Lễ rửa tội cho gần một ngàn tân tòng ở giáo xứ Hố Nai. (Hình: VietCatholic News)
|
|
Thay đổi tội danh của những giáo dân bị bắt ở Thái Hà
ROMA
(NV) - Báo điện tử Chiesa ở Roma vừa có một bài nhận định, theo đó,
“Không phải Giáo Hội Công Giáo Việt Nam mà chính CSVN đang run sợ” vì
họ thấy “Giáo Hội Công Giáo là cứ điểm của tự do cho tất cả mọi người”.
Ðó là lý do tại sao họ phải đàn áp giáo dân Việt Nam để chặn đứng sự cộng hưởng.
Trong
bài tường thuật về Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới đang diễn ra ở
Vatican với sự tham dự của hai giám mục Việt Nam là: Giám Mục Võ Ðức
Minh (Nha Trang) và Giám Mục Nguyễn Chí Linh (Thanh Hóa), báo điện tử
Chiesa kể rằng, Giám Mục Nguyễn Chí Linh cho biết, “Giáo Hội Công Giáo
Việt Nam là một trong những giáo hội bị thử thách nặng nề nhất vì các
cuộc bách hại đẫm máu và liên tục.”
Vị
giám mục này không đưa ra các chi tiết để minh họa cho tình trạng đàn
áp tôn giáo ở Việt Nam song ông kể rằng: “Bị đẩy vào một lịch sử dệt
bằng hận thù, chiến tranh ý thức hệ và những hạn chế kỳ thị, các tín
hữu Công Giáo Việt Nam ngày càng xác tín rằng chỉ có Lời Chúa mới có
thể giữ họ lại trong tình thương, trong an vui, hiệp thông và bao
dung”. Vào dịp này, Giám
Mục Nguyễn Chí Linh còn cho biết: “Có hàng ngàn người đã theo đạo Công
Giáo nhờ theo dõi các phương tiện truyền thông từ nước ngoài.
Một dấu hiệu khác đáng được nêu lên để chứng tỏ Lời Chúa tiếp tục nâng đỡ Giáo Hội tại Việt Nam. Ðó là cuộc trở lại của hàng ngàn người thiểu số, ít lâu sau lễ tôn phong hiển thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam
năm 1988”. Giám Mục Nguyễn Chí Linh bảo rằng: “Ðiều lạ lùng là những
người Thượng ấy cho biết họ đã nghe đài phát thanh của Tin Lành từ
Manila, Phi Luật Tân nhưng họ lại đến với Công Giáo tại Việt Nam. Người
Tin Lành gieo hạt và người Công Giáo gặt hái. Lời Chúa vang dội rất xa,
tới với họ và trở thành nguồn hy vọng cho những người sống ở các vùng
hẻo lánh, thiếu thốn mọi sự và không có tương lai”.
Mới
đây, theo VietCatholic News, sáng Chúa Nhật 19.10.2008, trong khuôn
viên nhà thờ Hà Nội (hạt Hố Nai), Linh Mục Trần Xuân Thảo, quản hạt Hố
Nai kiêm ban truyền giáo của giáo phận đã tổ chức lễ rửa tội, thêm sức
cho 971 anh chị em dự tòng.
Báo điện tử Chiesa nêu ra những khó khăn của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam qua các cuộc đấu tranh đòi công lý tại Hà Nội. Các sự kiện đã diễn ra cho thấy khó khăn sẽ còn với họ ở trước mặt.
Tổng
Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã bị chính quyền CSVN vu cáo bằng cách cắt xén
phát biểu của ông, nhằm kích động quần chúng, gây chia rẽ và hận thù
với Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt cũng như Công Giáo Việt Nam.
Việc
ông khẳng định: “Tôn giáo là một quyền tự do, không phải là sự xin -
cho” đã khiến chính quyền CSVN tức giận và âu lo. Nguyễn Thế Thảo, chủ
tịch UBND thành phố Hà Nội đã đòi Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam thuyên
chuyển Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt và các linh mục trông coi giáo xứ
Thái Hà đi nơi khác.
Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã từ chối thực hiện yêu cầu này vì “các ngài không làm gì trái với giáo luật”.
Nguyễn
Tấn Dũng, thủ tướng CSVN, còn dọa thêm rằng, nếu không chấm dứt, các
buổi cầu nguyện đòi công lý của giáo dân “sẽ có ảnh hưởng tiêu cực
trong mối quan hệ giữa nhà nước và Vatican”.
Ðến nay, chính quyền CSVN vẫn ngăn cản Vatican bổ nhiệm các tân giám mục. Vatican
đưa ra ba ứng viên và chính quyền CSVN đã gạt ra ngoài những ứng viên
họ không thích. Theo Chiesa, hai lần bổ nhiệm sau cùng, theo cung cách
này, đã được công bố hôm 15/10/2008 là việc cử giám mục phó cho Tổng Giáo Phận Hà Nội và Tổng Giáo Phận Sài Gòn.
Hồi Tháng Sáu, một phái đoàn của Vatican đã đến Việt Nam trong một chuyến thăm chính thức nhưng những gì xảy ra gần đây cho thấy trở ngại còn chồng chất ở phía trước.
Tuy
không hài lòng song chính quyền CSVN không dám khiêu khích Công Giáo
Việt Nam và các tôn giáo khác thái quá như trước, theo tin từ đài Á
Châu Tự Do, chính quyền CSVN đã chính thức đổi tội danh của những giáo
dân bị bắt giữ hồi tháng 8 vừa qua, vì cầu nguyện để đòi lại đất của
giáo xứ Thái Hà từ “hủy hoại tài sản” thành “gây rối trật tự công
cộng”. Hiện chỉ còn 2/8 giáo dân bị giam giữ. Sáu người còn lại đã được
tại ngoại.
|