Một lớp ĐHTC của ĐH Nha Trang đối thoại với Hiệu
trưởng
(không phải
đang học mà đứng dậy phát biểu ý kiến về bài học đâu nhá!)
October 22,
2008
Đại học Tại chức, một loại hình đào tạo kỳ cục
kẹo nhất chỉ có ở Việt Nam. Tại chức có nghĩa là chỉ dành cho những người đang
giữ một chức vụ nào đó thuộc các cơ quan, đoàn thể, tổ chức thuộc Đảng CSVN và
bộ máy Nhà nước, hồ sơ nhập học không phải đối tượng này sẽ không được học Đại
học Tại chức.
Hồi xưa thì nói rằng “Tại chức” vì cán bộ ở
trong rừng mắc lo chuyện “kháng chiến” nên không có điều kiện học văn hóa; nhưng
tính từ năm 1954 (miền Bắc) đến nay đã 54 năm, tính từ năm 1975 (miền Nam) thì
đến nay đã 33 năm, nếu những “cán bộ ở trong rừng” còn sống thì cũng về hưu hết
từ lâu rồi, có đâu mà học Đại học Tại chức hoài.
Rõ ràng, việc cứ giữ mãi “Đại học Tại chức”
chỉ là để ngụy biện và hợp pháp hóa cho các thành phần thiếu kiến thức nhưng
thừa lười, thừa dốt nên không thể học nổi hệ chính quy, đành lợi dụng cái khoản
thừa gốc rễ “con ông cháu cha” chui vào cơ quan, tổ chức nào đó rồi từ từ vài
năm sau đi học Tại chức kiếm mảnh bằng Đại học, từ đó thực hiện chiến lược “chui
sâu, leo cao”. Ngân sách Nhà nước mặc nhiên phải cõng cái gánh nặng nuôi báo cô
bằng cách trả lương, trả chi phí đào tạo cho một lũ “hàng phế thải” trước đó đã
bị các trường ĐH khác chê.
Vì vậy, không phải tự nhiên mà từ những năm 80
đã sinh viên các trường đã truyền miệng nhau câu “Dốt như Chuyên tu, Ngu như Tại
chức”.
Chất lượng đào tạo như thế, đối tượng được đào
tạo là những con người như thế thì “cải cách hành chính” đến 100 năm nữa vẫn “u
như kỹ” nếu Việt Nam vẫn cứ tồn tại cái quái thai “Đại học Tại chức”.
Hậu quả mà người dân phải gánh chịu là
“cấp quận chỉ có cùng lắm 2 người có chuyên môn kiến
trúc nhưng còn tầm nhìn thế nào, khó mà đáp ứng được yêu cầu của công tác quy
hoạch” (ĐBQH Nguyễn Việt Dũng của TP.HCM), cấp quận ở TPHCM còn
thế, cấp huyện, thị xã ở các tỉnh thì sao? Dân không khiếu kiện tập thể về đất
đai hàng hàng ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng mới là lạ đó.
CL&ST xin giới thiệu bài viết của một giảng
viên Đại học về thực trạng đào tạo của “Đại học Tại chức”, bài đăng trên
Vietnamnet ngày 22/10/2008. Người
viết bài này tuy là “có lòng” nhưng 3 đề nghị của ông là “không tưởng”, bởi lẽ
giảng viên tại chức đi về các tỉnh “độc mã độc hành” ai mà biết “ma ăn cổ chổ
nào”, đã cố tình dấm dúi thì chỉ có Trời mới biết.
*
* *
4 câu chuyện “khó tin” của giáo dục
Nhân loạt bài về Giảng đường đại học
Việt Nam thế kỷ 21, tôi, một giảng viên có tâm huyết với giáo dục đại học tại
chức Việt Nam, xin gởi đến quý toà soạn một bài viết phản ảnh một thực tế không
lành mạnh trong giáo dục đại học Viêt Nam. Đó là hiện tượng giảng viên đại học
đi ăn nhậu với học viên tại chức và hiện tương học viên tại chức ở các tỉnh phải
hùn tiền để bồi dưỡng giảng viên các trường đại học xuống tỉnh họ để giảng dạy.
