Chủ Nhật, 2024-11-24, 8:09 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 22 » Tình trạng tự tử trong giới công nhân Việt Nam
1:27 PM
Tình trạng tự tử trong giới công nhân Việt Nam
2008-10-21

Theo các con số thống kê được đưa ra tại hội nghị khoa học mới đây ở Sài Gòn, tình trạng tự tử trong giới công nhân tại Việt Nam đang có khuynh hướng ngày càng gia tăng, nhất là ở thành phần trẻ tuổi.

AFP PHOTO/Frank Zeller

Nữ công nhân Khu Công Nghiệp Thăng Long, Hà Nội, trên đường đến nơi làm việc. Lạm phát, giá cả tăng cao đang gây thêm nhiều khó khăn cho đời sống hàng ngày của giới lao động.

28 tiếng có 1 người tự tử

10 ngày trước, tại hội nghị khoa học của bệnh viện cấp cứu Trưng Vương, TPHCM, bác sĩ Phạm Anh Tuấn đã báo cáo nghiên cứu mới nhất về vấn đề tự tử. Theo đó, trong một năm, chỉ riêng bệnh viện này thôi cũng đã tiếp nhận 310 ca nhập viện vì tự tử, tính ra, cứ 28 giờ thì lại có một ca.

Điều đáng buồn là các trường hợp tự tử đều ở trong độ  tuổi thanh niên. Cũng theo báo cáo, tỉ lệ nữ tử tử nhiều hơn nam, chiếm đến 72%, và nguyên nhân dẫn đến hành vi tự tử chủ yếu là do tình cảm, thất vọng trong cuộc sống và kế đến là do tiền bạc.

Theo bác sĩ Phạm Anh Tuấn, hành vị tự tử được coi là để giải toả những bế tắc, những stress mà người tự tử vì quá tuyệt vọng, không còn đủ sức tỉnh táo để vượt qua. 

Đa số người tự tử đều dưới 35 tuổi, trong đó, 50% là dưới 25. Đối tượng tự tử chiếm tỉ lệ cao nhất là giới công nhân.

Giải thích về điều này, sơ Thảo, một nữ tu dòng Mân Côi ở Thủ Đức, người làm công tác xã hội trong nhiều năm qua và chuyên giúp đỡ tinh thần cho các nữ công nhân trong khu công nghiệp cho biết:      

Các em từ quê đến làm việc trong thành phố, đều mong là khi vào đây thì sẽ có một cuộc sống kinh tế khá, để các em có thể hỗ trợ gia đình. Nhưng, khi vào thành phố, thực tế, các em không ổn định.

Sơ Thảo

“Các em từ quê đến làm việc trong thành phố, đều mong là khi vào đây thì sẽ có một cuộc sống kinh tế khá, để các em có thể hỗ trợ gia đình. Nhưng, khi vào thành phố, thực tế, các em không ổn định về nơi ở, các em phải đi mướn nhà… các phòng trọ giá leo thang.

Một em không thể nào tự mướn một căn phòng được nên phải mướn với những người khác. Các em ở đó, không có đủ phương tiện, không được rộng rãi, vật chất thì thiếu… nhưng vì hoàn cảnh phải chịu.

Có những em không đủ tiền mướn nhà, chỉ mướn chỗ ngủ thôi, chỉ cần một cái chiếu, hồi trước thì 2000 một đêm, bây giờ là 5000 một đêm.”

Đó là về điều kiện sinh hoạt hàng ngày, còn về thu nhập và chi phí ăn uống, Sơ Thảo cho biết tiếp:     

“Vì không có nơi ổn định nên ăn uống cũng không có đủ sức khoẻ, để chống đói thôi, các em phải ăn ở ngoài, không đủ dinh dưỡng, ăn đói… các em đi làm, vì không có chuyên môn, nên làm với tính cách lao động, lương lao động nên nhiều khi cũng không đủ để nuôi sống chính bản thân mình.

 Đó là lý do vì sao, các em đi vào con đường kiếm đồng tiền không trong sạch, nhất là các bạn gái… rồi cuộc sống có nhiều cạm bẫy…nó nhiều yếu tố lắm, nhưng vấn đề chính là hụt hẫng về đồng lương… rồi từ cái này, nối vào cái kia, cuối cùng đi đến một sự thất vọng.

Khi các em rời quê ra đi, thì hy vọng là cuộc sống sẽ tốt hơn, nhưng bây giờ thì laị bết bát hơn mà tiền bạc thì lại không giúp đỡ gia đình được… rồi  tiền cũng không và  tình cũng mất, rồi bệnh hoạn…

Nói chung, nhiều lý do tạo nên, nhưng cuối cùng thì nó cảm thấy rằng nó không còn cách nào để làm lại được nữa thì tự tử.”

Để tìm hiểu thêm về điều này, Phương Anh đã liên lạc với cô Hoài Đông, một nữ công nhân hiện đang làm trong một nhà máy may quần áo xuất khẩu. 

Cô cho biết, quê ở tận Bình Trị Thiên, làm ruộng không đủ sống, theo bạn vào thành phố HCM làm công nhân, để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ nuôi em ở quê nhà.  Đã 1 năm qua, chưa tháng nào cô có dư chút đỉnh, đã vậy, đời sống càng chật vật khó khăn hơn, cô tâm sự:  

Ăn uống phải hà tiện, có người thì sáng không ăn, đi làm, tối về, mua một bó rau muống… nhà trọ đợt này nghe nói là tăng nữa, nên lại phải ăn hà tiện lại.

