Vụ
việc Toà Khâm sứ và Thái Hà ( TKS – TH ) xem ra đã im ắng, báo đài
không thấy nói gì, chính quyền cũng đã thinh lặng, ít ra là taị Hà Nội,
nghe đâu ở các địa phương khác đã có những cuộc làm việc với các tu sĩ
hoặc ngươì dân có “dính dáng” đến vụ TKS – TH. một vài điều lệ đã được
đưa ra nhằm khó dễ đến những người có dính dáng này, tuy nhiên nhìn
chung dư luận đã khá êm ả, và người dân đã gần như trở laị với những
sinh hoạt cố hữu. Trở về với những sinh
hoạt cố hữu nhưng có lẽ ngươì dân không còn như xưa nữa, họ sống cảnh
giác hơn, đắn đo hơn với thông tin và nhạy hơn với các vấn đề xã hội.
Trong Giáo Hội hình như ý thức về hiệp thông và đoàn kết có phần mạnh
hơn, không còn cảnh ai chết mặc ai mà đã có một thứ liên đới với nhau,
điều mà lâu nay bởi cuộc sống vật chất và những nỗi sợ hãi đã làm mạnh
lên một khuynh hướng “bình an” cục bộ, bây giờ ngươì giáo dân quan tâm
đến hiện tình của Giáo Hội hơn, quan tâm đến nhau hơn. Hôm
qua gặp một ngươì cháu có việc của Bề Trên sai về Hà Nội, người cháu
này đang tu học ở một đan viện trong Saigon. Trong câu chuyện về đời
tu, về Giáo Hội, về hiện tình đất nước, anh cho biết trong đan viện của
anh, cho đến bây giờ, giờ thờ phượng nào cũng cầu nguyện cho Hà Nội,
cho Đức Tổng Giám mục và cho Thái Hà, Đức Viện Phụ dặn rằng không được
lơi là cầu nguyện cho công lý và hòa bình. Cũng vậy, trong một lá thư
của một ngươì em gái là nữ tu đang phụ trách về đào tạo của một dòng tu
nữ, cô em viết cho tôi và không quên căn dặn “anh cũng phải cầu nguyện
thật nhiều cho các đấng, cho Giáo Hội, nhà dòng của em không ngừng cầu
nguyện từ khi xảy ra cho đến giờ”. Chẳng phải chỉ có những thông tin
đọc được trên trang web chỗ này chỗ kia vẫn tiếp tục tổ chức cầu
nguyện, nhưng rất nhiều nhà thờ, cứ sau lễ là đọc kinh Mân Côi và hát
bài “lạy Chúa từ nhân …..…” để cầu nguyện đặc biệt cho Hà Nội và Thái
Hà. Như thế thì vụ việc nào đâu đã xong ?
Khi xảy ra vấn đề từ miếng đất, ngươì dân phát động cầu nguyện, lúc tập
trung đông đảo, lúc tản mác khắp nơi, lúc căng thảng bốc lửa, lúc ngấm
ngâm nhưng không kém mãnh liệt, nhưng dù thế nào thì ngươì dân chỉ có
cầu nguyện là phương thế căn bản để lên tiếng. Nay đất đã mất, nhưng
người dân vẫn tiếp tục tổ chức cầu nguyện, “kinh khủng” hơn vì bây giờ
người dân còn áp dụng một lối cầu nguyện mà không ai kiểm soát nổi, đó
là cầu nguyện với chuỗi Mân Côi, cầu nguyện với chuỗi Mân Côi thì có
thể cầu nguyện được ở khắp nơi, mọi thời điểm. Tiếp tục cầu nguyện khắp
nơi cho thấy rằng người dân không đòi đất, họ đòi công lý và hoà bình,
họ đòi công bằng và tự do. Mười tháng trôi
qua ( 12/2007 – 10/2008), đặc biệt hơn hai tháng căng thảng ( 14/8/2008
– 21/10/2008) tốn bao nhiêu sức lực giấy bút, tốn bao nhiêu nhân tài
vật lực, bây giờ người ta mới thấy rõ, Giáo Hội Công giáo không có ý