1. Hiện tượng giảng viên đại học đi ăn
nhậu với học viên tại chức.
Người viết bài này cũng là 1 giảng viên đại học
tại một trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Thỉnh thoảng tôi được
phân công đi các tỉnh dạy các lớp tại chức. Khi dạy các lớp như thế, vào cuối
buổi dạy các học viên thường mời giảng viên đi ăn tối. Mời đi ăn tối nhưng thực
chất là đi ăn nhậu. Tôi thường từ chối khéo với lý lẽ: “tôi đã có tiêu chuẩn cơm
tối do nhà trường cung cấp”. Và kết quả là tôi nhận được những câu nói như sau
từ các học viên tại chức ở tỉnh: “Thầy khó tính quá, Thầy X, Thầy Y, Thầy Z, …
tụi em rủ là đi liền”. Đôi khi họ tưởng lầm rằng tôi chê các quán nhậu tại địa
phương không hấp dẫn, họ mời: “Nếu Thầy chê mấy quán ở đây không có em đẹp, tụi
em lấy xe hơi chở Thầy sag tỉnh X. Ở đó có mấy quán rất hay với mấy em đẹp như
ý”. Thật hết biết!
Tôi miễn bình luận về cái văn hóa ăn nhậu giữa
Thầy và trò kiểu đó. Nhưng theo cảm nhận của tôi, chuyện ăn nhậu giữa Thầy và
các học viên tại chức dường như đang rất phổ biến tại VN chúng ta. Quý toà soạn
có thể cử phóng viên đi thực hiện một phóng sự về chuyện này sẽ rõ thôi. Hai câu
hỏi lớn đặt ra: (1) Tiền ở đâu mà các học viên tại chức mời Thầy cô ăn nhậu? và
(2) Mục đích mời ăn nhậu? Câu hỏi thứ nhất có câu trả lời rất đơn giản: mỗi học
viên tại chức đóng 1 khoản tiền để hình thành quỹ lớp và dùng tiền đó mời Thầy
đi ăn nhậu. Hãy nhớ rằng đa số học viên tại chức tại các tỉnh đều nghèo, vì vậy
những khoản tiền như thế là gánh nặng cho họ. Câu hỏi thứ hai có câu trả lời đơn
giản hơn: hy vọng Thầy giới hạn nội dung thi, hy vọng Thầy chấm bài nương tay,
và thậm chí hy vọng Thầy cho biết đề trước. Tôi nghĩ trách nhiệm giới truyền
thông là cần phản ảnh hiện tượng không lành mạnh này và nghiêm trị những Thầy
giáo đại học đi ăn nhậu với sinh viên.
2. Hiện tượng học viên tại chức hối lộ
tiền cho giảng viên
Ba câu chuyện đầu tiên là thực tế mà một đồng
nghiệp của tôi đã va chạm. Tôi tin những gì anh ấy kể bởi vì tôi hiểu rõ cá tính
và gia cảnh của anh ấy. Đồng nghiệp của tôi sống không thiếu thốn vì vậy chuyện
anh ấy từ chối những khoản tiền hối lộ từ học viên tại chức theo tôi là có thật.
Còn câu chuyện thứ tư là một nghe kể lại từ chính 1 học viên tại chức.
Câu chuyện 1:
Năm 2000, bạn tôi lần đầu tiên hướng dẫn luận văn
tốt nghiệp cho 1 sinh viên tại chức. Anh ấy quê ở Củ Chi, tên là T. Gần đến hạn
chót nộp luận văn, anh T đến nhà bạn tôi tặng 1 cái túi đệm bên trong có 1 con
gà sống. Xin nói thêm, bạn tôi không hề cho biết nhà nhưng anh ấy vẫn biết nhà.
