Thứ Tư, 2024-12-25, 0:57 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 23 » Cung Vua và Phủ Chúa phần 2
10:46 PM
Cung Vua và Phủ Chúa phần 2

(Cung đình Cộng sản Hà Nội từ 1991 đến 2008)
Bùi Tín


II. Sự hình thành của Phủ Chúa bên cạnh Cung Vua

Có người đặt vấn đề là từ Đại hội VII (năm 1991) đến nay, trong cơ quan lãnh đạo của đảng CS, trong bộ chính trị và trong ban chấp hành trung ương, phải chăng là có hai phái, được gọi là phái bảo thủ giáo điều và phái đổi mới cấp tiến, còn gọi là phái thân Trung Quốc và phái thân phương Tây, hai phái đấu tranh với nhau khá là quyết liệt.

Cách nhìn ấy bị ảnh hưởng cách nhìn trong nền dân chủ đa nguyên ở phương Tây, hoàn toàn khác với nền chính trị độc đảng, chế độ độc quyền của đảng CS. Trong đảng CS chỉ cho phép tồn tại một đường lối đối nội gắn với một đường lối đối ngoại. Trong cơ quan lãnh đạo, đòi hỏi ấy càng thêm chặt chẽ. Cho nên trong nội bộ đảng không được đặt ra để tranh luận việc giữ hay bỏ Chủ nghĩa Xã hội (mác-xít). Ai chủ trương xoá bỏ CNXH mác-xít như nó đã bị vứt bỏ triệt để ở Liên xô và các nước Đông Âu, thì người ấy khó, nếu không nói là không thể nào vào được cơ quan lãnh đạo, vào trung ương hay bộ chính trị.

Về đường lối đối ngoại cũng vậy, khi Đại hội VII đã xác định rõ trong nội bộ đảng là có 5 nấc thứ hạng ''bạn'' khác nhau, khi Trung Quốc được xếp ở hạng nhất, các nước phương Tây và Hoa Kỳ ở hạng 4 và hạng 5, thì ai không chấp nhận ngôi thứ ấy cũng khó có thể vào cơ quan lãnh đạo. Thực tế ông Trần Xuân Bách muốn đa nguyên đã bị loại ngay từ cuối năm 1990. Ông Nguyễn Cơ Thạch chỉ mới cãi lại phái viên của Bắc Kinh Từ Đôn Tín đã bị mất ghế ủy viên bộ chính trị và ghế bộ trưởng ngoại giao. Cho đến uỷ viên trung ương Trần Quang Cơ muốn vạch rõ tâm địa bành trướng Đại Hán của nhóm lãnh đạo Trung Quốc, cũng tự biết rằng cần phải sớm rút khỏi trung ương trước khi là quá muộn; ông đã từ chối ghế ngoại trưởng và rút ra khỏi trung ương.

Cho nên có thể khẳng định tất cả ủy viên bộ chính trị được cử ra sau Đại hội VII và Đại hội VIII đều là thân Trung Quốc, đều là bảo thủ giáo điều, đều chủ trương giữ CNXH (mác-xít), chống nguy cơ ''chệch hướng XHCN'', chống nguy cơ ''diễn biến hòa bình''. Cái khác nhau có thể có là ở độ đậm nhạt khác nhau trong lập trường chính trị giáo điều bảo thủ, ở độ đậm nhạt khác nhau trong thái độ thân Trung Quốc.

1- Nhóm chí cốt với Bắc Kinh, từ đỉnh cao đến đà tụt dốc

Từ sau Đại hội VIII (6-1996) nhóm chí cốt với Bắc Kinh gồm tổng bí thư Đỗ Mười, chủ tịch nước Lê Đức Anh, bộ trưởng quốc phòng Đoàn Khuê, tổng tham mưu trưởng Phạm Văn Trà, bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, bộ trưởng bộ công an Lê Minh Hương, bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt, phó thủ tướng Trần Đức Lương, ủy viên phụ trách tư tưởng-lý luận Nguyễn Đức Bình...cùng nhau tạo nên thanh thế quyền lực ngày càng cao.

Công cuộc đổi mới kinh tế thu được kết quả khả quan so với thời kỳ trì trệ nặng nề kéo dài trước đó. Nguồn đầu tư từ nước ngoài đưa vào ngày càng tăng, nhất là từ Singapour, Đại Hàn, Đài Loan, Nhật bản và khối EU (châu Âu). Sự trợ giúp của các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có hiệu quả. Sau khi Hoa Kỳ bãi bỏ cuộc cấm vận Việt Nam từ tháng 3-1994, quan hệ ngoại giao hai nước được nối lại từ giữa năm 1995, buôn bán giữa hai nước được mở rộng nhanh chóng đi đến ký Hiệp ước thương mại giữa hai nước tháng 7 năm 2000. Từ tháng 7-1995 Việt Nam gia nhập Tổ chức các nước Đông Nam Á (ASEAN) cũng tạo nên một thế quốc tế và khu vực mới. Bước vào năm 1997 các nước Đông Nam Á vấp phải khủng hoảng tài chính nặng, lạm phát tăng, xuất khẩu giảm mạnh, riêng Việt Nam không bị ảnh hưởng trực tiếp, vẫn giữ được tốc độ phát triển khá. Khối ngoại tệ từ cộng đồng người Việt gửi về tăng lên đến 3 hay 4 tỉ đô la, càng giúp cho cuộc sống trong nước khá lên.

Dựa vào hai thành tích ''phát triển kinh tế'' và ''xã hội ổn định'', mặc dầu tham nhũng trở thành quốc nạn bất trị và tệ nạn xã hội lan tràn, trong bộ chính trị phát sinh những tranh chấp nội bộ ngày càng gay gắt. Tổng bí thư Đỗ Mười vốn có đường quan lộ thuận lợi, vào Ban chấp hành trung ương đảng từ năm 1960, khi 43 tuổi, nhận chức bộ trưởng nội thương cũng vào năm 1960, tháng 12-1969 lên chức phó thủ tướng, năm 1976 vào bộ chính trị, tháng 3-1988 nhận chức Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (thủ tướng), nay lên ngôi tổng bí thư, là nhân vật số 1 của chế độ, vẫn còn nuôi tham vọng lớn. Học vấn cấp sơ học, xuất thân công - nông do khi trẻ làm nghề thiến heo rồi chữa khoá rong, rồi thợ sơn, như đã ghi trong lý lịch, thành tích nổi bật nhất của ông Mười là các cuộc cải tạo công thương nghiệp diệt trừ tận gốc giai cấp tư sản ở Hải Phòng, Hà Nội (1957-1960) rồi toàn miền Nam (1975-1977). Đến Đại hội VIII (tháng 6-1996) ông Mười (sinh ngày 2-2-1917) đã 79 tuổi, vậy mà ông vẫn nghĩ rằng do được Bắc Kinh tín nhiệm mạnh mẽ, được nhóm lãnh đạo đảng chí cốt với Trung Quốc tin cậy, ông có thể ngự trị ở vị trí số 1 của chế độ lâu thêm nữa, qua cả Đại hội IX vào năm 2001, sang đầu thế kỷ XXI, coi như một trường hợp hết sức đặc biệt trong lịch sử. [4]

