Bài của Long S. Le – Asia Times - Số tháng 10/2008
Bản tiếng Việt của Ba Sàm’s Blog
Việt Nam đang trong tình trạng bất an. Với khoảng 23% trong chín tháng
đầu năm 2008, mức lạm phát của nước này là cao nhất kể từ năm 1991, khi
nó chạm tới ngưỡng 67%. Tỉ lệ lạm phát nhảy vọt từ 25,2% trong tháng
Năm lên một mức cao tới 28,3% vào tháng Tám. Tương tự, chỉ số giá tiêu
dùng CPI tồi tệ thêm với mức trên 24% cho tới lúc này của năm, trong
khi chỉ số CPI trung bình của những năm 2001-2007 đã giữ được ổn định
dưới mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GDP của cả nước. Lạm phát
và giá cả tăng cao hơn rõ ràng đã bắt đầu làm suy yếu những lợi ích gần
đây của công cuộc xóa đói giảm nghèo. Hiện tại, hệ thống bảo hiểm xã
hội chỉ bao quát được 11% lực lượng lao động. Tỉ lệ phần trăm dân số có
mức sống dưới 1 đô la một ngày hiện vào khoảng 20%, tăng gấp đôi so với
một năm trước. Do chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi lạm phát, số các cuộc đình
công của công nhân nhà máy tại hầu hết các nhà máy có vốn đầu tư nước
ngoài ở Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng lên hơn 300% trong hai năm qua,
theo các số liệu của chính phủ cho hay.
Tuy nhiên chính phủ cộng sản Việt Nam, lo ngại về sự ổn định
chính trị và tính hợp pháp của mình, đã kết luận rằng tình cảnh hiện
tại là bởi thiếu may mắn, chứ không phải do chính sách tồi. Như một hệ
quả, chính phủ đã phải chống đỡ với các vấn đề mang tính vĩ mô trong
kinh tế và các giải pháp mang tính công cụ chống đỡ với lạm phát để đưa
nước này hướng tới sự hồi phục.
Tại một cuộc thảo luận bàn tròn với các chuyên gia kinh tế
trong nước hôm 13 tháng 9 năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn
mạnh tới "tình trạng rối loạn của nền kinh tế toàn cầu" như là nguồn
gốc của các vấn nạn kinh tế cho Việt Nam năm nay. Trong khi thừa nhận
rằng tình hình kinh tế hiện tại vẫn không ổn định, ông đã tỏ ra dứt
khoát rằng các giải pháp của chính phủ đang được thi hành, trong khi tỉ
lệ lạm phát hàng tháng đã rớt từ mức 3,9% tháng Năm xuống còn 1,6% vào
tháng Tám; chỉ số CPI chỉ tăng có 0,18% trong tháng Tám (mức tăng thấp
nhất hàng tháng kể từ đầu năm 2008); và mức thâm hụt thương mại tháng
Chín được cho rằng sẽ thấp hơn so với tháng Tám, khi giảm xuống 500
triệu đô la so với mức 900 triệu. Hơn nữa, ông nói, quyết định nâng giá
xăng dầu lên 31% vào ngày 21 tháng Bảy đã không làm tăng tỉ lệ lạm phát
hay chỉ số CPI như dự đoán. Một số người cho rằng chỉ số CPI tháng Tám
sẽ cao tới 3%.
Trong cuộc họp kín này, một số ít nhà chuyên môn từ nhóm
chuyên gia kinh tế "độc lập" đã dấy lên những nghi vấn chủ yếu về những
vấn đề bên dưới nền kinh tế đang trong tình trạng rối loạn, bao gồm
những giải pháp không đầy đủ để đảm bảo chất lượng tăng trưởng kinh tế,
tình trạng thiếu vắng khả năng quản lý hữu hiệu, và thiếu hụt những
công nhân có tay nghề. Mặc dù vậy, ông Dũng đã đánh trống lảng trước
những chỉ trích của họ bằng việc tuyên bố rằng những nỗ lực để tập
trung vào các vấn đề này không phải là một ưu tiên và sẽ rất khó để
thực hiện đầy đủ vào lúc này. Quyền ưu tiên, ông nói, là khuyến khích
các địa phương và các lĩnh vực nhằm đạt được một mức tăng trưởng 7% cho
năm nay.
