Thứ Năm, 2024-11-21, 11:53 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 22 » Thị trường tài chính VN: Hiện trạng, Phát triển và Thách thức
8:54 AM
Thị trường tài chính VN: Hiện trạng, Phát triển và Thách thức
2008-10-21

Trong hai ngày 17 và 18 tháng 10 vừa qua, một phái đoàn gồm các giáo sư đại học và chuyên viên nghiên cứu, từ Hà Nội đã sang tham dự một buổi hội thảo tại đại học Princeton, Hoa Kỳ. Chủ đề buổi hội thảo là “Việt Nam – Đông Á Trong Bối Cảnh Toàn Cầu Hoá.”

AFP PHOTO

Lạm phát gia tăng, xuất khẩu giảm sút cùng với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, Việt Nam phải hạ giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2008.

Một phần trong buổi hội thảo bàn về các thách thức cho thị trường tài chánh Việt Nam. Biên tập viên Thiện Giao có mặt tại buổi hội thảo và trình bày một số ghi nhận sau đây.

Nhiều thách thức 

Thị trường tài chánh Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá đang đối mặt với nhiều thách thức, ngoại vi cũng như nội tại, cần được giám sát kỹ hơn trong một chính sách minh bạch hơn, đó là nội dung chính trong số nhiều ý kiến được nêu ra tại buổi hội thảo vừa đề cập.

Diễn giả chính của buổi hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Phó Hiệu Trưởng Trường Đại Học Kinh Tế, thuộc Đại Học Quốc Gia Hà Nội, nhận định, rằng “thị trường tài chánh Việt Nam đặt nền tảng trên hệ thống ngân hàng,” phát triển nhanh, nhưng phần vốn Nhà Nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Ông nói: “Hệ thống ngân hàng Việt Nam cung cấp hơn 20% vốn cho toàn bộ lượng đầu tư xã hội trong nền kinh tế Việt Nam. Số lượng ngân hàng hoạt động tăng rất nhanh, từ 9 đơn vị trong năm 1991, tăng lên đến con số 80 trong năm 2008.”

Mặc dầu phát triển nhanh, tính chất của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn mang tính quốc doanh, vì tỷ lệ ngân hàng có vốn nhà nước hoặc do nhà nước làm chủ, vẫn chiếm đa số.

TS Nguyễn Hồng Sơn

Tiến sĩ Sơn cho biết, rằng mặc dầu phát triển nhanh, tính chất của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn mang tính quốc doanh, vì tỷ lệ ngân hàng có vốn nhà nước hoặc do nhà nước làm chủ, vẫn chiếm đa số.

Cho đến nay, mặc dầu Nhà Nước Việt Nam chỉ làm chủ 6 ngân hàng, nhưng số vốn thuộc Nhà Nước trong toàn bộ hệ thống lại chiếm đến hơn 67%.

Nếu tính trong khu vực ngân hàng cổ phần, thì phần lớn trong số 34 ngân hàng loại này đều do Nhà Nước thành lập hoặc cung cấp vốn.

Trong số những thách thức mà hệ thống ngân hàng và thị trường tài chánh phải đối mặt trong bối cảnh toàn cầu hoá, câu hỏi được đặt ra, là tính minh bạch và vai trò của Nhà Nước trong thị trường này.

Nhà nước và Thị trường

Tham gia đóng góp ý kiến tại buổi hội thảo, tiến sĩ Regina M. Abrami, giáo sư môn Khoa Học Chính Trị, Khoa Quản Trị Kinh Doanh thuộc đại học Harvard, nói rằng vai trò của Nhà Nước trong thị trường không được phân định rõ ràng.

Câu hỏi đặt ra, là Nhà Nước đóng vai trò giám sát hay vai trò cổ đông góp vốn? Từ câu hỏi này, người ta đặt lại vấn đề của tính minh bạch. Ví dụ cụ thể là Tổng Công Ty Đầu Tư Vốn Nhà Nước, SCIC. Trong khi SCIC có nhiệm vụ mua lại càng nhiều càng tốt các công ty quốc doanh, thì trong một nghĩa nào đó, Tổng Công Ty này đóng cả hai vai trò, vừa là người giám sát, vừa là người góp vốn.

