Bốn câu chuyện quanh danh vị, tước hiệu
1. Trước khi Liên hoan Giọng
hát Vàng ASEAN khai màn tại Việt Nam, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đứng trước
nguy cơ bị loại vì quá tuổi (khi được cử đi, có thể chính anh không ngờ
tới điều này).
Theo thể lệ BTC công bố trong buổi họp báo giới
thiệu về Liên hoan, độ tuổi dành cho ca sĩ tham gia thi dòng nhạc Pop
là dưới 35. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sinh năm 1971, tức là đã quá 2 tuổi so
với quy định.
|
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong đêm thi nhạc dân gian |
Nếu
đúng nguyên tắc đó, Đàm Vĩnh Hưng - một trong những ca sĩ ăn khách
nhất thị trường âm nhạc Việt Nam - bị loại. Nhưng Liên hoan năm nay lại
do Việt Nam đăng cai, nên lấy "uy" chủ nhà, BTC đã linh động... nới
rộng độ tuổi dành cho ca sĩ tham gia dòng nhạc Pop (không những thế, về
sau Đàm Vĩnh Hưng còn được "đặc cách" thi luôn cả phần thi nhạc dân
gian).
Theo dự đoán, Đàm Vĩnh Hưng có thể đoạt ngôi vị cao với
đêm thi Pop hát ca khúc tiếng Anh vào 18/10 (sau khi bộc lộ sự đuối sức
với ca khúc "Đợi chờ" của Thuận Yến ở đêm thi dân gian), bởi
dù sao anh cũng hát trên sân nhà, vốn có lượng "fan" hùng hậu lâu nay
và một trong những yếu tố để xét giải là khán giả có thể bình chọn bằng
tin nhắn.
Sẽ có người thắc mắc, đâu phải BTC
"thiên vị" có mỗi Đàm Vĩnh Hưng, nước bạn Lào và Myanmar còn cử hai đại
diện "lão làng" đã 45 tuổi đi thi kìa! Thưa rằng, họ thi dòng nhạc dân
gian, hát dân ca của đất nước họ chứ không phải "thí sinh" dòng nhạc
đại chúng - Pop, như thế mạnh thực sự của "Mr Đàm".
Cũng nói
về độ tuổi, khi đại diện của Việt Nam 37 tuổi thì Thái Lan cử nữ ca sĩ
mới 14 tuổi Pimnara Varahajirakul đến Việt Nam ứng thí. Malaysia cũng
có một thí sinh 17 tuổi.
Một điều đáng nói nữa là đại diện
dòng nhạc nhạc Pop của VN có ca sĩ Ngọc Anh, Minh Quân. Cùng với NSƯT
Hồng Ngát thi dòng nhạc dân gian thì hai ca sĩ vừa nêu đều thuộc "biên
chế" của Đoàn Ca múa nhạc Đài Tiếng nói VN (đơn vị cùng Đài truyền hình
TPHCM và Công ty Cát Tiên Sa đồng tổ chức).
Với đại diện như
vậy, không ít người thắc mắc: Đây là cuộc thi quy mô ASEAN (có cả các
nước Trung Quốc, Nhật Bản, Bulgari "góp vui"), tại sao ca sĩ cử đi lại
mang tính "cục bộ" như thế và chỉ phát trên sóng Đài Truyền hình
TPHCM?! Dẫu mang tính giao lưu, nhưng nếu các nước khác cũng vậy thì
tên Liên hoan là Giọng hát vàng trên sóng Phát thanh - Truyền hình
ASEAN sẽ đúng hơn?
2. BTC cuộc thi Hoa hậu VN
tuyên bố không thu hồi danh hiệu Hoa hậu của cô gái 18 tuổi Trần Thị
Thùy Dung. Lý do: Thùy Dung không vi phạm thể lệ cuộc thi đã được công
bố rộng rãi.
Khoan lật lại tính đúng sai của thể lệ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008 mà nhìn vào bản chất vụ việc là BTC cho rằng Thùy Dung xứng đáng, nhưng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch lại cho rằng "bất
cứ BTC nào vi phạm điều lệ để xảy ra hiệu ứng xã hội không tốt sẽ bị
tước quyền tổ chức. Với những sai sót từ cuộc thi Hoa hậu VN 2008 vừa
qua, theo Quy chế mới đang chỉnh sửa, Báo Tiền Phong sẽ không được tổ
chức cuộc thi hoa hậu tiếp theo vào năm 2010".