Nhân vật Lê Đức Anh, cặp bài trùng của Đỗ Mười từ Đại hội VII đến nay cũng có tham vọng không kém. Sinh ngày 1-12-1920 ở tỉnh Thừa Thiên, kém ông Mười gần 4 tuổi, ông Lê Đức Anh là thượng tá cục phó cục tác chiến bộ tổng tham mưu Hà Nội, được phái vào chiến trường miền Nam cuối năm 1963, ở cơ quan tham mưu bộ tư lệnh Miền (Nam), cuối 1968 nhận chức tư lệnh quân khu IX (miền Tây Nam Bộ) với cấp đại tá, tháng 12-1974 được phong vượt cấp lên trung tướng do thành tích mở rộng vùng giải phóng đồng bằng sông Cửu Long sau Hiệp định Paris (tháng 1-1973); tướng Anh được vào Ban chấp hành trung ương đảng tại Đại hội IV (năm 1976), là Tư lệnh bộ chỉ huy ''Quân tình nguyện Việt Nam ở Kampuchia'' từ năm 1979, vào Bộ chính trị tại Đại hội V (năm 1982), Thượng tướng tổng tham mưu trưởng từ cuối năm 1986, Đại tướng Bộ trưởng quốc phòng từ tháng 2-1987, Chủ tịch nước từ tháng 6-1992. [5]

Có thể tóm tắt vài nét đặc biệt về nhân vật Lê Đức Anh như sau: lý lịch ông có những nghi vấn là ngày vào đảng Cộng sản không rõ ràng, khi ông khai là từ năm 1936, lúc 16 tuổi, khi khai là từ năm 1944, ở chi bộ cơ sở nào cũng không rõ ràng, lại không nói là do ai giới thiệu ông vào đảng như điều lệ đảng đòi hỏi; ông khai là thuộc thành phần công nhân (làm công nhân đồn điền cao su ) trong khi một số công nhân cao tuổi đồn điền Đất Đỏ biết ông chính là viên ''cai Anh'', còn được gọi là ''cai Huế'' (vì nói tiếng Huế) từng có những hành động đàn áp phu đồn điền theo lệnh chủ Pháp; cũng có người tố cáo ông về tư cách đạo đức là sau khi tập kết ra Bắc sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, ông khai man là vợ ông trong Nam đã đi lấy chồng để ông lấy vợ khác ở Hà Nội vào năm 1959. Để hiểu rõ hơn nhân vật này, xin nhắc lại đôi chút về mối hiềm khích không thể che dấu giữa hai đại tướng Võ Nguyên Giáp và Lê Đức Anh.

2- Cuộc đọ kiếm giữa 2 đại tướng

Đã từ lâu hai ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ không ưa gì tướng Giáp. Sau khi phát hiện sai lầm Cải cách ruộng đất, tổng bí thư Trường Chinh bị kỷ luật, ông Hồ có ý chọn ông Giáp lên thay. Về sau ông Lê Duẩn được chọn do am hiểu miền Nam hơn, thuận lợi cho cuộc chiến tranh giải phóng. Nhưng ông Duẩn và ông Thọ vẫn e ngại uy tín của ông Giáp trong xã hội, thêm nữa ông Hồ có vẻ tin cậy ông Giáp hơn cả. Ông Thọ rắp tâm dựng lên vụ án ''Xét lại chống đảng, làm gián điệp cho Liên Xô'' do tướng Giáp chủ mưu nhưng không thành, nay ông Thọ lại dùng tướng Anh để hạ bệ tướng Giáp. Với vai trò Trưởng ban tổ chức trung ương, phân phát các chức vụ, tại Đại hội V (tháng 12-1982) ông Thọ đưa tướng Giáp ra khỏi bộ chính trị, đồng thời đưa ông Anh vào bộ chính trị, để rồi đến Đại hội VII (tháng 6-1991) ông Giáp bị đưa ra khỏi Trung ương đảng thì ông Anh được đưa lên Chủ tịch nước, chức vị cao hơn hẳn tướng Giáp trước đó. Ở Hà Nội, các sĩ quan ở Câu lạc bộ Quân nhân gọi đây là ''hành trình ngược chiều'' của hai ông đại tướng.

Trên cương vị Chủ tịch nước, cũng là nhân vật số 2 trong đảng, ông Anh liền ra sức bôi xấu, hạ nhục ông Giáp. Kẻ phục vụ đắc lực mưu đồ này là Đặng Đình Loan, cùng quê Thừa thiên với ông Anh, làm trong ngành thông tin, từng bị khai trừ khỏi đảng CS, tác giả 4 tập tiểu thuyết lịch sử Đường Thời Đại dày hai nghìn trang, ra mắt năm 1993, do nhà xuất bản Quân đội Nhân dân in và phát hành; nội dung sách đề cao ông Hồ cùng ba ông họ Lê: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Lê Đức Anh, đồng thời hạ ông Giáp xuống hàng thứ yếu. Đặng Đình Loan vào năm 1996 được dùng xe ô tô của Bộ Quốc phòng đi từ Bắc vào Nam quảng cáo cho cuốn tiểu thuyết của mình là ngang tầm với tập Chiến tranh và Hoà bình của đại văn hào Nga Léon Tolstoi (!). Đi qua Huế (tháng 11-1996) Loan yêu cầu tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế triệu tập cán bộ cho y nói chuyện, với tư cách là chuyên viên cao cấp của Tổng cục Chính trị, về những điều cơ mật nhất, sau khi đưa những bức ảnh chụp riêng với tướng Anh. Loan kể lể 7 tội nặng của tướng Giáp theo kiểu bịa đặt, thêu dệt, thầm thì từ lâu, như: con nuôi chánh mật thám Pháp, xin học bổng thực dân, xu nịnh ông Hồ, thậm thụt với đại sứ Nga Serbakov, không chỉ huy ở Điện Biên Phủ, không vào chiến trường miền Nam, tằng tịu với bà giáo dương cầm... [6]

Con bài Đặng Đình Loan của tướng Anh không có hiệu quả; tập tiểu thuyết Đường Thời Đại chết yểu trên thị trường và công luận, Loan không được kết nạp vào Hội nhà văn. Tướng Giáp và những người ủng hộ ông nghĩ đến thời cơ để phản kích, điều này sẽ nói đến ở phần sau.