Tiếp đó ông Dũng đã trình bày về triển vọng chính sách quan
trọng trong một phiên làm việc với các đại diện từ những tổ chức quốc
tế chủ chốt ngày 20 tháng Chín. Ông đã biểu thị thái độ tự tin rằng các
giải pháp của chính phủ sẽ nới lỏng được mức lạm phát trong 16 tháng
tới. Việc tiếp tục một mục tiêu tăng trưởng cao để lấy lại sự ổn định
kinh tế vĩ mô là hợp lý, ông nhận xét. Ông Dũng đã nói rõ rằng bộ máy
của ông được hoạch định đưa ra một đề xuất về chính sách với Quốc hội
để được phê chuẩn. Không có bất cứ điều gì cụ thể, bản đề xuất đã được
phác thảo nhằm dành quyền ưu tiên cho việc giảm bớt mức lạm phát xuống
một tỉ lệ lý tưởng là 12% vào năm tới và một mức lạm phát một con số
vào tháng 12 năm 2009 hoặc tháng 1 năm 2010, và đưa quốc gia này trở
lại con đường như là con hổ châu Á kế tiếp.
Trên nền tảng đó, đã xuất hiện một thái độ bất mãn ngày càng
lớn dần đối với tình hình kinh tế đất nước, dẫn tới những cuộc trao đổi
có tính riêng tư về những giải pháp của chính phủ và năng lực của các
nhà lãnh đạo đất nước này. Thế nhưng, cùng lúc, nhiều người tin rằng
lạm phát đã lên tới đỉnh điểm của nó và lúc này nền kinh tế không còn
phải đối mặt với một tình trạng suy sụp dữ dội nữa. Họ cảm thấy bớt
căng thẳng sau khi giá bán lẻ xăng dầu đã được hạ xuống hai lần trong
tháng Tám, mặc dù giá trong nước vẫn cao hơn gần một phần tư so với đầu
năm.
Nhiều người vẫn đang phải trải qua tâm trạng lo lắng về tình
hình kinh tế trong gia đình họ mà bản thân chưa từng gặp trong hơn một
thập kỷ qua. Và đã xuất hiện một tâm trạng lẫn lộn ngày càng dâng cao
trong số người Việt Nam về tình hình kinh tế cả trong nước lẫn quốc tế,
trong khi không có sự nhất trí về những gì sẽ phải được thực hiện.
Với các nhà phân tích, "ẩn số" ở đây bao gồm việc dự báo về tỉ
lệ lạm phát từ chính sách kinh tế vĩ mô của chính phủ là hầu như không
rõ ràng gì. Thủ tướng cũng đã dẫn dắt một cuộc chiến đấu với nạn lạm
phát bằng quan điểm rõ ràng là mâu thuẫn trong một "biện pháp linh
hoạt" để nhằm đạt được tỉ lệ tăng trưởng cao. Đối với các nhà kinh tế,
có một sự cân bằng giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế. "Nếu anh nhìn
vào những bài học trong lịch sử của nhiều quốc gia trong việc kiểm soát
lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực sự anh sẽ hầu như không bao giờ
tìm thấy bất cứ quốc gia nào thành công trong việc kiểm soát lạm phát
và đẩy mạnh tăng trưởng cùng một lúc", đó là cảnh báo của ông Ayumi
Konishi, giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam.
Viễn cảnh này đã được tổ chức Economist Intelligence Unit nhắc
lại. Những đề án dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chậm lại,
đạt 4,9% năm 2008 và 4,6% năm 2009, và chỉ số CPI sẽ rớt xuống mức
15,2%. Trong khi đó, ADB tin rằng Việt Nam có thể vượt qua mức dự đoán
về GDP năm 2008 là 6,5% của ADB và 6% năm 2009. Tuy nhiên, Việt Nam có
thể làm vậy với "cái giá phải trả về mức lạm phát cao và thâm hụt
thương mại lan rộng," theo ông Konishi nhật định.