Nếu như vậy, liệu danh vị Hoa hậu của
Thùy Dung có xứng đáng hay không khi mà đến cả đơn vị chủ trì cuộc thi
này cũng bị mất quyền tổ chức?
|
Hoa hậu VN Thùy Dung (giữa) trong đêm đăng quang |
Riêng Thùy Dung, ngay sau đó đã lần đầu tiên lên tiếng sau khi hay tin mình giữ được vương miện. Cô nói với phóng viên: "Cảm
giác vô cùng hạnh phúc thì ngay giây phút đăng quang đã đến với tôi
rồi. Giờ đương nhiên tôi thấy vui và luôn tin tưởng vào quyết định của
BTC. Tôi cũng hiểu ra rằng Hoa hậu hay không Hoa hậu thì tôi vẫn là
tôi...". Ngoài ra không thấy Thuỳ Dung giải thích cuốn học bạ và bẳng điểm "ảo" từ đâu ra...
Hành động của BTC chưa giúp Thùy
Dung ý thức hết về ý nghĩa của chiếc vương miện đã được đặt lên đầu cô
và những ồn ào dư luận xoay quanh chiếc vương miện ấy trong thời gian
qua. Nhớ lại, vào lúc làn sóng đồng tình - phản đối Hoa hậu VN 2008 dâng cao, những tưởng bà Bích Hà, mẹ Hoa hậu Thùy Dung, nói "tôi chỉ mong con tôi về để trả lại vương miện cho BTC" như có báo đưa tin,
nhưng không phải vậy. Khi có tin BTC không tước vương miện của Thùy
Dung, người mẹ Hoa hậu mởi mở lòng hơn để Thùy Dung và chính bà tiếp
xúc với báo chí.
3. GS. Nguyễn Văn
Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN, kể trên Sinh Viên Việt
Nam về thời điểm ra đời của Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn Di sản Tiến
sĩ VN (CPD), nơi ông được mời làm giám đốc: Ông muốn thêm mấy từ "và các nhà khoa học" sau chữ "Di sản Tiến sĩ" của tên Trung tâm. Nhưng vì sợ nó quá dài nên người ta đã bỏ ra.
|
Hội nghị khởi động Dự án Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn di sản Tiến sĩ VN (CPD) ngày 27/9/2008 (Ảnh: Hoàng Lan Anh) |
Thế
là cái tên Trung tâm nghe kêu vang và (có vẻ) thiếu thuyết phục đó đã
góp phần gây nên tranh cãi nảy lửa về tính khả thi và ý nghĩa của nó,
khi mà chuyện phân biệt tiến sĩ "chuẩn" với tiến sĩ "giấy" trong ngày
hôm nay chỉ là ranh giới mong manh, nếu chỉ nhìn vào "nhãn mác" thì rất
dễ tôn vinh nhầm người.
Và sự việc cũng sẽ không quá phức tạp nếu thay vì cố tạo ra vẻ hào nhoáng, với những cái tên kêu như "Trung tâm Di sản Tiến sĩ" hay "Văn Miếu đương đại", Trung
tâm CPD mang một cái tên phù hợp hơn, tránh gây hiểu lầm và quan trọng
là cho thấy họ đang làm việc bằng cái tâm và tầm nhìn xa trông rộng
trong việc lưu giữ những giá trị khoa học, tôn vinh đúng người, đúng
việc, góp phần lưu trữ những giá trị đích thực cho cộng đồng.
4. Vẫn là chủ đề "cô đấm ăn
xôi", câu chuyện thứ tư về hai người đẹp Vũ Thu Phương và Lý Nhã Kỳ của
chúng ta đã đua nhau làm rùm beng trên báo chí việc mình đóng phim của
Hollywood.