3- Tổng cục 2, công cụ lợi hại, phi pháp

Sau khi nhận chức Bộ trưởng Quốc phòng giữa năm 1987, tướng Lê Đức Anh bắt tay ngay vào việc tổ chức lại bộ máy quân báo của Quân đội nhân dân. Từ khi thành lập quân đội, trong bộ Tổng tham mưu có Cục 2 là Cục Quân báo (Cục 1 là Cục tác chiến; Cục 2 là Cục Quân báo; Cục 3 là Cục Quân huấn, Cục 4 là Cục Quân lực, Cục 5 là Cục Thông tin, cho đến Cục Động viên, Cục Dân quân...). Các Cục trên đều trực tiếp đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Tổng tham mưu trưởng. Ngang hàng với bộ Tổng Tham mưu có Tổng cục Chính trị, Tổng Cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật và Tổng cục Kinh tế. Bộ Tổng tham mưu và các Tổng cục đều đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Quốc phòng.

Sự thay đổi lớn nhất là Cục Quân báo dưới quyền Bộ Tổng tham mưu được mở rộng, nâng cao lên ngang hàng với Bộ Tổng Tham mưu, đặt trực tiếp dưới quyền chỉ huy của Bộ trưởng quốc phòng, mang tên mới là Tổng Cục 2, với trách nhiệm và quyền hạn mở ra rất rộng, bao gồm cả ngành tình báo, an ninh, bảo vệ đảng, bảo vệ chính quyền, phản gián.

Để thực hiện tham vọng cực kỳ ngông cuồng này, tướng Anh nhân danh chủ tịch nước, nhân vật số 2 của đảng, tranh thủ sự đồng tình sâu sắc của tổng bí thư Đỗ Mười để rồi cùng nhau ép buộc và thuyết phục Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh hạ bút ký vào Pháp lệnh của Chủ tịch Quốc hội về tổ chức ngành tình báo quốc gia ngày 14-12-1996, không qua thảo luận trong Ban thường vụ Quốc hội, cũng không có ý kiến, thảo luận gì trong Quốc hội.

Sau đó, hai nhân vật trên cũng ép buộc và thuyết phục Thủ tướng Võ Văn Kiệt hạ bút ký vào Quyết định số 96/QĐ của Chính phủ ngày 19-11-1997 về nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng cục 2.

Tổng cục 2 nhanh chóng phình to gấp 8 lần Cục quân báo cũ, do tướng Anh trực tiếp điều động cán bộ, chiếm lĩnh các trụ sở, cơ quan, hội trường, nhà khách, cơ sở tuyệt mật, lớp học, công ty kinh doanh, nhà nghỉ, khách sạn ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Lạt, Đồ Sơn ... bao trùm cả nước, mua nhiều cơ sở mới ở nước ngoài.

4- Một vương triều Vũ Chính trong nền dân chủ mác-xít

Một số cán bộ ở Bộ tổng tham mưu, từ năm 1999 đã mô tả Tổng cục 2 như là một triều đình, có vua quan, có hoàng đế và hoàng hậu, có hoàng tử, công chúa và phò mã, có cung điện lộng lẫy và những yến tiệc sa hoa. Sự mô tả có phần phóng đại theo kiểu ngoa ngôn, nhưng không phải bịa đặt kiểu dựng đứng. Lê Đức Anh chọn thượng tá Đặng Vũ Chính, thân tín từ khi còn ở quân khu IX với ông để đưa về đứng đầu Tổng cục 2 với cấp đại tá từ cuối năm 1994, thay cho tướng Nguyễn Tư Văn nguyên cục trưởng Cục 2 về nghỉ hưu. Được trao quyền rất rộng, Vũ Chính xếp đặt rất nhanh bộ máy, dựa trước hết vào những người thân tin cẩn nhất trong gia đình. Bà Nguyễn Thị Nhẫn, vợ ông Chính, được phong cấp sĩ quan, làm việc tại văn phòng Tổng cục, tay hòm chìa khoá giữ những tài liệu và tài sản tuyệt mật, về sau được giao chỉ đạo các công ty Vasuco và Toseco, hoạt động ngoại thương, kể cả buôn vũ khí, ngoại tệ... Con trai ông Chính là Đặng Vũ Dũng từ cấp thượng uý nhảy lên cấp trung tá trong một năm, làm cục trưởng cục 12; hai cô con gái Đặng thị Tuyết và Đặng thị Mai đều mang quân hàm đại uý cũng làm việc ở khách sạn Hoàng Gia và công ty xây dựng Hồng Bàng đều thuộc Tổng cục. Đầu năm 2000 ông Đặng Vũ Chính chuẩn bị về hưu, người được chọn thay thế đã được chuẩn bị trước là Tổng cục phó Nguyễn Chí Vịnh, con rể ông Chính và bà Nhẫn; vợ Nguyễn Chí Vịnh là cô Đặng Thị Ngọc, con gái đầu của ông Chính, cũng là một sĩ quan trong Tổng cục.

Nguyễn Chí Vịnh là con trai đại tướng Nguyễn Chí Thanh, từng học trường đại học kỹ thuật quân sự ở Vĩnh Yên, chưa tốt nghiệp, được tướng Lê Đức Anh nhận là con nuôi từ năm 1985 khi ông là Tổng tham mưu trưởng và bắt đầu có ý định xây dựng Tổng cục 2 thành một công cụ lợi hại lâu dài. Lúc này Vịnh mới là đại uý, rồi lên cấp trung tá, với chức Cục trưởng trong Tổng cục 2 từ năm 1986. Năm 2000 khi kế nghiệp bố vợ trong chức vụ Tổng cục trưởng, Nguyễn Chí Vịnh là đại tá, lên ngay thiếu tướng vào năm 2003, rồi lên trung tướng vào năm 2006. Chưa có một sĩ quan nào lên cấp nhanh như vậy, ngay cả trong thời chiến tranh.[7]


