Sự thật là một thứ rất xa xỉ ở Việt Nam. Bây giờ thì mình đã nhận thức rất rõ về điều này.
Mình có thể tin tưởng vào điều gì, để nói về nhà báo Nguyễn Việt Chiến
như một người anh hùng, dù là "anh hùng rơm" đi chăng nữa? Để ngợi ca
ông như vậy, mình không có lựa chọn nào khác, phải tin rằng những gì
ông đã một mực bảo vệ trước toà là sự thật, hoặc rất gần với sự thật.
Nhưng xin hỏi, mình có biết sự thật ấy là gì không? Mình căn cứ vào đâu
để chứng minh cái sự thật trong suy nghĩ của mình chính là, hoặc rất
gần sự thật khách quan?
Mình bất lực trong việc tự mình đi tìm lời giải đáp, và mình tin rằng
bạn bè cũng không thể giúp mình. Chúng mình đành trông chờ vào
báo chí và pháp luật, còn có thể là lực lượng nào khác đây? Ở đất nước
mà báo chí là công cụ của chính quyền, và trong một vụ án lớn như PMU18
khi báo chí chỉ còn là ở dạng một bộ phận phát ngôn chính thức lẫn
không chính thức (đôi khi) của cơ quan điều tra, thì thực chất, niềm
tin của mình đành đặt vào những người thực thi pháp luật mà thôi.
Điều này dẫn mình vào một cái vòng luẩn quẩn và rất có thể khiến mình
tự mâu thuẫn với chính mình. Mình không thể vừa tin những gì ông Chiến
bảo vệ là sự thật, lại vừa tin rằng kết quả xét xử vụ PMU18 cũng là
đúng sự thật. Mình phải làm sao đây? Giải pháp cho mình là không hoàn
toàn tin ai cả. Cái cảm giác không tin tưởng vào điều gì, liệu có dễ
chịu hơn cái cảm giác khi người ta tin vào một điều mơ hồ? Mình chưa
biết, nhưng lý trí không cho phép mình dễ dãi.
Cái giả thiết rằng ông Chiến vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân của một
vụ đấu đá ở "thượng tầng", không phải là không có lý. Nó làm lung lay
nốt cái niềm tin trong mình vào sự cương trực, lòng quả cảm của ông
Chiến, khi ông chiến đấu đến cùng để bảo vệ cái mà ông tin là sự thật.
Ông thực sự tin cái ông bảo vệ là sự thật, hay là ông bị buộc phải hành
động như vậy để người ta có thể tạo ra một thông điệp đủ sức nặng để
răn đe các đồng nghiệp của ông rằng "Phải biết mình là ai"?
Mình, chắc cũng như bao con người khác, đều khát khao sự thật. Nhưng
khi mà sự thật được độc quyền tìm kiếm và cung cấp bởi một nhà phân
phối là chính quyền, nhất là với việc bộ phận giám sát, giám định chất
lượng lại là một công cụ của chính chính quyền, thì mình không thể
không tin rằng đôi khi (nếu không muốn nói là thường xuyên) sự thật ấy
là hàng kém chất lượng. Những tiền án về niềm tin vào chính quyền và
báo chí vẫn còn đang chất đống trong mình.
Mấu chốt vấn đề ở đây là phải phá vỡ sự độc quyền tìm kiếm và cung cấp
sự thật, phải có sự độc lập của bộ phận giám định, giám sát chính
quyền, tức là báo chí. Đừng bao giờ có ảo tưởng rằng cánh tay, chừng
nào còn thuộc cơ thể, thì vẫn có thể hoạt động độc lập với cơ thể. Phải
phá bỏ cái quan hệ bộ phận - chủ thể ấy, tức là không còn cách nào
khác, phải phá bỏ nền chuyên chính vô sản. Trước tiên hãy cứ xác định
rõ ràng và nhất quán như thế đã.
Mình không thể tin được là đến giờ phút này mà nhiều người còn phát
biểu những câu như "Gặp thời thế, thế thời phải thế". Cái thời thế ấy
nó phải thế, bởi chính cái suy nghĩ "thế thời phải thế". Không thể vừa
muốn thoát khỏi cảnh đói sự thật, muốn giải quyết mâu thuẫn, lại vừa có
tư tưởng chấp nhận sống chung cùng mâu thuẫn, nhất là lại vừa trông đợi
người khác giải quyết hộ mình. Người khác là ai, nếu không phải là
chính mình?
|