần đây và tôi rất đồng ý với
nhận xét của Ngài.
Và xin nói thêm rằng, hai chữ “lãnh đạo” đối với bất kỳ người hiểu
biết nào cũng làm họ lo lắng nhiều hơn sự háo hức. Đơn giản vì nếu xứng
danh là người có học và hiểu biết ai cũng biết điều căn bản này, đó là
mưu cầu hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình mình cũng đã “đủ mệt” đủ
khó, huống chi phải lo cho trăm họ những vài chục triệu người. Càng là
người có khả lãnh đạo tầm cỡ, càng ‘có tâm, có tầm’ họ càng không bao
giờ hao hức!
Đức tính cương trực thẳng thắn nhìn thấy nơi Đức cha Kiệt cho phép
tôi tin Ngài không thuộc hạng ham hố danh vọng. Vả lại một khi đã chọn
cho mình con đường tu hành, hơn ai hết Ngài hiểu giáo hội không cho
phép Ngài có thêm bất cứ danh hiệu chức tước gì khác ngay cả trong các
tổ chức xã hội, huống chi là lãnh đạo, lãnh tụ chính trị.
Sở dĩ tôi cần phải minh định ý nghĩa của hai chữ “lãnh đạo” khi nói
về vai trò của Đức cha Kiệt bởi vì chúng ta ai cũng biết, đảng Csvn
luôn miệng bảo “lo cho dân, lấy dân làm gốc” nhưng tay lúc nào cũng lăm
le cái còng. Hễ thấy ai bất đồng ý kiến với họ mà lại có chút uy tín,
tiếng tăm trong dư luận là ra tay bắt bớ và kết tội “âm mưu lật đổ chính quyền” .
Do vậy, cần phải vạch mặt chỉ tên cái sự “lo cho dân, lấy dân làm gốc”
mà đảng rêu rao bấy lâu bằng lập luận trên, để thấy rằng đó chỉ là
những lời nói láo trơ trẽn. Đơn giản chỉ vì con người ta từ bao đời
nay, lớn bé, hết thảy đều quen giành nhau miếng ăn và quyền lợi chứ không ai đi giành trách nhiệm về mình bao giờ.
Đem chiếu cái chân lý đơn giản này vào hiện trạng độc đảng ở VN hiện
nay, chúng ta có thể kết luận rằng, chính đảng csvn mới là kẻ phản động
hơn ai hết. Đảng này đang ‘giành ăn’ không có đối thủ và người phải
chịu mất phần ăn, chịu thiệt thòi còn ai khác ngoài dân?
Xin tạm gác chuyện “lãnh tụ” để nhìn lại lại những gì đã diễn ra tại
TKS sáng ngày 19/9 để thấy vai trò của đức cha Kiệt là quan trọng.
Với một lực lượng vũ trang hùng hậu và một cách làm lạ đời chưa từng
thấy, khởi công xây công viên từ lúc trời còn tờ mờ mới 4 giờ sáng,
Csvn đã phơi bày ý đồ muốn gây bất ngờ đối với giáo
hội (tôi sẽ viết về chủ đề ‘bất ngờ cộng sản’ này sau), không để cho tu
sĩ giáo dân kịp phản ứng, khi mặt trời mọc thì “phe ta” đã làm chủ tình
thế, mọi ngã đường đã bị phong tỏa.
Với kiểu “đột phá” bằng hành động thay cho đối thoại như mong muốn
của Đức TGM-HN, chính quyền Hà Nội chắc chắn hiểu rất rõ đó là kiểu
“đột phá” liều lĩnh, nếu không thành công mọi sẽ rất dễ thành… tro.
Bởi những căng thẳng cũng do họ gây ra ở Thái Hà nóng bỏng còn chưa
dứt, nay lại gây tiếp tục gây ra trên đất TKS chẳng khác gì việc “đổ
dầu vào lửa” một việc làm không khác gì muốn đẩy giáo hội vào thế đối
đầu trực tiếp với họ. Trong thực tế việc này đã đưa đến một sự tập hợp
đông đảo chưa từng có với gần một vạn giáo dân công giáo vào sáng Chúa
Nhật 21/9 tại nhà thờ lớn Hà Nội, tưởng chừng hôm ấy giáo hội đã có thể
tạo nên một biến cố do “tức nước vỡ bờ”.