5- Sự xuống dốc của cặp Đỗ Mười và Lê Đức Anh

Trong cuộc đời, không thể cứ may mắn và đi lên mãi; lên cao quá rồi sẽ xuống, bất kể tham vọng ra sao. Sau Đại hội VIII, nạn tham nhũng nặng tràn lan thêm, tổng bí thư Đỗ Mười không hề tỏ ra có một tài năng dù nhỏ bé nào, vẫn tỏ ra là con người ''phá giỏi hơn xây'' như chính ông Phạm Văn Đồng nhận xét; ông Lê Đức Anh không có một cuộc nói chuyện hay tiếp xúc với quần chúng nào để lại một ấn tượng dù nhỏ; thủ tướng Võ Văn Kiệt được trí thức và tuổi trẻ đặt ít nhiều hy vọng lúc đầu nhận chức, ông sớm gây thất vọng vì bà Cầm, vợ ông được chính giới kinh doanh và đầu tư gọi là bà ''dix pour cent'' (mười phần trăm: 10%). Sau vài năm kinh tế phát triển khá, một không khí trì trệ xuất hiện, bất công xã hội tăng nhanh. Tại Hội nghị Ban chấp hành trung ương đảng lần thứ 4 khoá VIII họp vào tháng 12 năm 1997, một số đại biểu nêu thành vấn đề thảo luận hạn tuổi khi ứng cử và đề cử vào các cấp ủy nhằm trẻ hoá bộ máy lãnh đạo. Hội nghị đề ra mức 55 tuổi là cao nhất để vào trung ương và 60 tuổi để vào bộ chính trị, không có ngoại lệ cho bất kể ai.

Trong Hội nghị, Lê Đức Anh cố sức vận động nhân khi Đỗ Mười tuổi quá cao phải rời vị trí lãnh đạo, viện cớ giữ cho lãnh đạo được liên tục ổn định, để được kiêm thêm chức tổng bí thư trong vài năm nữa, như ở Trung Quốc Hồ Cẩm Đào kiêm luôn 2 chức Tổng bí thư đảng với Chủ tịch nước, nhưng tham vọng ấy không được ai nhắc lại. Lúc này ông Đỗ Mười đã 80, ông Lê Đức Anh cũng đã 76 tuổi, lại vừa bị một cơn nhồi máu cơ tim, thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng 75 tuổi. Thế là cả 3 vị đều bị ''mời'' lên ngôi ''cố vấn ban chấp hành trung ương'', thay cho 3 ông cố vấn cũ là Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công về hưu.


Bộ sậu ăn cánh sau đại hội VIII


Ba nhân vật mới lên thay là tổng bí thư Lê Khả Phiêu, chủ tịch nước Trần Đức Lương, thủ tướng Phan văn Khải.

Hai ông Mười và Anh cay cú gọi cuộc họp Trung ương 4 này là một cuộc ''đảo chính'', vì theo điều lệ đảng chỉ có Đại hội đảng mới có quyền bầu tổng bí thư mới. Tuy nhiên ông Anh cũng tỏ ra yên tâm vì tổng bí thư mới Lê Khả Phiêu tuy yếu kém, mờ nhạt, từng là cán bộ tin cẩn trực tiếp dưới quyền ông hơn 12 năm ở Quân khu IX cũng như ở Bộ tư lệnh ''Quân tình nguyện'' ở Kampuchia.

Ông không ngờ rằng môt khi lên chức vị số 1 rồi, ông Phiêu trở nên tự phụ, kiêu ngạo, tự coi là ''Vua Lê mới'', tu bổ lăng Lê Lợi ở Lam Sơn - Thanh Hoá, đưa các quần thần họ Lê của mình ở Thanh Hoá vào các chức vụ cao, bị tố cáo là ''Thanh Hoá hoá'' chính quyền, tiêu biểu là đưa ông Nguyễn Dy Niên lên thay ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm. Ông Phiêu còn tỏ ý định sẽ theo gót đảng Trung Quốc xoá bỏ luôn cái chức ''cố vấn ban chấp hành trung ương''.

6- Những đồng chí thù địch

Khi thế kỷ XX kết thúc cũng là lúc tình hình Việt Nam vừa có những bước phát triển mới, vừa gặp những thử thách lớn. Cuối năm 1999 và cuối năm 2000, hai Hiệp ước Việt-Trung được ký kết, mối quan hệ hai đảng thắt chặt hơn, thêm vào 16 chữ vàng là mối quan hệ 4 tốt như những sợi dây thắt chặt hơn trước: ''Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt'', từ chữ Hán: '' Hảo Lân Cư, Hảo Bằng Hữu, Hảo Đồng Chí, Hảo Đối Tác''.

Lẽ ra hai bên còn đàm phán về tranh chấp các hải đảo phía Nam Vịnh Bắc Bộ là các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như đã dự định từ năm 1993, nhưng phía Trung Quốc trở mặt, phớt lờ, coi như mọi việc đã xong, khẳng định tất cả các quần đảo nói trên là thuộc chủ quyền của Trung Quốc từ lâu rồi. Ôi thôi! Thế mới là đồng chí tốt!

Với Mỹ, sau Hiệp định thương mại Mỹ - Việt (tháng 6-2000), chuyến thăm chính thức của Tổng thống Bill Clinton (tháng 11-2000) đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hai nước, ghi nhận bước hòa nhập với thế giới bên ngoài.

Đúng vào thời điểm này, quan hệ trong đảng sa sút tệ hại khi cơ quan lãnh đạo chuẩn bị nội dung và nhân sự cho Đại hội IX sẽ họp vào tháng 4-2001. Trong bộ chính trị 19 vị, ai đi ai ở, ai ra ai vào, chủ tịch nước sẽ vẫn là Trần Đức Lương, thủ tướng vẫn sẽ là Phan Văn Khải vừa nhận chức được 3 năm, còn Tổng bí thư Lê Khả Phiêu sẽ còn tại vị không? Dư luận thủ đô, cán bộ trí thức đều cho rằng ông Phiêu về tài năng lãnh đạo, kiến thức xã hội, về phong cách đức độ đều yếu kém, là một ''người lùn'' so với các tổng bí thư thời trước, càng ''lùn'' thêm khi đứng cạnh các nhà lãnh đạo hiện tại của các nước Đông Nam Á. Từ tháng 11-2000, trưởng ban tư tưởng và văn hoá Hữu Thọ khi vào Sài Gòn đã loan tin bán chính thức sẽ thay tổng bí thư. Hai nhân vật muốn hạ bệ ông Phiêu nhất lại chính là hai ông cố vấn Mười và Anh. Ông Mười không giấu niềm hận thù khi nói với bạn thân là: ''nó lật tôi, tôi lật nó ''.