muốn làm cách mạng, không có ý muốn lật đổ chính quyền nhưng chỉ muốn
đòi công lý, đòi công bằng, đòi tự do làm người trên chính đất nước
mình. Người công giáo muốn sống có liêm sỉ, có lương tâm, có lòng tự
trọng, có đoàn kết yêu thương. Lời Chúa
được ban cho nhân loaị, nhưng Lời Chúa lại được ban trong một hoàn cảnh
điạ lý nhất định, xã hội nhất định, lịch sử nhất định. Vì thế Giáo Hội
có nhiệm vụ thông truyền Lời Chúa cho muôn thế hệ trong những hoàn cảnh
cụ thể mà Giáo Hội được sai đến, Giáo Hội có nhiệm vụ soi chiếu Lời
Chúa vào tất cả mọi ngóc ngách của cuộc sống và phơi bày nó ra trước
lương tâm con người. Giáo Hội có nhiệm vụ căn cứ vào Lời Chúa để giải
phóng con người khỏi mọi thứ sợ hãi áp bức, mọi bưng bít cô lập, mọi
oán thù bất công. Cuốn “Tóm lược học thuyết
xã hội của Giáo Hội công giáo” ra đời thật đúng lúc trong một xã hội mà
các giá trị của con người bị xem thường và tước bỏ, quả thật Đức Hồng Y
Phanxicô đã có những hành động đầy chất tiên tri khi thúc đẩy biên soạn
bộ sách này, Giáo Hội công giáo Việt Nam đã rất mau mắn dịch thuật để
giới thiệu với cộng đồng tín hữu. Ngoài
phần nhập đề và kết luận, sách gồm tóm mười hai chương, luận bàn về mọi
lãnh vực sống của con người và xã hội. Chúng ta có thể xem bất kỳ
chương nào khi chúng ta bức xúc cần hướng dẫn để suy nghĩ, lần lượt các
vấn đề chính được đề cập đến trong bản tóm lược này, từ vấn đề nhân
quyền, đến môi trường sống, từ gia đình đến cộng đồng quốc tế, từ kinh
tế đến các vấn đề chính trị. Để việc đọc
sách và học hỏi được hữu ích, mạn phép đề nghị các linh mục giúp giáo
dân suy tư học hỏi từ những bài học thời sự hết sức thiết thực mà toàn
xã hội đang quan tâm, những vấn đề mà xã hội đang trăn trở tìm kiếm
giải đáp hàng ngày, chúng ta có cả một nguồn thông tin dẫu một chiều,
nhưng vô cùng phong phú hôm nay nơi các báo đài của nhà nước : tham
nhũng, tệ đoan xã hội, công bằng, tình trạng nghèo đói, môi trường bị
tàn phá, thiên tai, bạo hành, lối ứng xử thô bạo, …..( sách có bán taị
các nhà sách công giáo trên toàn quốc). Khi
nắm vững được vấn đề, chúng ta không dễ gì bị giao động bởi những “muôn
chiều đạo lý”, không dễ gì bị hiểu lầm và nhất là lời cầu nguyện của
chúng ta trở nên thiết thực hơn, ý thức hơn và đức tin trưởng thành hơn. Giai
đoạn này cũng là giai đoạn mà vai trò của truyền thông cần phát huy,
nắm lấy sứ mạng của mình và đầu tư mạnh mẽ cho công việc loan báo Tin
Mừng rất cụ thể trong xã hội Việt Nam chúng ta, chúng ta đang tốn hao
khá nhiều thời giờ và công sức cho những thông tin mà trên bất kỳ trang
web nào cũng có, chúng ta cần hiểu rằng làm truyền thông không phải là
phong trào để hiện diện cho có “bằng chị bằng em”, nhưng cần làm cho
mọi phương tiện truyền thông thấm đậm các giá trị Tin Mừng. Mai Hạnh 21/10/2008
|