Trong trường hợp mà "tình trạng rối loạn kinh tế toàn cầu" là
nguồn gốc của những vấn nạn kinh tế cho Việt Nam, thì sự rối loạn đó sẽ
không thể sớm chấm dứt bất cứ lúc nào. Để rõ ràng hơn, việc giảm bớt
mới đây về giá cả thực phẩm trên toàn cầu cũng như giá dầu thế giới đã
có ý nghĩa là lạm phát và chỉ số CPI đã tăng nhanh hơn là người ta
nghĩ. Giờ đây, cơn hỗn loạn tài chính ở Phố Wall được cho là sẽ có
những hậu quả nhất định đối với các thể chế thị trường của Việt Nam (ví
dụ, các ngân hàng địa phương và các tập đoàn nhà nước tìm kiếm những
đối tác và nguồn vốn tư bản nước ngoài) và các hoạt động thương mại.
Việt Nam dễ bị tổn thương đối với một sự tình trạng co giãn nhu cầu từ
nền kinh tế Mỹ và sự suy giảm giá trị của đồng đô la.
Điều này có nghĩa rằng một số số liệu xác thực hiện nay - ví
như lượng hàng hóa xuất khẩu trong chín tháng đầu năm đã tăng 39% và
đầu tư nước ngoài đạt mức kỷ lục hơn 40 tỉ đô la - sẽ phải chịu ảnh
hưởng tiêu cực. Sự suy giảm trong nền kinh tế Hoa Kỳ và Âu châu và tỉ
lệ lạm phát gia tăng tại Philippines, Indoniesia, Ấn Độ, Trung Quốc, và
Thái Lan sẽ có khả năng gây thiệt hại tới thị trường xuất khẩu truyền
thống của Việt Nam và các kênh thu hút FDI của quốc gia này.
Về mọi mặt, có vẻ như các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam
không muốn phải đối diện với sự thật. Tới đây, họ đã chọn cách nhìn
nhận những vấn nạn như là chuyện của bên ngoài là chủ yếu và đã sử dụng
các biện pháp hành chính và các khoản trợ cấp kìm giữ giá để bịt các lỗ
hổng. Hơn nữa, họ còn muốn trở lại mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ song
lại không sẵn sàng thừa nhận rằng những tai ương kinh tế hiện nay là
kết quả của mức tăng trưởng kinh tế quá nhanh. Rõ ràng, các thể chế, cơ
sở hạ tầng và bộ máy nhân sự của chính thể này đã tỏ ra không có hiệu
quả trong việc thay đổi từ tăng trưởng nhanh chóng sang tăng trưởng có
chất lượng.
Việt Nam đã được cho là sẽ trở thành con hổ kế tiếp của châu
Á. Nền kinh tế của đất nước đã tăng trưởng trung bình 7,5% hàng năm
trong cả thập kỷ qua. Ngoài ra, tổng sản phẩm quốc nội GDP trên đầu
người đã tăng từ 100 đô la năm 1990 lên 833 đô la năm 2007. Đóng góp
cho mức tăng trưởng kinh tế và giảm tỉ lệ đói nghèo là sự thành công
trong việc thu hút FDI của nước này. Những năm gần đây, Việt Nam đã trở
thành nước tiếp nhận các dòng vốn FDI lớn thứ ba trong số các thành
viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông nam Á ASEAN.
Tuy nhiên, các yếu tố khác hiện là cân bằng, mức tăng trưởng
phi thường của Việt Nam dựa trên những thay đổi trước kia khi chấp nhận
chủ nghĩa tư bản như là cơ sở của đời sống kinh tế; trong sự lưu tâm
đó, quốc gia này đã bắt đầu từ một nền tảng rất thấp kém. Mặc dù những
thay đổi này không có nghĩa là dễ dàng hay không đau đớn, song chúng
không thể được lặp lại. Hơn nữa, mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của
đất nước, hơn hoặc kém, được mô tả bởi những nguồn đầu vào, ví như huy
động lực lượng lao động nông thôn cho công nghiệp hóa, thu hút các
luồng FDI, và lượng đầu tư lớn.