Có thể nói sáng CN 21/9 là thời khắc chông chênh và đầy lo âu đối
với giới cầm quyền Hà Nội. Họ lo lắng là hoàn toàn có cơ sở. Mặc dù là
Ngài chỉ là lãnh đạo về tinh thần nhưng Đức cha (cùng hai giám mục
khách) cũng chỉ là những con người bình thường, một khi bị nhà nước dồn
ép quá đáng, trọng trách lãnh đạo khiến ai cũng cảm thấy cần phải làm
một điều gì đấy trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy.
Trong lịch sử đã từng có những thời khắc mà số phận của cả một đất
nước, dân tộc được quyết định bởi một vài cá nhân có cá tính mạnh mẽ.
Nổi bật những năm gần đây nhất có lẽ là vai trò của cố Tổng thống Nga
Boris Yeltsin trong cuộc chính biến Nga khi nó leo đến đỉnh điểm căng
thẳng vào ngày 3/10/1993, ngày mà cả dân tộc Nga đứng trước ngã ba định
mệnh.
Hôm ấy, nếu ông Elsin không dám có hành động gan dạ leo lên pháo
tháp một chiếc xe tăng bất chấp cả sự an toàn tính mạng vì bên dưới là
đám đông những trên 10 ngàn người bạn thù có đủ cả, để ra lệnh cho xe
tăng sẵn sàng bắn vào nhà Quốc hội tức bắn vào những người từng là đồng
chí, nếu họ kháng cự lại sắc lệnh số 1400 do ông ký ngày 21/9/1993 để
giải tán Xô viết Tối cao và Đại hội Đại biểu Nhân dân (cơ quan này cũng
giống như Quốc hội VN do đảng csvn toàn quyền thao túng) là hai thành
trì cuối cùng của phe cộng sản, thì nay không biết “con rắn” cộng sản
thế giới đã bị mất đầu?
Tôi không có ý so sánh Thánh lễ CN 21/9 tại nhà thờ lớn HN với những
gì đã xảy ra tại nước Nga 15 năm trước cả về tầm vóc cũng như hoàn
cảnh, mà chỉ muốn nói về sự can đảm của Đức TGM-HN với vai trò là một
vị chủ chăn thần trong hoàn cảnh giáo hội bị chính quyền đán áp như
hiện nay.
Đối với một người như Đức cha Kiệt, khi viết ra những suy nghĩ này
tôi cũng không sợ bị cho là làm chuyện giật dây hay “xúi giục nổi loạn”
bởi chính nhà nước cũng biết rất rõ, một khi ai đó đã dám tuyên bố
thẳng thừng với họ “không có chuyện xin / cho” trong tôn giáo nhưng đó là trách nhiệm mà mọi chính quyền đều phải có bổn phận lo cho dân” thì
các quan chức trong suy nghĩ của người ấy cũng chỉ là ‘bằng vai phải
lứa’, anh là lãnh đạo tôi cũng là lãnh đạo, cái dáng dấp của một lãnh
tụ tiềm ẩn trong chính những lời phát biểu như vậy.
Hơn nữa, phải là người có sự ý thức lớn lao về vai trò lãnh đạo của
mình trong giáo hội nên Đức cha mới ngày đêm từng ưu tư, suy nghĩ nhiều
về quyền tự do tôn giáo. Những chất chứa ấy sẵn dịp ngay sau khi nghe
ông chủ tịch Nguyễn Thế Thảo ‘lên giọng’ kể công thì chúng đã ‘bung ra’
như cái lò xo quật ngược lại để mở mắt cho giới cầm quyền csvn thấy rõ
cái sai của họ ngay tức thì.
Ngoài ra tưởng cũng cần phải nhắc lại trước đó csvn cảm thấy ‘khó chịu’ về Ngài qua hai việc, đó là lời tuyên bố “sẵn sàng ngồi tù thay giáo dân” cầu nguyện tại Tòa Khâm Sứ và việc đi thăm một số gia đình giáo dân ở Thái Hà có người bị bắt.
Một vị giám mục đầy bản lĩnh như vậy là một ân huệ rất lớn cho giáo
hội và tôi nghĩ nếu được ơn sức mạnh siêu nhiên phù trợ không ai dám
chắc hôm ấy Ngài sẽ nắm lấy cơ hội, huy động tất cả giáo dân cùng tiến
về Tòa Khâm Sứ, phá bỏ hàng rào ngăn chận việc xây công viên.
