Thứ Ba, 2024-11-05, 8:31 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 23 » Chính sách nào cho thị trường tài chánh Việt Nam?
9:47 AM
Chính sách nào cho thị trường tài chánh Việt Nam?
2008-10-22

Chỉ số lạm phát tại Việt Nam đang hướng dần đến con số 30%, trong khi lãi suất vẫn còn duy trì ở mức cao, gây cản trở cho các hoạt động sản xuất trong nền kinh tế.

AFP PHOTO

Thứ trưởng Tài chính VN Trần Xuân Hà (phải) tại hội nghị tài chính và đầu tư khu vực. Các quốc gia ASEAN đang tìm kiếm các biện pháp chung để ứng phó với cơn khủng hoảng tài chính thế giới.

Giới nghiên cứu đặt câu hỏi, đâu là nguyên nhân đưa đến sự khủng hoảng của thị trường tài chánh Việt Nam?

Có hai yếu tố được nhấn mạnh. Thứ nhất là chính sách “ràng giá” tỷ giá hối đoái. Và thứ hai là làn sóng đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam.

Nhiều áp lực

Cuộc khủng hoảng tài chánh tại Việt Nam thật sự “lộ diện” từ tháng Năm năm 2008. Cho đến nay, có vẻ chưa có một câu trả lời đồng thuận về nguyên uỷ của cuộc khủng hoảng. Trong khi đó, các tranh luận liên quan đến chính sách vẫn cứ tiếp tục.

Một lý lẽ được đưa ra, là Việt Nam sẽ bắt buộc phải chọn lựa một chính sách nhất quán trên con đường mưu cầu sự hồi phục, cho nền kinh tế nói chung, và cho thị trường tài chánh nói riêng.

Trước hết, kinh tế Việt Nam, theo nhìn nhận của một số nhà nghiên cứu, đang phát triển trên một “nền tảng còn yếu và chịu áp lực ngày càng tăng,” như lời nhận định của giáo sư James Riedel, giảng dạy bộ môn Kinh Tế Quốc Tế, đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ.

Ông nói: “Sự phát triển tột bực của kinh tế Việt Nam được xây dựng hoàn toàn trên thượng tầng kiến trúc của nền kinh tế, trong khi nền tảng mà trên đó kinh tế phát triển lại vẫn còn yếu và chịu áp lực ngày càng tăng.”

Sự phát triển tột bực của kinh tế Việt Nam được xây dựng hoàn toàn trên thượng tầng kiến trúc của nền kinh tế, trong khi nền tảng mà trên đó kinh tế phát triển lại vẫn còn yếu và chịu áp lực ngày càng tăng.

GS James Riedel

Giáo sư Riedel nhấn mạnh, rằng khái niệm “nền tảng” mà ông đang nhắc tới, bao hàm “không chỉ hạ tầng cơ sở của nền kinh tế, mà còn cả hệ thống y tế, hệ thống giáo dục, khung chính sách, và đặc biệt là hệ thống tài chánh.”

Những hệ luỵ

Sự rạn nứt trong hệ thống tài chánh Việt Nam xảy ra từ tháng Năm năm nay, gắn liền với sự bùng nỗ của thị trường tiền tệ “chợ đen,” rồi đến những biện pháp mạnh bạo của chính quyền xiết chặt hoạt động của loại thị trường này.

Những hệ luỵ xảy ra, và vẫn tồn tại cho đến thời điểm này, theo ghi nhận của giáo sư Riedel, các hệ quả bao gồm “sự gia tăng gấp đôi của lãi suất trong khi lạm phát đang hướng dần đến con số gần 30%.”

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, lạm phát là hệ quả của nhiều nguyên nhân, trong đó có phần đóng góp của chính sách tỷ giá hối đoái, chính sách chi tiêu của khu vực công, và nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.

Theo ghi nhận của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, thuộc Khoa Kinh Tế, đại học Quốc Gia Hà Nội, thì nguồn vốn FDI tăng rất nhanh, từ 3 tỷ Mỹ kim năm 2006 lên đến 8 tỷ Mỹ kim năm 2007 và 9 tháng đầu năm 2008.