Ngay giữa đại hội đảng bộ quân đội (tháng 1-2001) ông Anh kể ra đủ thứ tội của tổng bí thư đương nhiệm, nào là bán đất, bán biển cho Trung Quốc, độc đoán, âm mưu lật đổ nội bộ, địa phương chủ nghĩa, đưa vụ Xiêm Riệp (Kampuchia) ra công khai, làm cả đại hội sửng sốt vì rất nhiều người biết rõ ông Anh gắn bó với Bắc Kinh còn hơn ông Phiêu nhiều.

Hội nghị trung ương lần thứ 11 khoá VIII được dự định là cuộc họp cuối cùng trù bị xong về nội dung và nhân sự cho Đại hội IX, nhưng phải kéo sang Hội nghị trung ương 11 b (1 ngày rưỡi), rồi thêm Hội nghị trung ương lần thứ 12 (2 ngày) mới xong. Cuối cùng mới tìm ra được tổng bí thư mới, như lời nhận xét của nhóm trí thức Đà Lạt, theo kiểu ''vơ bèo vạt tép'', ''thắp đuốc bắt ếch'', ếch tìm không ra, chỉ vớ được con nhái bén.

Giữa lúc hàng vạn ý kiến góp ý với đại hội IX yêu cầu một cuộc cách mạng trong tuyển lựa nhân tài, tuyển chọn trước hết những nhân vật lãnh đạo tiêu biểu cho tinh hoa dân tộc, am hiểu thời đại để đưa vào trung ương và bộ chính trị, trên cơ sở ấy cử ra một tổng bí thư ''xuất chúng'', thì kết quả chỉ là một bộ chính trị xoàng xoàng, và một tổng bí thư còn nhạt nhẽo và xoàng hơn trước. Ông Nông Đức Mạnh được chọn không phải vì tài đức, vì chất lượng nhân lực nào nổi bật, mà chỉ do được sự đồng thuận của những nhóm nhỏ trong bộ chính trị được gắn bó với nhau không phải trên cơ sở một đường lối chính trị nào, mà chỉ thân nhau do tình cảm và sự gắn bó cá nhân; thế là con người đơn độc, người dân tộc Tày, ít hiểu biết về chính trị nhất, không tham vọng vì tự hiểu bản thân mình, xuất thân từ ngành lâm nghiệp ở Thái Nguyên, được phần lớn bộ chính trị ép nhận, sau khi chính lúc đầu ông ta cũng thật lòng từ chối.

Cặp bài trùng Mười + Anh tạm chọn Nông Đức Mạnh với chủ đích tận dụng những chỗ yếu kém của nhân vật này nhằm phục vụ cho tham vọng không hạn độ của mình. Hai vị biết rằng từ nay mình không còn một quyền thế nào, cho đến cái tư thế ''cố vấn của ban chấp hành trung ương'' cũng chấm dứt, nên 2 vị đã cẩn thận cài vào bộ chính trị và trung ương khoá IX một loạt bộ hạ tin cẩn nhất. Trong bộ chính trị mới gồm 15 vị, bên cạnh tổng bí thư Nông Đức Mạnh là các ông: Trần Đức Lương (chủ tịch nước, nhân vật số 2), Lê Minh Hương (bộ trưởng công an, nhân vật số 6), Phạm Văn Trà (bộ trưởng quốc phòng, nhân vật số 11), Trần Đình Hoan (trưởng ban tổ chức trung ương, số 14) và Nguyễn Khoa Điềm (trưởng ban tư tưởng-văn hoá, số 15).

Thế là dần dà hình thành một trung tâm quyền lực mới bên cạnh quyền lực hợp pháp, bên cạnh chính phủ và quốc hội của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Nói một cách có hình ảnh, theo mô hình đã từng xuất hiện ở thủ đô Thăng Long trong thế kỷ thứ XVI, bên cạnh Cung Vua còn có Phủ Chúa, một kiểu hai chính quyền song hành, vừa ganh đua, chèn ép nhau, vừa hợp tác với nhau trong những điều kiện nhất định để đi đến cuối cùng loại bỏ nhau.


III. Những đặc điểm của Phủ Chúa thời hiện đại

1- Có mà không, không mà có

Phủ Chúa ở chỗ nào? hình thù ra sao? địa chỉ là gì ? Không ai biết, không thể biết. Thế nhưng nó có thật, nó có quyền uy, nó có phát huy tác dụng. Không ai có thể khẳng định là nó chỉ là chính quyền ảo, hoàn toàn bịa đặt, tưởng tượng, không có thật.

2- Nó có thật ở chỗ nào

Nó có thật trước hết ở hai nhân vật đã mô tả ở các phần trên. Ở nguyên ủy viên trung ương đảng (từ năm 1960), nguyên bộ trưởng (từ năm 1961), nguyên thủ tướng, nguyên tổng bí thư, nguyên cố vấn ban chấp hành trung ương đảng Đỗ Mười, sinh năm 1917, năm nay (2008) 91 tuổi, về nghỉ hưu từ sau Đại hội IX (tháng 4-2001), nhưng vẫn còn tham chính theo cách riêng của mình.

Nó cũng có thật ở nguyên Tư lệnh Quân khu IX, nguyên Tư lệnh ''Quân tình nguyện Việt Nam'' ở Kampuchia, nguyên Tổng tham mưu trưởng, nguyên Bộ trưởng quốc phòng, nguyên Chủ tịch nước Đại tướng Lê Đức Anh, sinh năm 1920, năm nay (2008) 88 tuổi, về nghỉ hưu từ sau Đại hội IX (tháng 4-2001), nhưng vẫn còn tham chính cùng ông Đỗ Mười theo cách riêng của hai vị.

Nó có thật còn ở chỗ hai vị tuy đã nghỉ hưu, vẫn còn có văn phòng riêng đặt tại tư dinh của mình (tư dinh ông Mười ở đường Phạm Đình Hổ quận Hai Bà Trưng, tư dinh ông Anh ở trên đường Phan Đình Phùng, quận Ba Đình). Mỗi vị có một chánh văn phòng, 2 viên thư ký, 1 bác sĩ, 1 lái xe, 2 bảo vệ, 1 cần vụ, 1 nấu ăn với một số điện thoại theo ba hệ thống, nội bộ trung ương đảng, trong nước và viễn liên.

3- một quan niệm từ xưa: ''tôi tác thành cho anh, anh là người của tôi''

Theo cách hành xử từ thời phong kiến xa xưa, một viên chức gia nhập ngành hành chính, quan lại sẽ luôn ghi ơn suốt đời mình : ông bà, cha mẹ sinh ra mình, những thày giáo từng dạy mình khôn lớn và những nhân vật cấp trên đã chỉ bảo, nâng đỡ, dìu dắt và trọng dụng mình, chọn lựa và đặt mình vào các chức vụ hệ trọng nhất. Gói gọn trong một danh từ ghép, việc làm như thế gọi là ''tác thành''. Công ơn tác thành là điều mà các hiền sĩ, người quân tử luôn ghi nhớ để khi có dịp thì báo ân, trả ơn theo nếp sống đậm đà tình nghĩa.