Nghĩ rằng đây là tấm lòng của học viên, bạn tôi nhận cái túi, nhưng sau đó vợ
anh ây đã phát hiện có 1 bao thư mà bên trong có tiền ở dưới đáy cái túi. Tất
nhiên, bạn tôi đã trả lại anh T số tiền nói trên với sự tức giận.
Câu chuyện 2:
Bạn tôi được phân công dạy 1 lớp tại chức, học
ban đêm. Bạn tôi đã dùng đề thi cùng môn học mà sinh viên chính quy mới vừa thi
xong nhưng sửa đổi số liệu và cho sinh viên lớp tại chức ấy thi. Kết quả ở lần
thi thứ nhất, tỷ lệ đậu là 20%. Ở lần thi thứ hai, tỷ lệ đậu là 40%. Để chuẩn bị
cho lần thi thứ 3 (cũng là lần thi cuối cùng mà 1 sinh viên hệ tại chức được
phép thi với 1 môn học), ban cán sự lớp gồm 3 học viên lớn tuổi đã đến nhà bạn
tôi để nhờ phụ đạo. Ban đầu anh ấy không đồng ý dạy phụ đạo, nhưng sau một hồi
thuyết phục anh ấy nhận lời. Sau khi anh ấy nhận lời dạy phụ đạo, anh lớp trưởng
đưa ra 1 bao thư dày cộp và nói: “Đây là số tiền thù lao giảng dạy phụ đạo của
Thầy, tụi em gởi trước cho Thầy”. Bạn tôi từ chối khéo léo: “Tôi đã có thù lao
do nhà trừơng chi trả từ học phí của các anh. Vì các anh rớt nhiều quá nên tôi
đồng ý phụ đạo thêm 3 buổi, nhưng miễn phí. Nay các anh đã có nhã ý đưa ra khoản
thù lao này thì tôi quyết định không dạy phụ đạo cho mấy anh luôn bởi vì nếu dạy
phụ đạo mà không nhận tiền thì mấy anh áy náy, còn nhận tiền thì từ ban đầu tôi
đã có ý định dạy miễn phí cho các anh. Xin mời mấy anh về, tôi có việc phải
làm”. Bạn tôi tâm sự: “vì mấy ông đó lớn tuổi nên mình không nỡ nói nặng, chứ
gặp phải mấy đứa sinh viên trẻ thì mình sẽ chửi mắng thậm tệ rồi. Tại sao họ lại
đánh giá Thầy giáo đại học mình thấp như vậy nhỉ?”.
Câu chuyện 3:
Bạn tôi được phân công dạy 1 lớp tại chức tại
tỉnh Cần Thơ. Sau lần thi chính thức và một lần thi lại, số lượng sinh viên thi
rớt vẫn là khá cao. Xin nói thêm, bạn tôi cũng đã dùng đề thi cùng môn học mà
sinh viên chính quy mới vừa thi xong nhưng sửa đổi số liệu và cho sinh viên lớp
tại chức ấy thi. Để chuẩn bị cho lần thi lại cuối cùng, nhà trường yêu cầu bạn
tôi dạy phụ đạo 6 tiết tại TP. HCM. Sau khi kết thúc buổi học, anh lớp trưởng
tên T đã theo chân bạn tôi vào buồng thang máy và trao cho bạn tôi 1 bao thư dày
cộp với lý do thù lao dạy phụ đạo. Bạn tôi giận dữ phát biểu: “Anh định hối lộ
tôi đó hả! Thù lao thì nhà trường đã chi trả cho tôi rồi. Anh phải quay lại lớp
và ngay lập tức hoàn trả cho những người đã hùn hạp với anh để có số tiền này.
Tôi sẽ kiểm tra lại nhé. Chào anh!!!”. Sau sự việc đó, bạn tôi tâm sự: “Hình như
chuyện sinh viên tại chức hùn tiền lại rồi bồi dưỡng cho Thầy giáo đại học đã
thành tệ nạn rồi! Buồn quá cho giáo dục tại chức VN”.
