Thứ Năm, 2025-01-23, 9:15 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 24 » Đòi hối lộ, thay vì đi tù, một thẩm phán chỉ bị… miễn nhiệm
10:17 PM
Đòi hối lộ, thay vì đi tù, một thẩm phán chỉ bị… miễn nhiệm
medium_vn_241008_doihoilo.jpg


Hình bên: Hình chụp cảnh Tòa án xử Phạm Văn Quyến - một cầu thủ bóng tròn “bán độ”. Dù nhân danh công lý để ra các phán quyết song phần lớn thành viên trong đội ngũ thẩm phán của nhà cầm quyền CSVN bất xứng cả về khả năng lẫn tư cách, đồng thời thường xuyên đem công lý ra bán. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP)

Quảng Nam (NV) - Hội đồng kỷ luật của tòa án tỉnh Quảng Nam vừa gửi văn bản đề nghị miễn nhiệm chức danh thẩm phán và chức vụ chánh án đối với thẩm phán Phạm Công Bằng, chánh án tòa án huyện Phú Ninh.

Trong năm nay, ông Phạm Công Bằng nổi tiếng về hai chuyện: Chiếm đất, đánh hàng xóm khi họ phản đối và đòi đương sự đưa hối lộ.

Ngày 26 tháng 9, nhiều tờ báo ở Việt Nam công bố một đoạn băng ghi âm, theo đó, thẩm phán Phạm Công Bằng, chánh án tòa án huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đã đòi các nguyên đơn phải “chung” 7 triệu đồng nếu muốn thắng kiện. Trong băng ghi âm, ông Bằng hăm rằng nếu không, ông sẽ “cho bị đơn thắng kiện”. Sở dĩ cuốn băng ghi âm, ghi lại cuộc “mặc cả” này được gửi cho báo chí là vì... ông Bằng đã nhận tiền nhưng không giữ lời hứa. Kẻ thắng kiện vẫn là ông Nguyễn Gặp - người đã gạt hàng chục gia đình ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh trong việc thu mua cây mà hàng chục gia đình này đã trồng. Các nạn nhân tố cáo, tuy đã nhận tiền của họ song thẩm phán Phạm Công Bằng vẫn ép họ phải nhượng bộ ông Nguyễn Gặp.

Tuy có đủ chứng cứ về việc “đòi hối lộ” song khi xử lý vụ này, tòa án tỉnh Quảng Nam không đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà chỉ đề nghị chánh án tòa án tối cao miễn nhiệm chức danh thẩm phán và cách chức chánh án tòa án huyện Phú Ninh của ông Phạm Công Bằng. Dù rằng, trước đó, trả lời báo điện tử VietNamNet, lãnh đạo tòa án tỉnh Quảng Nam cho biết họ “kiên quyết xử lý vụ này và đồng ý cho ông Phạm Công Bằng chuyển công tác khác, hoặc nghỉ việc có hưởng tiền trợ cấp” .

Trước đây, vào ngày 20 tháng 3 năm 2008, thẩm phán Phạm Công Bằng đã giành đất của hàng xóm rồi đánh hai vợ chồng người này. Lúc đó, tuy công an huyện Phú Ninh, xác định, ông Phạm Công Bằng đã có hành vi xâm hại sức khỏe người khác và hủy hoại tài sản của người khác nhưng lại cho rằng “tính chất mức độ không nguy hiểm, hậu quả không lớn, chỉ cần xử lý hành chính, do đó không khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của ông vợ chồng ông Phạm Nhi - nạn nhân”. Còn ủy ban kiểm tra huyện ủy Phú Ninh nhận xét: “Do thiếu bình tĩnh, không kiềm chế và thiếu gương mẫu, nên ông Bằng đã có hành vi đánh người. Hành vi của ông Phạm Công Bằng không nguy hiểm, thiệt hại không lớn nhưng đã gây dư luận không tốt trong một bộ phận nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín của người đảng viên. Tuy nhiên ông Phạm Công Bằng là con liệt sỹ, là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, có nhiều năm tham gia công tác trong ngành tòa án. Do đó, ủy ban kiểm tra huyện ủy Phú Ninh đã quyết định kỷ luật ông Phạm Công Bằng hình thức: Khiển trách...”. Dựa trên hai nhận định này, tòa án tỉnh Quảng Nam chỉ... cảnh cáo thẩm phán Phạm Công Bằng và thông báo hình thức kỷ luật này trong toàn ngành tòa án Quảng Nam để... rút kinh nghiệm.

Trong vòng nửa năm nay, tại Việt Nam đã xảy ra hàng loạt vụ tai tiếng liên quan đến đội ngũ thẩm phán của quốc gia này.

