Nguyễn Hùng bbcvietnamese.com
|
|
''Đây không phải là một năm tuyệt vời cho nhân quyền ở Việt Nam và chúng tôi lo ngại,'' Trưởng Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu
ở Việt Nam Sean Doyle nói với BBC qua điện thoại từ Hà Nội chiều 23/10.
''Nghị viện Châu Âu đã giải thích rất rõ ràng về lo ngại này.''
Chưa đầy một giờ sau, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Dũng nói trong điện thư gửi Ban Việt ngữ: ''Đảm bảo và phát huy các
quyền con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới ở Việt Nam.
''Những nỗ lực của Việt Nam đã đem lại nhiều thành quả được cộng đồng quốc tế công nhận.''
Hai ông Lê Dũng và Sean Doyle cùng phản ứng trước một nghị quyết được thông qua với đa số phiếu của Nghị viện Châu Âu hôm
22/10.
Nghị quyết đã ''lên án những vi phạm nghiêm trọng của Việt Nam đối với tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và tự do hội họp''.
Nghị viên Châu Âu kêu gọi Liên hiệp Châu Âu (EU) phải đảm bảo rằng Việt Nam ''chấm dứt những vi phạm có hệ thống dân chủ và
quyền con người'' trước khi Hiệp định Hợp tác và Đối Tác giữa EU và Việt Nam được ký kết.
Khôn khéo
Đại diện của EU ở Việt Nam, ông Doyle nói rằng quá trình đàm phán chỉ vừa mới bắt đầu.
|
Việt Nam đang đi qua một giai đoạn kinh tế khó khăn và người ta chưa biết nó còn xấu đi tới mức nào. Tình hình này làm cho
nhiều người thấy bi quan và càng cố giữ lấy ghế.
Sean Doyle , Trưởng Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu ở Việt Nam
|
Ông cũng nói do số lượng các cơ quan tham gia đàm phán và các vấn đề cần bản thảo, hai bên khó có thể ký kết hiệp định hợp
tác mới trong vòng một năm tới.
Vị đại diện của Châu Âu nói hiệp định mà hai bên đang đàm phán nằm trong quy hoạch tổng thể mà chính Việt Nam đưa ra.
Ông nói thêm: ''Việt Nam rất tham vọng về những gì họ muốn và chúng tôi cũng sẽ đòi hỏi nhiều.''
Tham vọng của Việt Nam mà ông Doyle nói tới là sự tiếp tục mở cửa thị trường Châu Âu cho Việt Nam, công nghệ và kỹ thuật của
Châu Âu mà Việt Nam cần trong phát triển kinh tế và cả cách vận hành kinh tế, xã hội.
Trong khi đòi hỏi của EU sẽ là sự minh bạch, cách điều hành hiệu quả của chính phủ và đảm bảo các quyền con người.
Giáo sư Bùi Huy Khoát, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu của Việt Nam nói với BBC đòi hỏi về nhân quyền của EU không
có gì mới.
''Ngay khi ký hiệp định khung hồi năm 95, EU luôn đặt lên chương trình nghị sự hàng đầu là dân chủ và nhân quyền.''
Giáo sư Khoát nói phía Việt Nam đã 'cởi mở hơn' và cũng 'khôn khéo hơn' trong khi đề cập tới vấn đề nhân quyền với EU.
Ông Khoát nói Việt Nam ngoài EU còn chịu sức ép của nhiều nước khác và phải có cách ứng xử 'mềm'.
Đồng minh
Ông Sean Doyle nói Việt Nam đã có một số tiến bộ về vấn đề nhân quyền và là một đất nước đã và đang thay đổi.
|
|
Châu Âu là thị trường lớn nhất cho hàng hóa Việt Nam |
Theo ông, người ta cần nhìn Việt Nam trong một khung thời gian dài hơn.
Ông cũng nói: ''Hiện Việt Nam đang đi qua một giai đoạn kinh tế khó khăn và người ta chưa biết nó còn xấu đi tới mức nào.
''Tình hình này làm cho nhiều người thấy bi quan và càng cố giữ lấy ghế.''
Nhưng ông cũng nói ông hy vọng đây chỉ là một giai đoạn ngắn và đàm phán hiệp định hợp tác mới sẽ có ích cho cả Việt Nam và
Châu Âu, hiện là thị trường lớn nhất của Việt Nam.
''Đàm phán buộc người ta phải nghĩ về chuyện họ muốn gì và sẽ đi về đâu.
''Nó cũng làm cho người ta nhận ra người ta không đơn độc.
''EU và Việt Nam có nhiều điểm chung và nhiều người từ cả hai phía đang tham gia xây dựng mối quan hệ chính trị.
''Đây là quá trình lâu dài nhưng sẽ không buồn tẻ.
''Cả hai phía có lẽ sẽ đều thay đổi sau quá trình này.
''Việt Nam là nước đang phát triển và họ cần đồng minh.
''Châu Âu muốn có một đồng minh điềm đạm, biết điều, thông minh và có đầu óc kinh doanh.
''Việt Nam có thể là một nước như thế.''
|