Thứ Tư, 2024-12-04, 2:57 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 24 » Vụ xử phóng viên: nói về bản án đồng nghiệp
7:35 AM
Vụ xử phóng viên: nói về bản án đồng nghiệp
2008-10-23

Có nhiều tên gọi được đặt cho vụ án này. Khởi thuỷ, người ta gọi là “vụ PMU 18.” Rồi sau đó, thành “Vụ Nguyễn Việt Tiến.” Đến khi hai phóng viên bị bắt, có người gọi tên là “vụ bắt phóng viên.”

Photo: AFP

Hai phóng viên Nguyễn Văn Hải của báo Tuổi Trẻ và Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh Niên tại phiên toà xét xử vào ngày 14 và 15 tháng Mười.


Trong bài viết “Vụ Án của Dư Luận” được trình bày hôm 16 tháng Mười, chúng tôi tổng kết các sự kiện, phác hoạ toàn bộ quá trình tiến hoá của vụ án liên quan đến 2 nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải.

Bài viết ấy được sử dụng với mục đích đặt dấu chấm hết cho toàn bộ sự việc, vì, hiểu theo một nghĩa nào đó, sự kiện đang đi dần vào hồi kết thúc. Hai nhà báo đã bị tuyên án, 2 sĩ quan công an đã bị tuyên án, và cho đến nay, chưa một ai tỏ dấu hiệu sẽ thật sự kháng án!

Cũng trong bài viết ấy, chúng tôi ghi nhận một sự kiện. Đó là sự bùng nổ trên diễn đàn Internet các ý kiến bình phẩm, phân tích, khen cũng như chê, đối với bản án và đối với thái độ của mỗi nhà báo tại phiên xử ở Hà Nội.

Tạo sự xa cách

Và cũng không lâu sau đó, một khu vực ý kiến khác, đáng để ý hơn, lại tiếp tục ra đời. Các ý kiến này “đáng để ý hơn” vì liên quan đến những “người trong cuộc.”

Có thể gọi là “người trong cuộc” nếu chúng ta cùng thừa nhận rằng mọi nhà báo Việt Nam, liên quan nhiều hay ít, trực tiếp hay gián tiếp, hoặc chỉ đơn giản quan sát sự kiện, là những người trong cuộc. Và trong trường hợp ấy, ý kiến của họ là đáng quan tâm.

“Tôn trọng sự chọn lựa của hai nhà báo,” phóng viên Huy Đức đã viết như vậy trên blog của anh.

“Tôi tôn trọng sự lựa chọn của hai nhà báo. Đối với Nguyễn Việt Chiến, có thể đấy là niềm tin của anh. Nhưng, thừa nhận sai lầm có lẽ cũng là niềm tin của anh Nguyễn Văn Hải. Những “thông tin sai sự thật” ấy đúng là bắt nguồn từ các ban chuyên án, nhưng “kiểm chứng” cũng là một việc mà các nhà báo phải làm.”

Tôi tôn trọng sự lựa chọn của hai nhà báo. Đối với Nguyễn Việt Chiến, có thể đấy là niềm tin của anh. Nhưng, thừa nhận sai lầm có lẽ cũng là niềm tin của anh Nguyễn Văn Hải. Những “thông tin sai sự thật” ấy đúng là bắt nguồn từ các ban chuyên án, nhưng “kiểm chứng” cũng là một việc mà các nhà báo phải làm.

Phóng viên Huy Đức

Trên một blog khác, tác giả, có tên là “Bố Cu Hưng,” cũng là một nhà báo “có thời gian dài làm phóng viên chung mảng ở Hà Nội” với Chiến và Hải, thì nhận định rằng quyết định của toà án đã tạo một sự xa cách giữa các nhóm phóng viên.

“Sau buổi sáng 15-10, mức án cách biệt đã đẩy nhiều đồng nghiệp thành hai nhóm, đã đẩy tình cảm của một số nhà báo của hai tờ báo lớn nhất nước xa nhau. Đó là điều đáng buồn.”

Một nhà báo khác, nguyên Biên Tập Viên Tin Tức Đài Truyền Hình Việt Nam và Đài Tiếng Nói Việt Nam, là ông Trần Quang Thành thì nói với đài chúng tôi hôm tuyên án, rằng đây là một “bản án không nên có và không đáng có.”