Hồi cuối tháng 9, tờ Thanh Niên cho biết, ông Ngô Ðức, chánh án tòa án tỉnh Quảng Ninh vừa chính thức xác nhận với phóng viên của họ sự kiện, thẩm phán Hà Công Tuấn của tòa án Quảng Ninh đã bị bắt vì nhận hối lộ 200 triệu đồng của thân nhân bị cáo Lý Chí Trung - một người vừa bị truy tố về tội “buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”. Cùng bị bắt với Hà Công Tuấn còn có “một người đang làm việc trong cơ quan bảo vệ pháp luật” nhưng tờ Thanh Niên không tiết lộ tên và cũng không cho biết người đó đang làm việc cho “cơ quan bảo vệ pháp luật” nào (công an, viện kiểm sát hay tòa án), thuộc cấp nào (tối cao hay địa phương). Liên quan đến Lý Chí Trung, tờ Thanh Niên kể thêm: “Cục Cảnh Sát Ðiều Tra Tội Phạm về tham nhũng đã bắt khẩn cấp một số đối tượng khi nhận trên 100 triệu đồng của thân nhân Lý Chí Trung”. Các “đối tượng” đó là ai, đang làm việc tại đâu cũng không được tiết lộ.

Trước đó, hồi đầu tháng năm, công an thị xã Bắc Cạn cho biết, khi phá một ổ cờ bạc lớn tại nhà nghỉ Hoàng Doanh, tọa lạc tại phường Ðức Xuân, thị xã Bắc Kạn. Công an thị xã này phát giác hai trong 10 con bạc bị bắt là cán bộ tòa án (chánh án của tòa án huyện Chợ Mới và một thẩm phán của tòa án thị xã Bắc Cạn).

Trước nữa, vào tháng 4, Thẩm phán Nguyễn Lê Lan, chánh án của tòa án tỉnh Bình Phước đã xông vào một nhà hàng tại thị xã Ðồng Xoài quậy phá vì ghen và đánh một nữ tiếp viên bể đầu. Thẩm phán này cũng chỉ bị cảnh cáo và yêu cầu... rút kinh nghiệm bất kể tờ Lao Ðộng công bố thêm một bài điều tra, liên quan đến thẩm phán Nguyễn Lê Lan, theo đó, vợ chồng bà Nguyễn Lê Lan từng lợi dụng sơ suất của một ngân hàng ở Bình Phước để dùng thẻ ATM rút 40 triệu đồng dù tài khoản của họ đã hết tiền. Sau khi phát giác vụ gian lận, ngân hàng kể trên đã nhiều lần cử người đến đòi lại tiền song cặp vợ chồng này không chịu hoàn trả. Cặp vợ chồng này chỉ chịu hoàn trả tiền sau khi ngân hàng dọa sẽ tiết lộ vụ việc cho báo chí, vào đúng lúc họ đang nổi tiếng bởi chuyện “chồng ăn nhậu trong giờ làm việc, vợ đánh ghen”.

Cũng trong tháng 4, tờ Tiền Phong đề cập đến một thẩm phán khác là ông Y Khooc, làm việc tại tòa án tỉnh Ðăk Lăk đã lợi dụng chức vụ để vòi tiền cả nguyên đơn lẫn bị đơn, bất kể họ đúng hay sai. Ông Nguyễn Văn Chí, chánh án tòa án tỉnh Ðăk Lăk, xác nhận: “Thẩm phán Y Khooc bị tố cáo ăn hối lộ trong nhiều vụ và ‘lãnh đạo tòa án đang xem xét giải quyết sự việc theo đúng quy định của luật khiếu nại tố cáo’. Ông Chí tiết lộ: “Tôi đã gọi Y Khooc lên nói chuyện... nhiều lần về cả... lý lẫn tình. Thậm chí tôi còn bảo, nếu ông khó khăn, thiếu tiền nuôi vợ, nuôi con tôi sẵn sàng trích lương của mình giúp gia đình ông mỗi tháng vài trăm ngàn, đừng làm chuyên tiêu cực nữa, ảnh hưởng tới uy tín của ngành nhiều quá”.

Theo luật tổ chức tòa án của chính quyền CSVN, thẩm phán vừa phải có cử nhân luật, vừa phải là đảng viên, đồng thời phải có năm năm làm thư ký tòa án. Yêu cầu phải là đảng viên khiến hệ thống tòa án không thể bổ nhiệm những người có văn bằng cử nhân luật và đủ năm năm là thư ký tòa án làm thẩm phán.

Năm 2004, Bộ Tư Pháp CSVN từng cho biết, khoảng 60% thẩm phán vẫn còn “nợ” văn bằng cử nhân luật. Năm 2007, khi bị Quốc Hội CSVN chất vấn về việc tại sao ngành tòa án có quá nhiều sai phạm và tai tiếng, ông Nguyễn Văn Hiện, chánh án tòa án tối cao thú thật: “Quy định hiện hành khiến ngành phải 'vơ vét' cả những người không đủ năng lực để bổ nhiệm làm thẩm phán mà vẫn không đủ”. (G.Ð)
Category: Hồ sơ Tham nhũng CSVN | Views: 1024 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 8
Khách: 8
Thành Viên: 0