Nếu việc này xảy ra, chắc chắn vài trăm công an mật vụ với vẻ mặt
đằng đằng sát khí như thấy trên mạng không dễ chịu đứng nhìn. Một khi
hỗn độn đã xảy ra quả thật không ai biết chuyện TKS nay đã trôi về tới
bến bờ nào, trong một tình hình xã hội từ ngày hội nhập đến nay, nhìn
bề ngoài là thế nhưng cộng thêm nạn tham nhũng bất công đang hoành
hành, sự thờ ơ lâu nay có thể vì quá chán ngán hoặc vì sợ hãi, nhân cơ
hội này sẽ cùng đứng về phiá giáo hội nổi dậy, khiến chính quyền càng
khó đối phó hơn.
Có lẽ nhận ra sự “thoát hiểm” trong gang tấc ấy, mà mấy hôm sau
(1/10) các giám mục đã được ông thủ tướng tâng bốc công lao một cách
bóng gió rằng “Thủ tướng đánh giá cao về thái độ của Hội đồng Giám mục Việt Nam là không có chủ trương đó…” (TXTVN)
Và cũng chính vì nhận ra tầm vóc lãnh đạo ‘nguy hiểm’ đối với chính
thể của đức cha Ngô Quang Kiệt mà đảng csvn qua miệng ông Dũng rất muốn
nhờ HĐGM-VN ‘giúp một tay’ loại trừ Ngài.
Kết luận
Thế giới ngày nay đã khác xưa rất nhiều khi mà tất cả mọi chuyển
động trên hành tinh này đều được quan sát rất kỹ mọi nơi mọi lúc. Ngày
xưa từng có những việc động trời mà từ lúc nó xảy ra cho đến khi nó kết
thúc không mấy người được biết, đó là các cuộc đàn áp và thảm sát tại
các quốc gia Đông Âu như Bosnia, Kosovo sau thời hậu cộng sản.
Cuộc đấu tranh của giáo hội hiện nay mọi người đều thấy nó rất chính
nghĩa. Tuy nhiên kinh nghiệm lịch sử cũng còn cho thấy, dù là đấu tranh
ôn hòa hay bạo động, chính nghĩa thôi là chưa thể đủ, nhất là để chống
chọi lại những cái đầu hết sức gian manh cộng sản, xem đạo lý pháp lý
chỉ là đồ chơi và phương tiện phục vụ độc tài cho họ, chính nghĩa vì
thế càng trở nên mong manh.
Trong hoàn cảnh giáo hội hiện nay, thiết nghĩ vai trò của các Đức
cha trong HĐGM-VN mới thực sự là quan trọng. Nếu chỉ một mình đức cha
Kiệt đơn côi giữa chợ đời, chắc chắn csvn sẽ không hể ngán ngại can
thiệp vào chuyện riêng của giáo hội. Nhưng nếu Đức cha Kiệt được nằm
chung trong bó đũa giám mục, họ cũng phải chịu thua.
Cộng sản chủ nghĩa đối với các tôn giáo chỉ đáng là chú nhóc tỳ
truớc những bà lão trường sanh bất tử, trong đó tuổi đời của bà cụ công
giáo đã là 4 ngàn năm. Còn đối với lịch sử VN, giáo hội công giáo đã
tồn tại gần 500 năm, trải qua 5 triều đại Hậu Lê, Mạc, Trịnh, Tây Sơn
và Nguyễn. Cộng sản VN chỉ mới có sau khi triều Nguyễn cáo chung, tuổi
đời họ đến nay mới chỉ bằng 1/10 đạo công giáo chúng ta.
Vì thế nói mà không sợ sai, đạo công giáo cũng như các tôn giáo khác
sẽ chứng kiến ngày cáo chung của đảng Csvn chứ không thể có chuyện
ngược lại xảy ra.
Phải khẳng định điều này để mọi người thấy trước rằng, dù csvn có
rắp tâm hại đức cha Kiệt và người công giáo đến đâu, tất cả những việc
làm ấy chỉ mang lại những kết quả mang tính tạm bợ, trong lúc chờ lịch
sử dân tộc sang trang.
Sàigòn, 19/10/2008
Alfonso Hoàng Gia Bảo
|