Việc đem ra xét xử và bản án ngày 15/10/2008 chủ yếu dành cho hai
nhà báo dũng cảm chống quốc nạn tham nhũng Nguyễn Việt Chiến (báo
Thanh Niên), Nguyễn Văn Hải (báo
Tuổi Trẻ) (1) là một vết nhơ cho nền tư pháp và cho chính chế độ cộng sản Việt Nam.
Không kể phản ứng gay gắt của Hội phóng viên không biên giới (RSF), có
ba phản ứng quốc tế phản ảnh đúng tính chất, thực chất và một phần hậu
quả của bản án (2).
Người phát ngôn toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội tỏ ra thất vọng về kết quả
vụ xử: "Việc bắt giữ và kết án cải tạo không giam giữ hai năm
đối với ông Hải, và hai năm tù có trừ thời gian tạm giam đối
với ông Chiến, là trái với quyền hạn dành cho nhà báo theo
luật pháp Việt Nam, cũng như cam kết của giới chức Việt Nam
về tự do báo chí. Kết quả phiên tòa đặc biệt gây quan ngại
vì các vấn đề tham nhũng nghiêm trọng mà các điều tra trước
đó của hai nhà báo đã khám phá".
Bà Molly Lien, tham tán sư quán Thụy Điển tại Hà Nội phát biểu: “Chúng
tôi quan ngại về kết quả vụ xử này và cho rằng nó sẽ phát đi các thông
điệp trái ngược về cam kết chống tham nhũng của chính phủ Việt Nam. Vụ
xử cũng làm nổi lên các câu hỏi về luật pháp cũng như tính minh bạch
trong hệ thống tư pháp của Việt Nam”.
Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo trụ sở tại New York cho rằng bản án
dành cho hai ông Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải là "không
công bằng và có tính thù oán. Thông qua việc vạch trần bê bối
tham nhũng lớn tại cơ quan chính phủ, hai nhà báo đã có công
phụng sự nhân dân".
Về mặt pháp lý, nói chung trên toàn thế giới, người ta
không bao giờ truy cứu về hình sự những người làm báo trong việc đưa tin dù họ có thể đưa ra những thông tin không đúng sự thật.
Tại Việt Nam, có luật báo chí (1989, bổ sung năm 1999) chi phối quan hệ
nghề nghiệp của nhà báo, mặc dù chỉ là báo quốc doanh. Nhà báo Nguyễn
Việt Chiến đã nêu lên trước toà “ Tất cả những điều tôi viết chịu
sự xem xét và điều chỉnh của luật báo chí, trong luật báo
chí điều 7 quy định rất rõ ràng là nếu cơ quan báo chí mà
đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, sau khi có đơn của các cơ
quan, tổ chức, cá nhân bị xâm hại quyền lợi thì báo chí phải
đăng đính chính. Nếu không chịu đăng đính chính cơ quan báo chí
phải chịu trách nhiệm khi các đơn vị, cá nhân đó sẽ khởi
kiện. Trong suốt hơn một năm diễ̉n biến vụ PMU18, báo
Thanh Niên
không hề nhận được bất cứ lá đơn nào của tất cả các cá
nhân, tổ chức nào nói là chúng tôi đã xâm hại đến lợi ích
của họ, nên chúng tôi nghĩ những thông tin của tôi đưa không xâm
hại đến lợi ích của ai cả và chúng tôi tin là thông tin có
thật” (3).
Nhưng trong vụ án này có liên quan đến tham nhũng cực lớn tại PMU 18,
người ta bất chấp tất cả. Vì sao? Vì phe có ăn chịu với tham nhũng
trong đảng mà đứng đầu là Nông Đức Mạnh đã tư thù, mà lại là thù dai
đến 2 năm đối với những người đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham
nhũng. Chuyện này sẽ được trình bày kỹ hơn về sau.
Việc tư thù, răn đe đã mở màn với việc tước thẻ hành nghề của 7 nhà báo
(do ông Thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp ký ngày
1/1/2008) trong đó có phó Tổng biên tập hai báo
Thanh Niên và
Tuổi Trẻ.
Trước sự phản ứng và hoang mang trong dư luận, ba tuần sau, Cục Báo chí
đã đưa ra lý do: “(Họ là) những người đã trực tiếp viết bài, hoặc với
trách nhiệm được cơ quan báo giao đã không kiểm chứng nguồn tin, biên
tập, duyệt đăng các tin bài về vụ PMU18 trong đó có những thông tin sai
sự thật nghiêm trọng”. Cục Báo chí đã quên không nêu: Những thông tin
được coi là sai sự thật nghiêm trọng (?) chủ yếu đều
phát xuất từ Cục Cảnh sát điều tra C14! Chúng ta sẽ bàn đến sau.
Tính cách tư thù, răn đe nhưng thực hiện mờ ám, hèn mạt và lúng túng
thể hiện trong việc khởi tố, tống giam (12/05/2008) hai nhà báo Nguyễn
Việt Chiến, Nguyễn Văn Hải (và cả với hai sĩ quan cảnh sát điều tra)
với một tội danh tưởng tượng “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi
hành công vụ” (điều 281 hình luật có liên quan đến tham nhũng (!).