Cô Hoài Đông

“Mệt mỏi hơn hồi xưa, lương tăng chút xíu nhưng nó ép làm thêm, ai cũng mệt hết… Ăn ở trong công ty thì ăn ít quá nên công nhân không đủ no… Đình công quá trời nhưng cũng không cải thiện được bao nhiêu.  Ăn uống phải hà tiện, có người thì sáng không ăn, đi làm, tối về, mua một bó rau muống… nhà trọ đợt này nghe nói là tăng nữa, nên lại phải ăn hà tiện lại.”

Hụt hẫng, thất vọng

Anh Hậu, đang làm trong một nhà máy sản xuất giầy da ở khu công nghiệp Linh Xuân, Thủ Đức, cũng cho hay rằng, anh mới từ Thanh Hoá vào đây gần hai năm, vật giá càng ngày càng leo thang, không biết rồi đây anh có chịu nổi hay không. Hiện nay, anh đành chấp nhận như thế rồi tính sau: 

“Cũng tạm được thôi, cũng không được vừa lòng lắm nhưng nói chung cũng đành chấp nhận… Lương công nhân thì ít lắm, tiền phòng thì 3 người một phòng, chia ra khoảng trăm rưởi một người.”

Hiện nay, một thực tế cho thấy, đa số công nhân là những người ở quê, bỏ lên thành phố với bao hy vọng rằng sẽ thay đổi được hoàn cảnh của chính mình và gia đình.  Thế nhưng, khi chạm vào thực tế thì đều bất ngờ như lời Sơ Thảo cho hay: “Đa số các em bị hụt hẫng về vấn đề này, bản thân nó không đủ chi tiêu nữa, làm sao mà lo cho gia đình được.”

Chính vì thất vọng, chán nản trong cuộc sống, cộng thêm một số lý do khác như tình cảm, nên dễ dàng đi đến tình trạng tuyệt vọng, và tìm đến cái chết.

Bác sĩ tâm lý Minh Tuấn, hiện đang làm tại Trung Tâm Tư Vấn Tâm Lý Xã Hội và Giáo Dục ở TPHCM cho biết rằng, trung bình, riêng bản thân ông, tháng nào cũng có vài trường hợp muốn tự tử gọi đến, ông nói:

“Nếu ở mức tuyệt vọng thì trong một tháng cỡ 5 trường hợp đang bên bờ vực thẳm, tức là ranh giới... tuy là họ đến đường cùng nhưng họ nói được, sau đó thì mình giải thích và họ tìm con đường sống cho mình. Tỷ lệ này chiếm khoảng 1-2 %. Khi người mà tìm đến cái chết để họ thanh thản ra đi thì họ khổ hơn cái mức bình thường, họ không chịu nổi nữa, họ muốn tìm cái chết.

Đó là sự tuyệt vọng rồi, đường cùng rồi.  Một số đông thì vẫn là vô trách nhiệm với bản thân… cuối cùng thì xã hội vẫn phải gánh chịu, vì bản thân họ nằm xuống thì có biết gì đâu. Cái chính là hậu quả phía sau, gia đình để lại.”

Khi gặp các trường hợp như thế xảy ra, bác sĩ Tuấn phải cố gắng tìm cách trì hoãn người gọi và tìm cách để ngăn chận ngay lập tức. Bác sĩ Tuấn cho biết:  

Trong đội ngũ công đoàn thì họ phải nắm bắt tình hình hiện trạng của từng công nhân, và kết hợp với phụ nữ, liên đoàn lao động để có những buổi nói chuyện chuyên đề, cải thiện thêm cho công nhân. Làm sao cho họ đi đúng hướng.

BS Phạm Anh Tuấn

“Phải kéo dài thời gian cho người ta nhận ra vấn đề đó đã, sau đó để họ nói ra nguyên nhân chính ở đâu và mình tìm giải pháp để giúp họ, chứ mình “phán” không thì cũng không được, mình phải để họ nói đã, tâm lý con người mà, khi gần kề cái chết bao giờ người ta cũng muốn tìm về con đường sống. Mình phải kéo dài thời gian, và trong lúc đó, mình phải phối hợp với các bệnh viện để chia xẻ với họ.”

Giải pháp

Theo bác sĩ Phạm Anh Tuấn, muốn ngăn chận được tình trạng tự tử, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng để làm sao giảm bớt tình trạng ức chế trong cuộc sống. Về điều này, bác sĩ tâm lý Minh Tuấn cũng đồng quan điểm, ông nói:

“Tốt nhất là phải taọ không khí trong gia đình, nếu biết con cái có vấn đề gì thì phải có sự quan tâm, khuyên bảo, chứ bây giờ cha mẹ cứ lo làm ăn bỏ mặc con cái… Trong đơn vị đó phải có người giúp đỡ để giải toả vướng mắc, để họ tìm ra hướng giải quyết, chứ mình cũng không giải quyết thay được… mở nút cho họ để họ tìm ra cách nào tốt nhất thôi.

Trong đội ngũ công đoàn thì họ phải nắm bắt tình hình hiện trạng của từng công nhân, và kết hợp với phụ nữ, liên đoàn lao động để có những buổi nói chuyện chuyên đề, cải thiện thêm cho công nhân, giờ làm việc phải sắp xếp sao cho hợp lý, phù hợp với công việc, ngành may, ngành giầy da… mình phải có phụ cấp hợp lý. Làm sao cho họ đi đúng hướng.

Giải pháp lâu dài thì chắc còn lâu, nhưng nên có những buổi nói chuyện, và khu ký túc xá cho công nhân là quan trọng vì thuê nhà thì quá cao.”

Quí vị vừa nghe một số thông tin liên quan đến tình trạng tự tử trong giới công nhân. Mục Câu Chuyện Hàng Tuần xin chấm dứt nơi đây. Hẹn gặp quí vị vào kỳ sau.
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 830 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 10
Khách: 10
Thành Viên: 0