“Tôi thấy đây là một bản án không nên có và không đáng có, tại vì những nhà báo này nói lên đúng sự thật. Vụ án Nguyễn Việt Tiến những gì sai đăng trên các báo đã kịp thời đính chính theo như chỉ đạo từ trên rồi và cũng đã có những bài báo bị phạt hành chính, tức là những thủ tục cần thiết đã xử lý kịp thời rồi, nhưng rất ngạc nhiên là 2 năm sau những bài báo bị phạt rồi  lại trở thành một vụ án hình sự thì tôi thấy đó là sự đáng tiếc.”

Có nhiều tên gọi được đặt cho vụ án này, tuỳ vào vị trí, quan điểm và tình cảm của người quan sát. Khởi thuỷ, người ta gọi tên vụ án này là “vụ PMU 18.”

Vụ án hai phóng viên gây phản ứng mạnh trong giới báo chí thế giới
Vụ án hai phóng viên gây phản ứng mạnh trong giới báo chí thế giới
Rồi sau đó, PMU 18 được nâng cấp lên, thành “Vụ Nguyễn Việt Tiến.” Đến khi hai phóng viên Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến bị bắt, có người gọi tên là “vụ bắt phóng viên.”

Cho những ai quan tâm đến tình trạng tham nhũng tại Việt Nam, đây là “vụ án tham nhũng.” Và nhìn ở mặt đối diện, khi những người xét xử tham nhũng và đưa tin về tham nhũng bị bắt, tên gọi được đổi ngược lại, “vụ án những người chống tham nhũng.”

Bất kể công luận đặt tên là gì, chính quyền có tên gọi chính thức khác: “Vụ Án Phạm Xuân Quắc.”

Lòng dũng cảm

Trở lại dư luận của chính báo giới đối với hành động bắt giam và xét xử 2 đồng nghiệp Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến.  Thật sự là vậy, đã và đang có sự so sánh về bản án của 2 người từng là đồng nghiệp.

Nhà báo Huy Đức viết trên blog của anh, rằng “thái độ trước Toà như nhà báo Nguyễn Việt Chiến là một điều không dễ dàng.”

 “Những ai từng cầm lệnh “triệu tập” điều tra, mới thấy, sau 5 tháng ở tù mà vẫn giữ được thái độ trước Tòa như nhà báo Nguyễn Việt Chiến là một điều không dễ. Cũng con người ấy, khi làm thơ thì thật là duy cảm, khi làm bị cáo đã bản lĩnh hết mình.

Những thông tin về PMU 18 bây giờ Tòa xác định là sai, nhưng khi viết, có lẽ, anh đã tin đấy là sự thật. Hai năm tù có thể là dằng dặc, cũng có thể là một “trải nghiệm” không chỉ có khổ đau, nhất là với một người biết rõ con đường đi mà mình lựa chọn.”

Đối với Nguyễn Văn Hải, nhà báo Huy Đức cho rằng “nhìn nhận sai lầm cũng là hành động cần lòng dũng cảm.”

“Tôi cũng không nghĩ thái độ trước Tòa của nhà báo Nguyễn Văn Hải là vì “lượng khoan hồng”. Hơn 5 tháng trước khi bị bắt, trên blog của nhà báo Đức Hiển, Hải đã nói về những sai lầm này.

Nhìn nhận những sai lầm trong nghề cũng là một hành động rất cần lòng dũng cảm. Đáng tiếc, phán quyết của Tòa, tạo ra hoàn cảnh quá khác biệt giữa hai người, đã để lại không ít ngậm ngùi cho dư luận và cho cả những người trong cuộc.”

“…Ngày hôm nay
Tôi đánh cược sự trống rỗng của lòng tin
Đổi lấy một chút hi vọng…”

Một ai đó đã viết như vậy, trong bài thơ đề ngày 13 tháng 10, ký tên Trương Thị, với tựa đề “Cho Dù Bầm Dập Cả Ngày Mai.”

Mạn phép tác giả, xin giới thiệu một trích đoạn tìm thấy trên blog của Na Sơn sau đây.

“Niềm hy vọng rách tơi tả
Ôm lấy vành móng ngựa
Ngước nhìn đôi mắt sưng đỏ lên sau song sắt
Siết chặt trái tim nóng bầm đen một góc
Câm lặng
khóc
nghẹn…”

Một số tờ báo của Việt Nam đưa tin về bản án, có đoạn nói rằng nhà báo Nguyễn Việt Chiến “bị đánh giá có hành vi phạm tội nguy hiểm.”

Nặng hay không nặng?

Một blogger, lấy tên là Mr. Do, viết trên nhật ký của mình: “Thấy trên thế giới ảo có nhiều người than: nặng quá! Nặng quá!