Chính vì thấy nội dung rỗng tuếch này bị các giới phản ứng dữ dội chứ
không vì một lý do nào khác (3), ngày 28/08/2008, lệnh khởi tố của cơ
quan An ninh, điều tra đã phải cho đổi thành một tội danh mà bất cứ một
công dân lương thiện nào cũng có thể mang hoạ: “Lợi dụng các quyền tự
do dân chủ xâm phạm lợi ích, quyền lợi của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp
pháp của tổ chức, công dân” (điều 258 Bộ luật hình sự). Sở dĩ nói như
thế trước hết vì tính cách mù mờ của khái niệm “lợi dụng các quyền tự
do, dân chủ”, nó hoàn toàn trái ngược với tính cách chặt chẽ, rõ ràng
của hình luật. Trong trường hợp hai nhà báo, “lợi dụng các quyền tự do,
dân chủ“ đã được tùy tiện mang ý nghĩa qua bản cáo trạng ngày
22/09/2008 là “
đưa thông tin sai lệch, không đúng sự thật về vụ án PMU18, đáng chú ý là những thông tin liên quan đến
tham nhũng và chạy án của Bùi Tiến Dũng”.
Người ta nêu
lý do đưa thông tin sai lệch để tước thẻ của bảy nhà báo
dù thông tin đó bắt nguồn từ cơ quan điều tra . Người ta cũng nêu lý do
đưa thông tin sai lệch để bắt giam và kết tội hai nhà báo dù đã có luật
báo chí quy định. Đấy chính một trong những đặc trưng của nền công lý
xã hội chủ nghĩa Việt Nam!
Ở đây, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến phần chính trong
những lời đối đáp mạnh mẽ, đầy thuyết phục của nhà báo Nguyễn Việt Chiến với ông chánh án Trần Văn Vy (4):
Hội đồng xét xử: Thế thì bị cáo có thấy tất cả những bài viết của bị cáo có đúng với sự thực không?
Nguyễn Việt Chiến: Thưa quý tòa...tôi muốn nói rằng là ngày 5/5/2006…
Hội đồng xét xử: Đấy, bị cáo suy nghĩ kỹ đi.
Nguyễn Việt Chiến: (tiếp) Tổng cục cảnh sát đã họp
báo, công khai, công bố số tiền Bùi Tiến Dũng đánh bạc là 2,6
triệu đôla và khẳng định hoàn toàn số tiền này là số tiền
tham nhũng từ các dự án của PMU18. Hôm ấy, tướng Phạm Xuân
Quắc đại diện Tổng cục Cảnh sát hôm 5/5/2006 đã công bố toàn
bộ các điều tra ban đầu.
Ngày hôm sau 6/5/2006 tất cả các báo chí toàn quốc đều đăng
khoản tiền là 2,6 triệu đôla. Đặc biệt trong đó tướng Quắc
còn khẳng định vụ án tham nhũng rất nghiêm trọng, chỉ kiểm
tra ba trong năm gói thầu, đoạn Bắc Ninh - Nội Bài, Bắc Ninh-
Hòn Gai đã phát hiện thấy Bùi Tiến Dũng, cùng Phạm Tiến
Dũng cùng đồng bọn đã thông đồng với nhau khai khống để chiếm
đoạn 3,4 tỷ đồng và trong một gói thầu khác đã thông đồng
với một nhà thầu nước ngoài chiếm đoạt 18 tỷ đồng.
(Tòa nói chen vào, không rõ tiếng)
Chúng ta thấy ông chánh án Trần Văn Vy đã hoàn toàn lúng túng, không
đưa được phản bác nào trước lập luận vững chắc của nhà báo Nguyễn Việt
Chiến.
Nhưng tại sao ông chánh án lúng túng ? Vì từ cương vị bị cáo vô cớ, nhà
báo Nguyễn Việt Chiến đã biến thành kẻ kết tội, kết tội giới lãnh đạo
đảng cộng sản Việt Nam. Tại sao ? Vì:
TỪ 12/04/2006, TRÊN ĐÃ KHOANH VÙNG LÀ VỤ PMU18 CHỈ LÀ VỤ ĐÁNH BẠC
Thực vậy, trong cuốn băng ghi âm cuộc hội thảo ngày 20/07/2008 giữa Ban
Tuyên giáo, Bộ Công An và Viện Kiểm sát NDTC (5), trung tướng Vũ Hải
Triều, Cục trưởng Cục An ninh điều tra tiết lộ:
«Ngày 12/4/2006 trước thời điểm khai mạc đại hội 10 của đảng (6) thì
cấp trên (cấp có thẩm quyền) đã nghe bộ công an báo cáo và đã đi đến 1
kết luận là thực chất của vụ án PMU18 chỉ là vụ án đánh bạc, vụ án cá
độ bóng đá nhưng 1 số cán bộ điều tra, 1 số phóng viên báo chí đã đẩy
lên thành vụ án tham nhũng nghiêm trọng gây ra dư luận rất xấu làm phức
tạp tình hình».
So sánh hai thời điểm 12/04 và 05/05/2008, chúng ta có thể đi đến kết luận:
Ngày 05/05/2008 chính là ngày kết tội «bao che tham nhũng» cấp trên cuả
ông Quắc (khởi đầu là Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh, người có những liên hệ
mờ ám với Dũng Huế) và cấp lãnh đạo Bộ Chính trị (khởi đầu là ông Nông
Đức Mạnh, có người con rể nắm vai trò quan trọng trong PMU18).
Tất cả những nhà báo tham dự vào trận đánh tham nhũng lịch sử này, đặc
biệt là nhà báo Nguyễn Việt Chiến (7), phải được tôn vinh.