|
|
Một số người Thượng VN đã bỏ trốn sang Thái Lan |
Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) vừa có chuyến thị sát tìm hiểu tình hình người Thượng hồi hương tại
hai tỉnh Tây Nguyên từ 13/10 -17/10.
Ông
Vũ Anh Sơn, trưởng đại diện của UNHCR tại Hà Nội, nói với BBC
rằng chuyến thăm lần này nhằm mục đích giám sát, cập nhật
tình hình thực hiện thỏa thuận ba bên mà Việt Nam, Campuchia
và UNHCR đã ký kết hồi tháng 1/2005.
"UNHCR muốn xem người hồi hương về VN hội nhập ra sao, có bị phân biệt đối xử hay không và có ổn định cuộc
sống được hay không."
Kết luận của UNHCR, theo ông Sơn, là nói chung "người hồi hương không bị phân biệt đối xử và từng bước hòa
nhập vào cuộc sống" tại địa phương.
Theo thỏa thuận ba bên, người các dân tộc thiểu số từ cao nguyên Trung phần của Việt Nam chạy sang Campuchia sẽ
được hồi hương về lại Việt Nam hoặc cho đi tỵ nạn tại một nước thứ ba.
Con số người hồi hương theo thỏa thuận này tới nay khoảng 500 người.
Tuy nhiên, vẫn còn người Thượng không muốn hồi hương và trong thực tế đã tự tìm đường đi nước khác sau khi
bị UNHCR tại Campuchia từ chối tiếp nhận tỵ nạn.
Một số người Thượng đang lẩn trốn tại Thái Lan nói với BBC rằng họ lo sợ sẽ bị đàn áp khi về Việt Nam,
cho dù chính phủ Việt Nam đã hứa không có hành động trừng phạt.
Thị sát tình hình
Ông Vũ Anh Sơn cho hay đoàn UNHCR đã ở tỉnh Gia Lai ngày 13/10 và 14/10, tới ba huyện Iagrai, Chư Sê và Đức Cơ.
Tại Daklak từ ngày 15/10 tới 17/10 đoàn đã thăm nhiều xã thuộc hai huyện Krong Pak, Ma d'rak và thành phố Buôn
Ma Thuột.
Đoàn do bà Maria Corinna Miguel-Quicho, viên chức cao cấp của UNHCR khu vực Đông Nam Á, làm trưởng đoàn.
Báo chí Việt Nam nói "những người hồi hương đã được các cấp chính quyền địa phương cấp đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước
sinh hoạt và được hưởng các chính sách ưu đãi khác".
Tuy nhiên, các tổ chức người Thượng lưu vong thì cáo buộc không chỉ người hồi hương mà thân nhân của họ cũng
bị đe dọa và sách nhiễu.
Việt Nam nói nhiều người Thượng ra đi vì lý do kinh tế, trong khi những người đang chờ quy chế và không muốn
hồi hương thì nói họ là tỵ nạn chính trị.
|