Các cô lên báo (thậm chí còn tổ chức
họp báo) công bố, tung hô mình sánh vai cùng những ngôi sao thế giới
như Củng Lợi, Châu Nhuận Phát... trong bộ phim "Shanghai" (Thượng Hải) của
đạo diễn Mikael Hafstrom. Những hình ảnh của các cô khi ra bên ngoài
tức tốc được truyền về trong nước. Nhưng có lục tung thông tin về bộ
phim này trên các website, diễn đàn cũng không thấy tên Vũ Thu Phương
hay Lý Nhã Kỳ trong dàn diễn viên được nhắc đến.
|
Đâu phải quá khó khăn để chụp ảnh với Củng Lợi như Vũ Thu Phương thế này? |
Ở
đây, không phải hai người mẫu sắc nước hương trời "xạo". Họ vẫn góp mặt
trong phim, nhưng vai diễn của họ chỉ là xoẹt qua màn ảnh. Vậy thì cớ
sao họ phải làm ầm ĩ quá đáng như thế?
Rõ ràng qua "sự kiện"
này, tên Vũ Thu Phương và Lý Nhã Kỳ đã được nhắc đến liên tục (điều rất
cần thiết trong thế giới biểu diễn đầy tính cạnh tranh); nhưng cũng
không dưng, các cô đã góp phần quảng cáo không công cho bộ phim kia
ngay từ lúc nó chưa bấm máy.
Ít nhất với sự tham gia trong
khoảnh khắc của hai người mẫu, diễn viên thuộc hàng "vơ đét" trong nước
thì bộ phim kia cũng gây tò mò ít nhiều với khán giả Việt Nam (một
trong những nước châu Á mà bộ phim hướng tới khi ra rạp).
|
Lý Nhã Kỳ ở trường quay phim "Shanghai" |
Nhìn
lại chuyện này, tạp chí Đẹp nói rằng ít nhất Vũ Thu Phương, Lý Nhã
Kỳ cũng là người mẫu hạng A, hạng B ở xứ mình, sao họ không biết "giữ
giá" cho mình?
Bài báo cũng dẫn lời NSND Trà Giang khi được
mời tham gia một vai - dạng có cũng được rồi sau cắt đi cũng chẳng sao
- trong phim Hollywood "Người Mỹ trầm lặng" (có vai xứng đáng dành cho diễn viên VN Hải Yến): "Cô gửi lời cảm ơn đến thiện ý của chú Minh (vì
đạo diễn Đặng Nhật Minh gửi lời mời, khi ấy thuộc tổ đạo diễn thứ hai,
chuyên trách những cảnh nhỏ của diễn viên phụ VN - PV). Vai này mời ai đóng chả được, chứ đâu nhất thiết phải mời cô?". Phát biểu ấy thật đáng suy ngẫm...
Tạm kết
Nhạc
sĩ Nguyễn Cường từng nói, thế hệ mình như nhạc sĩ Trần Tiến, Dương Thụ,
Thanh Tùng, Phó Đức Phương, Phú Quang... thì "na đã ra na, mít đã ra
mít", có nói khác đi, làm khác đi cũng không thay đổi được mình, khó
vượt khỏi mình. Ý đó còn có nghĩa là vị trí của mỗi người thế nào, ở
đâu thì đã được xác lập đúng trật tự, quy định, vai trò và quá trình
cống hiếm. Có muốn "lấn sân", ham hố cái không phải của mình, không
dành cho mình cũng khó. Tóm lại là nên "đi chỗ khác chơi"!
Những câu chuyện kể trên có thể cho
thấy được ngay ví von so sánh, hay nói cách khác là đúc kết ấy. Nếu cứ
"cố đấm ăn xôi" hoặc đứng nhầm vị trí thì lấy đâu ra chỗ cho người khác
đứng, người khác nói, nhất là người trẻ. Và xem ra, danh hiệu, tước vị,
thành tích hay việc được nhắc đến tên với tần suất thế nào... vẫn là
lực hút khó cưỡng với những người tưởng chừng tiếng tăm đã quá đủ đầy.
Nói như nhà nghiên cứu Vương Trí
Nhàn, cuộc sống phát triển, sinh sôi này nở thì phải như tán rừng
nguyên sinh có phân tầng, phân lớp. Mỗi lớp, mỗi tầng đứng và đảm nhiệm
vai trò khác nhau; nếu ai cũng cố chen lên để rồi hàng hàng lớp lớp
không ai chịu ai, cứ cố khua chiêng gõ mõ thì chưa gọt được chân cho
vừa giày thì giày đã rách!