Mặt khác, các quan chức cao cấp thường tận dụng nếp nghĩ có nghĩa tình như thế để coi những kẻ hậu sinh mà mình từng có dịp tác thành là những đồ đệ tin cậy của mình, với những niềm vui và hãnh diện đã biết phát hiện, chọn lựa hiền tài (!) cho đất nước. Cũng có người quen thói cá nhân vụ lợi tận dụng những mối quan hệ tình nghĩa ấy để kiếm lợi riêng cho tham vọng cá nhân. Họ ép buộc những kẻ từng hàm ơn họ phải trung thành và phục vụ họ cả trong những mưu đồ riêng tư.

Điều này giải thích vì sao các ông Trần Đức Lương, Trần Đình Hoan, Phạm Văn Trà, Nguyễn Khoa Điềm ... lại gắn bó với ông Mười đến thế, chỉ vì ông Mười khi là phó thủ tướng, là thủ tướng rồi tổng bí thư đã đưa ông Lương ở tổng cục địa chất, ông Hoan ở bộ lao động, ông Trà ở quân khu VII, ông Điềm ở sở thông tin văn hoá Thừa Thiên vào các cương vị cao nhất là ủy viên bộ chính trị. Tại sao ông Anh lại được các ông tướng Lê Văn Dũng, Phạm Trung Kiên, Nguyễn Huy Hiệu... của quân đội, rồi các ông tướng Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Văn Hưởng, Lê Thế Tiệm... ở ngành công an biết ơn đến vậy? Chỉ vì ông Anh đã ký lệnh thăng vượt cấp các vị nói trên cùng 178 viên tướng khác theo tiêu chuẩn trung thành với cá nhân mình, chỉ trong thời gian ông làm Chủ tịch nước từ tháng 6-1992 đến tháng 12-1997, nghĩa là trong 5 năm rưỡi, nhiều hơn cả ông Hồ Chí Minh trong 25 năm làm Chủ tịch nước.

Mối quan hệ cá nhân kiểu thầy-trò như trên là hệ quá tai hại của nếp lựa chọn nhân tài không qua thi cử, không qua thăm dò dư luận, không mảy may công khai, minh bạch, không qua ý kiến tập thể cân nhắc cẩn thận, lại theo cách thức hết sức cá nhân, tùy tiện, ngẫu nhiên, vô nguyên tắc. Cho nên mới có người kém cỏi, tài ít, đức mỏng, tham tàn lại cố kết với nhau thành phe nhóm nắm quyền đè nén dân, tàn phá xã hội.

4- Công cụ chính của Phủ Chúa: bộ máy tình báo và đàn áp

Công cụ lợi hại nhất của cặp nhân vật ngự trị trong Phủ chúa là bộ máy tình báo Tổng cục 2 đã nói đến ở phần trên. Qua kế hoạch nâng cao Tổng cục 2 ngang với Bộ Tổng tham mưu, phình to để gồm có 12 Cục, với chức năng rộng lớn an ninh nội bộ đảng, nội bộ quân đội, nội bộ cộng đồng người Việt ở nuóc ngoài, an ninh quốc tế, do thám và phản gián, tham vọng của ông Lê Đức Anh là đặt nó ngang với CIA của Mỹ và Gestapo của Đức ngày trước; Tổng cục 2 cài sâu vào mọi tổ chức cảnh sát, an ninh, bảo vệ, còn cài sâu vào mọi tổ chức chính trị, tôn giáo, kinh tế, ngoại thương, văn hoá, du lịch, thể thao... Nó có vô vàn chân rết, tai mắt, nhân viên, cộng tác viên ở mọi cấp, trở thành ''quân đội trong quân đội'', ''nhà nước trong nhà nước'', ''đảng ở trong đảng''.

Ngân sách cho nó thì vô kể, không ai có thể biết cụ thể là bao nhiêu. Kinh doanh của nó cũng không hạn chế. Ngoại tệ mạnh của nó cũng dồi dào. Người tin cẩn về mặt này của ông Mười là ông Nguyễn Sinh Hùng, cùng ở xã Kim liên với ông Hồ Chí Minh, được ông Mười ''tác thành'' cho, từ thứ trưởng tài chính sau Đại hội VII, lên bộ trưởng tài chính sau VIII, rồi lên phó thủ tướng sau Đại hội IX, nay là Phó thủ tướng thường trực sau Đại hội X, nghĩa là phó thủ tướng thứ nhất, đặc trách về tài chính tiền tệ. Cắt xén ngân sách quốc gia cho bộ máy cồng kềnh của đảng, cắt xén hậu hĩ tiền của nhà nước, tức là của dân, cho hai cơ quan hệ trọng nhất của đảng là Ban tài chính quản trị trung ương đảng và Tổng cục 2 là ''nghĩa vụ'' hàng đầu của ông Nguyễn Sinh Hùng.

5- Hai Bố già và công ty bảo kê quốc tế

Phủ Chúa thời hiện đại hoạt động theo kiểu Mafia quốc tế. Nó đứng ngoài Luật pháp và Hiến pháp; nó dùng uy lực tinh thần và sức đe dọa trừng phạt kiểu Mafia, nghĩa là kiểu lưu manh hung bạo. Khi tổng bí thư Lê Khà Phiêu dẫn đầu đoàn cấp cao thăm Pháp cuối năm 2000, nhân viên Tổng cục 2 đi theo đã theo lệnh Anh chụp trộm một số ảnh Phiêu đang ăn nằm với Thị Hà và Thị Dung đi phục vụ trong đoàn, để sau đó chỉ 3 tháng Lê Đức Anh chìa ra cho đoàn chủ tịch Đại hội đảng toàn quân xem, tô đậm tội '' hủ hoá'', 1 trong 10 tội lớn của Phiêu, khi Phiêu dám đưa ra ý kiến phế bỏ chức ''cố vấn trung ương'' của Mười, Anh và Kiệt. Mới đây, tháng 3-2008 một quan chức thuộc tổng cục 2 xuống tận Hải Phòng đe dọa nhà văn đối kháng Nguyễn Xuân Nghĩa khi ông này định về Hà Nội dự lễ tang ông Hoàng Minh Chính là: ''có còn nhớ cái chết của vợ chồng Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh trên đừơng số 5 hồi nào không?'', gián tiếp thừa nhận bàn tay mafia chính trị trong vụ án tai nạn giao thông giết hai vợ chồng nghệ sĩ cùng đứa con trai, chỉ vì Lưu Quang Vũ lên án quyết liệt những mặt trái của chế độ.