BankEconomy200.jpg
Đồng bạc VN mất giá so với đồng đôla, nhiều ngân hàng thương mại đã liên tục tăng lãi xuất để thu hút vốn. AFP PHOTO

Hiện nay, SCIC có trong danh mục của mình hơn 900 công ty con, thuộc Nhà Nước, và khoảng 200 tỷ đồng tài sản.

Giáo sư Abrami, một chuyên gia về Việt Nam và Trung Quốc, nhận xét, rằng: “Trong khi Việt Nam thúc đẩy tính minh bạch cùng quá trình giám sát các cơ chế tài chánh, thì Nhà Nước đã thực hiện nhiều cách thức làm phát sinh sự phức tạp.”

Theo thông tin mà tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn cho biết, thì hệ thống ngân hàng, vai trò “cột sống” của thị trường tài chánh Việt Nam, “phát triển nhanh” trong “môi trường thiếu tính cạnh tranh.”

Bên cạnh đó, tỷ trọng tài sản của ngân hàng (equity capital) vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn, Ngân Hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn với qui mô lớn nhất Việt Nam, chỉ có tỷ trọng tài sản vào khoảng 600 triệu đô la.

Kết quả của tiến trình niêm yết các công ty nhà nước sẽ là yếu tố duy trì niềm tin của giới đầu tư vào Việt Nam.

Cựu đại sứ Mỹ tại VN Raymond Burghard

Chính sách tiền tệ?

Cũng tham gia trong buổi hội thảo, ông Raymond Burghard, nguyên Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam từ năm 2001 đến năm 2004, hiện đang là Giám Đốc Indochina Capital Corporation, thì cho rằng quyền kiểm soát của Nhà Nước là một trong những trở ngại.

Ông nói: “Tiến trình cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà Nước còn chậm. Một số công ty lớn, nằm trong kế hoạch cổ phần hoá, nay cũng chưa được thực hiện. Một trong các lý do chính là “sự duy trì quyền kiểm soát của chính quyền, tức là vấn đề quản trị, liên quan đến sự quản trị mang tính chính trị.”

Ông Burghard cũng tiên đoán, rằng kết quả của tiến trình niêm yết các công ty nhà nước sẽ là yếu tố duy trì niềm tin của giới đầu tư vào Việt Nam. Ông nói, rằng đây là “vấn đề của sự tín nhiệm, tín nhiệm vào khả năng của chính phủ dung hoà quyền lợi mọi phía tham gia, trong thời gian lâu dài.”

Sự kéo dài thời gian cổ phần hoá các ngân hàng thương mại quốc doanh tạo nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực trong hoạt động của ngành ngân hàng.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn cũng đưa ra nhận định, mà ông cho là một đặc tính của thị trường này: hệ thống ngân hàng tại Việt Nam được giám sát bởi Ngân Hàng Nhà Nước, một thực thể không có sự độc lập đối với chính phủ.

Vẫn theo tiến sĩ Sơn, thì các khu vực ngân hàng khác nhau có giới khách hàng khác nhau. Chẳng hạn, khách hàng của ngân hàng do nhà nước làm chủ là các doanh nghiệp nhà nước, công ty tư có qui mô lớn, và khu vực nông nghiệp. Trong khi khách hàng của các ngân hàng cổ phần là các công ty tư nhân nhỏ và vừa.

Trong khi đó, khu vực đầu tư ngoại quốc và một số công ty tài chánh thì quan hệ kinh doanh với các ngân hàng ngoại quốc.

Một thực tế cũng tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn nêu ra tại buổi hội thảo, là chính sách dùng tiến đồng mua lại ngoại tệ trước áp lực của vốn đầu tư từ nước ngoài đã góp phần làm tăng lạm phát.

Để đối phó với tình trạng giá cả tăng cao, các chính sách thắt chặt tiền tệ được áp dụng đã đẩy lãi suất tăng vọt, “tác động nghiêm trọng đến khoảng 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có một nửa đối mặt với tình trạng phá sản.”

Category: Kinh tế | Views: 895 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 44
Khách: 44
Thành Viên: 0