Tôi thì nghĩ mức án này không nặng. Tôi không hiểu “tội lợi dụng quyền tự do dân chủ” là cái gì, có giống việc tôi lợi dụng lòng tốt của một cô gái trẻ hay không, nhưng riêng phản ứng của anh Chiến trước tòa cũng đủ để khiến anh phải bóc lịch thêm một thời gian.”

Không hiểu sao tôi lại liên tưởng phiên tòa vừa qua với một vở kịch và anh Chiến là một diễn viên cứng đầu. Và anh Chiến đã bị phạt nặng vì tội cứng đầu, đại khái thế.

Mr. Do

Mr. Do viết tiếp, để lý giải cho bản án mà Nguyễn Việt Chiến phải mang vào hành trang cuộc đời.

 “Không hiểu sao tôi lại liên tưởng phiên tòa vừa qua với một vở kịch và anh Chiến là một diễn viên cứng đầu. Và anh Chiến đã bị phạt nặng vì tội cứng đầu, đại khái thế.

Mà nếu như thế thì lẽ ra anh Chiến chính là người mà các đạo diễn phải tri ân. Bởi, chính phản ứng đẫm chất thơ (poetic adventure, hic!) của anh đã làm cho vở kịch bớt phô.

Các bạn thử nghĩ xem, nếu anh Chiến cũng “cúi đầu nhận tội” thì phiên tòa vừa qua sẽ như thế nào”

Nếu Chiến cũng “cúi đầu nhận tội” thì phiên toà vừa qua sẽ như thế nào? Trương Thị, trong bài thơ “Cho Dù Bầm Dập Cả Ngày Mai,” đã “đánh cược sự trống rỗng của lòng tin, đổi lấy một chút hi vọng.”

 “…Ngày hôm nay
Tôi đánh cược sự trống rỗng của lòng tin
Đổi lấy một chút hi vọng
Hy vọng rằng
Tim bạn tôi
Đừng bầm đen thêm nữa
Hi vọng
Chúng ta sẽ thoát khỏi phiên toà hoang mang
Thoát khỏi những cánh cửa sắt hành hình niềm tin
Ôm lấy nhau
Cho dù
Bầm dập cả ngày mai!!!”

Xin gởi cho chúng tôi các thông tin cùng đường liên kết đến các blog hữu ích mà quí vị đọc được, qua địa chỉ vietweb@rfa.org.

Dấu hỏi lớn

Hôm nay, Nguyễn Văn Hải đã trở lại cuộc sống bình thường. Hôm nay, Nguyễn Việt Chiến cũng đã trở lại nhà tù, nơi tạm giam trở thành nơi giam giữ chính thức. Những gì đã xảy ra, cộng thêm với dư luận, nhất là dư luận của chính đồng nghiệp, sẽ vĩnh viễn thay đổi cuộc đời của 2 phóng viên này.

Những gì để lại sau phiên xử là dấu hỏi rất lớn, cho những ai tiếp tục công việc báo chí, về vai trò của báo chí Việt Nam. Không thể phủ nhận, tính chất và cơ chế báo chí Việt Nam hiện nay là nguyên nhân đưa đến phiên xử. Có thể, sẽ tiếp tục còn những phiên xử như vậy trong tương lai, khi báo chí tiếp tục là công cụ của nhà nước.

Mỗi phóng viên có quyền chọn lựa một thái độ trước Toà. Và trong toàn bộ bối cảnh của báo chí và xã hội Việt Nam hiện nay, mỗi thái độ đều có thể hiểu được, và cần được cảm thông.

Câu hỏi lớn nhất là, đến bao giờ, những phiên xử như vậy mới không còn tồn tại?

Vừa rồi là những thông tin, nhận định được ghi nhận từ một số blog và diễn đàn trên Internet liên quan đến vụ xử 2 phóng viên Nguyễn Văn Hải của báo Tuổi Trẻ và Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh Niên vào ngày 14 và 15 vừa qua tại Hà Nội.

Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm, sàng lọc và gởi đến quí vị những hình thức thông tin trên Internet, trong các trang Blog cá nhân liên quan đến nhiều đề tài khác nhau và gởi đến quí vị trong các chương trình sau.

Mong quí vị đóng vai trò cầu nối giữa chúng tôi và các thông tin như vậy. Xin gởi cho chúng tôi các thông tin cùng đường liên kết đến các blog hữu ích mà quí vị đọc được, qua địa chỉ vietweb@rfa.org.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1003 | Added by: danchu | Rating: 3.0/1
Total comments: 1
1 dongnghiep  
0
Chúc site ngày càng phát triển - www.dongnghieptha.ucoz.com

Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 23
Khách: 23
Thành Viên: 0