Bố Già trong các nhóm mafia Ý hoặc Nam Mỹ là những tay anh chị lão luyện trong nghề, từng vào tù ra tội, già dặn trong thử thách, tiếng tăm trong công luận. Ông Mười 91 tuổi và ông Anh 88 tuổi có thể coi là Bố Già của mafia chính trị hiện đại Việt Nam.

Mỗi nhóm mafia thường được đỡ đầu, che chở kín đáo bởi một công ty, một nhóm cảnh sát, công an, quan chức có quyền lực, thần thế, theo kiểu có đi có lại, qua thương lượng, thông đồng, bằng tiền bạc, hiện vật quý hiếm. Nhóm mafia thượng thặng trong cung đình cộng sản Hà Nội được chính quyền cộng sản Bắc Kinh đỡ đầu, bảo kê, nuôi dưỡng và chỉ đạo. Chỗ mạnh ghê gớm của nó nằm ở đó. Chỗ yếu chí mạng của nó cũng nằm ở đó.

Được Thiên triều bảo kê, Phủ Chúa Hà Nội có thế rất cao. Hệ thống điện thoại đặc biệt nối thẳng tới sứ quán Trung Quốc đường Hoàng Diệu, đến phòng làm việc của đại sứ Hồ Càn Văn. Hồ Càn Văn là ai? Năm 1990 ông ta còn là bí thư thứ nhất của Sứ quán, trực tiếp thu xếp cuộc gặp riêng của đặc phái viên Bắc Kinh là Từ Đôn Tín với bộ trưởng quốc phòng Lê Đức Anh. Các cuộc gặp không cần phiên dịch, vì cả đại sứ hồi ấy là Trương Đức Duy cũng như Từ Đôn Tín và Hồ Càn Văn đều nói tiếng Việt cực kỳ thông thạo như người Việt vậy. Có những lương y giỏi nhất từ Bắc Kinh thường xuống khám bệnh, bốc thuốc cho ông Mười và ông Anh. Nhờ đó ông Mười 91 tuổi vốn bị bệnh thần kinh mất ngủ đã khỏi bệnh, lưng còn thẳng; giới trí thức thủ đô kể rằng năm 1997, khi vào tuổi 80, ông có vẻ hồi xuân, tỏ tình, muốn cưới bà tiến sĩ toán H.X.S., đã đưa ''lễ chạm ngõ'' nhưng không được đồng ý. Ông Anh yếu hơn vì cơn nhồi máu cơ tim năm 1989, nay nhờ các thày lang Tàu cũng hồi phục tuy nói còn khó khăn, mồm hơi méo.

Bảo kê của Bắc Kinh còn được thực hiện qua cơ quan Tình báo Trung Quốc ở Hoa Nam, đóng tại thành phố Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông), có mối quan hệ cực kỳ chặt chẽ với Tổng cục 2. Các quan chức và cả gia đình của Tổng cục 2 thường được mời sang nghỉ tại những nhà nghỉ đặc biệt của Tình báo Hoa nam trên bờ biển đảo Hải Nam.



IV. Những mưu đồ chiến lược của Phủ Chúa

1- Kềm giữ Việt Nam trong vòng tay của Trung Quốc

Đây là mục tiêu chính trị hàng đầu của Bắc Kinh. Làm sao Việt Nam luôn và mãi mãi là ''bạn tốt'', nghĩa là chư hầu, ''phiên thuộc'', một vệ tinh, một thuộc địa kiểu mới của Bắc Kinh. Ngăn ngừa xu thế đảng CS độc lâp tự chủ với đảng CS Trung Quốc. Cảnh giác với khả năng Việt Nam cân bằng quan hệ với Trung Quốc và quan hệ với Hoa Kỳ.

Đây là thái độ rất ích kỷ, vì chính Trung Quốc tìm mọi cách để ưu tiên cải thiện quan hệ mọi mặt với Hoa kỳ và phương Tây nhằm ưu tiên hiện đại hoá kinh tế và quốc phòng với tốc độ cao, lại ngăn chặn Việt Nam thực hiện chính điều ấy. Chính họ đã dùng Phủ Chúa ở Hà Nội để thực hiện sự kìm hãm ích kỷ này.

2- Kềm giữ Việt Nam luôn theo gót Trung Quốc, đi sau Trung Quốc, lẽo đẽo theo sau với một khoảng cách nhất định, không cho phép bứt lên, ngang hoặc vượt lên trước, đặc biệt là trong quan hệ với các nước phương Tây và Hoa Kỳ. Đổi mới ở Trung Quốc khởi đầu từ năm 1978, ở Việt Nam năm 1986, sau Trung Quốc đến 8 năm. Bình thường hoá quan hệ với Mỹ, vào Liên Hợp Quốc, vào Tổ chức thương mại thế giới WTO, Trung Quốc luôn dùng Phủ Chúa để trì hoãn Việt Nam, không cho qua mặt Trung Quốc. Năm 1999, lẽ ra Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ đã được ký kết tại New Zealand (Tân Tây Lan) nhưng chủ tịch Lê Đức Anh đã lệnh cho thủ tướng Phan Văn Khải hoãn việc ký mà không giải thích lý do, để tháng 7-2000 mới ký được.

Riêng trong quan hệ với Hoa kỳ, Bắc Kinh luôn giành thế thượng phong so với Việt Nam. Tổng thống Nixon thăm Trung Quốc ký Tuyên bố Thượng hải từ tháng 2 năm 1972. Tổng thống Clinton đi thăm chính thức Bắc Kinh tháng 6-1998. Tổng thống Bush thăm tháng 2-2002. Trung Quốc vào WTO từ tháng 12-2001, trước Việt Nam đến 5 năm. Bắc Kinh vào Liên Hợp Quốc thay Đài loan từ năm 1971. Việt Nam vào lâu sau đó, tháng 9-1977.

Mọi người không thể quên câu nói của Đặng Tiểu Bình ngày 19-5-1978: ''Trung Quốc là NATO phương Đông (ngụ ý để cùng NATO bao vây Liên Xô), Việt Nam là Cuba phương Đông (ngụ ý là chư hầu Liên Xô)''.