Mức tăng trưởng kỳ diệu của Việt Nam đã không được trợ giúp
bởi những lợi ích có thể đánh giá được trong mức tăng về hiệu quả và
năng suất. Một nghiên cứu của ADB đã nhận ra rằng tăng trưởng của Việt
Nam từ năm 1996 tới năm 2004 là kết quả to lớn của nguồn tư bản và lao
động. Trong khi đó, năng suất tuyệt đối trong nhà máy - mức đo năng
suất với loại lao động và nguồn tư bản nào được kết hợp trong tổng sản
lượng của nền kinh tế - đã giảm từ 62,1% xuống còn 16,6% so với cùng
kỳ. Điều này minh hoạ cho việc sử dụng không có hiệu quả của Việt Nam
đối với các nguồn tài nguyên công cộng đang khan hiếm, khả năng quản lý
yếu kém đang dẫn đến các khoản chi phí giao dịch cao hơn, và giá lao
động thấp hơn là không đủ đền bù cho mức năng suất lao động thấp hơn.
Chắc rằng, những vấn nạn kinh tế hôm nay không tất yếu báo
hiệu một sự chấm dứt mức tăng trưởng phi thường của đất nước. Tuy
nhiên, chúng báo hiệu sự cần thiết đối với các nhà lãnh đạo đảng để tạo
nên một môi trường có lợi cho tăng trưởng chất lượng. Vấn đề với môi
trường kinh doanh hiện nay là thứ đang bị che đậy bởi những lợi ích
mang tính chính trị xã hội của đảng. Đó là, trong lúc 90% công ăn việc
làm được tạo ra và 70% đầu ra trong công nghiệp là được phát sinh bởi
các khu vực tư nhân và ngoài quốc doanh, thì hệ thống tài chính quốc
gia lại phân phối theo kiểu phân biệt đối xử một lượng lớn tín dụng và
vốn cho khu vực doanh nghiệp nhà nước [SOE].
Ở đây, bản chất không có hiệu quả là về số lượng vốn cần thiết
để tạo ra một công ăn việc làm trong một SOE là nhiều hơn gấp chín lần
so với ở một công ty tư nhân trong nước; và việc tiết giảm chi phí tiềm
tàng trong các dịch vụ vận chuyển và kỹ thuật có thể thấy rõ là tới hơn
30% nếu như nhiều đặc quyền giành cho các SOE bị loại trừ, theo như số
liệu của World Bank. Như lưu ý của viện Ari Kokko, "Rất có khả năng
rằng Việt Nam có thể phát sinh những lợi ích đáng kể về phương diện tạo
công ăn việc làm và năng suất lao động nếu như nước này có khả năng
chấp nhận thiết lập một sân chơi chung cho mọi loại hình doanh nghiệp".
Theo như một số ước đoán, nếu như không vì những quyền lợi chính trị
được ban tặng để phải do dự trước công cuộc tư nhân hóa, thì Việt Nam
có thể đạt mức tăng trưởng 11% - nhanh như Trung Quốc.
Cần lưu ý rằng trong những nền kinh tế ở thời kỳ quá độ - các
chế độ cộng sản hay tư bản độc tài đang phát triển nhanh hơn này - có
những sửa đổi nhất định mà các chính phủ có thể theo đuổi để đẩy mạnh
tăng trưởng kinh tế hơn nữa. Và đích xác những hình mẫu chính quyền đó
sẽ thuận lợi hơn để tạo lập và thúc đẩy những cải cách này một cách
kiên định. Một nghiên cứu có ảnh hưởng sâu sắc được thực hiện bởi James
Riedel và William Turley năm 1999 - tập trung vào cuộc cải cách khó lý
giải của Việt Nam - đã lưu ý rằng mức tăng trưởng kinh tế có thể chịu
đựng được sẽ đòi hỏi phải củng cố sự kiểm soát đối với những vấn đề về
tài chính, tiền tệ và ngân khố, cũng như tính minh bạch và trách nhiệm.
Những vấn đề có tính trụ cột trong tăng trưởng kinh tế này sẽ được nhắc
đến khi những bùng phát khủng hoảng xảy ra - ví như những khó khăn về
cân đối thu chi, tăng lạm phát hay thâm thủng ngân sách.