StockInflation305.jpg
Đối phó với tình trạng thiếu vốn do lạm phát tăng cao, các ngân hàng Việt Nam đua nhau tăng lãi suất để thu hút nguồn tiền trong dân chúng. Photo: AFP
Tiến sĩ Sơn cho rằng, Việt Nam, trước áp lực của sự gia tăng vốn FDI, đã tung tiền đồng ra mua đôla, góp phần gia tăng lạm phát, đồng thời làm tăng thâm thủng mậu dịch do giá tiền đồng tăng cao, và làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá nội địa.

Ý kiến này nhận được sự tán đồng của giáo sư Riedel. Ông nói, “lạm phát cao gần 30%, cộng thêm ảnh hưởng của sự gia tăng quá nhanh lượng cung tiền, đến 50% vào mùa Thu năm ngoái, là nguyên nhân đưa đến tình trạng khủng hoảng tài chánh tại Việt Nam.”

Giáo sư Riedel cũng nhận định thêm, rằng “nạn lạm phát trong năm 2007 có một nửa lý do xuất phát từ sự gia tăng của giá hàng hoá. Một nửa lý do còn lại nằm ở các yếu tố thậm chí quan trọng hơn, là yếu tố tiền tệ.”

Việt Nam, trước áp lực của sự gia tăng vốn FDI, đã tung tiền đồng ra mua đôla, góp phần gia tăng lạm phát, đồng thời làm tăng thâm thủng mậu dịch do giá tiền đồng tăng cao, và làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá nội địa.

TS Nguyễn Hồng Sơn

Chính sách tiền tệ?

Vậy thì điều gì đưa đến sự gia tăng lượng cung tiền? Lý do thứ nhất, như tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn đề cập, là vì chính sách “đóng đinh” tiền tệ của chính phủ Việt Nam, tức là “gắn” tiền đồng vào đồng Mỹ kim.

Trong năm 2007, làn sóng đầu tư nước ngoài tràn vào Việt Nam đã khiến Ngân Hàng Nhà Nước can thiệp để giữ tỷ giá hối đoái được bình ổn.

Giáo sư Riedel cho rằng, “Việt Nam, vì lý do này hay lý do khác, không đủ khả năng bình ổn dòng ngoại tệ từ nước ngoài và không đủ khả năng ngăn chặn sự gia tăng của lạm phát.”

“Dòng vốn đầu tư từ nước ngoài,” vẫn theo nhận định của ông, “là yếu tố quyết định đưa đến sự bất ổn, đưa đến cuộc khủng hoảng, và làm tổn thương sự phát triển của hệ thống tài chánh.”

Sự tự do hoá thị trường tài chánh tại Việt Nam là hình thức đáp ứng các cam kết mà Việt Nam đã thoả thuận với các tổ chức quốc tế cũng như khu vực.

Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, các cam kết đã được ký kết gồm có Thoả Thuận Song Phương Việt – Mỹ, Thỏa Thuận Khung ASEAN, và thoả thuận khi gia nhập WTO.

Sự mở cửa thị trường tài chánh như vậy đặt Việt Nam vào thế phải đối mặt với nhiều vấn đề. Các vấn đề này, tiến sĩ Sơn nhận định, bao gồm khả năng duy trì sự ổn định vĩ mô, sự khuyếch đại các yếu kém nội tại của nền tài chánh, tạo ra các cú “shock” nội tại và ngoại vi.

Các chính sách kinh tế có tính 2 mặt và mâu thuẫn nhau. Nhiều khi, sự chọn lựa nằm ở quyết định chọn 1 trong 2 mặt của chính sách ấy. Ý kiến của giáo sư Riedel có sự khác biệt, rằng Việt Nam cần chọn lựa 1 trong 2 chính sách tách biệt.

Ông nói: “hoặc Việt Nam chấp nhận tái xác định giá trị tiền đồng dựa trên chính sách tỷ giá hối đoái thả nổi, hoặc, Việt Nam cần áp dụng một số hạn chế trên dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn đầu cơ.”


Category: Kinh tế | Views: 884 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0