3- Kềm giữ Việt Nam trong chế độ XHCN mác-xít mao-ít, với đặc điểm là theo học thuyết đấu tranh giai cấp và thiết lập nên chuyên chính của một đảng duy nhất - đảng cộng sản. Từ Đại hội VII (năm 1991), đến Đai hội VIII (1996), rồi đến Đại hội IX (2001) và Đại hội X (2006), mặc cho có hàng vạn ý kiến của trí thức, tuổi trẻ, văn nghệ sĩ cùng một số nhà kinh doanh, cả nhà cách mạng lão thành bác bỏ nền ''dân chủ một đảng'' giả dối, thực hiện nền dân chủ đa nguyên đa đảng lành mạnh, tiến bộ, nhóm lãnh đạo vẫn một mực duy trì chế độ độc quyền đảng trị cổ lỗ lạc hậu. Từ sau Đại hội VI (1986) trong đảng CS có một số ý kiến đòi đổi tên đảng (trở lại tên đảng Lao động, hay đổi thành đảng Dân chủ xã hội, đảng dân chủ mới) và đòi đổi tên nước (trở lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), bỏ Điều 4 cuả Hiến pháp (từng bắt chước hiến pháp của đảng CS Liên xô), đến nay theo tác động của Phủ Chúa, những ý kiến theo hướng dân chủ như thế đều bị coi là đồ quốc cấm (tabou), không được đưa trên báo chí và mọi phương tiện truyền thông khác.

4- Thực hiện đàn áp thẳng tay, tức thời mọi biểu hiện chống đối độc quyền đảng trị, đòi tự do dân chủ: đây là một hướng hành động rõ ràng, dứt khoát không được chập chờn nhân nhượng của chính quyền độc đảng, vì chính nó tự hiểu nó đã gây nên bao bất công, bao nhiêu đau khổ chết chóc, mất mát và tàn phá, và tích lũy biết bao uất hận trong lòng nhân dân qua nhiều thế hệ. Nó càng hiểu rằng nếu nó chịu nhượng bộ lẽ phải và chân lý, lùi một bước thì sẽ phải lùi thêm một bước, rồi một bước nữa, để rồi không tránh khỏi bị ngã ngựa, xuống đài và lăn kềnh.

Trước công luận, trước thế giới hiện đại, có khi nó phải dịu giọng, trưng ra bộ mặt thức thời, phải đạo, lên giọng hứa hẹn giả đạo đức, nhưng ngay trong lúc đó ở trong nước nó vẫn hành động ngang ngược theo bản chất hung hãn chà đạp nhân phẩm và nhân quyền cố hữu. Do đó những người cầm quyền cao nhất từ tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội, người phát ngôn của họ vẫn cứ leo lẻo nói không chút ngượng ngịu rằng ở Việt Nam không hề có tù nhân chính trị, trong khi có cả một quyết định và thông báo về '' tù chính trị '' của bộ chính trị được tiết lộ công khai. Giữa thời kỳ mà minh bạch công khai trở thành tiêu chuẩn của đổi mới và hội nhập, họ vẫn bám chặt lấy kiểu nói lấy được, nói theo kiểu lưỡi gỗ của thời cường hào cực thịnh xa xưa.

Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ internet, thanh tra thường xuyên mọi quán càfê internet, Việt Nam cũng làm theo đúng vậy. Bắc Kinh cấm báo chí tư nhân, Việt Nam làm theo đúng vậy. Bắc Kinh lập tường lửa chặn các mạng internet đòi dân chủ, phá sóng Đài Á châu Tự do RFA, Việt Nam cũng làm theo.

5- Làm tay trong để thỏa mãn tham vọng bành trướng xuống phương Nam của Trung Quốc: Đây là một mưu đồ hệ trọng bậc nhất. Như đã nói ở phần trên, việc đàm phán và ký kết hai Hiệp ước Việt - Trung về phân định biên giới trên bộ và trên biển trong Vịnh Bắc bộ đã được thức hiện chóng vánh, trôi chảy ra sao; phía Việt Nam đã nhượng bộ như thế nào qua hàng loạt câu hỏi chưa được giải đáp có sức thuyết phục. Việc ký Nghị định thư về đánh cá chung ký cùng ngày với Hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ cũng gây thiệt hại vô hạn, vì rõ ràng Trung Quốc có đội đánh cá ở vùng biển phía Nam mạnh gấp 20 lần của Việt Nam trong Vịnh Bắc bộ. Giống như việc chia chiếc bánh '' bình đẳng '' giữa một lực sĩ tham ăn với một chú bé lên 10 ốm yếu vậy. Bao nhiêu tài nguyên hải sản trong Vịnh Bắc bộ đã và còn bị ông bạn khổng lồ phía Bắc vơ vét hết. Các nhân vật cao nhất tham dự vào các Hiệp ước và Nghị định thư tệ hại trên là các ông: Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyễn Dy Niên, Lê Công Phụng...

Cuối năm nay (2008), Nghị định thư ký sau khi hoàn thành việc cắm mốc dọc biên giới Việt - Trung sẽ được công bố công khai cùng toàn bộ bản đồ tỉ mỷ vẽ theo thực địa, lúc ấy mọi người có thể biết là phía Việt Nam đã bị mất bao nhiêu đất. Cái tội ấy sẽ được toàn dân biết rõ và quy đúng trách nhiệm. Vì lúc ấy phía Trung Quốc thu lợi lớn sẽ không ngần ngại công bố công khai tập bản đồ có lợi cho họ trên báo chí và mạng thông tin điện tử.

(còn tiếp một kì)
Bùi Tín
Paris, tháng 2 - tháng 4-2008
(Mời quý vị đọc tiếp phần cuối tại đây)


[4] Xem tập hồi ký Làm người là khó của ông Đoàn Duy Thành, cùng ở chức phó thủ tướng với ông Đỗ Mười hồi 1981-1987, nói về tham vọng chính trị không giới hạn, mức kém cỏi về tài đức của ông Mười đến mức ông Thành kết luận đó là ''một kẻ vô lại về chính trị''.

[5] Xem Thư ngày 3-2-2005 của 3 vị lão thành Phạm Văn Xô, Đồng Văn Cống, Nguyễn Văn Thi gửi bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương và ban kiểm tra trung ương, xác định lý lịch của Lê Đức Anh.

[6] Xem Thư của đại tá Nguyễn Trần Thiết ngày 22 tháng 8 năm 1997 gửi thủ trưởng Tổng cục chính trị, có kèm theo Bản tường trình của một đảng viên cao cấp ở Huế.

[7] xem tài liệu ''Vương triều Vũ Chính - Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng'', do chính sĩ quan TCII viết, có 5 phần, được đưa lên mạng từ đầu năm 1998.
Category: Đạo đức Hồ Chí Minh | Views: 1898 | Added by: danchu | Rating: 5.0/1
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 5
Khách: 5
Thành Viên: 0