Thế nhưng năng lực của chính phủ để đưa ra những cải cách toàn
diện chỉ khi có những cú số kinh tế bất lợi hoặc dữ dội xảy ra đã kiềm
chế công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam. Bởi lẽ vào năm 1979, cơn
khủng hoảng đã là chất xúc tác chính dẫn tới việc từ bỏ chính sách xã
hội chủ nghĩa chính thống. Mặc dù như vậy, hậu quả của bản chất yếu kém
năng lực vẫn xảy ra.
Ngày nay, việc liệu những nhà lãnh đạo của đảng sẽ lại một lần
nữa cho phép sự cởi mở chính trị hơn để chú tâm vào cơn khủng hoảng
đang nổi lên hay không có vẻ không chắc sẽ xảy ra, ít nhất là trong môi
trường xã hội đang phổ biến hiện nay. Như lưu ý của kinh tế gia
Jonathan Pincus của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt
Nam, "không thiếu người dân ở Việt Nam hiểu được những căn nguyên của
tình trạng không ổn định về kinh tế hiện thời và những bước đi cần
thiết để chế ngự mức lạm phát trong giá cả và khôi phục sự ổn định cho
các thị trường", thế nhưng "những người này không ở trong một vị thế để
làm được nhiều điều cho vấn đề này". Như thế, thì các nhà lãnh đạo đảng
và chính phủ đáng bị khiển trách về tình trạng kinh tế hiện thời.
Trong quá khứ, các vị thủ tướng của Việt Nam đã tận dụng một
ban bao gồm những kinh tế gia độc lập, thế nhưng khi ông Dũng bước vào
vị trí này giữa năm 2006, ban này đã bị giải thể. Tuy nhiên, ông đã đề
nghị Chương trình Việt Nam của đại học Harvard hướng dẫn thực hiện một
bản phân tích có tính phê phán đối với chiến lược phát triển kinh tế vĩ
mô của Việt Nam. Bản báo cáo đã được công bố vào tháng Một năm 2008. Nó
kết luận rằng "các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, kinh doanh và
giới hàn lâm của Việt Nam đang ngày càng bị thao túng bởi các nhóm
quyền lợi là những người sử dụng chúng cho việc làm giàu và bành trướng
thế lực", đến nỗi "mối đe doạ lớn nhất đối với nhà nước chính là những
hư hỏng của chính nó". Điều quan trọng, khi bản báo cáo cảnh báo rằng
"lạm phát ở Việt Nam là một vấn nạn do chính phủ tự gây nên, phần lớn
là kết quả của việc quản lý vĩ mô kém cỏi và những quyết định đầu tư
không có hiệu quả". Điều này đòi hỏi sự hình thành "một lối ủng hộ cho
tăng trưởng theo cách mới, những nhất trí trong ủng hộ cải cách", là
những thứ "không dễ có", căn cứ vào sự thiếu vắng một cuộc khủng hoảng
kinh tế thực sự và sự đồng tâm nhất trí của năm 1986 không còn tồn tại
nữa.
Trong trường hợp Thủ tướng Dũng trở nên không thể đối phó được
với tình tình hình hiện tại, Tổng bí thư Đảng Nông Đức Mạnh có thể được
phép đảm nhận một "vị thế mới". Ông Mạnh và liên minh của mình sẽ có
khả năng trở lại thực hiện một chính cách lưu thông tiền tệ cơ bản hơn,
thừa nhận lạm phát không phải là một "hiện tượng tiền tệ" song phần lớn
là kết quả của những cú sốc từ nguồn cung cấp dòng FDI lớn và những gia
tăng đáng kể trong tín dụng nội địa. Lẽ dĩ nhiên, mặc dù một sự đồng
tâm nhất trí như vậy có thể cho phép nhà nước độc đảng "thẳng tiến tới
phía trước," nhưng nó sẽ không đạt được hiệu quả hay giữ vững được mức
phát triển kinh tế.
Ông Long S. Le là một giáo sư và là giám đốc những sáng kiến quốc tế
cho Viện nghiên cứu Toàn cầu thuộc Đại học Houston, nơi ông cũng là một
người đồng sáng lập và giảng viên cho các khóa nghiên cứu về Việt Nam.
|