Câu chuyện thứ 4:
Một người quen của vợ tôi học tại chức chuyên
ngành kế toán tại 1 trường đại học ở TP.HCM. Khi gần đến ngày nộp luận văn tốt
nghiệp, cô giáo hướng dẫn cứ bắt người học viên ấy sửa luận văn hoài, mỗi lần
gặp lại phát sinh một lỗi mới. Nếu cô giáo ấy liệt kê hết các lỗi trong 1 lần
thì sẽ xong thôi. Xin nhắc thêm người học viên này gặp cô giáo hướng dẫn khá đều
đặn suốt thời gian làm luận văn nhưng không hề bị yêu cầu sửa chữa gì hết. Chỉ
đến khi gần nộp luận văn thì mới phát sinh hiện tượng trên. Khi đối diện với
nguy cơ nộp luận văn trễ hạn và không tốt nghiệp được, có người mách nước, thế
là người học viên ấy để sẳn 1 bao thư mà trong đó có 3.000.000 đồng vào cuốn
luận văn. Vài ngày sau, người học viên ấy được hướng dẫn cặn kẽ tất cả các lỗi
cần sửa chữa. Người học viên ấy đã hoàn tất và nộp luận văn đúng hạn với chữ ký
của cô giáo hứơng dẫn trong luận văn. Sau khi nghe câu chuyện này, tôi mới hiểu
tại sao anh T (trong câu chuyện 1) lại để cái bao thư tiền vào cái túi. Tôi xin
nhường cho bạn đọc bình luận. về câu chuyện này.
Qua 4 câu chuyện nói trên, có thể kết luận dựa
vào phép hồi quy: “Văn hóa hối lộ dường như đã thành căn bệnh trầm kha trong
giáo dục tại chức VN”.
3. Hiện tương học viên tại chức ở các
tỉnh phải hùn tiền để bồi dưỡng giảng viên các trường đại học xuống tỉnh họ để
giảng dạy
Có một thực tế hết sức lạ lùng là các Trung tâm
đào tại tại chức của các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long thường hay ký hợp
đồng liên kết đào tạo với mấy trường đại học ở xa lắc xa lơ hơn là ký hợp đồng
liên kết đào tạo với mấy trường đại học ở TP.HCM hay Cần Thơ. Tất nhiên, học phí
sẽ cao hơn bởi vì đơn giản là phí đi lại của giảng viên tại trường đại học ở xa
lắc xa lơ về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sẽ cao hơn. Không có câu trả lời
chính thức cho hiện tương lạ lùng nói trên, nhưng câu trả lời phi chính thức thì
có. Đó là: “Các giảng viên của mấy trường đại học ở TP.HCM hay Cần Thơ cho sinh
viên rớt nhiều quá nên rất khó chiêu sinh các khoá sau!!!!”. Thường thì các học
viên sẽ hùn tiền để thành lập quỹ lớp. Quỹ lớp đó sẽ được dùng để chi trả tiền
tàu lửa hoặc máy bay cho các giảng viên của mấy trường đại học ở xa lắc xa lơ.
Tuy nhiên thông thường mấy trường đại học ở xa lắc xa lơ đã chi trả tiền tàu xe
cho các giảng viên của họ rồi. Như thế, chuyện gì đến sẽ đến thôi
Tôi kính đề nghị Bộ Giáo dục phát động phong trào
03 không trong giáo dục đại học tại chức của Việt nam:
· Giảng viên đại học không ăn nhậu với sinh viên
tại chức khi còn đang giảng dạy họ.
· Giảng viên đại học không nhận tiền thù lao trực
tiếp từ học viên tại chức cho phụ đạo hoặc bồi dưỡng thêm.
· Giảng viên đại học không nhận tiền tàu xe từ
các học viên tại chức.
Lê Hoàn
|